Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình có thêm 07 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

07/01/2025
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Năm 2024, Ninh Bình có 07 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 412 di tích. Việc xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh là cơ sở để chính quyền và Nhân dân các địa phương tỉnh Ninh Bình quan tâm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của các di tích.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, căn cứ nguyện vọng của nhân dân và đề nghị của các cấp chính quyền địa phương, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với các di tích có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh. Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ký ban hành các Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với 07 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 412 di tích. Các di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2024 gồm:

1. Đình làng Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn

Đình làng Yên Bình tọa lạc tại làng Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn. Khu vực di tích có địa hình tương đối bằng phẳng, được xây dựng từ sớm, nằm ở đầu làng với vị trí đắc địa. Di tích có khuôn viên rộng và thoáng, bao gồm nhiều hạng mục công trình như: ao, sân, lầu thiêu hương, công trình thờ tự và nhà khách.

Toàn cảnh di tích Đình làng Yên Bình

Đình làng Yên Bình là nơi thờ cúng, tưởng niệm: Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Đương cảnh Thành hoàng và các cụ chiêu mộ là những người có công phò trợ đất nước và nhân dân, được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong qua các thời kỳ lịch sử.

Di tích lưu giữ được nhiều hiện vật, di vật, có giá trị lịch sử, văn hóa như:

- 28 đạo sắc phong (15 sắc phong của di tích, 13 sắc phong từ trong vùng hợp nhất về). Trong đó gồm: Sắc hợp phong (01 đạo); Sắc phong cho Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (04 đạo); Sắc phong cho Điện suý Thượng tướng quân Quan nội hầu Phạm Ngũ Lão (01 đạo); Sắc phong cho Bản thổ Tôn thần (06 đạo); Sắc phong cho Đương cảnh Thành hoàng (03 đạo).

- 05 chiếc mũ thờ cho các nhân vật trong đình với các dáng khác nhau được chế tác tỉ mỉ với độ thẩm mỹ cao.

- Hệ thống tượng thờ phong phú có niên đại thời Nguyễn…

Hàng năm, tại di tích diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống như sau (tính theo Âm lịch):

Hàng năm, tại di tích tổ chức Giỗ Đức Thánh Trần (20 tháng 08). Đây là một trong hai ngày lễ lớn tại di tích. Ngày giỗ được chuẩn bị và diễn ra trong 03 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch hằng năm. Có diễn ra phần hội và phần lễ. Phần lễ tế do đội tế nữ quan và nam quan của làng thực hiện. Phần hội có cách trò chơi dân gian và văn nghệ.

2. Đền và chùa thôn Đồng, Xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh

Đền và chùa thôn Đồng tọa lạc tại xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh. Đền thôn Đồng thờ Cao Sơn, Cao Các, là hai vị tướng thời nhà Đinh và phối thờ Nguyễn Uẩn, là người thôn Đồng, thi đỗ tam trường và làm nhiều chức quan khác nhau thời Lê Trung Hưng. Chùa thôn Đồng thờ Phật.

 Đền thôn Đồng có từ thời Lê Sơ, đến thời Lê Trung Hưng được xây dựng kiên cố. Đền có kiến trúc “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu cung, kiến trúc tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vảy.

Toàn cảnh khu di tích Đền và chùa thôn Đồng

Chùa thôn Đồng được dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903), năm Bảo Đại thứ 16 (1941) trùng tu lại. Chùa thôn Đồng được xây dựng theo kiến trúc kiểu “chữ Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường kiểu cổ đẳng, 03 gian Thượng điện chạy dọc tạo thành chuôi vồ. Chùa thôn Đồng hiện nay về cơ bản vẫn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn cổ kính, nguyên bản.

Tại đền thôn Đồng còn lưu giữ 01 đạo sắc phong thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925); 01 bia đá hai mặt năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785) do Ninh Tốn soạn, nội dung bia ghi chép về hành trạng tiên sinh Nguyễn Uẩn và bài ca ngợi công đức của cụ Nguyễn Uẩn; ngoài ra còn Long đình, ngai thờ, bài vị, mũ thờ, bát hương, đài thờ.

Tại chùa thôn Đồng có 03 đạo sắc phong thời Nguyễn; 02 bia đá niên đại Bảo Đại thứ 16 (1941); hệ thống tượng Phật cổ, đại tự, câu đối, bát hương, chuông đồng.

3. Đình Thượng và phủ thôn Tịch Trân, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô

Đình Thượng thôn Tịch Trân thờ Cao Sơn Đại vương, một nhân vật huyền thoại thời Hùng Vương thứ 18, phối thờ Huệ Minh phu nhân và thần bản thổ. Phủ thờ Ngọc Dung Phu nhân (không rõ sự tích).

Đình thôn Tịch Trân

Đình Thượng được xây dựng trước năm 1740. Tu sửa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Tháng 5/1953, di tích bị đại bác bắn sập tòa Hậu cung và một phần gian áp đốc phía Đông. Năm 1985, nhân dân xây dựng lại Hậu cung. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu “chữ Đinh”, gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu cung, kiến trúc tường hồi bít đốc. Tòa Tiền đường của di tích là công trình còn giữ được kiến trúc gốc, đạt niên đại tuyệt đối thời Nguyễn.

Phủ thôn Tịch Trân

Phủ Mẫu không rõ niên đại xây dựng, năm 1953 bị thả bom và đánh sập toàn bộ. Năm 1995, xây dựng lại như hiện nay. Phủ thôn Tịch Trân được xây dựng theo kiến trúc kiểu “chữ Nhất”, gồm 3 gian mái chảy, lợp ngói nam.

Di tích Đình Thượng và phủ thôn Tịch Trân còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như ngai thờ, bài vị, bát hương, đặc biệt là 15 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng, sắc phong có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng năm thứ nhất (1740), sắc phong muộn nhất có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).

4. Đình Sào Long, xã Gia Sơn, huyện Nho Quan

Đình Sào Long thờ Thiên Bồng Nguyên Soái (một vị thiên thần có công giúp dân trừ tà ma, yêu quái, phù giúp quân dân Đại Việt trong kháng chiến chống quân xâm lược), Thành Hoàng Bản thổ và cụ Bùi Xuân Nhị (Cụ nguyên là Nho sinh trong làng, hưởng ứng phong trào Cần Vương. Sau khởi nghĩa thất bại, cụ về quê dạy học và mất tai đây. Sau khi cụ mất, để tưởng nhớ công lao của cụ, nhân dân đã phối thờ cụ tại đình.) .

Đình Sào Long được phục dựng trên nền móng cũ năm 2007, xây đền thờ Đức Thánh Trần năm 2009, xây phủ Mẫu năm 2011, từ đó đến nay di tích có diện mạo như hiện nay. Đình Sào Long được xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm hai toà: Tiền bái và Hậu cung. Tiền bái gồm 3 gian, 2 dĩ; Hậu cung có 1 gian 2 dĩ chạy dọc. Mái lợp ngói ống âm dương màu nâu.

Hiện nay ở di tích còn lưu giữ được một số hiện vật quý bằng giấy, gỗ, sứ, đồng như: 03 đạo sắc phong, ngai thờ, bài vị, bát hương, cây nến, đài thờ, mũ thờ…

5. Đình làng Vô Hốt, Xã Lạc Vân, huyện Nho Quan

Đình làng Vô Hốt thờ Tam vị Thánh Tản Viên (Tản Viên Sơn, Quý Minh, Cao Sơn); Khoát Cả Đại Lương Tôn Thần; Quốc Mẫu Phương Tư Phu nhân; Đương Cảnh thành hoàng Thạch Tinh Ngọc Nương; Sơn Môn Bản Thổ chi thần, là những người có công phù trợ cho dân, cho nước.

Đình làng Vô Hốt có từ lâu đời, trước kia là một ngôi đình lớn. Trải qua thời gian, thiên nhiên, chiến tranh đình làng bị phá huỷ. Năm 2014, nhân dân địa phương đã đóng góp công sức xây dựng lại ngôi đình như hiện nay. Di tích được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhất gồm năm gian, 4 mái, kiến trúc kiểu mái đao. Di tích còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự quý như long ngai, bài vị, sắc phong, kiệu cổ...

Lễ Kỳ phúc là lễ chính to nhất trong năm, được nhân dân trong làng tổ chức từ ngày 17-18/11 âm lịch hằng năm bao gồm 02 phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: lễ rước kiệu, lễ yên vị, lễ cáo yết, lễ dâng hương và tế nữ quan, lễ tạ;  Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: cờ người, chọi gà, đánh đáo, đấu vật, biểu diễn văn nghệ…

6. Đền Quán Trung, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh

     Theo truyền ngôn, đền Quán Trung vốn được khởi dựng từ lâu đời. Trước kia, đền được xây dựng ở thôn Quán Trung. Sau đó chuyển xuống vị trí khu Thị Đồng (nay là khu vực Nhà máy Đạm Ninh Bình). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền bị hư hỏng nặng. Năm 1986, nhân dân chuyển đồ thờ tự về gửi tạm tại đền Thượng (thôn Phú An). Đến năm 1993, nhân dân trong làng đã đóng góp công sức xây dựng lại ngôi đền về vị trí như hiện nay. Đền có kiến trúc kiểu “tiền nhất hậu đinh”, gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường: gồm 3 gian 2 chái, tường hồi bít đốc. Hậu cung gồm 2 gian: gian ngoài và gian trong.