HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (2008 – 2018) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
22/10/2019Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 27/7/2018, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2018.
Đồng chí Tống Quang Thìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh dự và trao Bằng khen tại Hội nghị; dự hội nghị có lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố; tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về dự và đưa tin hội nghị.
Đồng chí Tống Quang Thìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2018
Triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) giai đoạn 2008-2018, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo, treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình, về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình…; chú trọng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở và công tác xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình…
Sau 10 năm triển khai thi hành Luật, có thể nói, số vụ bạo lực gia đình trong những năm qua đang có xu hướng giảm đáng kể về số lượng. Năm 2009, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh là 303 vụ, giảm xuống còn 100 vụ vào năm 2017. Sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã cơ bản hiểu được thế nào là bạo lực gia đình và tác hại của nó nên đã tích cực tham gia PCBLGĐ, số nạn nhân BLGĐ khai báo đã tăng. Đặc biệt một số hình thức bạo lực như: bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần đã được khai báo, phát hiện, can thiệp, tư vấn, xử lí kịp thời góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong việc PCBLGĐ. Đến nay, tỉnh đã triển khai lồng ghép nội dung hoạt động PCBLGĐ ở 1670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư; thành lập 884 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; hình thành 1066 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; xây dựng 1285 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững. Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được kịp thời.
Trong quá trình triển khai thi hành Luật, việc xây dựng đời sống văn hóa và nhân rộng các mô hình gia đình tiên tiến luôn được quan tâm thực hiện. Các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tiến bộ, sống kỷ cương, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương, chung tay cùng cộng đồng xây dựng các công trình phúc lợi, cảnh quan môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc. Nhờ đó, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng. Năm 2017, toàn tỉnh có 246.360/281.230 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa là, tỷ lệ 87,6%.
Đồng chí Trần Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trình bày Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Tại Hội nghị, đã có 5 bài phát biểu tham luận của các tập thể, cá nhân đánh giá về kết quả triển khai thi hành Luật PCBLGĐ, công tác tuyên truyền, giáo dục, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các cơ sở tư vấn về PCBLGĐ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; hiệu quả thực thi các chính sách đối với người tham gia PCBLGĐ tại cơ sở cũng như những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong triển khai thi hành Luật…; Chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các quy định pháp luật về PCBLGĐ, đồng thời bổ sung nhiệm vụ, giải pháp cho công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới.
Đồng chí Vũ Thị Hà – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2018.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2018
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cảm ơn sự phối hợp, vào cuộc tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thi hành Luật PCBLGĐ. Đồng chí đề nghị các cấp, ngành tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật PCBLGĐ; Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện PCBLGĐ; Thực hiện xử lý nghiêm và kịp thời người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật; Triển khai có hiệu quả các hoạt động trọng tâm của công tác gia đình như: rà soát, kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp; Tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình và các văn bản khác… Nâng cao hiệu quả, nhân rộng Mô hình PCBLGĐ và các Tổ hòa giải ở cơ sở; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệm vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại các cấp, các ngành; Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình… Từ đó xây dựng mỗi gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày một tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đóng góp tích cực hơn nữa vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vì sự phát triển thịnh vượng và bền vững của tỉnh.
Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình
Bài viết khác
- GIA ĐÌNH BÌNH AN - NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI HẠNH PHÚC
- KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6/2001 - 28/6/2021) VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (THÁNG 6) NĂM 2021
- Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
- Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình
- Công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình