Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình

23/05/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 3 điểm ( 1 đánh giá )

Năm 968, sau khi dẹp tan nạn cát cứ của 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng đế), lập nên nhà nước Đại Cồ Việt; xây dựng Kinh đô Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Sau 42 năm, mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ chuyển đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, xây dựng Kinh đô Thăng Long. Trải ba triều đại Đinh–Tiền Lê và giai đoạn đầu của triều Lý; Kinh đô Hoa Lư để lại cho hậu thế những di sản văn hóa vô cùng giá trị; khẳng định vai trò quan trọng của kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta–Nhà nước Đại Cồ Việt và người anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng đế.

Qua tài liệu thư tịch cổ và cứ liệu khảo cổ học, khu vực Kinh thành Hoa Lư gồm có Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam. Trong khu vực kinh thành phát hiện rất nhiều dấu tích của các cung điện, lầu son, gác tía, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Rất nhiều hiện vật tham gia xây dựng (gạch, ngói, cột gỗ, cọc gỗ, đá tảng…); hiện vật tham gia trang trí (cột kinh, tượng vịt, tượng chim phượng, mặt linh thú, tượng Kim Cương…) các cung điện, các công trình kiến trúc tôn giáo được phát hiện, sưu tầm và lưu giữ tại các cơ quan chức năng. Trong số những hiện vật vô giá ấy, sưu tập cột kinh Phật đang lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Ninh Bình là bộ sưu tập quý, hiếm.

Cột kinh Phật do Đinh Liễn cho tạo dựng

Cột kinh Phật được chế tác từ đá xanh, cao khoảng 140cm. Mỗi cột kinh được cấu tạo bởi 6 bộ phận, theo thứ tự từ dưới lên trên, gồm: chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Tất cả đều được tạo tác bằng đá. Các bộ phận được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất phụ gia kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác, được dựng thẳng đứng trên mặt đất.

Trên các mặt của thân cột khắc văn tự chữ Hán. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chữ đã bị mờ, chỉ còn một số có thể đọc được chữ.  Văn tự chữ Hán cho thấy minh văn cột kinh thời Đinh khắc nội dung gồm 2 phần: kinh Phật và lạc khoản. Ở phần kinh, đều khắc bài chú phiên âm từ tiếng Phạn trong kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni (Usnisavijàyadhàrani).

Phần lạc khoản khắc sau bài chú, nội dung gồm thông tin về họ tên, tước phong, chức vụ của người cho dựng cột kinh, lý do dựng cột kinh, những thông tin này là căn cứ để xác định niên đại, thời gian dựng các cột kinh. 

Căn cứ nội dung lạc khoản khắc trên các cột kinh hiện còn đọc được, các cột kinh Phật có niên đại dựng trong khoảng thời gian 6 năm, từ năm 973 đến 979. Phần dịch nghĩa lạc khoản cột kinh ký hiệu 667–Đ26, như sau:

“Đệ tử là Suy Thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước là chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, mãi mãi trấn giữ trời Nam, vững vàng ngôi báu, thứ đến là khuông phù cho cơ đồ hoàng đế”.

Các cột kinh Phật thời Đinh tại kinh đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn–con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng cho tạo dựng.

Cột kinh thời Đinh được phát hiện lần đầu vào năm 1963. Sau đó được phát hiện nhiều lần tại các khu vực thuộc địa phận xã Trường Yên, Hoa Lư, như: Ven sông Hoàng Long, Cồn Thần, núi Hang Quàn, đền vua Đinh, núi Con Cóc, chùa Bi, chân núi Kênh. Những hiện vật này được Bảo tàng Ninh Bình lần lượt sưu tầm, lập hồ sơ hiện vật, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Sưu tập Cột kinh Phật có những giá trị nổi bật sau:

* Là hiện vật nguyên gốc, độc bản:

Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình đều là hiện vật nguyên gốc, có thể coi là loại hình độc bản với đặc trưng riêng, hiếm trong hệ thống bi ký, hiện vật văn khắc đá nói chung hiện còn.

Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình là hiện vật độc bản, là sưu tập cột kinh Phật thời Đinh duy nhất của Việt Nam. Các cột kinh này có niên đại sớm hơn cột kinh Phật thời Tiền Lê tại chùa Nhất Trụ (năm 995) và có hình thức tạo tác chi tiết, khéo léo hơn so với cột kinh chùa Nhất Trụ.

 * Là hiện vật có hình thức độc đáo, giá trị về nghệ thuật:

- Sự kết hợp hài hòa giữa các hình, khối cơ bản: Mỗi cột kinh được lắp ghép từ 6 bộ phận, mỗi bộ phận có hình khối và chức năng riêng biệt, các bộ phận có tỷ lệ hài hòa, cho thấy sự kết hợp khá hoàn hảo giữa các khối cơ bản và các biến thể trong điêu khắc: khối vuông, khối tròn, khối trụ... Sự kết hợp giữa các khối vuông tạo cảm giác cân bằng, vững chãi với hình bán cầu (tròn)–cảm giác của sự chông chênh, chuyển động; và khối trụ dài 8 cạnh của phần thân cột tạo nên hình thức độc đáo, thể hiện sự tương phản động–tĩnh của những khối đá. Đây cũng là đặc điểm tạo  cho những khối đá trở nên mềm mại hơn về mặt hình khối.

- Kỹ thuật tạo tác độc đáo: phương pháp ghép mộng, gắn kết không sử dụng chất phụ gia: Ngoài hai bộ phận chân đế và búp sen chỉ có một phần lỗ mộng hoặc chốt, ngõng, các bộ phận còn lại đều được cấu trúc 02 bộ phận, có lỗ mộng và chốt ở mặt còn lại của bộ phận đó. Các chi tiết này được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, sự vừa khớp của các lỗ mộng và chốt gần như hoàn hảo. Điều này giúp cho cả 6 bộ phận khi lắp ráp đều chồng khớp, không hề sử dụng chất phụ gia để gắn kết mà vẫn chắc chắn. Các cột kinh phát hiện thời Đinh cho đến nay ở Hoa Lư cho thấy các cột đều có cùng phương pháp tạo tác, liên kết bằng ghép mộng, không sử dụng phụ gia gắn kết.

- Giá trị nghệ thuật: Về giá trị thẩm mỹ, tạo hình các chi tiết cho thấy sự khéo léo, tư duy thẩm mỹ của người thợ tạc đá đương thời. Cột kinh tạo tác bằng đá, do đó sự tác động của thời gian và hành vi của con người dễ dàng dẫn tới những tác động không nhỏ đến các bộ phận của cột kinh. Tuy nhiên, sự toàn vẹn của một cột kinh được tạo tác khá hoàn chỉnh về tỷ lệ, thế dáng và kết cấu đã tạo nên một phong cách riêng trong kỹ thuật tạo tác và tư duy thẩm mỹ. Bên cạnh hình thức cấu tạo từ các hình khối, minh văn chữ Hán khắc trên cột kinh cũng cho thấy sự khéo léo của người thợ, trải qua nhiều thế kỷ, nét chữ khắc trên cột kinh vẫn khá sắc nét, mềm mại.

* Là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa:

Cột kinh Phật thời Đinh do Nam Việt vương tạo dựng để cầu chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, cầu siêu cho em trai là Đinh Hạng Lang, là lời cầu thọ, cũng có thể được xem như lời sám hối của bản thân Đinh Khuông Liễn. Bên cạnh đó văn tự chữ Hán trên cột kinh còn phản ánh, minh chứng cho sự phát triển của chữ viết ở thế kỷ X. Sử liệu học hiện đại chia sử liệu thành hai loại chính là sử liệu vật thật và sử liệu thành văn. Cột kinh Phật thời Đinh có thể xếp vào cả hai loại hình sử liệu này.

Nội dung minh văn khắc trên cột kinh cung cấp nhiều thông tin lịch sử quý giá, liên quan đến các vấn đề về tôn giáo, quan hệ xã hội, chế độ ban cấp ruộng đất thời Đinh… Qua lạc khoản cột kinh thời Đinh, chúng ta biết thêm một cách chắc chắn  hình thức ban cấp thực ấp này đã có từ thời Đinh.

Thông tin chép trên cột kinh bổ sung, cho chúng ta biết họ tên đầy đủ người con trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng có tên đệm “Khuông” - Đinh Khuông Liễn (chính sử Việt Nam [Đại Việt sử ký toàn thư] và thư tịch Trung Quốc [Tống sử] đều chỉ chép Đinh Liễn 丁璉).

Về nội dung bài chú trên các minh văn cột kinh, Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni là bộ kinh quan trọng gắn với Phật giáo Mật tông. Đinh Khuông Liễn cho tạo tác hàng loạt bảo tràng khắc bài chú trong kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni, việc phát hiện các bảo tràng/cột kinh thời Đinh tại Cố đô Hoa Lư là minh chứng rõ ràng, quan trọng cho sự tồn tại của yếu tố Mật giáo ở Việt Nam vào thế kỷ X. Đồng thời cho thấy mối liên hệ, ảnh hưởng từ tín ngưỡng kinh tràng Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni của Mật giáo Trung Quốc tại Việt Nam.

Với niên đại tạo tác hơn 1.000 năm, ghi chép, phản ánh những thông tin lịch sử đương thời, trong bối cảnh tài liệu về Phật giáo Việt Nam thế kỷ X hiện còn lại rất ít, cột kinh Phật thời Đinh là tài liệu vô cùng quý, hiếm. Đây chính là bi ký có niên đại sớm nhất của thời kỳ phong kiến tự chủ hiện còn.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Sưu tập Cột kinh Phật được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 73/QĐ-TTG ngày18/01/2024 công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trưng bày chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư” tại Bảo tàng Ninh Bình.