Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

TRUYỀN THUYẾT ĐỊA DANH VÀ DẤU ẤN HÀNH ĐÔ SƠN LAI

17/12/2020

    Hành đô Sơn Lai liền dải đất và cùng bên hữu sông Hoàng Long, bên tả sông Bến Đang, cũng là vùng đồi đất xen kẽ núi bao quanh ba mặt Đông, Tây và Nam. Phía Bắc có sông Hoàng Long che chắn. Sau lưng là dải Thiên Dưỡng Sơn và phía Đông là dải Phi Vân Sơn trùng trùng điệp điệp bao quanh, lại có các đồi đất uốn lượn, xen kẽ các dòng suối, không chỉ tôn vẻ thơ mộng mà còn là những chướng ngại lũy hào do trời đất tạo dựng, làm cho vùng này vô cùng hiểm yếu.

    Hiện nay trên địa bàn các Quỳnh Lưu, Sơn Lai (Nho Quan), Gia Sinh (Gia Viễn) có các địa danh: Hòn đá vua Ngự, cửa Vua, núi Văn, núi Võ, núi Tướng, phủ Vật, hang Treo, hang Xưa, đồi Thờ, thành Hẻo… mà nguồn gốc các tên gọi cho thấy các địa điểm trên có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động của Vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà nước Đại Cồ Việt.

    Hòn đá Vua Ngự:  Tương truyền, khi Vạn Thắng Vương đóng đại bản doanh ở đây, dân chúng và quân sĩ đã tạc một hòn đá to, tượng trưng cho ngai vua để hàng ngày vua ngự bàn việc triều chính. Hòn đá này cũng là chỗ vua đánh cờ để tuyển chọn các tay kỳ thủ cao cờ làm mưu sĩ. Nay hòn đá vẫn còn dưới chân núi Vua Đinh giáp ranh làng Me với làng Lược, xã Sơn Lai (Nho Quan). Gần đó là làng Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

    +Núi Vua Đinh: Thuộc thôn Me và thôn Lược xã Sơn Lai: Sách Đại Nam nhất thống chí, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện và Truyện cổ dân gian Ninh Bình cũng đều ghi danh núi này là núi Vua Đinh. Đây là dải núi hùng vĩ trong vùng, như một con rồng đá khổng lồ cuộn tròn ba mặt phía Đông, Nam và Bắc của vùng đất Sơn Lai, tạo nên một thung lũng rộng độ hơn 500 ha, cao ráo, không bị úng nước do nước từ trên núi đổ xuống. Vua Đinh cho đắp thành bằng đất đá hỗn hợp nối “Long thủ” (đầu rồng) với “Long vĩ” (đuôi rồng) thành một chiến lũy kiên cố, án ngữ phía Bắc gọi là “Lũy Vua”. Khu vực vây tròn giữa núi Vua Đinh và Lũy Vua  là đại bản doanh của vua Đinh. Tương truyền, khi lập Hành đô ở đây thì toàn bộ thung lũng cao này là nơi đặt “cung đình” của vua Đinh. Đáng chú ý là, đầu núi Long Thủ (龍首山) có hòn độc sơn (núi một) gọi là “Chung Sơn” (鍾山 núi chuông/chiêng) và đầu núi Long Vĩ (龍尾山) có hòn độc sơn (núi một) gọi là “Cổ Sơn” (皼山núi Trống). Hai ngọn núi án ngữ hai đầu Thành Vua/Thành Hoàng đế, là hai núi treo chuông/chiêng, trống cảnh giới và hiệu lệnh của quân cấm vệ. Nay hai ngọn núi Chuông và núi Trống vẫn còn.  Lũy Vua còn dấu tích có chỗ dài vài trăm mét, cao trên dưới một mét so với mặt đất. Dân địa phương còn gọi Thành Vua là Thành Hẻo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khi lập căn cứ chống Pháp ở vùng Nho Quan, họ Quách, họ Đinh đã sử dụng lại “cung đình” dã chiến này của Vua Đinh làm căn cứ địa, nên dân gian gọi là Thành Hẻo cùng với tên thành Vương hay thành Hoàng đế. Bên ngoài Lũy Vua, có rất nhiều bãi đất đào sâu xuống trên dưới một mét, người ta thấy xuất lộ nhiều vỉa đá ong, dân gian gọi là “Đá tiến cung”. Dân địa phương giải thích đây là khu vực Vua Đinh cho đào lấy đá ong xây đắp Lũy Vua và sau này đưa về xây dựng thành quách ở Hoa Lư.  Dân gian gọi là Thành Vương, hay thành Hoàng Đế vì là nơi còn dấu tích lũy thành vua Đinh đóng bản doanh ở đây. Các cụ cao lão ở địa phương giải thích sở dĩ vừa gọi là “Thành Vương” hay “Thành Vua” vừa gọi là “Thành Hoàng Đế” vì Vua Đinh đóng quân ở đây từ khi cờ lau tập trận, mục đồng công kênh ông lên làm vua, sau khi phất cờ tụ nghĩa, dẹp loạn sứ quân, đánh đâu thắng đó, ba quân tướng sĩ tôn là Vạn Thắng Vương, đến khi toàn thắng 12 sứ quân, Vua về lập hành doanh ở đây để xây kinh đô mới thì gọi là Thành Hoàng đế.

    +Núi Tướng 将山(ở làng Me, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan): Tương truyền là núi đóng quân của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng cùng các tướng võ binh khi vua Đinh lập hành doanh ở đây. Đây là dải núi thấp hơn núi Vua Đinh, chạy về phía tây nam hành đô Sơn Lai, mạch núi nối liền với dải núi có tên núi Vua Đinh.

    +Núi Văn, núi Võ, núi Án Mã, đồi Voi, đồi Lều: Là những núi ở địa bàn thuộc thôn Xuân Tiến, xã Gia Sinh, liền kề Lũy Vua, tương truyền núi Án Mã là nơi tập kết ngựa chiến; đồi Voi: là nơi tập kết tượng binh; Đồi Lều: Nơi dựng lều dã chiến cho các chiến binh. Núi Văn là nơi các quan văn làm hành cung. Núi Võ là nơi các quan võ làm bản doanh.

    +Chợ Quán: Thuộc thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan). Tương truyền xưa là dịch quán, Quán sứ, là nơi tiếp sứ thần các nước khi đến Hoa Lư giao hảo và triều cống. Sau này, khi Kinh đô Hoa Lư xây dựng hoàn thành thì dịch quán, quán sứ được chuyển về Thiên Tôn (nay thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện lỵ Hoa Lư)..

    +Đồi Thờ: xưa thuộc làng Phúc Lai, sau đổi thành tên làng Lát, thuộc xã Quỳnh Lưu, liền kề phía tây Thành/Lũy Vua: Tương truyền nơi đây vua Đinh lập đàn tràng tế Giao sau gọi là Tế Nam Giao (tế Trời Đất), rồi lại làm đàn tế Thần Xã Tắc ở đây. Truyền rằng, sau khi dời từ hành đô Sơn Lai về đô chính Hoa Lư, nơi tế Thần Xã Tắc được Vua Đinh cho lập dựng ở núi Thiếu Long, dưới chân núi Đại Vân, gọi là Thong Bái, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

    +Đồi Dâu: xưa thuộc thôn Phúc Lai, nay là thôn Đồi Dâu, xã Quỳnh Lưu: Một dải đồi dài, uốn lượn phía tây nam Hành cung Sơn Lai, như con rồng đất ôm lấy vùng đất Thành Vương (nơi có núi Vua Đinh, có Hòn Đá Ngự và núi Tướng, được coi là cung đình Sơn Lai lập dựng nơi này). Truyền rằng, Đồi Dâu là nơi vua Đinh cho trồng dâu nuôi tằm, dệt vải cho cung đình. Đất ở đây cũng rất tốt, phù hợp với sự sinh trưởng của cây dâu. Các cụ phụ lão kể lại, cách nay bảy tám chục năm, vẫn còn nhiều nương dâu tự nhiên xanh tốt bốn mùa, có những gốc dâu trăm tuổi, sù sì như bứu lạc đà, dân địa phương gọi là Lão Dâu. Khi mở hội, dân chúng làm cỗ cúng tế vua Đinh và các Tướng Thần nhà Đinh, bao giờ cũng có cỗ tế Thần Dâu và Thần Xã Tắc.

    +Hang Sưa: Ca dao địa phương có câu: “Chùa Chàng, Giếng Bái, hang Sưa/Không đi thì uổng công cha sinh thành”. Hang Sưa nay thuộc làng Sưa, xã Sơn Lai, gắn với truyền tích đây là hang động để tập kết gỗ sưa và các loại gỗ thứ thiết (4 loại gỗ quý) vua Đinh cho khai thác từ khắp các núi rừng trong nước về để chế tác các cung điện Hoàng đô Hoa Lư. Gỗ chuyển từ khắp nơi về để trong hang, ngập ra các thung lũng xung quanh. Hàng trăm cánh thợ cưa xẻ, đục đẽo, chạm, khắc suốt ngày đêm cho kịp ngày xây cất cung điện. Thợ làm ngày, làm đêm không được nghỉ, không được về quê, Vua cho ai đã có vợ thì được đưa vợ đến ở, ai chưa có vợ thì cho lập gia đình để tự nuôi nấng, chăm sóc công việc gia đình. Tất cả cho ngày khởi công xây dựng cung đình Hoa Lư cho kịp thời gian. Sau khi xây xong cung điện Hoa Lư, vua Đinh cho các gia đình ở lại lập thành làng xóm gọi là làng Sưa và làng Chàng. Một số thợ có công lớn được vua Đinh cho khắc họ tên, quê quán trên vách đá trong hang Sưa, lâu ngày, chữ bị phong hóa, nay nét chữ vẫn còn dầy đặc nhưng mờ in trên vách đá. Làng Sưa, làng Chàng và cả làng Vẽo sau đó cũng trồng nhiều cây sưa, lim, cây lát và các loại cây lấy gỗ để cung cấp cho sự duy tu cung điện Hoa Lư. Ba làng này cổ truyền mở hội vào dịp đầu Xuân, thường là Rằm Tháng Hai âm lịch, gọi là “Hội Tiến gỗ”. Tức là các làng đốn các cây gỗ to, đẹp nhất, tốt nhất để thi, chọn lấy gỗ tốt nhất tiến Vua xây dựng, tu sửa cung đình Hoa Lư. Cụ thợ Cả kiến thiết Cung đình Hoa Lư là cụ Cả Ninh được vua Đinh (sau này là vua Lê) giao chức Chánh Chủ khảo cuộc thi chọn gỗ hàng năm. Có tài liệu nói cụ Cả Ninh chính là cụ Ninh Hữu Hưng, người làng Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, Tổng kiến trúc sư cung điện Hoa Lư thời Đinh và Tiền Lê. Như vậy, câu ca dao “Chùa Chàng, Giếng Bái, Hang Sưa/Không đi thì uổng công cha sinh thành” có nghĩa là không đi dự hội, không mang gỗ đến Hội để thi được chọn tiến Vua thì uổng công cha nghĩa mẹ sinh ra mình. Giếng Bái là giếng làng Bái, giếng nước vua cho đào để làm nơi lấy nước sinh hoạt và ăn uống cho sứ thần các nước đến Bái yết Vua Đinh. Nước trong suốt bốn mùa, ngọt như nước mưa và không bao giờ cạn. Người ta nói, núi Thái Sơn (làng Độc Trang) là đầu Rồng, còn Giếng Bái là Mắt Rồng. Dân gian cũng truyền rằng giếng nước ở vùng Sơn Lai, nhất là làng Me, làng Bái đều trong, ngọt. Tục ngữ Ninh Bình có câu: “Nước giếng Me, chè Ba Trại”.

    Trên vách hang Sưa còn nhiều chữ nho (chữ Hán) viết theo lối cổ, dân truyền đó là các bùa yểm của các đại sư từ thời Đinh Lê. Hàng năm đình/chùa Sưa từ xưa đến nay vẫn mở hội vào dịp tháng Ba để nhớ công đức vua Đinh, các tướng thần của nhà vua có công dẹp loạn và có công xây dựng hành cung Sơn Lai. Đặc biệt, ở đây còn lưu truyền bài văn khấn thần Ninh Tướng quân, người có công xây dựng kinh thành Hoa Lư và cũng là xây dựng hành cung Sơn Lai. Chúng tôi cho rằng đây là văn khấn Ninh Hữu Hưng, ông tổ của nghề mộc thời Đinh-Tiền Lê, người Tổng công trình sư kiến trúc kinh đô Hoa Lư, quê thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Các cụ cao niên ở thôn Chàng còn cho biết, chính ngài Ninh Tướng công đã hiến kế cho vua Đinh cần phải xây một khu hành cung tạm ở khu vực Sơn Lai để làm nơi ngự long và coi chầu của bá quan văn võ triều đình, khi kinh thành Hoa Lư khởi công xây dựng chí ít cũng dăm bảy năm mới xong. Rất có thể, dưới con mắt của một vị Tổ nghề mộc, khu vực Sơn Lai kề cận Hoa Lư, địa thế và không gian phù hợp để xây dựng hành cung là nơi không chỉ coi chầu mà còn là đại công trường thi công các đồ mộc, gạch nung, gạch đá ong để vận chuyển về xây dựng kinh đô Hoa Lư.

    + Đồi Vẽo ở làng Vẽo (Sơn Lai), đồi trồng rất nhiều cây lấy gỗ, nhất là bạch đàn và keo. Đỉnh đồi xưa có đình Vẽo thờ thần Lâm Mộc (Cai quản rừng cây lấy gỗ), nay đình bị đổ nát, chỉ còn móng và nền gạch với rất nhiều gạch ngói vỡ nát. Cùng với làng Sưa thì làng Vẽo cũng là nơi tương truyền triều Đinh cho trồng và khai thác gỗ để cung cấp cho công trình xây dựng hành cung Sơn Lai và kinh thành Hoa Lư.

 

    +Những địa danh có từ Bái (): Vùng Sơn Lai và Gia Sinh có rất nhiều địa danh có từ Bái như : Bái Đính, đồng Bái, Bái Lĩnh, Làng Bái, Bái Ân, Giếng Bái… Dân gian truyền đây là khu vực Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, khi các “đạo” quân đóng ở nơi nào, “vua” đến úy lạo các “tướng sĩ” đều bái lạy, nên dầy đặc các địa danh có từ “bái” là vì vậy. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa, thì nơi đây là các điểm đóng quân. Khi xưng là Vạn Thắng Vương, xưng đế thì các tướng lĩnh làm lễ bái lạy Vương ở đây. Và Vạn Thắng Vương lại lập đàn tràng bái lạy Trời Đất nơi đây.

    +Thôn Độc Trang (牘庄): Tên cổ gắn với truyền ngôn, đây là nơi Vua Đinh cho dựng một lâu đài lớn, trang hoàng lộng lẫy để làm nơi ăn nghỉ cho sứ thần các nước lân bang như Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Vạn Tượng …khi mang quốc vương thư hay sản vật đến tiến chầu vua Đinh. Lại có truyền ngôn khác khi trên văn tự ở một số đền miếu địa phương dùng chữ 櫝庄với ý nghĩa là cất giấu để gắn với câu chuyện nơi đây là kho tàng cất giấu quân lương từ khi Đinh Bộ Lĩnh xây dựng lực lượng buổi ban đầu, trước khi xuất quân bình định 12 sứ quân. Sau này nhà vua mới cho dựng lâu đài tiếp sư thần các nước.

    Cạnh Độc Trang là làng Bái (). Như trên đã dẫn, đây là nơi các sứ thần bái yết vua Đinh để dâng quốc thư. Sau dân cư đến sinh sống, để nhớ điển tích nơi vua Đinh xây độc cung tiếp sứ, dân tứ chiếng về lập làng gọi là Độc Trang. Ở đây có ngọn núi cao là núi Thái Sơn, nên sau này gọi là thôn Thái Sơn, nơi đình thờ thần thành hoàng có tiếng linh ứng. 

    +Thung Lang (thuộc xã Gia Sinh, gần sát “Thành Vương” ở Sơn Lai: Thung chứa lương thực của Vua Đinh. Ca dao địa phương có câu: “Thung Cùng cho chí Thung Lang/Hàng trăm thỏi vàng ta cất trong hang” gắn liền với truyền tích Vua Đinh cho cất giấu kho vàng ở đây. Đã hơn một ngàn năm nay mà những cuộc đào bới, kiếm tìm kho vàng, đụn bạc của Vua Đinh diễn ra ở nơi đây chưa bao giờ dứt. 

    +Làng Kho (xã Phú Lộc), nguyên tên cổ là Phú Khố: là nơi xây dựng kho tàng, quân lương của triều đình nhà Đinh khi Hành cung Sơn Lai được vua Đinh cho đóng ở Sơn Lai gần đó.

    +Đồi Thờ (xã Sơn Lai): Nhân dân đào được nhiều trống đồng, mũi tên đồng. Tương truyền, trước khi xuất quân dẹp loạn, vua Đinh cho lập đàn tràng tế Trời đất ở đây. Khi bình định được các sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, vua Đinh cho lập đàn tràng tế cáo Trời đất ở đây và cũng tạ thánh thần, thiên địa đã phù trợ để nhà vua bách thắng. Từ đó, trong suốt thời kỳ vua Đinh tại vị, đến đời Lê Hoàn lên thay vẫn dùng nơi này tế trời đất mà không lập đàn tế trong kinh thành Hoa Lư. Trong kinh thành chỉ lập đàn từ Thần Xã Tắc (truyền ngôn ở thôn Thong Bái (xã Trường Yên) nội thành Hoa Lư, bên chùa Đại Vân. Sau khi vua mất, nhân dân tu sử lại đàn Tế Giao rồi thờ luôn vua Đinh và các công thần triều Đinh ở đây. Trải qua ngàn năm phong vũ, đền đổ nát, chỉ còn lại phế tích gạch ngói, móng tường. Nhưng dân gian vẫn gọi đồi Thờ, Đàn Thờ. Tiếc là đợt khai quật khảo cổ học tháng 4-5/2020 vừa qua, không thu lượm được kết quả gì. Nơi đây, dân địa phương khi trồng cấy, đào được hơn chục chiếc trống đồng và một số đồ đồng. Rất tiếc họ đã bán luôn cho những nhà sưu tầm đồ cổ. Một số cụ phụ lão địa phương nói do nhân dân nhớ công ơn vua Đinh nên họ đã chôn nhiều đồ đồng, trong đó có trống đồng, cồng chiêng để dâng tiến Vua. Chúng ta cũng cần hình dung không gian văn hóa thế kỷ X thì vùng Sơn Lai là không gian văn hóa Việt Mường. Người Mường và người Kinh ở đan xen “xôi đỗ”, thậm chỉ nơi đây được các nhà nghiên cứu dân tộc học coi là cực nam không gian sinh tồn của người Mường Bắc và Tây Bắc Ninh Bình, Nam, Đông Nam người Mường Thạch Thành (Thanh Hóa) và Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình). Nơi đây lại còn một truyền thuyết vô cùng đáng chú ý là nơi an táng Ngọc thể vua Đinh. Truyện kể rằng, khi vua Đinh bị sát hại, quần thần cho quàn long thể nhà Vua ở Hang Quàn, tế lễ suốt ba tháng ròng. Sau đó để đảm bào bí mật ngôi mộ đức Hoàng đế khai sáng nhà Đinh, sánh ngang Tần Thủy Hoàng sáng lập ra nhà Tần, triều đình cho đóng một trăm cỗ tứ mã (bốn ngựa kéo) đặt một trăm quan tài giống nhau như đúc, chạy tròn 9 vòng quanh kinh thành rồi tỏa đi bốn phương tám hướng để an táng. Không biết long thể vua được an táng ở đâu vì tất cả những người đi theo một trăm cỗ tứ mã không một ai quay về. Duy chỉ có Đinh Điền, Nguyễn Bặc là người biết cơ mưu nơi an táng vua thì sau đều bị Lê Hoàn giết hại trong trận quyết tử giành lại ngôi báu nhà Đinh cho Đinh Toàn. Khi Nguyễn Bặc bị Lê Hoàn bắt đưa về kinh sư trị tội, Nguyễn Bặc có nhắn lại cho con trai của mình biết vị trí an táng vua Đinh ở Đàn Thờ (sau gọi là Đồi Thờ). Nhưng nhà Lê lên ngôi, truy nã rất gắt gao các con cháu và cựu thần nhà Đinh, nên việc di ngôn lại nơi an táng vua Đinh bị thất truyền, chỉ còn là truyền thuyết, bán tín bán nghi. Lại có truyền ngôn, dòng tộc nhà vua sau khi biết có nguy cơ mộ táng đức vua bị lộ, sợ Lê Hoàn phá hủy nên trong một đêm mưa to gió lớn, đã bí mật đào chuyển về Hòa Bình, nơi dòng họ Đinh đang ẩn sinh để chôn cất. Vì có ít người đào mộ để bảo đảm bí mật nên nhiều đồ tùy táng theo vua không mang theo được nên sau này người ta đào rải rác được những trống, chiêng đồng, cung nỏ và cả các mũi lao đồng bán cho các tay buôn đồ cổ.

    Truyền thuyết này ảnh xạ hai điều: một là, Đồi Thờ là nơi lập Đàn tế Nam giao thời nhà Đinh, và ngay cả trước đó, có thể từ khi vua chưa lên ngôi hoặc đã lên ngôi nhưng còn xây dựng Hành đô nơi đây để Tế Giao. Thứ hai, nơi đây đã một thời được an táng di thể Vua Đinh sau khi Vua bị sát hại. Nếu hình dung không gian và cảnh quan, môi trường vùng Hoa Lư, Sơn Lai vào thời nhà Đinh thế kỷ X, thì chúng ta thấy Đàn Thờ/Đồi Thờ nằm giữa bồn địa cao (đồi) trong một thung lũng rộng hàng trăm ha, núi đồi vây quanh như rồng bay, phượng múa, là sinh cảnh núi và rừng, thung lũng có các dòng suối thơ mộng, dấu vết nay là dòng Bến Đang, là kênh Lê, phía trước là sông Hoàng Long. Cảnh quan này vừa phù hợp nơi đóng đại hành dinh, vừa là nơi theo con mắt các nhà phong thủy thì đây là cát địa. Nên không ngẫu nhiên, dân gian lại truyền tụng là nơi an táng đầu tiên long thể của đức Tiên Hoàng mà không phải là nơi nào khác?

    +Đồi Lăng (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn): Đây là nơi cửa ngõ phía tây kinh đô Hoa Lư, phía đông hành đô Sơn Lai, có vị trí vô cùng quan trọng. Truyền rằng, đây là địa điểm truyền thư lệnh của Vua Đinh từ Hành Đô Sơn Lai về công trường xây dựng kinh đô Hoa Lư. Nơi đây cũng là chốt đóng quân của một danh tướng để giữ cẩn mật xung yếu con đường thượng đạo từ Thanh Hóa ra Hoa Lư, Đại La và các tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ.

    +Bái Đính sơn 拜頂山: Là nơi thờ Thần Cao Sơn từ thời vua Đinh đang còn đóng hành đô Sơn Lai. Tương truyền, khi Cao Biền lập đền thờ thần Huyền Thiên Chấn Vũ ở Thiên Tôn thì ở Bái Đính cũng có vị cao tăng người Việt lập đền thờ Cao Sơn để tương ứng đối phù cho đường thượng đạo. Sau khi vua Đinh cho xây dựng kinh đô Hoa Lư thì Bái Đính và Thiên Tôn là hai trong “Tứ trấn Hoa Lư”. Như vậy, theo truyền ngôn, Bái Đính đã được vua Đinh cho lập làm nơi thờ Thần Núi từ khi ngài còn đang xây dựng Hành đô Sơn Lai. Núi Lăng, đền Lăng là một điểm đóng chốt binh lực trọng yếu ở phía Đông Bắc Hành đô Sơn Lai và sau này là chốt binh lực phía Tây nam kinh đô Hoa Lư.

    +Núi Mã Can 禡乾山 hay  núi Mã Thiên (禡遷山): Từ điển Hán Việt chú rằng: “Vua đem quân đi đóng ở chỗ nào, tế Trời Đất ở đó thì gọi là Mã Can”. Núi này cũng còn có tên nữa là Mã Thiên Sơn (禡遷山). Từ điển Hán Việt cũng chú thích: “Vua đóng quân ở đâu chuyển đi nơi khác tế Trời Đất ở đó thì gọi là Mã Thiên”.

Theo sử cổ, đây là núi nổi tiếng trong đất Ninh Bình mà các bộ lịch sử địa lý cổ đều có ghi chép, tuy sơ lược nhưng rất rõ ràng. Núi còn có tên dân gian núi Vua Đinh, cách trung tâm kinh thành Hoa Lư xưa khoảng 5km theo đường chim bay. Đàn Xã Tắc ở thong/thung Bái nay là làng Bái (xã Sơn Lai). Ở đây còn giếng Bái là giếng lấy nước dâng tế Thần Xã Tắc. Dân địa phương còn truyền câu ca “Đình Chàng, giếng Bái, hang Sưa/Tế thần Xã Tắc do vua ngự hành”. Như vậy tại núi Mã Can, Mã Thiên hay tên dân gian là núi Vua Đinh đã từng là địa danh Vua Đinh lập hành cung và thiết lập đàn tràng tế Trời Đất ở đây. Các bộ địa lý lịch sử cổ gọi là núi Mã Thiên hay Mã Can. Dân gian gọi đây là núi Vua Đinh. Bộ sử Đồng Khánh dư địa chí viết: “Núi Mã Thiên: Tương truyền vua Đinh Tiên Hoàng khi còn nhỏ dẫn trẻ con chăn trâu đến đây làm trò chơi đánh trận, người đời sau dựng miếu thờ ở núi này”. Bộ sử  này cũng viết: “Trong hạt có nhiều núi, nhưng có tên chỉ có núi Mã Thiên ở xã Phúc Lai…”. Xã Phúc Lai tức nay là xã Sơn Lai, thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Qua điều tra điền dã và tra cứu các bộ lịch sử địa lý cổ chúng tôi đã giải mã được sự ghi chép khác nhau về địa danh theo từ Hán Việt à dân giân là núi Mã Can, Mã Thiên hay núi Vua Đinh là một. Giải mã được ký hiệu của thông điệp cổ, chúng ta mới có hệ quả rút ra là: Núi Mã Can, núi Mã Thiên và núi Vua Đinh là trung tâm hoạt động, hay nói một cách khác, đây là trung tâm của đại bản doanh của Đinh Bộ Lĩnh thời “Cờ lau tập trận”, và là hành cung thiết triều của vua Đinh khi xây dựng hành đô Sơn Lai.

    +Mộc Hoàn sơn (木寰山: núi Mộc Hoàn): Núi thuộc trại Mộc Hoàn cổ, xã Phúc Lai, nay thuộc thôn Xuân Tiến, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, kề cận với thôn Me và thôn Lược (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan). Núi nằm liền kề núi với núi Mã Thiên/Mã Can/núi Vua Đinh, phía Tây là Lũy/thành Vua/Hoàng đế, chạy xuôi xuống phía nam là núi Tướng, phía đông lại liền một dải với quần sơn Tràng An-Thiên Dưỡng. Theo sử nhà Minh, Thiên Dưỡng Sơn (天養山) (còn gọi là núi Thiện Dưỡng, nay là vùng núi Hệ Dưỡng, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), là một trong 21 núi nổi tiếng nhất nước Nam. Khoảng năm 864 đến năm 868, Cao Biền cai trị nước ta, y đã đắp mô phỏng hình thế núi Thiên Dưỡng dâng về vua Đường ngự lãm. Đến thời nhà Minh, đầu năm Hồng Vũ (1368), núi Thiên Dưỡng được xếp vào hạng danh sơn của nước Nam và Trung Quốc, được bày tên ở đàn Tế Giao (đàn tế trời đất của nhà Minh). Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370), nhà Minh sai quan khâm sai đại thần đến tận nơi làm lễ tế, vẽ lại hình thế núi đem về. Núi Thiên Dưỡng có đỉnh Nhang Án, đỉnh cao, tròn đẹp như tán trời, là nơi bày đàn tế Trời Đất từ rất xa xưa. Tục ngữ Ninh Bình có câu: “Nhất Ba Vì, nhì Nhang Án” tức là đỉnh Nhang Án của núi Thiên Dưỡng đứng nhì trong “tam giác tối linh sơn” là đỉnh núi linh thiêng thứ nhì trong tam giác châu thổ Bắc bộ là núi Ba Vì, núi Thiên Dưỡng và núi Yên Tử.

    Từ những  dã sử, truyền thuyết, huyền thoại và địa danh cổ, ta rút ra nhận định: Vùng đất nay thuộc xã Sơn Lai và một phần đất phía nam, tây nam xã Gia Sinh (Gia Viễn) ngày nay, các địa danh cổ như Mã Thiên/Mã Can, Mộc Hoàn, núi vua Đinh, núi Tướng, núi Thiên Dưỡng, gắn chặt với các sự kiện lịch sử: là địa bàn đóng quân của vua Đinh, diễn ra các hoạt động quân sự: xây đắp lũy thành, tập kết binh lực, chuyển quân, đóng doanh trại và đặc biệt đã từng diễn ra các hoạt động diễn xướng tín ngưỡng theo thủ tục tế lễ của vương triều như tế Trời Đất (còn gọi là Tế Giao), tế Thần xã Tắc.

    Còn rất nhiều địa danh cổ trên vùng đất này gắn với sự kiện lịch sử như đã nêu trên vào thời kỳ đầu xây đô thành Hoa Lư của nhà Đinh, như địa danh làng Bái: Theo truyền ngôn, vua Đinh từng lập đàn tế Thần Xã Tắc (thần Đất và thần Lúa) ở làng Bái (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan), nên địa danh có từ “Bái” đứng đầu ở vùng này khá nhiều, gắn với huyền tích diễn xướng tế lễ của triều đình nhà Đinh ở nơi đây.

    Những di tích, địa danh học đó không chỉ đậm đặc màu sắc huyền thoại về những hoạt động quân sự, diễn xướng tín ngưỡng của bậc quân vương, của vương triều mà nó còn chỉ rõ danh xưng đó là của Đinh Bộ Lĩnh-Vạn Thắng Vương-Đinh Tiên Hoàng đế bởi đan xen giữa những địa danh Hán Việt như Mã Thiên, Mã can, Mộc Hoàn là những địa danh thuần nôm như núi Vua Đinh, núi Tướng, Hòn đá vua Đinh, núi Chuông, núi Trống, thành Hoàng đế, lũy vua Đinh...Từ màn sương mờ ảo của huyền thoại, huyền tích lại ánh lên lung linh sử kiện thật vô cùng quý báu và lý thú đến lạ kỳ: Một vùng sơn thanh thủy tú gắn chặt với địa bàn hoạt động quân sự và hơn thế nữa, một hành cung dã chiến tiền đô thành Hoa Lư hiện diện trên vùng đất cận kề địa linh thang mộc của nhà Đinh.

NNC Trương Đình Tưởng