Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

LỄ HỘI BÁO BẢN LÀNG NỘN KHÊ (Xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)

13/07/2021

Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) là một trong những lễ hội làng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, về quy mô, diễn trình và một số lễ thức.

Về ý nghĩa của tên gọi “Báo Bản” có thể hiểu như sau: “Báo” nghĩa là “báo đáp”, “báo công”;

“Bản” nghĩa là “gốc” (quê hương bản quán).

“Báo Bản” nghĩa là báo đáp công đức của tiền nhân, ông cha, những người có công khai khẩn đất đai, lập dựng xóm làng.

Nghi lễ đặc sắc của Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê cũng chính là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của văn hóa Việt Nam, góp phần tạo lập, duy trì bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo các cụ già người làng Nộn Khê kể lại, thì xưa kia Lễ hội Báo Bản Nộn Khê diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Vài năm trở lại đây, vì một số lý do, điều kiện, với sự nhất trí cao của toàn thể các vị chức sắc và dân làng nên lễ hội được tổ chức, diễn ra trong hai ngày: 13 và 14 tháng Giêng âm lịch.

Lễ tế nhập tịch

Ngày 12 dân làng tiến hành các công việc chuẩn bị, buổi chiều nghi thức tế nhập tịch diễn ra. Lễ hội Báo Bản hàng năm người làng Nộn Khê dù đang làm ăn sinh sống ở đâu cũng ghi nhớ về quê để bái yết tổ tiên, gặp mặt gia đình, họ giáp và cùng tham dự hội lễ đầu năm.

Lễ tế nhập tịch diễn ra vào chiều ngày 12 tháng Giêng nhằm thỉnh mời các chư vị thần thánh, thành hoàng về chứng giám hội làng. Nghi lễ này bao gồm các hoạt động:

  • Trưởng thôn đọc bản lễ văn nhập tịch và khai hội;
  • Một vị trưởng lão trịnh trọng đánh ba hồi trống.
  • Tế nam quan : Nhằm tôn vinh công đức của tiền nhân đã có công lao khai dân lập ấp, sinh thành, tạo tác, phù hộ độ trì cho dân làng Nộn Khê và con cháu bao đời sinh cơ lập nghiệp, ăn nên làm ra, được hưởng ơn phúc đức và cầu mong may mắn, mưa thuận gió hòa, tai qua nạn khỏi. Trang phục của đoàn tế hầu hết là màu xanh. Theo lời các cụ cao niên người địa phương thì đây là biểu hiện của sự ngưỡng vọng về các vị tiền nhân là thánh vốn sinh thời là quan văn, theo nghiệp “văn”. Nghi thức của tế nam quan gồm: hương, bái, dâng tửu tiến tửu, quỳ, tiến, bình thân… do một vị “nữ quan” xướng tế (thường gọi là người dâng nhạc) vốn là một người “khách phương xa”. Đây là một nét độc đáo của tế nam quan ở Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê.

Lễ rước kiệu

Rước kiệu là một nghi lễ quan trọng tiêu biểu bậc nhất trong Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, được tổ chức vào sáng ngày 14 tháng Giêng. Diễn trình của nghi lễ như sau:

Kiệu rước do tám thanh niên được tuyển lựa khiêng trên vai và một người đi dẫn đầu cầm cờ kiệu. Một kiệu rước bài vị thờ các bậc tiên hiền của làng, một kiệu rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, một kiệu rước bảng ghi họ tên các anh hùng liệt sỹ là người làng Nộn Khê đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trang phục của người khiêng kiệu là quần áo lễ với ba màu xanh, vàng, đỏ cho ba kiệu khác nhau, thắt lưng bỏ mối bên hông, đầu chít khăn đỏ theo lối thủ rìu, chân quấn xà cạp.

Cả ba đoàn kiệu khởi hành từ đình làng vào khoảng giờ Mão, điểm đến là miếu thờ các vị thành hoàng, cách đình khoảng một cây số. Đi đầu đoàn rước là một vị trung niên mang cờ ngũ sắc, cùng đoàn người mang cờ Tổ quốc và cờ các loại đi theo hàng đôi. Tiếp sau là đội nhạc hội có trống, chiêng, mõ, thanh la, nhị, sáo… cử hành các điệu nhạc “kim tiền”, “xuân phong”…

Đoàn kiệu rước quanh làng Nộn Khê, đi qua cả ba xóm: xóm Thượng, xóm Chùa và xóm Cầu. Chặng đường đi qua ba xóm đã được quy định từ lâu đời nay, theo trục đường chính liên thôn. Sau cuộc trình rước quanh làng, đoàn kiệu rước trở về đình làng. Lễ vật trong đình làng đã được sắp từ trước, gồm có: ba mâm xôi trắng lớn do các nghệ nhân của ba xóm thực hiện và ba thủ lợn. Lúc này, cả 36 dòng họ trong làng cùng tụ họp làm lễ dâng hương tế thánh. Đây là đại lễ của cả làng. Ba cụ bô lão trang phục chỉnh tề trịnh trọng làm lễ dâng hương. Chiêng trống nổi lên, trưởng thôn đại diện dân làng đọc bài diễn văn khai hội. Cụ tiên chỉ của làng đọc lễ văn. Sau đó, bốn đoàn đại diện cho bốn xóm lần lượt dâng hương trước bàn thờ thánh ở gian chính cung và trước hương án long đình ở hai bên tả hữu. Tiếp đến là con cháu làng Nộn Khê từ nơi xa trở về tuần tự dâng hương bái yết và đọc lễ văn Báo Bản.

Lễ tế nhà thờ họ Bùi

Nhà thờ tổ họ Bùi thuộc xóm Trung, cách đình làng không xa. Cụ tổ họ Bùi được tôn vinh là thành hoàng làng Nộn Khê. Trước ngày khai hội, thường là vào ngày 12 tháng Giêng, các con cháu là người họ Bùi cùng dân làng đến đây làm lễ dâng cúng cụ tổ. Trước hiên nhà thờ tổ treo bức trướng tộc phả họ Bùi bằng lụa, được viết lại vào năm Mậu Tý 1888.

Sau ba hồi trống chiêng, đại diện trưởng tộc họ Bùi nêu lại sự tích cụ tổ họ Bùi về nơi đây chiếm xạ, khai dân lập ấp. Tiếp đến, mười vị nữ quan trong trang phục tế dâng lễ trước sân. Các vị bô lão trong họ theo thứ tự dâng hương lễ tổ. Sau khi dâng hương lễ tổ, nghi thức rước chân nhang từ nhà thờ họ Bùi ra đình làng diễn ra.

Tế nữ quan

Ở Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê có cả tế nữ quan và tế nam quan. Song tế nữ quan phổ biến và được duy trì thường xuyên. Tế nữ quan diễn ra ở sân đình làng và sân nhà thờ tổ họ Bùi vào chiều ngày 13 và ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Từ xưa đến nay, tham gia tế nữ quan trong Lễ hội Báo Bản Nộn Khê, ngoài các đội tế của các thôn trong làng còn có các đội tế từ các địa phương khác đến tham dự, vừa để tế quan thánh, vừa để giao lưu, học hỏi trong quá trình tế diễn.

Đội tế nữ quan là những phụ nữ trung niên trở lên, mỗi đội khoảng trên 10 người. Phục trang của thành viên tế nữ quan là quần áo tế chùng, thắt lưng, đội mũ vành có thêu kim tuyến, chân đi giày. Các vai tế và nghi thức tế lễ tuân theo nghi thức tế truyền thống.

Các trò chơi dân gian và nghi lễ cổ truyền

Tổ tôm điếm

Theo các cụ cao niên trong làng, trò chơi tổ tôm điếm  ở Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê đã có từ lâu đời, ít nhất là từ thời Pháp thuộc. Đây là một thú chơi truyền thống, đã thành lệ chơi ở một làng quê trù phú trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Những người tham gia hội tổ tôm điếm chủ yếu là nam giới từ độ tuổi trung niên trở lên. Địa điểm tổ chức tổ tôm điếm ở làng Nộn Khê thường là phía bên trái đình, theo hướng nhang án nhìn ra. Trước hôm mở hội, hội tổ tôm điếm dựng lán, làm điếm.

Trong hội tổ tôm điếm, có 5 điếm gồm: Điếm phú, điếm quý, điếm thọ, điếm khang và điếm ninh. Mỗi điếm có trang trí một cửa (cửa điếm) tựa như cửa một ngôi miếu, làm bằng tre, nứa, phên dậu, có câu đối viết bằng chữ Hán trên giấy điều chăng dán phía mặt tiền. Hai bên cửa mỗi điếm có treo câu đối, viết theo lối chữ triện, nội dung như sau:

  • Điếm  phú:  Điếm phú là điếm giàu sang

Cửu vạn bát sách chi chi nên ù.

  • Điếm quý:  Điếm quỳ là điếm trọng nhân

Nên cây bát vạn ù ngay thập hồng.

  • Điếm  thọ:   Điếm thọ là điếm sống lâu

Bài ù kính lão mừng câu thọ trường.

  • Điếm khang: Điếm khang là điếm kiên cường

Đã ù tam thắng lại thông tôm léo.

  • Điếm ninh: Điếm minh là điếm hiển vinh

Ù ngày bạch định cờ bay pháo mừng.

Câu đối treo ở cổng ra vào điếm chung là:

Tỏ mặt anh hào cao với thấp Ra tay lịch sự giỏi hay thì.

Thổi cơm thi

Cũng như trong rất nhiều lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong Lễ hội Báo Bản cổ truyền làng Nộn Khê có trò chơi thổi cơm thi, và được lưu truyền từ lâu. Nói về tục thổi cơm thi trong lễ hội, khá nhiều người dân Nộn Khê còn truyền tụng câu ca dao nhắc về trò chơi này:

Vừa ăn vừa nấu mới hay

Ngày xưa nuôi mẹ nuôi thày làm sao

Tham dự trò chơi là các cô gái làng Nộn Khê trong trang phục áo nâu, chít khăn mỏ quạ, quần nâu. Ngoài việc biết thực hành trò nấu cơm, các cô gái phải biết hát những điệu dân ca như hát trống quân, cò lả…

Củi đun để thổi cơm thi là một bó tre hoặc nứa đã ngâm kỹ, phơi khô, dài ngắn do làng quy định và có kiểm soát kỹ lưỡng. Nồi cơm thi được đặt trên quang treo bằng sắt do một chàng trai quẩy trên vai bằng một đòn tre. Nồi bằng đồng hoặc đất, trong đó có gạo và nước vừa đủ.

Vào cuộc thi, cô gái châm lửa vào bó đuốc, khi đuốc đã cháy đều thì giơ ngọn lửa dưới nồi cơm để chàng trai quẩy ghánh đi quanh sân đình. Lúc này hai người cùng dân chúng hát những điệu dân ca Bắc Bộ, cho tới khi hết thời gian quy định. Cơm nấu đạt phải chín nhanh và ngon sẽ đoạt giải.Hiện nay tục thổi cơm thi trong Lễ hội Báo Bản Nộn Khê hầu như không còn nữa.

Nghi lễ Báo Bản

Nghi lễ Báo Bản đã làm nên nét đặc sắc và độc đáo của lễ hội làng Nộn Khê. Lễ vật và đặc biệt là bản lễ văn đã được chuẩn bị từ trước lễ hội với sự đóng góp của nhiều người. Lễ văn Báo Bản của mỗi gia đình, họ tộc do vị đại diện gia đình, họ tộc chấp văn và chấp sự.

Khi các vị đại diện của bốn thôn trong làng làm lễ dâng hương xong, đại diện của mỗi tộc họ, gia đình là người làng Nộn Khê từ nơi xa trở về tiến hành dâng hương, nến cùng các phẩm vật, đồ lễ. Vị đại diện cung kính đọc lễ văn Báo Bản, mỗi bài lễ văn Báo Bản có nội dung tương tự như sau:

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ninh Bình tỉnh, Yên Mô huyện, Yên Từ xã, Nộn Khê làng, ngày…, tháng…, năm… (theo âm lịch). Chúng con là con cháu tộc họ (một trong 26 tộc họ trong làng) đang sinh sống, làm ăn tại tỉnh…, thành…, huyện…, thị…, nước… (nếu đang ở nước ngoài) nay lòng thành về dâng nén tâm nhang trước bàn thờ đức thánh tiên tổ. Kính trình tấu lạy đức thánh cùng các chư vị, trong năm (năm cũ vừa qua), hội đồng hương (hoặc tộc họ) chúng con đã luôn đoàn kết, tâm nguyện, nhờ ơn phúc ấm tổ tiên mà được mạnh khỏe các con, các cháu học hành tiến bộ, tấn tới hơn trước (kể tên những người là con cháu học giỏi, đỗ đạt, có vị thế nơi công tác…). Đời sống đã ngày càng được cải thiện nâng cao. Nhưng hiện vẫn còn nhiều cảnh ngộ khốn khó (kể những trường hợp ốm đau, bất hạnh, trục trặc…). Chúng con nguyện một lòng thờ phụng, noi gương các vị tiên hiền, góp công của, đức tài dựng xây cuộc sống, xây dựng quê hương đất nước. Xin thánh phù hộ độ trì cho năm nay chúng con được… (nêu những ước nguyện). Vái lạy…”.(1)

Lễ nghi Báo Bản ở đây đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh mang tính truyền thống của dân làng Nộn Khê, nhằm báo đáp với tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho được khỏe mạnh, làm ăn được tấn tới, con cháu học giỏi. Lễ nghi Báo Bản cũng là sự thể hiện của mỗi người nói riêng và mỗi tập thể cộng đồng nói chung. Nội dung lễ văn được trình bày công khai trước bàn thờ đức thánh là tổ tiên trước sự chứng giám của đông đảo bà con xa gần, phần nào đã tạo nên niềm tự hào qua những giãi bày, tâm sự của những người trực tiếp báo lễ.

Tục thi cỗ lễ và yến tiệc lão

- Thi cỗ lễ: Cuộc thi được tổ chức tại đình làng, vào buổi sáng ngày 14 tháng Giêng. Tham gia là đội thi của bốn xóm (xóm Thượng, xóm Chùa, xóm Trung, xóm Cầu). Giám khảo chấm thi là các vị chức sắc và những người có uy tín do làng cử ra. Cỗ thi là một mâm xôi lớn (loại xôi trắng - không pha chế với bất kỳ loại lương thực, thực phẩm nào khác). Một thủ lợn to, luộc chín đặt lên mâm xôi.

Yêu cầu với món xôi phải bài trí đẹp, gạo nếp mùa chính vụ (trước kia phải là nếp hương, nếp cau, nếp cái hoa vàng). Khâu đồ xôi làm cỗ lễ cũng rất quan trọng. Trước hết phải chọn cử người khéo tay nội trợ và có nhiều kinh nghiệm đảm nhận. Nước dùng đồ xôi phải tinh khiết, thường là nước mưa giữa mùa. Chõ, nồi dùng để đồ xôi phải được đánh rửa thật kỹ lưỡng. Nồi xôi phải được đun bằng bếp củi truyền thống cho đượm lửa. Khi xôi đã chín thật đều, những người thạo việc sẽ tiến hành đơm xôi lên mâm. Mâm dùng để đơm xôi  lễ xưa là loại mâm gỗ, nay là mâm nhôm. Lượng xôi đơm lên mâm phải đủ, thể hiện sự sung túc, đầy đặn.

Thủ lợn phải chọn loại thịt lợn ngon nhất, trước kia thủ lợn làm cỗ lễ và dự thi phải là thủ lợn ỉ. Ngày nay để có được thứ thịt lợn thơm ngon làm cỗ lễ, bà con ở mỗi xóm trong làng có lệ cắt cử một hộ gia đình chăn nuôi lợn. Thủ lợn tế phải được làm thật kỹ, khi đã luộc chín xong chỉnh cho hai tai dựng đều, nguyên vẹn.

Mâm cỗ lễ sau khi được biện đầy đủ sẽ do một đoàn người hộ tống đưa tới đặt trang trọng nơi bàn thờ thánh theo vị trí được quy định trước. Ban giám khảo chấm cỗ lễ dự thi vào khoảng đầu giờ Ngọ trước sự chứng giám của dân làng.

Cuộc thi này tuy mức thưởng không cao nhưng là nguồn khích lệ, động viên rất có ý nghĩa. Xóm nào đoạt giải nhất cuộc thi thì mọi nhà phấn khởi, hân hoan, tự hào và coi đây là điềm phúc, năm ấy sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng và mọi nhà yên vui. Xóm nào đoạt giải thấp hơn cũng không kém phần hãnh diện, an ủi lẫn nhau, rằng sang năm tới sẽ cố gắng giật giải cao, tất cả đều vui vẻ, cởi mở, hòa đồng.

- Tiệc yến lão (tiệc lớn mừng thọ các bậc cao niên): Hội thức mở tiệc yến lão vào trưa ngày 14 tháng Giêng mang dấu ấn quan trọng của Lễ hội Báo Bản hàng năm. Tiệc yến lão chính là sự thể hiện của đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, sự hiếu đễ của cháu con đối với ông bà, cha mẹ, sự trọng nể của dân làng đối với những bậc cao niên. Tiệc yến lão hàng năm được chuẩn bị công phu và tươm tất, in đậm sắc thái của làng Nộn Khê nói chung và của mỗi xóm nói riêng.

Xưa kia tiệc yến lão được mở tại đình làng. Thượng khách của tiệc yến lão là các vị bô lão trong cả làng cùng các vị chức sắc. Những năm gần đây thì tiệc yến lão được tổ chức ở cả trong bốn xóm. Sau khi cỗ lễ đã xong ở đình làng thì được rước về nhà thờ tổ họ của mỗi xóm. Cỗ lễ và cỗ yến lão về thôn được hộ tống trịnh trọng, có ban nhạc dân tộc đi rước. Đoàn rước cỗ về tới cổng nhà thờ họ thì trống chiêng nổi lên ứng đón. Sau đó, đội tế nữ quan gồm những thành viên thuộc nội tộc tiến hành nghi lễ tế. Cuộc tế nữ quan này gồm ba tuần tế nhằm dâng tiến cỗ lễ, phẩm vật lên tiên tổ. Vị chánh tế đọc bản chúc văn ngợi ca công đức của tổ họ tộc. Sau đó, cả đoàn tế phục bái, tiến tửu và dâng trà. Cuối cùng là hóa bản chúc văn cùng tiền vàng.

Lễ hội báo bản làng Nộn Khê là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, có sức ảnh hưởng quan trọng trong tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận, có giá trị trong giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương, nơi hội tụ và lan tỏa tình đồng bào, làm gia tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư cũng là sợi chỉ kết nối các thế hệ người dân địa phương dù đang sinh sống ở bất cứ vùng miền nào.

Phòng QLDSVH