Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN ẢNH ĐỂ PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ

22/10/2019

Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2009 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, rất cần thiết tiếp tục sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tiễn xã hội, nhất là sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ, kĩ thuật số… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tổng hợp, Luật Điện ảnh ra đời đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sự phát triển của ngành Điện ảnh. Qua 12 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, Điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt về cơ cấu tổ chức, đội ngũ và cơ sở vật chất. Các quy định của Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý thu hút, tập trung, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh và cho việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim… đưa Điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy Điện ảnh quốc tế.

Cùng với đó, Luật Điện ảnh đã tạo bước chuyển biến trong hoạt động phát hành, phổ biến phim, đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của nhân dân. Tính đến tháng 12 năm 2018, cả nước có 180 rạp/cụm rạp với số lượng phòng chiếu phim khoảng 930 phòng chiếu, số lượng ghế ngồi khoảng 130.000 ghế. Công tác thẩm định cấp giấy phép phổ biến phim đã được thực hiện nghiêm túc. Công tác chiếu phim ở các địa phương chủ yếu vẫn là hoạt động chiếu phim lưu động. Cả nước có 265 đội chiếu phim lưu động, trung bình hàng năm các đội chiếu phim lưu động ở các địa phương phục vụ được khoảng 43.270 buổi chiếu với khoảng 9.020.000 lượt người xem.

Tuy nhiên, trước sự vận động của xã hội, vấn đề hội nhập quốc tế và bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa có tính khả thi; chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa bao quát hết được mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay; chưa bắt kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim… đặc biệt chưa đề cập đến quản lý phổ biến phim phát qua vệ tinh, hay các quy định về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động, vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh… chưa được quy định đầy đủ và chưa có chế tài xử lý.

Trước thực tế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị – Hội thảo Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật Điện ảnh cần được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp để hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình.

Góp ý về Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được 70 ý kiến từ các Bộ, ngành; các Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh và Truyền hình; Các Hội, Hiệp hội, các cơ sở điện ảnh cũng như sự quan tâm của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Netflix…. Có khoảng 20 bài tham luận từ các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện Hồ sơ. Trong Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu đã góp ý cho nhiều nội dung như: Sự cần thiết của việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Điện ảnh và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; Đánh giá tình khả thi của chính sách trong Báo cáo tác động của chính sách; Góp ý Đề cương Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi…

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng Luật Điện ảnh là văn bản pháp lý quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động điện ảnh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển Điện ảnh Việt Nam.

Góp ý trong dự thảo, TS. Ngô Phương Lan Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng: Cho đến thời điểm này, không có gì còn băn khoăn, cần tranh luận về sự cần thiết phải ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi)… Các nhà làm Luật Điện ảnh cần tham khảo hoặc thậm chí “nhận thức lại” ở một số điểm để có thể soạn thảo một bộ Luật Điện ảnh sửa đổi thực sự là hành lang pháp lý, có giá trị điều chỉnh hoạt động điện ảnh một cách lâu dài mà không “lạc hậu” so với sự phát triển vũ bão của công nghệ trong kỷ nguyên số.

Bà Dương Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Điện Biên (đại diện cho Sở VHTTDL tỉnh) cho rằng sau 12 năm triển khai, thực hiện Luật Điện ảnh đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước và sự phát triển của ngành Điện ảnh. Song vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là tính khả thi, việc cụ thể hóa các văn bản dưới Luật chưa theo kịp sự phát triển và trong đời sống thực tiễn, nhưng chậm được điều chỉnh bổ sung, cụ thể: Một số chính sách được quy định trong Luật Điện ảnh còn quá nhiều bất cập, xa rời thực tiễn, đặc biệt là chính sách đặc thù cho các đội chiếu phim lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, vùng có bà con dân tộc thiểu số sinh sống như: Chế độ công tác phí, phương tiện cá nhân xe máy vận chuyển thiết bị chiếu phim, phụ cấp đặc thù, quy định số lượng mỗi đội, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc phổ biến phim, khiến các địa phương lúng túng, không có căn cứ để xây dựng bảo vệ biên chế, kinh phí, không thu hút được CBVC yên tâm công tác ở những vùng khó khăn. Cần có sự thống nhất toàn quốc về mô hình tổ chức của các đơn vị Điện ảnh ở địa phương…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, góp ý hoàn thiện xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh trình Chính phủ, nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 48 điều quy định những vấn đề chung; sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; quản lý nhà nước về điện ảnh.

Luật mới nếu được thông qua sẽ tác động đến sự phát triển điện ảnh ở nhiều nội dung, như: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; mở rộng nhóm đề tài và thay đổi phương thức của Nhà nước đặt hàng sản xuất phim, tạo cơ hội cho các dự án mới tham gia; quy định số buổi chiếu phim đối với mỗi phòng chiếu và tỷ lệ chiếu phim Việt Nam để giúp phim Việt Nam có điều kiện phát triển và đến gần với khán giả; quy định lưu chiểu, lưu trữ phim chặt chẽ hơn; chiếu phim lưu động được quan tâm nhiều hơn về việc đầu tư thiết bị chiếu phim, phương tiện vận chuyển, kinh phí hoạt động...

 

Trung tâm PHP và Chiếu bóng Ninh Bình