Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA DÂN GIAN VÙNG ĐẤT GIA THỦY, NHO QUAN, NINH BÌNH

13/07/2021

Gia Thủy là một trong nhiều xã nằm trong một vùng văn hóa thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư nơi có bề dày lịch sử văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian cùng hệ thống di tích, địa danh gắn với các sự tích, truyền thuyết liên quan đến quê hương, thân thế, hành trạng lúc sinh thời của vua Đinh Tiên Hoàng và sau này còn là căn cứ quân sự, có quan hệ mật thiết với kinh đô Hoa Lư. Tháng 8 năm 2020, thực hiện nhiệm vụ đề tài Nghiên cứu lịch sử vùng đất Gia Thủy từ đầu Công nguyên đến thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đợt khảo sát, điền dã, sưu tầm tư liệu lịch sử, văn hóa dân gian trên địa bàn 6 xã Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan), Gia Hưng, Liên Sơn (Gia Viễn). Đợt khảo sát, điền dã đã ghi nhận một số kết quả như sau:

          Về hệ thống di tích lịch sử văn hóa:

          Trong phạm vi không gian của đề tài, đoàn đã khảo sát các di tích thời Đinh và liên quan đến thời Đinh Lê cùng hệ thống di tích thờ các nhân vật lịch sử thời Đinh - Tiền Lê tập trung chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Thống kê bước đầu có 13 di tích thờ Đinh Tiên Hoàng và một số nhân vật lịch sử triều Đinh, tập trung chủ yếu ở xã Gia Thủy (7 di tích), xã Gia Tường (1 di tích) (huyện Nho Quan) và xã Gia Hưng (2 di tích), Liên Sơn (2 di tích) (huyện Gia Viễn).

Đoàn đã khảo sát 29 di tích lịch sử văn hóa, trong đó: Gia Thủy (13 di tích), Gia Sơn (6 di tích), Gia Tường (2 di tích), Gia Lâm (1 di tích), Gia Hưng (3 di tích), Liên Sơn (4 di tích). Loại hình di tích: đình (11), đền (13), chùa (4), miếu (1).

Xã Gia Thủy

Gia Thủy ở phía đông bắc của huyện Nho Quan cách trung tâm huyện 9km về phía bắc; phía đông giáp xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn; phía tây giáp xã Gia Lâm, phía nam giáp xã Gia Tường; phía bắc giáp xã Gia Sơn. Xã Gia Thuỷ có 12 thôn: Mỹ Thượng, Mỹ Thịnh, Cây Xa, Mỹ Lộc, xóm Chùa, Mai Xá, Hoàng Long, Minh Giang, Ngọc Sơn, Tân Sơn, Ngọc Nhị, Liên Phương. Gia Thủy  là vùng đất trũng, được bao bọc bởi sông Bôi ở phía đông và sông Đập ở phía tây. Dân cư khu vực này sống trên các gò, mô đất cao, xung quanh là các đầm, ao, ruộng trũng ngập nước. Khi chưa có đê Hoàng Long, mùa lũ nước đổ về gây ngập lụt nhưng rút nhanh, đồng ruộng được bồi đắp phù sa, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, cư dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và chăn nuôi.

Gia Thuỷ là nơi có nhiều đình, đền, chùa, miếu (16 di tích: chùa (3), đình (4), đền (5), miếu (3)), tiêu biểu nhất là cụm di tích đình, chùa Mỹ Hạ, miếu An Lạc (xóm Chùa); cụm di tích đình, đền, chùa Mai Xá (làng Mai Xá), đình Ngọc Ba (thôn Ngọc Sơn), đền Cầu Mổ (thôn Mỹ Thượng), miếu Long Viên (thôn Mỹ Thịnh)... Đây cũng là nơi tập trung nhiều di tích thờ Đinh Tiên Hoàng và một số nhân vật lịch sử triều Đinh như Thái hậu Dương Vân Nga, 2 vị tướng triều Đinh, Kim Tinh công chúa (Bà chúa coi kho của vua Đinh), bà vú tắm cho vua Đinh lúc mới sinh.

Xã Gia Sơn

Gia Sơn ở phía  đông bắc huyện Nho Quan, cách trung tâm huyện 12km, cách thành phố Ninh Bình 35km; phía bắc giáp xã Gia Hưng huyện Gia Viễn. Toàn xã có 7 thôn, Hạnh Phúc: Đông Minh, Thanh Quyết, Quang Trường, Xuân Long, Nga Mai, Ninh Thủy. Trên địa bàn xã Gia Sơn có 8 di tích lịch sử văn hóa, gồm chùa (1), đình (3), đền (2), nhà thờ họ (2). Đoàn nghiên cứu đã tiến hành khảo sát sưu tầm tư liệu tại Đình Mai (thôn Nga Mai), đình/đền Sào Long (thôn Xuân Long), cụm di tích chùa Mơ, đình Văn Chỉ, đền Cồ Cáo, đền Cơm Trắng (thôn Quang Trường).

Xã Gia Lâm

Gia Lâm ở phía bắc huyện Nho Quan, cách trung tâm Thị trấn Nho Quan 7km. Phía bắc giáp xã Gia Sơn; phía Nam có dòng sông Na chảy từ Lạc Thủy (Hòa Bình) đổ nước vào sông Bôi, là ranh giới tự nhiên với xã Gia Tường; phía đông giáp xã Gia Thủy; phía tây giáp xã An Bình - huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Xã Gia Lâm có 10 thôn, cư dân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, khai thác lâm sản, mộc, nề... Trên địa bàn xã Gia Lâm có 15 di tích lịch sử văn hóa, gồm chùa (1), đình (3), đền (7), miếu (4).  Đoàn đã khảo sát, sưu tầm tư liệu tại đền Đồng (đền Hạ), phát hiện dấu tích 2 ngôi mộ gạch ở khu vực phía sau đền.

Xã Gia Tường

Gia Tường nằm ở phía đông bắc của huyện Nho Quan. Phía bắc giáp xã Gia Thủy, Gia Lâm; phía đông giáp với xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, xã Đức Long, huyện Nho Quan; phía nam giáp xã Lạc Vân; phía tây giáp xã Phú Sơn, Thạch Bình. Xã Gia Tường có 7 thôn: Kiến Phong, Công Luận, An Nội, Mỹ Quế, Ngọc Thự, Đầm Bái, Sơn Cao, cư dân trên địa bàn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản.

Gia Tường có 10 di tích lịch sử, trong đó đình (4), đền (3), chùa (3). Đoàn đã khảo sát, sưu tầm tư liệu tại đền Mỹ Quế  và  đền  Công Luận.

Xã Gia Hưng

Gia Hưng là một xã miền núi nằm ở phía bắc huyện Gia Viễn, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 25km. Phía đông giáp xã Gia Hòa, phía nam giáp 2 xã Liên Sơn (Gia Viễn) và Gia Thủy (Nho Quan), phía bắc giáp huyện Thanh Liêm (Hà Nam), phía tây giáp xã Xích Thổ (huyện Nho Quan). Trên địa bàn xã Gia Hưng có 11 di tích lịch sử, trong đó đình (3), đền (5), chùa (2), miếu (1). Xã Gia Hưng xưa là quê ngoại của Đinh Bộ Lĩnh, tại đây có di tích động Hoa Lư với thung Lau, thung Lá, thung Lụi, những địa danh này gắn liền với truyền thuyết tập trận cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh thuở còn niên thiếu. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu ở cánh đồng Rộc Xéo, tập trận cờ lau ở động Hoa Lư. Đoàn đã tiến hành khảo sát 3 di tích tiêu biểu nhất: đình Trai, động Hoa Lư và chùa Linh Viên.

Xã Liên Sơn

Liên Sơn là một xã miền núi nằm ở phía bắc huyện Gia Viễn, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 24km. Địa hình gồm nhiều đồi đất nối tiếp nhau, tiếp giáp với sông Hoàng Long. Phía đông giáp xã Gia Hòa, phía nam giáp xã Gia Phú, phía bắc giáp xã Gia Hưng, phía tây giáp xã Gia Thủy (huyện Nho Quan). Xã Liên Sơn nằm giáp xã Gia Hưng nơi có động Hoa Lư và Gia Thủy là quê ngoại của vua Đinh nên trên địa bàn xã có nhiều di tích thờ vua Đinh và các trung thần của nhà Đinh. Đình Bình Khang là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần có công giúp vua Đinh nên rất được sùng bái trong vùng. Đền Ngọc Sơn, thôn Uy Viễn thờ 2 vị Lưu Cơ, Đinh Điền và đền Quan Thái Bảo, xóm Trường Xuân thờ Trịnh Tú.

- Sau khi khảo sát hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Nho Quan và Gia Viễn, ghi nhận các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện nhiều nhất ở Gia Thủy (7 điểm) và phát triển lan dần theo hướng về phía hạ lưu sông Bôi, hình thành nên một không gian văn hóa, một vùng tín ngưỡng thờ vua Đinh đậm nét ở Nho Quan nói  riêng, Ninh Bình nói chung. Một số nhân vật lịch sử có liên quan đến triều đại nhà Đinh đã được tôn xưng là Thành hoàng ở nhiều nơi như: Song thân phụ mẫu của vua Đinh; Đinh Tiên Hoàng, Thái hậu Dương Vân Nga và các con trai, gái (Đinh Liễn, Phất Kim công chúa, Phù Dung công chúa, Minh Châu công chúa, Liên Hoa công chúa…); các vị tướng lĩnh, trung thần nhà Đinh (“tứ trụ triều Đinh” Lưu Cơ, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú), các vị nữ thần (Kim Tinh công chúa (Bà chúa coi kho của vua Đinh), bà vú tắm cho vua Đinh lúc mới sinh...). Không chỉ ở Ninh Bình mà phạm vi thờ tự các vị nhân thần thời Đinh còn mở rộng ra Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình… Điều này cho thấy trong tâm thức dân gian của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng trải đến vùng Bắc trung bộ, những nhân vật lịch sử, những sự kiện liên quan đến triều đại nhà Đinh được dân gian kính ngưỡng và thờ cúng như Phúc tướng, Phúc thần bảo vệ đời sống cư dân của các xóm làng. Trong tâm thức  dân gian, những nơi thờ các vị nhân thần thời Đinh đều rất linh thiêng

Sự “nhập thân văn hóa” của các nhân vật lịch sử có liên quan đến triều đại nhà Đinh trong tín ngưỡng dân gian: Ngoài những di tích mà các nhân thần thời Đinh được thờ độc lập như Thành hoàng làng, ở khá nhiều di tích, các nhân thần thời Đinh còn được phối thờ cùng với vua Đinh Tiên Hoàng và Thánh Cả Nguyễn Minh Không, Thánh Hai Tô Hiến Thành.

Như vậy, ở đây chúng ta đã thấy có sự hỗn dung tín ngưỡng trong việc thờ tự Đinh Tiên Hoàng cùng các vị nhân thần thời Đinh và tín ngưỡng dân gian của cư dân (thờ cùng các danh nhân được Thánh hóa Nguyễn Minh Không, Tô Hiến Thành …).

Về hệ thống tư liệu thư tịch cổ, sự tích các nhân vật được thờ trong các di tích

Đi cùng hệ thống di tích lịch sử đình, đền, miếu là hệ thống các sắc phong, thần tích, ngọc phả, văn bia, đại tự, câu đối, văn tế... và lễ hội của các làng xã. Các vị thần được tôn thờ làm Thành Hoàng hoặc Phúc thần ở các làng đều được các triều đại sắc phong. Sắc phong sớm nhất ở đình Mai (xã Gia Sơn) được ban vào năm Cảnh Hưng 44 (1783), hầu hết sắc phong ở các di tích còn lại có niên đại thời Nguyễn.

Qua sự tích và lý lịch các nhân vật được thờ trong các di tích lịch sử trên địa bàn 6 xã thấy rõ việc thờ tự các vị (nhiên) thần phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh xuất hiện nhiều ở các đình làng (với vai trò là Thành hoàng) thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn. Các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm: đình Sơn Cao, chùa Công Luận, đền Mỹ Quế  (xã Gia Tường); đình Kim Đôi, đền Kiều (xã Gia Lâm); chùa Linh Viên (xã Gia Hưng); thờ Quý Minh đại vương: đình Bình Khang, đình Sơn Dương (xã Liên Sơn).

Việc phối thờ Thành Hoàng cùng các nhân thần Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Minh Không…) khá phổ biến ở các di tích, còn nhận thấy được qua hệ thống bài trí ngai thờ, tượng thờ trong 1 số di tích.

  Về sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian (truyền thuyết dân gian, ca dao, hò vè, tên địa danh cổ, phong tục tập quán…)

Phỏng vấn 8 cụ già, người cao tuổi ở 6 xã Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm,Gia Tường, Gia Hưng, Liên Sơn để sưu tầm truyền thuyết dân gian, địa danh có liên quan đến thân thế, hành trạng của Đinh Bộ Lĩnh. Xác minh một số địa danh như: Miếu Long Viên, Giếng Ngọc, đền Bà, đình Mai Xá, đền Mỹ Lộc, đền Cầu Mổ đình Bến, đồi Cầu, đồi Phi, đền Cơm Trắng, bến Cầu, bến Dội, gò Nắm Cơm, gò Chòi, đồi Họ, Vườn Kiệu, Gò Bái Lọt, Cánh đồng Quân, Gò Văn Chỉ, Rừng Am, Hòn Ngọc, khu Bàn Cờ Rốn Chiêng, cánh đồng Xới Bông, núi Bàn Trang, đồng Vàng, bến Ngự Dội, đồng Quân…

Phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian còn được lưu truyền lại: dựng cây nêu ngày tết, làm bánh tu hú, thờ đá (Bụt Mọc), kiêng húy 1 số từ...

Về tín ngưỡng tôn giáo

Tín ngưỡng dân gian

* Thờ cúng tổ tiên: Thờ cúng tại nhà, bàn thờ gia tiên thường được đặt ở gian chính giữa nhà. Tục chăm sóc phần mộ gia tiên, con cháu ra mộ thắp hương, khấn vái ông bà tổ tiên vào tiết thanh minh, dịp đầu năm mới hoặc cuối năm. Nếu xem bói có động mồ động mả cha ông thì người dân làm lễ tạ mộ, xin thần linh thổ địa cho long mạch mộ phần được yên ấm.

* Thờ cúng thần linh: xuất phát từ quan niệm quỷ thần linh thiêng, dân vùng Nho Quan, Gia Viễn từ xa xưa đã có tục thờ Thần linh, là nhân thần (chủ yếu là các vị thần “Hoa Lư tứ trấn” như thần Thiên Tônthần Cao Sơn và thần Quý Minh) hay nhiên thần (thần đá, thần cây, thần sông, thần núi…) trong các đình, đền, miếu, phủ…

* Tín ngưỡng thờ Vua: Các di tích ở Nho Quan và Gia Viễn nổi bật với việc thờ các vị Vua mà đứng đầu là Vua Đinh Tiên Hoàng và hàng chục di tích liên quan đến Lê Đại Hành, đều nằm ở phía bắc tỉnh Ninh Bình. Vua Lê Đại Hành cũng được phối thờ với Đinh Tiên Hoàng ở các huyện Hoa Lư, Thành phố Ninh Bình, Yên KhánhYên MôKim Sơn...

* Tục thờ Mẫu Tứ phủ và Mẫu Liễu Hạnh: Theo quan niệm dân gian, Mẫu Tứ phủ là vị Thần đảm bảo cho các vụ mùa bội thu, là sản phẩm của tư duy nông nghiệp. Mẫu Tứ phủ bao gồm: Mẫu Thượng Thiên (đệ nhất), Mẫu Thượng ngàn (đệ nhị), Mẫu Thoải (đệ tam), Mẫu Địa (đệ tứ). Dân gian còn gọi tắt Mẫu Tứ phủ là Thiên phủ, Sơn phủ, Thủy phủ và Địa phủ. Hầu như xã nào ở Nho Quan và  Gia Viễn cũng có đền Mẫu, miếu Mẫu hoặc đền Tam Phủ, Tứ phủ. Các ngôi chùa Tiền Phật hậu Mẫu hoặc có điện thờ Mẫu cạnh chùa khá phổ biến ở Gia Thủy, Gia Hưng. Cùng với điện Mẫu, tục thờ Mẫu còn có các tượng chầu và Ngũ vị tôn ông, các tượng cô, tượng cậu cũng được tín ngưỡng dân gian vùng  này  thờ cúng.

* Tín ngưỡng thờ Thánh (Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh Nguyễn Minh Không, Thánh Tô Hiến Thành …): dân gian quan niệm: đức Thánh Trần đủ tài, đủ uy tróc quỷ trừ tà, nên ở Nho Quan và Gia Viễn có một số di tích thờ đức Thánh Trần như đền đức Thánh Trần ở thôn Kiến Phong (xã Gia Tường), đền Thượng thôn Tân Sơn (xã Gia Thủy); thờ Mẫu Liễu Hạnh như chùa Linh Viên (xã Gia Hưng), chùa Công Luận (xã Gia Tường), chùa Mỹ Hạ (xã Gia Thủy). Ngoài đức Thành Trần, ở Ninh Bình còn có một không gian văn hóa liên quan đến một vị thánh - Thiền sư Nguyễn Minh Không. Trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có khả năng phi thường, đi mây về gió; là người có phép thuật tài ba, là ông tổ nghề đúc đồng... Ông là một trong số rất ít những nhân vật được dân gian phong Thánh (cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thời Trần). Ông được rất nhiều địa phương trong nước phụng thờ như Phật, như Tiên, như Thần. Ông còn được các triều đại sắc phong là Thượng đẳng thần, được nhân dân suy tôn với tư cách là thành hoàng làng... Trên địa bàn 10 tỉnh của đồng bằng châu thổ sông Hồng có tới 26 nơi thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh đặc trưng liên quan đến tục thờ Đức Thánh Cả. Nếu Nguyễn Minh Không được dân phong là Đức Thánh Cả thì Tô Hiến Thành là Đức Thánh Hai. Hiện nay người dân Ninh Bình vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: “Điềm Giang Thánh Cả, Điềm Xá Thánh Nhị” ngụ ý đền Điềm Giang (xã Gia Thắng) thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không, gọi là đức Thánh Cả và đền Điềm Xá (xã Gia Tiến) ở chân núi Kiếm Lĩnh, thờ Thái sư Tô Hiến Thành thời Lý, gọi là Đức Thánh Nhị. Sau khi mất, Tô Hiến Thành được các triều đại sắc phong và ông được nhiều làng thờ làm Phúc thần, Thành hoàng làng. Tại Ninh Bình, các đình và đền thờ Tô Hiến Thành, đều tập trung ở huyện Gia Viễn: đền thờ Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến); đền thờ Đức Thánh Tô Hiến Thành (thôn Xuân Lai, xã Gia Tiến); đình Trùng Hạ, đình Trùng Thượng (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân); đình Vân Thị (thôn Vân Thị, xã Gia Tân); đình núi Thiệu (thôn Thần Thiệu, xã Gia Tân), đền Sào Long (thôn Sào Long, xã Gia Lập) và đền Đồng Mỹ (xã Gia Lập).

* Thờ Thành hoàng: Đình là kiến trúc quan trọng và có quy mô lớn nhất làng, là trung tâm văn hóa của cộng đồng, thờ Thành hoàng (có thể là nhiên thần, Nhân thần, Thiên thần), đặc biệt là hệ thống thờ Cao Sơn Tản viên, Quý Minh đại vương là Thành hoàng làng. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ và ngày kỵ Thánh, làng xã duy trì lễ hội, tổ chức tế, lễ, rước. Phần Rước là nghi lễ thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo dân chúng, đó là nghi lễ di chuyển bài vị/thần vị hoặc sắc phong của các vị Thánh/Thần được tôn làm thành hoàng từ đình lên đền hay chùa. Các việc như dâng hương, dâng rượu, rước kiệu, xướng lễ… đều do những người cao tuổi có đức, phúc do làng chọn ra để đảm đương.

Tôn giáo

Nhân dân vùng Nho Quan và Gia Viễn phần lớn theo tín ngưỡng dân gian, thờ cúng ông bà tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc, bộ phận nhân dân theo đạo Phật cũng khá đông, số rất ít theo đạo Công giáo (người theo đạo Thiên chúa chỉ chiếm 0,24% dân cư xã Gia Tường; chiếm 1,5% dân cư xã Gia Sơn). Dấu ấn của Nho, Phật, Đạo hòa cùng tín ngưỡng dân gian của cư dân địa phương vùng Nho Quan, Gia Viễn tạo nên sự hỗn dung văn hóa được thể hiện rất rõ nét qua việc thờ tự tại các di tích đình, đền, chùa, miếu... tại khu vực này. Một số ngôi chùa thờ cả Phật, Thánh (Tam vị Tản viên), Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời thờ Đế Thích thiên đình (chùa Công Luận, xã Gia Tường). Đình Ngọc Nhị thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, phối thờ cùng Đức Thánh Trần, Thánh Cả Nguyễn Minh Không, thờ Mẫu (mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn). Phần lớn các ngôi chùa đều có điện/phủ thờ Mẫu ngay trong khuôn viên chùa, bên cạnh chùa hoặc bố cục theo kiểu tiền Phật hậu Mẫu, tiền Phật hậu Thánh

Có thể nói, hệ thống các đền thờ, sắc phong, thần tích và lễ hội liên quan đến Đinh Tiên Hoàng và các nhân thần thời Đinh là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân vùng Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư (Ninh Bình). Điều này cho thấy, trên thực tế, ngoài sức ảnh hưởng của một nhân vật lịch sử, với sự kính trọng và sùng bái của người dân, thông qua các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, Đinh Tiên Hoàng đã tạo ra một không gian văn hóa trải dài từ Ninh Bình mở rộng ra các tỉnh châu thổ sông Hồng, tới miền Bắc Trung Bộ. Những kết quả khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian đã góp phần làm rõ hơn những đường nét lịch sử - văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Gia Thủy trong vùng tam giác Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư trong thời kỳ “tiền Hoa Lư” - khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đây được coi là vùng lõi của không gian văn hóa gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng. Dù có những dị bản khác nhau về quê ngoại của Đinh Tiên Hoàng và một số câu chuyện liên quan đến xuất  thân của ông nhưng đối với dân gian, Đinh Tiên Hoàng và những nhân thần thời Đinh là nơi người dân gửi gắm niềm tin và niềm tự hào về một thời kỳ độc lập - tự chủ của nhà  nước Đại Cồ Việt.  Không gian văn hóa ấy, một lần nữa trở lại giúp củng cố nhận thức trong lịch sử về sức mạnh của Đại Cồ Việt, về ý thức chủ quyền quốc gia, về không gian sống của người Việt thời Đinh - Tiền Lê. Cho đến ngày nay, không gian văn hóa gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng vẫn tiếp tục được duy trì và bảo lưu và chuyển tiếp tới các thế hệ sau thông qua các hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng; các câu chuyện kể, truyền thuyết và huyền tích ở vùng Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư… Các di tích, truyền thuyết, lễ hội về Đinh Tiên Hoàng vẫn sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và quan trọng hơn việc nhận diện không gian văn hóa có liên quan đến Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình và các tỉnh lân cận càng chứng minh sức mạnh, sức lan tỏa của ông trong lịch sử quốc gia, dân tộc.

Nhóm nghiên cứu

 

thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng. Dù có những dị bản khác nhau về quê ngoại của Đinh Tiên Hoàng và một số câu chuyện liên quan đến xuất  thân của ông nhưng đối với dân gian, Đinh Tiên Hoàng và những nhân thần thời Đinh là nơi người dân gửi gắm niềm tin và niềm tự hào về một thời kỳ độc lập - tự chủ của nhà  nước Đại Cồ Việt.  Không gian văn hóa ấy, một lần nữa trở lại giúp củng cố nhận thức trong lịch sử về sức mạnh của Đại Cồ Việt, về ý thức chủ quyền quốc gia, về không gian sống của người Việt thời Đinh - Tiền Lê. Cho đến ngày nay, không gian văn hóa gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng vẫn tiếp tục được duy trì và bảo lưu và chuyển tiếp tới các thế hệ sau thông qua các hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng; các câu chuyện kể, truyền thuyết và huyền tích ở vùng Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư… Các di tích, truyền thuyết, lễ hội về Đinh Tiên Hoàng vẫn sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và quan trọng hơn việc nhận diện không gian văn hóa có liên quan đến Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình và các tỉnh lân cận càng chứng minh sức mạnh, sức lan tỏa của ông trong lịch sử quốc gia, dân tộc. 

 

TS. Nguyễn Anh Thư và nhóm nghiên cứu

của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình