Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

PHÁT HIỆN DẤU TÍCH KIẾN TRÚC THỜI ĐINH – TIỀN LÊ Ở NGOÀI TUYẾN TƯỜNG THÀNH KINH ĐÔ HOA LƯ XƯA

09/09/2020

    Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học "Nghiên cứu nhận diện Hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu nhà nước Đại Cồ Việt", được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Quyết định số 349/QĐ-BVHTTDL ngày 10/2/2020từ tháng 1/2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật di tích đền Lăng Công chúa với diện tích khai quật 200m2.

    Đền Lăng Công chúa, đền Công Chúa hay đền Lăng, đền Mẫu trưởng quốc Công chúa là tên gọi ngôi đền hiện nay thờ Trưởng quốc Công chúa Dyên Khang (Theo sắc phong Khải Định năm thứ 9 (1924)). Đền nằm trong khoảng tọa độ địa lý: 20016'57'' Vĩ độ Bắc; 105052'21'' Kinh độ Đông, thuộc địa phận thôn Xuân Trì, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

    Đền Lăng Công chúa nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, cách 3,6km theo đường chim bay; phía Nam là chùa Bái Đính, cách chùa Bái Đính cổ khoảng 1,5km và cách chùa Bái Đính mới khoảng 1,2km; phía Bắc qua một ngọn núi thấp là sông Hoàng Long, cách khoảng 1,3km; phía Đông và Đông Nam nằm sát với vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An.

    Địa hình khu di tích ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Phía Tây và phía Bắc, sườn đồi đã bị đào lấy đất đắp đường chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; xung quang chân đồi đã được xây kè đá mở rộng và tôn đắp cao thêm nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch ở đây trong tương lai.

    Trong các cuộc khảo sát trước đây, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã phát hiện nhiều dấu vết gạch ngói phân bố rải rác dưới các khu ruộng cấy quanh chân đồi Lăng. Đầu năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật thám sát di tích này. Kết quả trên diện tích khoảng gần 20m2, dưới độ sâu khoảng hơn 3m, vượt qua lớp đất san lấp cải tạo mặt bằng và lớp đất canh tác cũ đã phát hiện dấu vết gạch ngói dày đặc nằm trong tầng đất có màu nâu xám dính và ướt. Qua nghiên cứu so sánh nhận thấy các loại vật liệu tìm thấy tại đây có niên đại thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ 10. Trong số này có những loại hình vật liệu tìm thấy như các mảnh vỡ của gạch chữ nhật, các loại ngói lòng máng, ngói ống đặc biệt là một số mảnh đầu ngói ống lợp diềm mái có trang trí hoa sen và mảnh vỡ tượng chim uyên ương gắn trên ngói úp nóc mang những nét đặc trưng giống với các vật liệu đã tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học trước đó tại khu vực trung tâm di tích Cố đô Hoa Lư và khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đền thờ Lăng Công chúa, thôn Xuân Trì, xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình

    Dựa vào kết quả của cuộc khai quật thám sát đầu năm và hiện trạng mặt bằng cũng như địa hình khu vực di tích, đoàn công tác tiến hành mở 02 hố khai quật. Hố thứ nhất (H01) mở trên đỉnh đồi, ngay sát bên phải (phía Bắc) đền thờ; Hố thứ hai (H02) nằm phía Bắc hố H1, phía dưới con đường vào di tích hiện nay.

    Hố H1 được mở ra trên toàn bộ khu vực phía bên phải và phía sau đền. Diện tích khai quật khoảng 120m2. Trên toàn bộ mặt bằng hố khai quật, khi đào xuống độ sâu từ 10-20cm đã gặp nền đồi. Sau khi khai quật đi toàn bộ lớp đất màu phía trên, phạm vi phía phải đền cách chân móng đền khoảng 1m đến 2m xuất lộ một cụm gạch, ngói vỡ chạy dài theo chiều Đông - Tây mật độ dày đặc ở phía Đông, mỏng dần về Tây và mất dấu.

    Gạch ở đây đều là gạch vỡ và bị xô lệch. Khi tiến hành bóc rỡ đi một đoạn gạch ngói này thì hoàn toàn không tìm thấy dấu vết kiến trúc. Phía dưới lớp gạch ngói là nền đồi với cấu tạo sạn sỏi rắn chắc có xu hướng dốc từ Nam về Bắc theo hướng sườn đồi. Đặc điểm đáng chú ý là tính chất của nền đất phía Nam và Bắc của dải gạch ngói này. Nếu như phía Bắc mật độ gạch ngói thưa dần, nền đất xốp hơn, có xu hướng thấp hơn và dốc dần theo triền đồi, thì ở phía Nam mật độ gạch ngói đậm đặc hơn, nền đất phẳng và rắn chắc hơn. Hiện tượng này phần nào cho thấy phía Nam dải gạch ngói có thể là phần nền kiến trúc và phía Bắc là phần bên ngoài công trình.

    Dựa vào đặc điểm các loại vật liệu cho thấy tất cả chúng đều mang phong cách vật liệu xây dựng thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ 10, giống như các vật liệu đã tìm thấy tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư trước đó (ngoại trừ một số mảnh gạch thời Đường).

    Cũng tại hố H1, đoàn nghiên cứu phát hiện ấu vết di tích “Gạch vòm cuốn” nhỏ. Di tích xuất lộ tại vị trí sườn đồi dốc đứng, nó đã bị phá đi một nửa và có mặt cắt kiểu “mộ vòm” (gạch xếp bên trên theo kiểu cuốn vòm), bên trong để trống, có kích thước rất nhỏ: Cao 0,8m, rộng 0,6 x 0,6m, lòng rộng 0,2 x 0,2m. Di tích xuất lộ do việc đào đất đắp con đường chiến lược (đường Anh Trỗi) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc đào đất thời kỳ này đã phá đi một phần sườn phía Bắc và phía Tây quả đồi. Di tích nằm sâu hơn so với mặt đất hiện tại hơn 1m, được xây hoàn toàn bằng loại gạch hình chữ nhật màu đỏ, xương mịn nhưng xốp, có nhiều vân sét vàng. Gạch chủ yếu là gạch vỡ, kích thước chiều rộng 15-16cm, dày 3-4cm, một số viên có trang trí nổi hoa văn các đường chéo đan vào nhau ở mặt bên của viên gạch. Căn cứ vào vị trí xuất lộ, địa tầng xung quanh có thể thấy đây là loại hình di tích không lộ thiên mà được chôn sâu vào lòng đất. Nó hoàn toàn không có mối liên quan đến các dấu vết hàng gạch và dải gạch ngói tìm thấy phía trên. Gạch xây ở đây mang phong cách gạch thời Đường, thế kỷ 7-9. Chưa xác định được vai trò và chức năng của di tích.

    Hiện vật khai quật tại hố H1 chủ yếu thu được các loại hình vật liệu kiến trúc bao gồm các mảnh vỡ gạch, ngói và trang trí, có niên đại vào thời Đường và thời Đinh – Tiền Lê, cụ thể như sau:

    - Thời Đường, thế kỷ 7-9: Thu được một số mảnh gạch chữ nhật màu đỏ, gạch mỏng, xương lẫn nhiều sét vàng, dộ nung thấp, một số mảnh có trang trí hoa văn ô trám.

    - Thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ 10: Chiếm số lượng nhiều nhất, đa phần đều là mảnh vỡ, gồm gạch, ngói và trang trí kiến trúc. Gạch chủ yếu là mảnh vỡ của loại gạch chữ nhật màu đỏ, xương chứa nhiều sét vàng với nhiều độ đanh chắc khác nhau, kích thước phổ biến 32x15x5cm.

    Ngói tìm thấy nhiều là các mảnh ngói lòng máng và ngói ống, gồm cả các mảnh đầu ngói ống lợp diềm mái trang trí hoa sen. Ngoài ra, tại đây còn tìm thấy một số mảnh vỡ của tượng chim uyên ương gắn trên ngói úp nóc. Đặc biệt, trong hố khai quật còn tìm thấy một số mảnh vỡ của loại hình ngói úp nóc gắn quầng sáng trang trí nóc mái công trình kiến trúc giống như khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Loại ngói này tìm thấy khá ít ỏi trong các cuộc khai quật di tích thời Đinh - Tiền Lê ở Cố đô Hoa Lư.

    - Thời Nguyễn: Tìm thấy các mảnh ngói, gạch vỡ là sản phẩm của việc trùng tu hậu cung đền.

    Bên cạnh các loại vật liệu kiến của các thời kỳ nêu trên, trong lớp mặt còn tìm thấy một vài di vật đá có hình thù khác nhau như mảnh vỡ có thể là vòng tay được mài nhẵn, mảnh đá có mặt cắt hình lục lăng, mặt cắt hình bầu dục, các mặt đều được mài nhẵn, hiện chưa rõ chức năng của loại hình di vật này. Ngoài ra tại đây còn tìm được số lượng rất ít các mảnh sành và gốm có niên đại thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn.

Ngói úp nóc trang trí quầng sáng, thời Đinh – Tiền LêKhu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bùi Minh Trí

    Hố H2 nằm phía Bắc và cách H1 khảng 20m về phía Nam, phía dưới chân đồi Lăng, hiện nay là vị trí con đường lên đền. Hố H2 có dạng hình thang chạy dài theo Đông Tây với đáy lớn phía Tây và đáy nhỏ phía Đông. Do vị trí hố nằm vào khu vực sát chân đồi và ruộng trước đây, ngày nay đã được tôn lấp mở rộng ra và cao lên nên phải khai quật xuống độ sâu 3-4m mới xuất lộ di tích (độ chênh cao so với mặt đồi khoảng 9m).

    Căn cứ vào địa tầng phía Bắc, Nam và phía Tây có thể thấy, hố khai quật được mở vào vị trí chân đồi trước đây, địa tầng cho thấy độ dốc của các lớp đất từ Nam xuống Bắc và từ Tây sang Đông, mặt bằng xuất lộ di vật cũng cao từ Tây Nam xuống Đông Bắc.

Hiện trạng mặt bằng Hố 2   

    Sau khi khai quật đi toàn bộ lớp đất san lấp và lớp đất thịt màu nâu và nâu đen, ở độ sâu khoảng 3m so với lớp mặt xuất lộ một dải gạch ngói mật độ dày đặc chạy dài từ Tây sang Đông, dải gạch ngói này tập trung dày đặc trên diện rộng ở phía Tây (còn phát triển về phía Tây ngoài phạm vi hố khai quật) và thu hẹp cũng như mỏng dần về Đông (Sát vách đông gần như chỉ còn lác đác). Gạch ngói vỡ tập trung tạo thành dải dài cao ở giữa và thấp về hai bên giống như một doi đất. Nếu như phía Bắc là khu vực trũng sâu do là phạm vi ruộng thì phía Nam là chân đồi gạch ngói cũng có xu hướng thấp dần xuống. Hiện tượng đất ở hai phía của dải gạch ngói hoàn toàn khác nhau. Nếu như phía Bắc là đất bùn màu xám đen vì nằm dưới phạm vi ruộng trũng thì phía Nam đất có hiện tượng lớp trên là dạng đất sét vàng rất dẻo và dính, lớp dưới là đất sỏi rắn chắc có màu nâu hồng giống như hiện tượng đất bị đốt cháy. Gạch ngói ở đây vỡ vụn và được dồn đống lại. Lớp gạch ngói đổ có chiều dày khoảng 0,4m, mỏng phía Nam và sâu dần về phía Bắc, gạch ngói càng xuống dưới thì kích thuớc mảnh càng lớn, và mật độ giảm dần, phía dưới lớp gạch ngói là đất sét ướt và dẻo, nền đất dốc thoải dần từ Nam xuống Bắc theo hướng chân đồi. Hiện tượng đất có màu nâu hồng kéo dài xuống phía Bắc khoảng 1m thì không còn nữa.

    Di vật thu được ở đây chủ yếu là các mảnh gạch vỡ vụn, các mảnh vỡ 1/2 rất ít, ngói ống, ngói lòng máng, các mảnh đầu ngói ống có trang trí hoa sen, các mảnh tượng chim uyên ương kích thước lớn được ghép từ 2 nửa khác nhau.

    - Gạch: chiếm số lượng nhiều hơn cả, tất cả là gạch vỡ với nhiều kích thước khác nhau, trong số đó chủ yếu là gạch có màu đỏ, xương chứa nhiều sét vàng, với nhiều độ nung khác nhau, có viên mềm bở rời nhưng có những viên rấ đanh chắc, một số còn bị cháy. Đặc biệt trong số này có 01 mảnh gạch màu nâu sẫm, xương khá mịn, gạch bị vỡ, mặt trên còn lại 1 chữ Hán in nổi là chữ "quốc" () và 1 mảnh gạch màu đỏ có dấu vết khung in chữ Hán nhưng phần chữ đã mất. Nhiều khả năng viên gạch còn lại chữ "quốc" có thể là mảnh gạch của loại gạch có in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" như đã tìm thấy khá nhiều ở khu vực Cố đô Hoa Lư trong các đợt khai quật trước đây. Bên cạnh đó, tại đây còn tìm thấy một số mảnh gạch màu xám xanh, có mảnh màu nâu đỏ sẫm mặt trên in hoa văn kiểu văn chải.

     - Ngói: Tìm thấy khá nhiều mảnh vỡ của ngói ống và ngói lòng máng. Ngói đa phần có màu đỏ, đỏ sẫm, xương đanh chắc, một số bị cong vênh. Trong số này có 1 viên ngói ống còn đủ dáng, kích thước (dài 35cm, rộng 15cm, dày 1,5cm), bên cạnh đó còn tìm thấy một số mảnh đầu ngói ống lợp diềm mái trang trí hoa sen.

    - Trang trí kiến trúc: Trong thành phần của dải gạch ngói này tìm thấy một số mảnh tượng Uyên ương gắn trên ngói úp nóc có kích thước khá lớn, bề ngang dẹt, các lớp cánh và đuôi tạo rõ nét.

    Ngoài các loại vật liệu kiến trúc tìm thấy như trên, tại đây còn tìm thấy khá nhiều các mảnh gạch cháy, mảnh gạch bị cong vênh, đặc biệt có 1 số mảng gạch cháy dính liền nhau và nhiều mảnh đất cháy dạng xỉ.

 

    Kết quả khai quật bước đầu cho thấy, dù dấu vết kiến trúc không còn rõ ràng và cụ thể nhưng dựa vào sự phân bố của các vật liệu, các hiện tượng khảo cổ và đặc biệt là dấu vết còn lại của hàng gạch chạy theo chiều Bắc - Nam tại hố H1, các loại vật liệu kiến trúc đã tìm thấy có thể khẳng định tại đây đã từng tồn tại công trình kiến trúc bằng gỗ, có bộ mái lợp ngói ống trang trí hoa sen và các loại ngói úp trang trí uyên ương và quầng lửa, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật đặc sắc của kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê, thế kỷ 10.

    Các loại vật liệu lợp mái kiến trúc và các loại gạch tìm thấy ở đây đều mang những nét đặc trưng tương đồng với các vật liệu kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê đã tìm thấy tại khu di tích Cố đô Hoa Lư và khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhưng đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện được dấu tích kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở bên ngoài tuyến tường thành Kinh đô Hoa Lư xưa.

    Di tích này nằm cách xa khu vực đền vua Đinh – vua Lê hiện nay khoảng gần 4km theo đường chim bay. Trong không gian đó, khu vực này trước đây có thể đã từng giữ một vai trò quan trọng và được triều đình Hoa Lư xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt của Kinh đô Hoa Lư.

    Việc tìm thấy dấu vết di tích “Gạch vòm cuốn” có niên đại thời Đường chôn dưới lòng đất phần nào đó cho thấy vai quan trọng của khu vực này không những dưới thời Đinh - Tiền Lê mà có thể còn sớm hơn nữa.

    Việc tìm thấy dấu vết kiến trúc và các loại hình vật liệu kiến trúc như trên (đặc biệt là mảnh gạch có chữ "quốc") khẳng định chắc chắn rằng tại đây vào thời Đinh - Tiền Lê đã từng tồn tại công trình kiến trúc có bó nền xây bằng gạch, khung bằng gỗ, mái lợp ngói ống trang trí hoa sen với các loại hình trang trí mái đặc trưng mang yếu tố cung đình. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di tích trong mối quan hệ với Kinh đô Hoa Lư.

    Mặc dù kết quả bước đầu cho thấy thế kỷ X, bên ngoài khu vực kinh thành Hoa Lư đã từng có công trình kiến trúc bề thế, tuy nhiên cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau để làm rõ hơn các vấn đề lịch sử xung quanh kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, góp phần làm rõ lịch sử vùng đất Ninh Bình, làm cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa con ngươi vùng đất Cố đô.

PHÒNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA