Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Tìm hiểu di tích Nho học ở Ninh Bình

11/11/2019

Ninh Bình là tỉnh nằm ở vị trí trung chuyển giữa miền Bắc và miền Trung, là "cổ" là "họng" của Bắc Kỳ. Do kiến tạo địa chất phức tạp, Ninh Bình là một trong những địa danh có sự xuất hiện của con người từ rất sớm. Những cứ liệu khảo cổ học đã phát hiện Ninh Bình tiềm ẩn rất nhiều di chỉ khảo cổ trong lòng đất được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, chú ý. Có thể kế đến các di chỉ khảo cổ nổi tiếng như: Núi Ba, Hang Sáo, Đồng Vườn, Mán Bạc, Thung Lang, Hang Bói... Ninh Bình cũng là địa phương giàu truyền thống yêu nước, có nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, Ninh Bình đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhiều di tích lịch sử – văn hoá, có hàng ngàn di tích liên quan đến công cuộc dựng nước, giữ nước, trong đó có những di tích gắn với sự “tôn sư trọng đạo” và truyền thống hiếu học của người dân đất Ninh Bình.

Nghiên cứu các tài liệu, sử sách, bia chí và qua điều tra điền dã cho thấy sự xuất hiện của các di tích như văn miếu, văn từ, văn chỉ trên đất Ninh Bình từ rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Văn miếu tỉnh ở phía tây bắc tỉnh thành... Đền Khải Thánh (thờ Khổng Tử) ở phía bắc Văn miếu”; Sách Đồng Khánh địa dư chí thì liệt kê: Văn miếu tỉnh đặt ở thôn Phúc Am, huyện Yên Khánh; Văn miếu phủ Yên Khánh đặt ở xã Lịch Dương, huyện Yên Khánh; Văn từ huyện Yên Khánh đặt ở xã Thiện Trạo; Văn từ huyện Gia Viễn đặt ở xã Đa Giá; Văn từ huyện Yên Mô đặt ở thôn Thượng, xẫ Yên Mô; Văn từ huyện Kim Sơn đặt ở ấp Như Độ; Văn từ huyện Phụng Hóa đặt ở xã Lãng Phong; Văn từ phủ Nho Quan đặt ở xã Lãng Phong huyện Phụng Hóa; Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên viết: Văn miếu ở phía tây bắc tỉnh thành, nhân chỗ cũ ở Yên Khánh mà dựng lại vào năm Minh Mạng 16 (1835); Văn từ phủ Yên Khánh đạt ở xã Đại Sơn huyện Yên Mô; Văn từ huyện Yên Khánh ở xã Lịch Dương, vốn trước ở xã Thiện Trạo; Văn từ huyện Gia Viễn hiện ở dưới núi A Nậu, phía tây trụ sở huyện; Văn từ huyện Yên Mô ở xã Yên Mô;  Văn từ huyện Kim Sơn ở ấp Như Độ; Văn từ phủ Nho Quan ở xã Lạng Phong.

Một số văn khắc Hán nôm trên các tấm bia như bia Trùng tu văn từ phủ Thiên Quan; Trùng tu văn miếu Thiên Quan; Trùng tu nhị huyện Phụng-Lạc Văn từ; Nho Quan văn từ tế điền bi ký; - Yên Khánh phủ văn từ bi ký; Rất đáng tiếc là những tấm bia quý này với nhiều lý do khác nhau đã “biến mất” chỉ còn được biết đến thông qua  cuốn cổ sử Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên của cụ Nguyễn Tử Mẫn mà thôi. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Ninh Bình đang lưu giữ và bảo quản một số văn bia sau:

Bình phong trang trí ở văn từ thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn

- Văn hội bi ký (đang lưu giữ ở đình Cam Giá, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình);

- Chư viên cúng tự điền dữ tế tổ điền bi (chùa Phúc Ân, làng Quán Vinh, xã Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình);

- Bản xã văn từ bi (đang lưu giữ ở đình Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 21 (1868) ghi việc lập văn từ tại thôn Khả Lương.

- Đồng Xuân văn từ tiến cúng tính danh bi ký (đang lưu giữ ở đình Đồng Xuân, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); niên hiệu Tự Đức 18 (1837), ghi việc lý do lập đền thờ người có học và ghi danh những người công đức.

- Văn từ bi ký (đang lưu giữ ở văn từ thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); niên hiệu Tự Đức 13 (1860) ghi lý do lập văn từ và ghi danh những người công đức.

- Bi văn ký (đang lưu giữ ở nhà văn hóa thôn Trinh Phú, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); niên đại Duy Tân 6 (1908) ghi việc tu sửa văn chỉ và ghi danh những người công đức;

- Hương hiền bi ký (đang lưu giữ ở cụm di tích thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 30 (1877), ghi việc thờ Khổng Tử và các học trò của ông tại văn từ;

- Hưng công bi ký (đang lưu giữ ở cụm di tích thôn Giá Thượng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 30 (1877), ghi việc hưng công xây dựng văn từ;

- Tiên Hưng văn từ bi ký (đang lưu giữ ở đình Tiên Hưng, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 17 (1864), ghi lý do lập văn từ và ghi danh những người công đức;

- Bồ Vi văn chỉ bi ký (đang lưu giữ ở văn chỉ làng Bồ Vi, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 21 (1868), ghi lý do lập văn chỉ;

- Đồng Phú tổng hội văn bi (đang lưu giữ ở đình Hạ, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại bị mờ.

- Đại khoa tòng tự (đang lưu giữ ở đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình); niên đại Duy Tân 1 (1907), ghi danh những người đỗ đại khoa của đất Yên Khánh xưa;

- Tạ tộc đại tôn bi ký (đang lưu giữ ở nhà thờ chi 2 họ Tạ, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 36 (1883), ghi danh những bậc tiên hiền họ Tạ;

- Lịch đại tiên hiền biên thứ (đang lưu giữ ở đình Tây, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại bị mờ, ghi danh những người có tài trong ấp;

- Vũ Linh tiền thuyết thượng/hạ, (đang lưu giữ ở nhà thờ Ninh Tốn, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại Cảnh Hưng 42 (1781), ghi chép những lời giáo huấn răn dạy đời sau;

- Chính trung vị xã Yên Mỹ, (đang lưu giữ ở nhà thờ Ninh Tốn, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); niên đại Tự Đức 2 (1849), ca ngợi công đức của danh nhân Ninh Tốn.

- Không tên, (đang lưu giữ tại văn chỉ thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), bia không gi niên đại, ghi danh các vị đỗ đạt cao trong làng.

Theo khảo sát điền dã, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các kiến trúc văn miếu, văn từ và văn chỉ do nhiều lý do tác động mà đã bị phá hủy, biến dạng hoặc dồn ghép vào với các di tích khác. Các kiến trúc văn miếu như Văn miếu tỉnh, phủ hiện nay không còn, địa điểm xây dựng cũng đã được xây dựng bởi các kiến trúc dân sinh khác. Một số văn từ, văn chỉ bị hủy hoại, hoặc biến dạng (Văn từ thôn Trinh Phú, Văn chỉ làng Bồ Vi... ), hoặc dồn vào thờ chung với các loại hình kiến trúc tôn giáo khác (Văn từ làng Tiên Hưng, Văn từ thôn Tùy Hối, Văn chỉ làng Giá Thượng, Đại khoa tòng tự, Hưng công bi ký...). Có những văn từ, văn chỉ bị “biến mất” hoàn toàn, thay vào địa điểm đó là một công trình dân sinh (nhà văn hóa thôn) như văn chỉ làng  Trinh Phú.

Hiện này, được sự quan tâm, chú ý của các cấp chính quyền, nhiều văn từ, văn chỉ được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp như: Văn từ thôn Tùy Hối, văn chỉ làng Đoan Bình, văn chỉ làng Bồ Vi... Một số văn từ, văn chỉ nằm trong các di tích được tu sửa, nâng cấp cùng với sự trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa. Tuy nhiên, có văn từ, văn chỉ chỉ còn lại dấu tích là những tấm bia đá đang được lưu giữ tại các đình, chùa, miếu mà các kiến trúc của nó đã bị phá hủy hoàn toàn, như: Văn chỉ làng Giá Thượng, văn từ làng Đồng Xuân, văn từ làng Tiên Hưng...

Một số đền thờ danh nhân lịch sử-văn hóa được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và phát huy tác dụng. Điển hình là đền thờ danh nhân Trương Hán Siêu trong nằm trong Cụm kiến trúc tín ngưỡng Núi-chùa Dục Thúy (Non Nước) và Khu Công viên cây xanh Thúy Sơn. Hàng năm, tại đền thờ cụ Trương Hán Siêu, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh thường tổ chức lễ trao giải thưởng cho các tác phầm văn học - nghệ thuật tiêu biểu; các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Trong tâm thức người dân Ninh Bình, cụ Trương Hán Siêu như một vị "tiên hiền" trong lĩnh vực học vấn. Đầu xuân, năm mới nhân dân thường ra dâng hương tưởng niệm, cầu bình an hạnh phúc và đặc biệt là cầu cho con cháu học hành sáng láng, đỗ đạt cao. Tên cụ cũng được đặt cho một con đường dài ở thành phố Ninh Bình và nhiều trường tiểu học, trung học trong địa bàn tỉnh.

Một loại hình di tích kiến trúc có liên quan đến sự hiếu học của các làng quê Việt Nam đó là các kiến trúc nhà thờ họ. Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc của một dòng họ. Đây là kiến trúc dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay của một chi họ. Bên cạnh việc thờ phụng tổ tiên, các dòng họ cũng có truyền thống là hàng năm nhân tổ chức các sự kiện tri ân, tưởng nhớ tiền nhân (cúng giỗ), thường tổ chức các hoạt động nêu gương sáng các thành viên trong dòng họ có những thành tích cao trong học tập, công tác, rèn luyện... Các dòng họ đặc biệt chú trọng đến công tác rèn luyện, đào tạo tri thức, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống cho các thế hệ con cháu. Ngoài việc nêu gương sáng, một số dòng họ còn có những quy định trong việc động viên, khích lệ các cá nhân đạt thành tích như: tặng quà, học bổng, giấy khen, tổ chức tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử-văn hóa, khu vui chơi...  Theo thông kê Ninh Bình có 34 nhà thờ họ được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Có thể kể đến các nhà thờ đã được các cấp chính quyền và dòng họ quan tâm, trùng tu, sửa chữa như: Nhà thờ danh nhân Ninh Tốn ở Yên Mỹ, Yên Mô; Nhà thờ Tạ ở Yên Mỹ, Yên Mô; Nhà thờ cụ Nguyễn Tử Mẫn ở Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình; Nhà thờ cụ Vũ Phạm Khải ở Yên Mạc, Yên Mô; Nhà thờ cụ Phạm Thận Duật ở Yên Mạc, Yên Mô…

Di tích lịch sử văn hóa (Đặc biệt là các di tích Nho học) là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, là những chứng vật chất phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc. Đồng thời nó cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người và các hoạt động văn hóa gắn liền với di tích. Mặt khác nó còn là nguồn tư liệu quý giá để con người hôm nay cũng như mai sau hiểu được những suy nghĩ tình cảm của  thế hệ cha ông ta trong quá khứ. Từ đó có những ứng xử văn hóa phù hợp với hiện tại và tương lai, không chỉ thế, đó còn là nguồn tư liệu sống như để khẳng định với nhân loại về lịch sử văn hóa dân tộc, quốc gia.

Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình