Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

SỨC SỐNG CỦA NGHỆ THUẬT HÁT XẨM

14/12/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

“Này, mắt cháu tinh nhìn ti vi xem có phải bà Cầu đang hát không, bà nghe thấy quen quá, mở tiếng to lên tí nữa đi, lâu quá rồi bà chưa được nghe bà ấy hát”. Đó là câu bà nội nói với tôi khi bà nằm trên giường bệnh, tuổi đã cao, sức đã kiệt. Khi ấy tôi mười tám, ngồi bóp tay chân cho bà vào lúc đài truyền hình Ninh Bình phát một chương trình văn nghệ có nghệ nhân Hà Thị Cầu hát. Câu nói của bà sau đó đã ám ảnh tôi, khiến tôi luôn tự hỏi, nguồn năng lượng nào khiến bà tôi tuy đã sức cùng lực kiệt vẫn nghe và nhớ đến giọng hát, đến bà Cầu như vậy, và sức mạnh ấy có thể lan tỏa đến những đâu, bằng những cách nào. Tôi đã mất nhiều năm để tìm, để hiểu, để lý giải phần nào sức mạnh, sức sống bền bỉ của tiếng đàn tiếng hát ấy trong đời sống tâm hồn người dân quê tôi.

Phải chăng bà tôi và rất nhiều người cùng thế hệ bà đã dành một phần tâm thức của mình cho sự tồn tại của Hát Xẩm. Phải chăng câu nói của bà trong lúc thập tử nhất sinh ấy, đã vô tình khắc vào tâm trí đứa con gái mới lớn một mối tò mò, thắc mắc về Hát Xẩm như gieo một hạt mầm để cháu bà phải để ý, phải quan tâm, phải biết đến một thứ âm nhạc có tên gọi là Hát Xẩm. Trí nhớ của bà đã là một mảnh đất để Hát Xẩm lưu truyền, câu nói của bà đã là một khơi thức để tôi, thế hệ kế tiếp của bà, dành một phần tâm trí mình cho Hát Xẩm.

Vốn là một hình thức diễn xướng dân gian bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc, Hát Xẩm xuất phát từ những người đi hát rong kiếm sống. Giai điệu, ca từ giàu sức biểu cảm, có thể chạm tới trái tim, tâm hồn con người, đánh thức sự cảm thông, chia sẻ, khi vui, khi buồn, khi ỉ ôi than thân trách phận, khi dí dỏm sôi động tươi vui khiến cả người hát, người nghe hát tìm được sự đồng cảm, đồng điệu. Nội dung ca từ chất chứa triết lý nhân sinh, có tính giáo dục, nhân văn sâu sắc, đủ sức đi qua không gian, thời gian, tìm được sự đồng cảm, yêu thích của nhiều người, nhiều thế hệ.

Những gánh hát Xẩm rong để kiếm sống

Tuy nhiên thời đại toàn cầu hoá mang đến cho cuộc sống hiện đại cơ hội tiếp thu, tiếp biến các trào lưu văn hoá, nghệ thuật mới trên khắp thế giới, cũng mở ra khả năng sáng tạo nghệ thuật không giới hạn cho con người. Bởi vậy, không gian, thời gian và tình cảm mà con người hiện đại dành cho nghệ thuật truyền thống không còn phong phú dày dặn như xưa. Nghệ thuật Hát Xẩm vì vậy cũng có thể mai một nếu không kịp thời gìn giữ và làm gia tăng giá trị trong đời sống con người.

Trong nỗ lực chung của cả nước hướng tới xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Ninh Bình và các tỉnh có nghệ thuật Hát Xẩm đã và đang kiến tạo không gian vật chất có đầy đủ các điều kiện cần thiết để nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Hát Xẩm nói riêng được bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành thành tố ý nghĩa trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội ở địa phương.

Với nền tảng văn hóa truyền thống của người Ninh Bình là đời sống văn hóa tinh thần phong phú, yêu văn chương nghệ thuật, say mê ca hát, Ninh Bình thực sự là mảnh đất giàu sinh dưỡng cho các loại hình nghệ thuật đơm hoa kết trái lưu truyền và phát triển. Nghệ thuật Hát Xẩm đã là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Ninh Bình. Những thế hệ như bà tôi và có thể thế hệ trước bà nữa, chắc chắn trong tâm thức vẫn còn hằn sâu những xúc cảm mạnh mẽ mà Hát Xẩm tạo ra từ thời xuân trẻ, để đến khi tuổi già bóng xế vẫn còn rực lửa, ngọn lửa không chỉ khiến người quên tình trạng thập tử nhất sinh hiện tại trong giây lát để nhớ về tuổi xuân mà còn đủ sức truyền tỏa đến thế hệ chúng tôi.

Đa dạng lứa tuổi trong một CLB hát Xẩm tại Yên Mô

Trong hành trình về miền quê Xẩm Yên Mô, Ninh Bình, tôi được gặp các cháu nhỏ trong câu lạc bộ Xẩm, nghe các cháu hát mà lòng tha thiết một niềm yêu tin đặc biệt với Xẩm, với sức cuốn hút và lan tỏa kỳ diệu của Xẩm. Có cháu nhỏ biết hát Xẩm từ lúc mới 4 tuổi, đến 6 tuổi đã hát thuộc và hát hay khá nhiều bài Xẩm, vừa hát vừa gõ phách, say mê và chuyên nghiệp. Cả câu lạc bộ hầu hết là các cháu nhỏ, cháu nào cũng có thể vừa chơi đàn vừa hát. Khi đã ngồi vào chiếu xẩm, cất lên tiếng đàn, thì dường như tất cả các em dành cho Xẩm sự dâng hiến trọn vẹn với tất tình yêu thuần khiết và đam mê. Nghe các em hát, chúng tôi không cầm được nước mắt, bởi chúng tôi biết, những nụ mầm đây sẽ sớm vươn cành, tung tán, và Xẩm không thể nào mai một được, chỉ cần chúng tôi biết cách ươm trồng, vun xới, bảo vệ cho những nụ mầm ấy vươn lên mạnh mẽ và bình an.

Và tôi càng thấu hiểu vùng kỳ ức của bà đã được đánh thức thế nào khi tiếng hát của nghệ sĩ Hát Xẩm cất lên. Tôi cũng biết tôi và rất nhiều người sau tôi nữa, đã dành một phần ký ức không nhỏ của mình cho Xẩm. Xẩm đã – đang – và sẽ lưu tồn như thế, trong thế giới tinh thần giàu có của người dân Ninh Bình và bất cứ ai đã một lần nghe, biết đến Xẩm./.

 

Vũ Thanh Lịch