NINH BÌNH CÓ THÊM 02 LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
31/12/2024Năm 2024, Ninh Bình có thêm 02 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) và Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, đều thuộc tỉnh Ninh Bình). Cùng với 07 di sản văn hoá di sản văn hoá phi vật thể đã được công nhận từ trước: Lễ hội Trường Yên xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (2014), Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (2019), Lễ hội làng Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô (2021), Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình (2022), Nghề thêu - ren Ninh Hải xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (2024), Mo Mường tỉnh Ninh Bình (2024), Nghề cói Kim Sơn huyện Kim Sơn (2024), toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 09 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
1. Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô)
Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) là một trong những lễ hội nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Về ý nghĩa của tên gọi “Báo bản” có thể hiểu như sau: “Báo” nghĩa là “báo đáp”, “báo công” ; “Bản” nghĩa là “gốc” (quê hương bản quán). “Báo bản” nghĩa là báo đáp công đức của thành hoàng làng, các bậc tiền hiền, những người có công khai khẩn đất đai, lập dựng xóm làng.
Các cụ bô lão tế lễ tại đền
Làng Nộn Khê có tên Nôm là làng Nuốn, thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Làng Nộn Khê cách thành phố Ninh Bình khoảng 25km về phía Tây Nam, cách huyện Yên Mô (thị trấn Ngò) 5km về phía Đông Nam, theo đường 59B, phía Bắc giáp xã Yên Phong, phía Nam giáp sông Bút (phần tiếp nối với sông Vạc), phía Tây tiếp giáp sông Trinh, phía Đông giáp làng Quảng Từ (cùng xã). Hiện nay, làng có 32 dòng họ, trong đó có 8 dòng họ được xem là các lớp cư dân đến đầu tiên gồm: Bùi, Đinh, Phạm, Cao, Mai, Lê, Trần, Nguyễn. Họ Bùi Chiếm Xạ ở đây được xem là dòng họ khai hoang lập ấp đầu tiên, sớm hơn so với cư dân thuộc các dòng họ khác trong làng, có 4 chi, trải 21 đời với khoảng 60 hộ. Họ Đinh có 8 chi, trải 20 đời với chừng 40 hộ gia đình.
Làng Nộn Khê phân bố thành bốn xóm: xóm Chùa, xóm Thượng, xóm Trung và xóm Cầu. Làng được các cụ xưa quy hoạch theo kiểu chữ “thập”. Đình làng tọa lạc nơi trung tâm, bốn giáp (xóm) ở về bốn phía. Dân làng Nộn Khê vẫn truyền nhau rằng: đây là ý của các cụ thủy tổ muốn tạo dựng làng vuông vức như bánh chưng với ý nghĩa của sự bền lâu, hợp sức, thuận lẽ đất trời.
Trò chơi dân gian ‘Chơi đu’ tại lễ hội Báo bản
Dân làng Nộn Khê nổi tiếng về hiếu học. Xưa kia, làng có nhiều người đỗ đạt cao. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là vào dịp Lễ hội Báo bản, đông đảo các cá nhân, gia đình gốc làng Nộn Khê dù đang làm ăn, sinh sống ở trong và ngoài nước vẫn giữ lệ xưa trở về quê hương dự lễ báo đáp tổ tiên.
Theo các cụ già làng Nộn Khê kể lại, xưa kia Lễ hội Báo bản Nộn Khê chỉ diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Từ năm 1986, lễ hội Báo bản được khôi phục lại, vì một số lý do, điều kiện, với sự nhất trí cao của toàn thể dân làng nên lễ hội được tổ chức, diễn ra trong hai ngày là ngày 13 và 14 tháng Giêng âm lịch.
Ngoài ra, còn có 2 buổi chợ đêm Cổng Đình (vào tối 12 và tối 13 tháng Giêng), thu hút hàng ngàn người từ các địa phương lân cận về gặp gỡ giao lưu, thưởng thức món quà quê hấp dẫn, đậm đà hương vị quê hương. “Chợ đêm cổng Đình xưa” được tổ chức tái hiện lại qua chương trình “Chợ đêm ẩm thực”, với rất nhiều món ăn ngon mang đậm nét văn hóa vùng quê như: bánh đúc, bánh đa, bánh khoái, bánh kê, bún ốc, bún riêu cua…
2. Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)
Lễ hội Đền Thánh Nguyễn là một trong những lễ hội lớn không chỉ của vùng Gia Viễn nói riêng mà của cả tỉnh Ninh Bình. Lễ hội Đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về thiền sư Nguyễn Minh Không. Theo Ngọc phả Đền Thánh Nguyễn, thiền sư Nguyễn Minh Không sinh vào ngày 15 tháng 10 năm Quý Sửu. Khi thiền sư Minh Không hóa ngày 12 tháng 6 năm 1141, vua Lý đã hạ lệnh thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng… Từ trên Sơn Tây đến Ái Châu đều thờ phụng ngài, lấy Đàm Xá là nơi thờ chính. Đây là một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức để tưởng nhớ và tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không.
Lễ hội đền Thánh Nguyễn
Lễ rước bách thần
Đền Thánh Nguyễn và đền Vua Đinh cùng nhiều đền, chùa, miếu trên địa bàn huyện Gia Viễn là những công trình mang đậm tính lịch sử, văn hóa nghệ thuật và tâm linh. Thân thế sự nghiệp của các bậc đế vương, bậc thánh, của các quan tướng, người có công được ghi danh sử sách; các công trình đó thể hiện bản sắc văn hóa của con người và vùng đất Gia Viễn; một số người được tôn vinh là thần thánh được nhân dân tôn thờ, thân thế và sự nghiệp được thần thoại hóa, được lưu truyền thành truyền thuyết theo dòng chảy lịch sử. Trong đó, Nguyễn Minh Không được tôn vinh là Thần, Thánh, Phật và Tiên, qua câu đối ở đền Đức Thánh Nguyễn, tạm dịch là:
Là Thánh, là Thần, đạo giúp được vua, danh ở sử
Chính Tiên, chính Phật, ơn ban cùng đế, phúc trong dân
Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế, của Đức Thánh Nguyễn Minh Không và nhiều nhân vật lịch sử huyện Gia Viễn là tấm gương ngời sáng để nhân dân Gia Viễn, nhất là thế hệ trẻ học tập và làm theo.
Khai mạc Lễ hội đền Thánh Nguyễn năm 2024
Sau khi Thánh Nguyễn Minh Không mất, nhân dân làng Đàm Xá - nay là xã Gia Tiến và xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn hằng năm đã tổ chức lễ Kỳ Phúc (Hát Lệ) từ ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch. Theo truyền thuyết lưu truyền lại trong dân gian, đây là ngày được Đức Thánh quy định từ khi dựng chùa Viên Quang năm 1121 để cầu phúc cho nhân dân. Ngày này đã trở thành thông lệ, trong kệ của Đức Thánh Nguyễn có ghi “sáu năm mở hội vui một lần” vào các năm Mão, Dậu và có thể lâu hơn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương. Tại Bến Bia vẫn còn câu đối “Lục niên khai hội”.
Hiện nay, Lễ hội đền Thánh Nguyễn tổ chức được tổ chức hàng năm vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch. Các nghi thức tế lễ chính rước bách thần, rước nước, tế Lục khúc, hát chầu kệ… được tiến hành long trọng, đặc biệt vẫn đang được nhân dân duy trì tạo nên sự linh thiêng về tâm linh cũng như giải tỏa được một phần nào đó những khó khăn trong cuộc sống, song song với đó là những trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi thu hút rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày nay, dịp lễ lội không chỉ có nhân dân của hai xã Gia Thắng và Gia Tiến tham gia mà nhân dân trong vùng Gia Viễn, các huyện lân cận và thành phố Ninh Bình cũng nô nức về dự hội.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sau 05 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ
- CÔNG TÁC QUẢN LÍ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
- LỄ HỘI ĐỀN THÁI VI NĂM 2021
- LỄ HỘI HOA LƯ NĂM 2021
- 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình