Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

TÌM HIỂU VỀ TÊN GỌI CHÙA BÀ NGÔ

21/08/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Di tích có tên thường gọi là chùa Bà Ngô.  Ngoài ra địa phương còn gọi tên chữ  hán là “Bà Sa tự” .

Chùa Bà Ngô được xây dựng gần sông Hoàng Long, thuộc địa phận thôn Hoàng Long, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Chùa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, rộng  1.275 m 2 ,  nằm bên hữu ngạn sông Hoàng Long. Chùa quay hướng Đông Nam, kiến trúc theo kiểu chuôi Vồ. Tòa Tiền đường gồm 3 gian nhà ngang, gian giữa dùng làm nơi tế lễ, Ban Đức Ông ở bên tả,  Ban Thánh hiền ở bên hữu. Tiếp giáp với Tiền đường là 2 gian Thượng điện chạy dọc tạo thành hình chuôi vồ. Bài trí Thượng điện: Trên cùng là tượng Tam thế ; hàng thứ 2 là Bộ tượng Di đà tam tôn; hàng thứ 3 là tượng Thích ca liên hoa;  hàng thứ tư là tòa Cửu Long; phía trước tòa Cửu Long còn có tượng Nam Tào , Bắc Đẩu.

Bên tả chùa là  nhà tổ: Thờ tổ Tây và tổ ta

Bên hữu chùa là điện thờ Tam tòa thánh Mẫu

Trước sân chùa là bia đá hình trụ vuông, tạo dựng thời Tự Đức tam thập niên (1877).

Quy mô của chùa khi xây dựng có lẽ rộng lớn hơn rất nhiều so với thực tại, tương truyền chùa được xây dựng từ thời vua Đinh-Tiền Lê; theo văn bia “ Hưng Phúc hương tam hội bi ký ” niên đại Tự Đức năm thứ 30 (1877) còn lưu giữ ở chùa,  cho biết: “Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Cồ Việt trước. Vốn là một danh thắng, nhưng do thế đại chuyển dời, phong quang thay đổi, am Ngọc quạnh quẽ dưới ánh dương tà, chùa báu điêu tàn trơ trọi trong ánh trăng đêm …”.

Tên chùa dân gian  vẫn quen gọi là Bà Ngô, bia đá năm 1877 cũng ghi là Bà Ngô; ở địa phương các cụ cao tuổi giải thích: Xưa kia người Tàu thường giấu của ở chùa này, chôn nữ trinh làm thần giữ của; Ngô - chỉ người Tàu, Bà - chỉ bà thần. Bà Ngô - chỉ bà thần giữ của cho người Ngô.

Qua khảo sát tại chùa thì văn bia viết chữ Ngô () ở đây có nghĩa là tôi, ta chứ không phải nghĩa là người Ngô. Như vậy chữ Bà Ngô ở đây có nghĩa là người phụ nữ tên Ngô mà thôi. Phải chăng tên chùa Bà Ngô là để gợi nhớ đến một người phụ nữ tên Ngô, đã bỏ công, bỏ của ra tu sửa chùa này. Tại địa phương vẫn còn một giai thoại cho rằng: Xưa kia Ngô hoàng hậu (mẹ của Ngô Nhật Khánh, vợ của Đại thắng minh Hoàng đế) đã từng xuống tóc quy y chùa này.

Ngoài văn bia, trong chùa còn lưu giữ bức đại tự đề: Bà Sa Tự  ( ). Dòng lạc khoản đề: Long Phi Ất Dậu xuân. Dịch nghĩa từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ thì  Bà Sa (婆娑)có nghĩa là: dáng múa lòa xòa, dáng đi lật đật, nhắt nhảy, xênh xang, múa may. Chữ Sa ()còn có nghĩa là Sa bà thế giới, chỉ cõi Bà sa tức là cõi người ta có nhiều khổ não. Như vật từ Bà Sa ở đây có thể hiểu là : Vừa nhảy múa, vừa niệm thần chú trong không gian trang nghiêm và cuồng nhiệt.

Trong giai đoạn  1962 – 1967, thực hiện kế hoạch nắn thẳng sông Hoàng Long qua ba huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư;  khi đào đắp đê sông Hoàng Long, phía hữu ngạn sông đã làm xuất lộ nhiều hiện vật, cổ vật thuộc các giai đoạn lịch sử thời : Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần…Chạy dài gần nghìn mét đê, phía Tây của chùa phát hiện được hàng chục cột đá hình trụ bát giác, khắc kinh Phật, do đệ tử là Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn – con trai trưởng vua Đinh Tiên Hoàng tạo dựng dâng vào chùa từ năm Quý Dậu (973) đến năm Kỷ Mão  (979). Trên cột kinh phật này khắc kinh Đà la ni. Theo nội dung bài chú được giáo sư Hà Văn Tấn  (Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư - in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 76 (1965)), dịch ra quốc ngữ thì lời của Đinh Khuông Liễn viết trên thân cột kinh là cầu mong cho những người đang sống, cho vua cha và bản thân được hạnh phúc. Đặc biệt ở phần thần chú khắc trên cột có chữ Bà Sa ( ).  Tên Bà Sa ( ) có lẽ được đặt tên cho chùa từ thời đó ./.

Chùa Bà Ngô

Bia “ Hưng Phúc hương tam hội bi ký ”

 

 

Nguyễn Thị Kim Cúc – PGĐ

Trung tâm BTDTLS Cố đô Hoa Lư