Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT TRONG DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)

23/05/2022

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008. Đến nay, sau gần 14 năm thi hành, Luật PCBLGĐ đã tạo sự chuyên biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác PCBLGĐ. Theo đó, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có xu hướng giảm từng năm cả về số vụ và mức độ gây bạo lực. Tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, có tính chất lan tỏa rộng đến từng nhóm đối tượng cụ thể. Các mô hình PCBLGĐ, câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở nhiều địa phương được thành lập, kiện toàn, duy trì và nhân rộng góp phần phòng ngừa hành vi xấu và đẩy lùi tình trạng BLGĐ.

Mặc dù vậy, quá trình tổ chức thi hành Luật PCBLGĐ còn bộc lộ một số vướng mắc từ thực tiễn cũng như bất cập trong các quy định của Luật. Nhiều khái niệm chưa được làm rõ, hành vi BLGĐ chưa được nhận diện đầy đủ, đặc biệt, các quy định về xử lý người có hành vi bạo lực, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và việc thực hiện các biện pháp đảm bảo trong PCBLGĐ còn thiếu khả thi, gây khó khăn cho công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các cấp, các ngành. Thực tiễn trên đã khẳng định tính thiết yếu của việc sửa đổi, bổ sung những quy định mới để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu khai mạc Hội thảo khu vực phía Bắc việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (Ảnh: Internet)

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai xây dựng Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) với 04 quan điểm chính, cụ thể như sau: Một là, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về gia đình; Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và PCBLGĐ trong tình hình mới, cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay từ mỗi gia đình, bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; Ba là, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; Bốn là, kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

Ngày 06/5/2022. tại tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, TW Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội nghị Góp ý kiến Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi)

Qua nhiều lần xin ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đoàn thể có liên quan, Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) hiện có 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung 03 nội dung chính như: tăng cường biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; xây dựng cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống BLGĐ; khuyến khích xã hội, cộng đồng tham gia công tác này.

Điểm đặc biệt của Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) là có bổ sung những nội dung liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ - đối tượng đa số là nạn nhân của BLGĐ. Đây là những thay đổi phù hợp, có giá trị cao, góp phần phát huy hiệu quả, toàn diện công tác PCBLGĐ. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi một số các quy định về địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác BLGĐ; hình thức báo tin về vụ việc BLGĐ giúp đẩy nhanh việc phát hiện, báo tin và kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng về thể chất, tinh thần của người bị bạo lực.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu ý kiến đóng góp tại Hội nghị Phản biện xã hội về Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức

Đối với tỉnh Ninh Bình, kể từ khi Luật PCBLGĐ có hiệu lực thi hành đến nay, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sâu rộng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của ngành Văn hóa – Thể thao, trên địa bàn tỉnh, từ năm 2009 đến 2021, số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm đáng kể về số lượng (năm 2009 là 303 vụ; năm 2021 là 37 vụ), 99% (2.256/2.275 vụ) số vụ bạo lực gia đình được kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, tổ tư vấn, tổ hòa giải tại cơ sở cũng phát huy được vai trò, các mô hình điểm về PCBLGĐ cũng ngày càng được nhân rộng tại nhiều địa phương. Giai đoạn 2018 – 2021, trong 238 vụ bạo lực gia đình có 220 nạn nhân được tư vấn (tâm lý, tinh thần, pháp luật), 28 nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau khi bị bạo lực, 9 nạn nhân được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ sau gần 14 năm thi hành Luật, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) bằng nhiều hình thức như: triển khai thực hiện việc lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, địa phương có liên quan trên toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo phản biện xã hội, tiếp thu ý kiến; ban hành các văn bản góp ý và tham luận, phát biểu ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo do cấp Trung ương tổ chức.

Cho tới thời điểm hiện tại, Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi) đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục xin ý kiến của các ban, bộ, ngành có liên quan, tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý để có lượng thông tin đa chiều, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó hoàn thiện Dự án Luật với chất lượng cao, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến tháng 5/2022), Quốc hội Khóa XV./.

Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình