Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Sự phát triển thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam

22/10/2019

Hiện nay, rạp chiếu phim đã trở thành một điểm đến quan trọng trong cuộc sống giải trí của người Việt Nam. Đặc biệt, khi có sự ra đời của phim 2D, 3D, 4D đã thúc đẩy trào lưu xem phim rạp phát triển mạnh mẽ.

Sau khi Luật Điện ảnh ra đời năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, điện ảnh Việt Nam đã có bước tiến mới. Chính sách tự do phát triển ngành điện ảnh đi cùng xã hội hóa ngành này thì thị trường điện ảnh của Việt Nam đang trở thành miếng bánh hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, CGV và Lotte đã nhanh chân mở rộng và trở thành thị trường chính tại Việt Nam. Ban đầu là hệ thống Lotte Cinema, chỉ trong một thời gian ngắn, Lotte đã chiếm 30% thị phần rạp chiếu phim. Sau Lotte, một doanh nghiệp khác là CGV cũng nhanh chóng tràn vào, chiếm phần lớn còn lại miếng bánh này, với 43% thị phần. 

Như vậy, chỉ riêng CGV và Lotte Cinema, 73% thị phần chiếu phim Việt đã nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc. 27% còn lại thuộc về 3 doanh nghiệp khác là Platinum Cineplex của Indonesia và hai doanh nghiệp nội là Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy Cinema) và Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (Star Cineplex). 

Tính đến tháng 2/2019, CGV đứng đầu với 74 rạp trên toàn quốc. Lotte Cinema đứng thứ hai với 42 rạp. Hai hãng Việt Nam là BHD (BHD Media JSC.)  và Galaxy Cinema (Galaxy Studio JSC.) lần lượt có 9 và 14 rạp trên toàn quốc.

Ảnh nguồn: Tri thức trẻ, Trade Circle

CGV đang có ưu thế đặc biệt trong việc phân phối và chiếu phim tại Việt Nam.  Phim Việt gặp khó khăn khi ra rạp, bị chèn ép trong cuộc đua không cân sức với phim bom tấn nước ngoài. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, hiện tại, phim nước ngoài vẫn đang chiếm lĩnh thị trường phim chiếu rạp Việt Nam. Trong đó, phim Mỹ vẫn được ưa chuộng nhất, chiếm tỷ lệ 49%; phim Việt Nam với nhiều nỗ lực chiếm 19%; phim Trung Quốc (9%), Hàn Quốc (6%) và Nhật Bản (5% – chủ yếu là phim hoạt hình).

Ảnh nguồn: Tri thức trẻ, Trade Circle

Nếu trước đây, cả nước chỉ có khoảng 100 phòng chiếu, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, được kiểm soát bởi các doanh nghiệp nhà nước, thì hiện nay theo số liệu của Cục Điện ảnh, số lượng phòng chiếu phim trên cả nước năm 2018 là 901 phòng với 130.900 ghế, ước tính doanh thu chiếu phim thương mại là 3.500 tỷ đồng.

Thị trường rạp chiếu phim phát triển mạnh, tuy nhiên, phát hành phim chỉ khởi sắc tại các thành phố lớn và chủ yếu do hãng phim nước ngoài. Họ được phép nhập phim và với cách làm năng động của họ, hầu hết các phim trên các cụm rạp đều được chiếu đồng loạt với các nước trên thế giới nên giới trẻ luôn hào hứng đón nhận. Các rạp nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn với tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu nguồn phim…

Công ty Vinaresearch (W&S JSC) đã tiến hành một cuộc khảo sát về xu hướng xem phim tại rạp dựa trên 800 người sinh sống tại 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo kết quả khảo sát, hành động và hài kịch là 2 thể loại phim được yêu thích nhất ở cả nam và nữ với 76% và 70,9% số người được hỏi; tiếp đó là thể loại phim phiêu lưu mạo hiểm (54%) và giả tưởng (49,9%).

(Kết quả khảo sát Công ty Vinaresearch (W&S JSC) 

Cũng theo khảo sát, về nguồn thông tin tham khảo khi chọn rạp chiếu phim thì Internet là kênh tham chiếu có ảnh hưởng lớn nhất; Phần lớn khán giả đến rạp xem phim với bạn bè; Trong các yếu tố ảnh hưởng khi chọn rạp chiếu phim, chất lượng cơ sở vật chất là điều mà khán giả Việt Nam quan tâm nhất. Bên cạnh đó, việc giảm giá, phiếu giảm giá và phiếu quà tặng là 3 hình thức khuyến mãi được khán giả quan tâm nhiều nhất. Khung thời gian xem phim được yêu thích là từ 19h-21h. Ngoài ra, mức giá 50.000 đồng/vé trở xuống được coi là giá xem phim hợp lý với 72% số người được hỏi.

Tại tỉnh Ninh Bình, ngoài cụm rạp nhà nước là Rạp chiếu phim Ninh Bình, từ năm 2016, hệ thống Lotte đã mở thêm một cụm rạp mới là Lotte Cinema Ninh Bình, nằm tích hợp trong trung tâm thương mại Big C với nhiều dịch vụ giải trí tiện ích đi kèm từ mua sắm, ăn uống, vui chơi vận động… nên đã thu hút lớn lượng khán giả trong tỉnh tới xem phim đặc biệt là giới trẻ.

Sự phát triển này đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường điện ảnh dao động từ 20-25% mỗi năm. Nhu cầu giải trí của giới trẻ ngày càng tăng, việc kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng trong những năm tới, sẽ mang đến nhiều cơ hội có các nhà đầu tư. Theo Quyết định 2156/QĐ-TOT ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ đạt số lượng 1.050 rạp chiếu phim (trong đó 80% tổng số phòng chiếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân), với 210 triệu khán giả mỗi năm. Phấn đấu đưa điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 là một trong những nền điện ảnh hàng đu khu vực Đông Nam Á, đến năm 2030 là nền điện ảnh có vị trí vững chắc trong khu vực châu Á.

Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng