Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Thị trường điện ảnh Việt Nam nửa đầu năm 2019 - Những con số ấn tượng

22/10/2019

Nửa đầu năm 2019, thị trường điện ảnh Việt Nam vô cùng sôi động sau một loạt phim thắng lớn, với những tác phẩm đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng.

    Chỉ tính riêng trong quý I-2019 đã có đến 4 phim Việt gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ”: Hai Phượng (200 tỷ đồng), Cua lại vợ bầu (193 tỷ đồng), Lật mặt: Nhà có khách (115 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam), Trạng Quỳnh (100 tỷ đồng). Những con số hàng trăm tỉ đồng doanh thu hiếm hoi của phim Việt những năm trước giờ đang dần trở nên bình thường, chứng tỏ sức bật lớn của thị trường điện ảnh Việt trong giai đoạn hiện nay.

    Không chỉ phát hành trong nước, nhiều phim còn thẳng tiến ra thị trường nước ngoài. Hai Phượng và Lật mặt: Nhà có khách lần lượt chinh phục các thị trường điện ảnh lớn như Mỹ, Australia, Canada…

     Số liệu từ nhà phát hành CGV (hiện chiếm hơn 60% thị phần phát hành) tính đến hết tháng 5/2019 có tổng cộng 14 phim Việt được phát hành, với doanh thu 715 tỷ đồng, đạt trung bình 51 tỷ đồng/phim, tăng khoảng 2,5% so với mức trung bình của năm 2018 là 18,8 tỷ đồng/phim và 22 tỷ đồng/phim năm 2017. Tăng trưởng cùng kỳ so với cả năm 2018 là 40%. Con số doanh thu này còn chỉ kém tổng doanh thu của cả năm 2017 là 56 tỷ đồng.

    Theo tính toán của CGV, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Việt Nam trong năm 2018 là 3,252 tỷ đồng (tương đương 143,3 triệu USD); số người đến rạp là 47,2 triệu; giá vé trung bình là 68,9 nghìn đồng/vé (khoảng 3,04 USD), phát hành 275 phim. Uớc tính năm 2019, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 24%, đạt 4.100 tỷ đổng (khoảng 178,3 triệu USD); số người đến rạp sẽ tăng khoảng 22% lên mức 57,5 triệu người; giá vé tăng khoảng 3% lên mức 71,3 nghìn đồng/vé (khoảng 3,10 USD); số phim phát hành sẽ tăng khoảng 5% với 290 phim.

    “Dự kiến nửa cuối năm 2019, phim Việt sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng tốt về số lượng phim ra rạp. Tuy nhiên, có thể tình hình doanh thu phim Việt nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm, do hầu hết các bom tấn của phim Việt đều đã được trình làng trong giai đoạn đầu 2019”, đại diện CGV chia sẻ.

    6 tháng đầu năm 2019, ngành Điện ảnh Việt Nam sản xuất được 15 bộ phim. Trong công tác quản lý sáng tác, sản xuất phim, Cục Điện ảnh đã giám định 17 kịch bản phim dịch vụ, hợp tác với nước ngoài và có thành phần sáng tác chính là người nước ngoài, trong đó có 7 dự án phim đã trình bộ ra quyết định cho phép sản xuất tại Việt Nam. Cục cũng đã cấp 10 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và sản xuất phim, nâng tổng số các hãng phim được cấp giấy phép là 513 hãng.

    Về công tác thẩm định, phân loại phim, đến ngày 10/6/2019, Cục Điện ảnh đã thẩm định, phân loại 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp; 80 phim nước ngoài (20 phim không được phép phổ biến); 06 phim truyện video; 2 phim tài liệu nhựa và 6 phim tài liệu video; cấp 114 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim.

    Cũng tính đến tháng 6/2019, cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng gần 10 triệu lượt khán giả, đáp ứng chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm giáo dục nâng cao thẩm mỹ, hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

    Khi đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam, ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam - cho biết: "Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nếu bảo vệ được "vòng xoắn tăng trưởng" của phim Việt, giúp mọi người đến rạp thường xuyên hơn, các nhà sản xuất dùng chính lợi nhuận đó để tái đầu tư sẽ giúp quy mô thị trường điện ảnh Việt ngày càng mở rộng hơn. Với đà phát triển này, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 5 quốc gia có thị trường điện ảnh phát triển trên thế giới trong vòng 5-7 năm tới". 

    Các số liệu về tổng quan thị trường điện ảnh trong những tháng đầu năm 2019 cho thấy, phim Việt đang có sự tăng trưởng ấn tượng. Ngành Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả tuy nhiên vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Thiếu kinh phí Nhà nước đặt hàng sản xuất phim; các đề tài phim lịch sử, thiếu nhi chưa thu hút được nhà đầu tư nên khan hiếm phim thuộc đề tài này. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển cụm rạp Việt Nam cũng đang là vấn đề đặt ra cho ngành điện ảnh…

Trung tâm PHP và Chiếu bóng Ninh Bình tổng hợp