Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

NINH BÌNH THÊM 09 DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH NĂM 2021

09/12/2021

NINH BÌNH THÊM 09 DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH NĂM 2021

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2021, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp các địa phương thực hiện lập hồ sơ xếp hạng đối với các di tích có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh. Ngày 19/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành các Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với 09 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 388 di tích. Các di tích được xếp hạng 2021 gồm:

ĐÌNH TUY LAI, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn

Đình tọa lạc tại xóm 5 xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, phía bắc khu dân cư làng Tuy Lai, trên mảnh đất có diện tích gần 2 mẫu Bắc Bộ, tách biệt với khu dân cư, xung quanh là ruộng lúa, hồ nước. Đình được xây dựng theo kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian Trung đường và 2 gian Hậu cung chạy dọc. Toà Tiền đường kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc, 4 hàng chân cột gỗ, vì kèo kiểu giá chiêng ván bưng, tòa Hậu cung cuốn vòm bằng vôi mật, lợp ngói vẩy. Đình còn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn cổ kính. Đình được xây dựng bằng vật liệu kiên cố năm 1884, trùng tu vào năm 1936. Năm 2013, tu bổ lớn, tôn tạo cảnh quan.

Đình Tuy Lai thờ cúng các vị thần: Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương, là các vị Thần biển bảo hộ cho cư dân miền biển, được thờ phổ biến tại miền duyên hải trong cả nước, trong đó tập trung tại vùng Bắc Trung Bộ, được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong Thượng đẳng thần; Chiêu mộ Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Văn Bốn, là hai vị chiêu mộ có công chiêu mộ dân chúng, khai hoang lấn biển, thành lập nên ấp Tuy Lai vào đầu thế kỷ XIX; Bản cảnh Thành hoàng và thần Bản thổ; Tam tòa Thánh Mẫu, là các vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng Tam phủ của người Việt, được thờ tại Phủ Mẫu trong khuôn viên di tích

ĐÌNH BẮC THỊNH, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn

Di tích được xây dựng theo kiến trúc kiểu “chữ Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường cổ đẳng, 2 gian Hậu cung cuốn vòm chạy dọc tạo thành chuôi vồ. Kiến trúc tường hồi bít đốc. Di tích về cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, nguyên bản thời Nguyễn.

Di tích đình Bắc Thịnh tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng của cư dân miền đất mới Kim Sơn, là nơi thờ cúng những vị thần, nhân vật lịch sử có công với dân, với nước như: Đại La Đại vương, Vũ Hùng Uy tôn thần, Bản ấp phúc thần. Đây là những vị thần gắn với quan niệm di dân di thần của những lưu dân khai mở đất đai, thành lập huyện Kim Sơn. Các vị thần được rước chân nhang về thờ tại di tích từ thôn Trang Túc (xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); di tích cũng là nơi thờ cúng Chiêu mộ Vũ Duy Lương và các nguyên mộ, thứ mộ, tân mộ, tòng mộ, là những vị tiên hiền có công chiêu mộ dân chúng, khai hoang lấn biển, lập ấp Phu Vinh vào đầu thế kỷ XIX.

MIẾU LÀNG PHU VINH, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn

Miếu làng Phu Vinh là nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị thần: Đại La Đại vương, Vũ Hùng Uy tôn thần, Bản ấp phúc thần, Tả Thái Giám, Hữu Thái Giám có công phù giúp nhân dân tăng gia sản xuất, mở rộng đất đai, xây dựng cuộc sống yên ổn thanh bình. Đây là những vị thần gắn với công cuộc di dân di thần của những lưu dân theo Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ khai mở đất đai, thành lập huyện Kim Sơn. di tích cũng là nơi thờ cúng Chiêu mộ Vũ Duy Lương và các nguyên mộ, thứ mộ, tân mộ, tòng mộ, là những vị tiên hiền có công chiêu mộ dân chúng, khai hoang lấn biển, lập ấp Phu Vinh vào đầu thế kỷ XIX.

Di tích được xây dựng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng xã diễn ra từ thế kỷ XIX. Tìm hiểu về di tích, chúng ta có cơ hội hiểu thêm về công cuộc khẩn hoang lấn biển, chiêu dân lập ấp của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, về sự hình thành và phát triển của vùng đất mới Kim Sơn, về phong tục, văn hoá, nếp sống của nhân dân thời đó.

PHỦ KIM ĐÔI, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan

Phủ Kim Đôi được xây dựng trên khu đất cao, phía Đông làng Kim Đôi, theo kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung, kiểu tường hồi bít đốc. Vì kèo gỗ, mái lợp ngói nam. Di tích được xây dựng năm 1900, năm 1920 phủ được hoàn thành xây dựng theo kiểu thức chữ đinh. Di tích đã được tu bổ nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ truyền.

Di tích thờ nhân vật Sơn Tinh Công Chúa, là Mẫu Thượng Ngàn, một trong ba vị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt; Cô Nhất - Bạch Vân Công chúa, là người theo hầu Mẫu Thượng Ngàn và các nhân vật thờ cúng khác thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Tại di tích còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa. Di tích Phủ Kim Đôi tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn huyện Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.

ĐÌNH AN NỘI, xã Gia Tường, huyện Nho Quan

Đình An Nội là di tích mới được phục dựng gần đây trên nền một ngôi đình làng cổ, mang nét kiến trúc truyền thống dân tộc, khang trang, uy nghiêm. Không gian di tích tách biệt khu dân cư, phía trước có núi nhỏ làm tiền án, hồ nước rộng làm minh đường. Đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung.

Di tích thờ Tam vị Thánh Tản (Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại vương, Cao Sơn Đại vương) và Thành hoàng bản thổ. Hàng năm, tại di tích có tổ chức lễ hội tưởng nhớ Tam vị thánh Tản Viên: diễn ra trong 3 ngày từ 18/11 đến 20/11. Đây là lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm diễn ra tại di tích, có sự tham gia các thôn khác trong xã cùng tổ chức. Di tích đình An Nội tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng Tam vị Thánh Tản tại khu vực ngã ba sông Bôi, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

ĐÌNH NGỌC THỰ, xã Gia Tường, huyện Nho Quan

Đình Ngọc Thự toạ lạc phía ngoài đê Gia Tường, trên một khu đất rộng, với tổng diện tích 2000m2, bao quanh là khu vườn rộng và ruộng lúa. Đình nằm trên một gò đất cao ven sông Na (một nhánh của sông Bôi), xung quanh là nhiều đồi gò đã phát hiện các mộ gạch Hán có quy mô lớn. Đình có kiến trúc hình chữ đinh, được phục dựng trên nền móng cũ năm 2005.

Di tích là nơi thờ cúng Tam vị Thánh Tản (Tản Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại vương, Cao Sơn Đại vương), những vị thần linh tối cổ của người Việt; Thành hoàng bản thổ và nhân vật Phương Dung công chúa, là những vị thần phù trợ cho quốc thái dân an, được các triều đại ban cấp sắc phong.

Tại di tích còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hoá dân gian của làng, phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân. Hàng năm, tại di tích diễn ra nhiều các hoạt động sinh hoạt văn hoá (tính theo âm lịch) như: 15/1 lễ Thượng nguyên, 15/7 lễ Vu lan, 8/4 lễ Phật đản, 5/5 tết Đoan ngọ, 14/11 việc làng… Các tuần tiết tư rằm, mùng một hàng tháng nhân dân đều dâng hương lễ bái. Trong đó, việc làng được tổ chức với quy mô lớn trong năm vào ngày 14/11, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã tham gia.

ĐÌNH LÀNG ĐÔNG THÔN, xã Yên Thái, huyện Yên Mô

Đình có gốc tích xây dựng thế kỷ XVII năm Phúc Thái thứ 7 (1649). Năm 1967, di tích bị chiến tranh tàn phá. Năm 2002, phục dựng lại như hiện nay. Đình có kiến trúc kiểu “chữ Nhất”, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc, tường xây gạch, hệ mái kiểu cổ đẳng gác tường.
          Đình tọa lạc bên kênh nhà Lê, gần cửa Thần Phù, trên tuyến đường thủy ra Bắc vào Nam khi xưa, gắn với nhiều sự kiện trong lịch sử dân tộc.

Di tích là nơi thờ: Lực Lộ Đại vương Thượng đẳng thần, nhân vật thời Lê Sơ; Đô Hồ Đại vương, tên thật là Phạm Tu, phò giúp Lý Bí đánh bại quân Lương đô hộ, lập nên Nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ VI; Bắc Hải Đại vương, là Thuỷ thần.

Tại di tích còn lưu giữ các hiện vật, tài liệu cổ có giá trị lịch sử văn hóa cao. Các dấu vết vật chất còn lại ở di tích là nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về sự hình thành các dòng họ, làng xã, về sự thay đổi địa giới hành chính qua các thời kỳ, về con người và truyền thống văn hóa của vùng đất Yên Thái, Yên Mô nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

ĐÌNH TRUNG LÀNG LẠC HIỀN, xã Yên Hoà, huyện Yên Mô

Đình thờ nhân vật: Đoàn Thế Hiền, tướng dưới thời nhà Mạc có công phò tá, ủng hộ tôn thất nhà Mạc. Khai cơ lập ấp, tạo dựng nên trang Hưng Hiền; nhân vật Đoàn Thế Bạt, em trai tướng quân Đoàn Thế Hiền, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Đinh Sửu (1577) đời Mạc Mậu Hợp.

Di tích được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVI, với kiến trúc truyền thống, kiểu chữ đinh, gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu cung. Tòa Tiền đường 5 gian, cột, vì kèo gỗ lim. Tòa Hậu cung kiểu tiền đao hậu đốc, kết cấu gỗ. Di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay vẫn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn cổ kính

 

Hiện nay, di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa. Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hoá tín ngưỡng truyền thống như: Lễ hội Kỳ Phúc (3/3); Lễ kỵ Thành hoàng Đoàn Thế Hiền (13/6); Lễ kỵ Mẫu Đệ Tam (02/4).

ĐÌNH LÀNG VÂN DU HẠ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô

Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu “chữ nhị” gồm Tiền đường và Hậu cung nằm song song nhau. Tiền đường và Hậu cung được thiết kế cơ bản giống nhau với 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Các hệ thống cột, vì kèo làm bằng gỗ, có chạm khắc hoa văn. Di tích còn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn và Hậu Lê cổ kính, nhiều hoạ tiết chạm khắc hoa văn tinh xảo, những giá trị về tư liệu lịch sử, hiện vật. Đây là những bằng chứng vật chất chứng minh sự tồn tại của con người và vùng đất này đã từng trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Đình làng Vân Du Hạ thờ cúng vị thần Vãng Vị tôn thần, là công thần triều Hùng Vương, đã có công giúp dân, giúp nước, có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng truyền thống bản địa của nhân dân, thể hiện truyền thống văn hoá đặc sắc của dân tộc. Nhân dân thờ cúng và tôn thờ ngài với vai trò là thành hoàng làng, luôn che chở và phù giúp nhân dân trong cuộc sống.

Di tích hiện nay là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá của nhân dân làng Vân Du Hạ, nơi bảo lưu các sinh hoạt văn hoá cộng động, là giá trị văn hoá truyền thống to lớn mà ông cha để lại, trở thành một nét văn hoá truyền thống độc đáo của quê hương, tạo sự cố kết cộng đồng, duy trì truyền thống văn hoá của quê hương đất nước.

Phòng QLDSVH