Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MỘT SỐ QUY ĐỊNH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁC DIỄN VIÊN, NGHỆ SĨ LÀM VIỆC TRONG LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

21/11/2019

Để ngành nghệ thuật biểu diễn của chúng ta ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, xứng đáng là công cụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Tư tưởng do vậy chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có những ưu đãi đặc thù.

Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20-5-2015 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được Chính phủ ký phê duyệt ban hành vào tháng 5-2016. Tiếp nối là sự ra đời của Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV “Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh”. Đây là bước đổi mới, cải tiến mạnh mẽ trong chính sách đãi ngộ của Nhà nước với các nghệ sĩ, diễn viên.

Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20-5-2015 đã phân định chi tiết với hai mức chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, bốn mức chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn. Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm: 15% và 20% phân loại các đối tượng cụ thể phù hợp đặc thù nghề nghiệp của từng bộ môn nghệ thuật. So với mức quy định cũ 50 nghìn đồng, 40 nghìn đồng, 20 nghìn đồng/buổi (Theo Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành Văn hóa - Thông tin) thì mức quy định bồi dưỡng biểu diễn của nghệ sĩ nâng lên rất nhiều là 200 nghìn đồng, 160 nghìn đồng, 120 nghìn đồng và 80 nghìn đồng, Mức phụ cấp tập luyện cũng được điều chỉnh đáng kể. Chỉ cần nhìn sự chênh lệch giữa các mức bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn hiện nay đang áp dụng với mức được áp dụng trước đây đã thấy rõ sự thay đổi đối với chế độ ưu đãi các nghệ sĩ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Sự ra đời của Thông tư Liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV “Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh” đã quy định những chính sách mới đặc thù riêng khi mà những người hoạt động ở chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh vẫn phải chiếu theo tiêu chuẩn quy định chung cho viên chức các ngành nghề khác, dẫn đến hệ quả tất yếu là số đông các nghệ sĩ không thể đáp ứng được những đòi hỏi về trình độ đào tạo mà không được thi nâng ngạch. Vì thế nên rất nhiều nghệ sĩ dù đã là NSND, NSƯT thì vẫn chỉ ở ngạch viên chức loại B, hệ số lương chỉ từ 1,86 đến 4,06. Đây là bất cập các nghệ sĩ trong nhiều năm qua. Khi Thông tư liên tịch này có hiệu lực thì các nghệ sĩ, diễn viên đang là viên chức nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hoặc đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật hiện đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là đối tượng được xét thăng hạng. Mỗi danh hiệu được phong tặng/ Giải thưởng chỉ được sử dụng một lần để xét xét thăng hạng lên hạng trên liền kề với hạng hiện giữ, đảm bảo giữ hạng theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015 mà hoàn toàn không phụ thuộc vào trình độ đào tạo.

Thông tư Liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV được ban hành đã thể hiện sự ưu đãi đặc thù đối với các viên chức làm nghệ thuật. Nói như vậy bởi có ý kiến cho rằng đây là một sự ưu tiên, ưu ái đặc cách “vượt ra ngoài quy định thông thường của viên chức”, nhưng chính sách ưu đãi thực tế, mới chính là tạo sự công bằng cho đội ngũ nghệ sĩ so với các ngành nghề khác. Người nghệ sĩ có tài năng, có cống hiến đã được thừa nhận qua các danh hiệu cao quý do Nhà nước trao tặng thì đương nhiên họ phải được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng với công sức và cống hiến cho nghệ thuật, cho xã hội./.

 

Phạm Thị Hoa

                                                                         Phòng Tổ chức - Pháp chế