Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

NHỮNG DẤU ẤN CƯ DÂN CỔ VÙNG NGÃ BA SÔNG BÔI 10 THẾ KỈ SAU CÔNG NGUYÊN

06/08/2021

Ninh Bình là một vùng đất cổ còn in dấu nơi sinh sống của người tối cổ cách đây 3500 năm cách ngày nay. Đây là vùng đất có địa hình tự nhiên khá đa dạng, với  4 loại hình tiêu: thứ nhất là khu vực vườn quốc gia Cúc Phương – nơi có địa hình Caster xâm thực; thứ hai là vùng đồng bằng tích tụ xâm thực của Nho Quan, Tam Điệp; thứ ba là vùng đồng bằng tích tụ Gia Viễn, Yên Khánh và thứ tư là vùng tích tụ sông biển của Kim Sơn.  

Từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư là vùng tam giác thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư (Ninh Bình) mà phần kết nối là con sông Bôi, sông Hoàng Long cùng với những chi lưu của nó. Vùng đất bao gồm các xã: Đức Long, Sơn Lai (Nho Quan), Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Lạc, Gia Trung, Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Sinh (Gia Viễn) và Trường Yên (Hoa Lư)... Đây là vùng đất gặp gỡ và hội tụ giữa hai yếu tố đồng bằng đang mở rộng về phía biển với những đợt đồi núi cuối cùng của phức hệ núi rừng Tây Bắc Việt Nam, tạo nên một thung lũng rộng lớn, được bao quanh bời những dãy núi đá vôi, có một phía thông ra vùng đồng bằng ven biển phía Đông qua cửa Gián Khẩu. Các phân tích địa tầng văn hóa khảo cổ cho biết về bối cảnh môi trường tự nhiên dưới nơi xây dựng kinh đô Hoa Lưu là vùng thung lũng đá vôi, được bồi lắng phù sa không đều, một vùng sình lây ven biển.  

Lịch sử vùng đất Ninh Bình nói chung và động Hoa Lư – quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, kinh đô đầu tiên của nước ta thời kỳ độc lập nói riêng trong 10 thế kỉ sau công nguyên đã được nhắc đến trong các nguồn sử liệu Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam có nhắc đến vùng đất Ninh Bình và Hoa Lư, như Việt sử lược (Khuyết danh), An Nam chí lược, Đại Việt sử kí toàn thư (Lê Văn Hưu), Khâm định lịch sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn)... đều chép “Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư” “dời kinh ấp về động Hoa Lư”....  Trong công trình Lịch sử Việt Nam (Đào Duy Anh) tác giả cho hay: vùng đất Ninh Bình thời thuộc Nam Việt (179-111 TCN) thuộc vùng cực nam của quận Giao Chỉ; thời thuộc Hán (111TCN-203) thuộc hai quận Giao Chỉ (huyện Câu Lậu tương đương Yên Khánh, Yên Mô) và phần thuộc quận Cửu Chân (huyện Vô Công, tương đương với Gia Viễn, Nho Quan); Vào thời thuộc Ngô, Tấn, Nam Bắc Triều (203-581): vùng Ninh Bình vẫn thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân; thời Tùy-Đường (581-907): thuộc Trường Châu của An Nam Đô hộ phủ. Đinh Bộ Lĩnh khởi nghĩa và đóng đô ở động Hoa Lư, lúc này vùng đất Ninh Bình thuộc châu Đại Hoàng. Đến thời nhà Lý thì đổi thành Phủ Trường Yên.

Bên cạnh sử Việt Nam thì sử Trung Hoa cũng nhắc đến Ninh Bình và vùng động Hoa Lư. Sách Nguyên sử, Việt kiệu thư, Minh sử, Thập quốc Xuân Thu… của Trung Quốc có chép về phủ Trường Yên vốn gọi là động Hoa Lư. Đây là nơi Đinh Bộ Lĩnh sinh. Cuối thời Ngũ Quý, họ Đinh lập nước ở đây.

Những kết quả khai quật khảo cổ học ở các xã, như Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường, Liên Sơn với những ngôi mộ gạch (đơn, đôi) có niên đại khoảng thế kỉ I – III sau công nguyên đã góp phần minh chứng cho sự phát triển của lịch sử vùng đất 10 thế kỉ đầu công nguyên. Từ đó có thể giả thiết nơi đây là trị sở Bắc thuộc ngay từ giai đoạn ban đầu. Những tư liệu dân tộc học, văn hóa dân gian sẽ góp phần làm rõ hơn diện mạo về dân tộc và văn hóa vùng đất 10 thế kỉ sau công nguyên.

          Những tư liệu khảo cổ, lịch sử đã khẳng định từ rất sớm vùng đất ven sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư hiện nay là nơi cư trú của cư dân cổ. Những cuộc khai quật Khảo cổ học ở Thung Bình (Gia Sinh, Gia Viễn), Hang Dơi (Gia Tường, Nho Quan), mái đá Hang Chợ (Ninh Hải, Hoa Lư) … đã tìm thấy như di chỉ cư trú của người xưa, cách ngày nay khoảng trên dưới 10.000 nghìn năm, thuộc Văn hóa Hòa Bình. Những phát hiện khảo cổ tại Động Người Xưa (còn gọi là Hang Đắng) ở xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã cho biết thêm về đời sống người cổ nơi đây. Hang động này không chỉ là nơi cú trú mà còn là khu mộ táng của người nguyên thuỷ. Nơi đây đã khai quật được 3 ngôi mộ cổ có niên đại khoảng 7.500 năm cách ngày nay, được chôn theo tư thế nằm co, ngồi xổm, xung quanh kè đá hộc, đáy rải đá răm và có mộ được rắc thổ hoàng, chôn theo một số công cụ sinh hoạt và đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể và hầu hết các mộ này đều được quàn gần bếp lửa. Đây là lối cấu trúc mộ cổ đầu tiên được phát hiện trong các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình và cũng là ý niệm sơ khai về tín ngưỡng tôn giáo nguyên thuỷ. Phương thức táng tục của người cổ ở đây hiện vẫn còn in đậm dấu vết trong táng tục của người Mường xưa cũng như hiện nay.

          Ở Ninh Bình thời gian qua đã phát hiện nhiều trống đồng, tập trung ở huyện Nho Quan, như ở thôn Mống (Yên Quang, Nho Quan), ở xã Văn Phong (Nho Quan), thôn Công Luận (Gia Tường, Nho Quan), thôn Thạch La (xã Thạch Bình), ở nông trường Phùng Thiệu, trống thu được từ những người buôn đồ cổ… Trong những chiếc trống đồng đã được phát hiện và lưu giữ tại bảo tàng Ninh Bình có một số đã được xác định là trống đồng Mường (trống đồng loại H2), như trống đồng Thạch La, trống đồng Phùng Thiệu, trống đồng thu được từ dân buôn đồ cổ … Tại xã Sơn Lai người dân cũng đào được một chiếc trống đồng, nhưng đã bị thất lạc. Theo các nguồn tài liệu lịch sử cho biết người Lạc Việt (được coi là tổ tiên trực tiếp của người Việt, người Mường) là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa Đông Sơn, là chủ nhân của những trống đồng cổ. Có thể thấy một vài yếu tố chung giữa Mường và Việt (Tiền Việt/Việt – Mường) ở nền văn hóa Đông Sơn. Thời Lý – Trần, hàng năm vua quan phong kiến vẫn đến cúng và thề ở đền Đồng Cổ (ở Hà Nội và Thanh Hóa). Khi Lê Nhân Tông về Lam Kinh (Lam Sơn, Thanh Hóa) bái yết sơn lăng, trong buổi lễ cáo miếu có đánh trống đồng, trình bày đại nhạc…Người Mường trước đây (và một phần nào cho đến ngày nay) còn có tục dùng trống đồng, trong tầng lớp quan lang và trống đồng cũng chủ yếu chỉ dùng trong tang lễ nhà lang. Trong xã hội Mường trống đồng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, là vật nối liền giữa người sống và người chết, là công cụ ma thuật, và có khi là vật tùy táng. Và cũng giống như cư dân Đông Sơn thì trống đồng là vật cần thiết cho đời sống ở thế giới bên kia. Điều này càng khẳng định khu vực sông Bôi nói riêng và Ninh Bình nói chung xưa kia là địa bàn sinh sống của cư dân Lạc Việt, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành nên nhà nước Văn Lang, Âu Lạc (tk VII – tk III TCN). Sau đó, đây cũng là nơi định cư của khối cư dân Việt – Mường cho đến khoảng thế kỷ X. Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên của Nguyễn Tử Mẫn cho biết: “Thiên Ngưu điển của Kinh thư nói: Ông Hy Trọng làm nhà ở Nam Giao Ninh Bình, tức đất Giao thuộc châu Nam xưa. Bộ lạc Hoàng Thường cũng ở Nam Giao, xưa chỉ có các động người Man ở miền thượng du”

Khảo cứu vùng đất tả - hữu ngạn sông Bôi (Ninh Bình) cho thấy có rất nhiều dấu ấn về cư dân Việt - Mường còn hiện diện. Người Mường và người Việt hiện nay được biết đến là hai dân tộc độc lập với những đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người riêng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những sự tương đồng trong văn hóa giữa hai tộc người Việt – Mường này mà người ta đoán định hai dân tộc này vốn có chung một nguồn gốc. Trước khi bị phân tách, họ là một khối cư dân thống nhất, thường được nhắc đến với tên gọi là cư dân Việt - Mường hay cư dân tiền Việt, được coi là cư dân bản địa, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn phân bố chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Về quan hệ nguồn gốc giữa người Việt và người Mường đã có nhiều các nhà nghiên cứu đề cập đến. Đa số cho ý kiến rằng tổ tiên trực tiếp của người Mường và người Việt là người Lạc Việt, và người Mường chỉ là người Việt chậm tiến. Xét trên bình diện ngôn ngữ thì tiếng Việt càng cổ thì càng giống tiếng Mường. Có thể vào một giai đoạn lịch sử nào đó tiếng Việt và tiếng Mường là một ngôn ngữ đồng nhất. Vào giai đoạn đó, hai dân tộc này chưa phân tách như hiện nay mà vẫn còn là một khối cư dân Việt – Mường chung. Quá trình phân tách đó diễn ra trong thời gian dài, thế kỷ X được cho là thế kỷ bản lề, là mốc đánh dấu sự phân tách giữa hai dân tộc (Trần Quốc Vượng, Việt Nam thế kỷ X). Cũng có ý kiến cho rằng việc “phân tách” đó có thể bắt đầu vào những thế kỷ sau Công nguyên. Vào thời kỳ Bắc thuộc, để tránh áp bức, bóc lột, đồng hóa, lao dịch … nhiều bộ phận người tiền Việt di cư lên miền ngược, lùi sâu vào vùng núi phía tây, ít bị Hán hóa, còn bảo tồn lối sống cổ đến nay là người Mường. Bộ phận ở trung du và đồng bằng có sự hòa trộn với người phương Bắc về văn hóa, ngôn ngữ và nhân chủng thì thành người Kinh. Và phải sau thế kỷ X thì người Việt và người Mường mới phân hóa thành hai tộc người riêng biệt.

Về mối quan hệ Việt - Mường ở khu vực ngã ba sông Bôi nói riêng và Ninh Bình nói chung cũng đã được nhắc đến. Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng đã khẳng định “tổ tiên Đinh Bộ Lĩnh vốn là người Mường”. Khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên vùng tây bắc Ninh Bình, Hòa Bình, tây Thanh Hóa hiện nay thuộc không gian văn hóa Việt - Mường, mà Hòa Bình được coi là địa bàn cư trú ban đầu của khối cư dân cổ đó. Vùng đất đó nằm dọc hai bờ sông Bôi (đoạn dưới là sông Hoàng Long) chảy từ xứ Mường Động (Kim Bôi, Hòa Bình) của người Mường. Vào thời gian đó, sông Bôi được coi là trục giao thông chính nối vùng miền núi phía Tây nơi sinh sống của tộc người Man (Mường, Thái) còn bảo tồn lối sống cổ với vùng đồng bằng, ven biển phía Đông của người Việt đã và đang chịu ảnh hưởng nhiều từ quá trình Hán hóa. Cũng có thể khối cư dân cổ đó phân bố từ vùng Mường Vang (Tân Lạc, Hòa Bình) dọc theo thung lũng đến vùng đất Nho Quan (Ninh Bình), nơi có thể đi lại dễ dàng hơn và cả thung lũng được gọi là động Hoa Lư trước đó. Hiện nay người Mường ở Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang (Nho Quan) vẫn nhận mình là người Mường Vang.

Tại các xã Sơn Lai (huyện Nho Quan), xã Gia Sinh (Gia Viễn), xã Trường Yên (Hoa Lư) trong quá đình điền dã chúng tôi thu thập được nhiều minh chứng về sự hiện diện của cộng đồng cư dân Việt - Mường ở đây. Đình làng Sưa (thôn Sưa, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan) thờ Tản Viên Sơn Tam Vị ở gian giữa và Lang Cun, Lang Nuôi – những vị quan lang Mường ở gian trái là thành hoàng làng.

Theo Ngọc phả một số thờ thần ở Ninh Bình thì: Tản Viên Sơn Tam vị là 3 anh em con chú, con bác (Tuấn-Sùng-Hiển) quê ở động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, đạo Sơn Tây, phủ Gia Hưng, có công giúp vua Hùng dẹp yên giặc ngoại xâm. Vua khao thưởng quân sỹ theo thứ bậc: Sơn thánh làm Nhạc phụ thượng đẳng thần; Sùng Công làm Tả đô đài đại phu - Cao Sơn đại vương, Hiển Công làm Hữu đô đài đại phu - Quý Minh đại vương. Sau khi ba ông hóa trở thành ngôi tối cao tương ứng với ba ngọn núi Ba Vì. Nhân dân tôn là: “Tam vị Đức Thánh Tản”, trong văn tế gọi là “Tam vị Quốc chúa Thượng đẳng thần”. Tản Viên Tam thánh có công phù giúp Thế tổ Cao hoàng đế thống nhất bờ cõi, mang phúc đến cho tất cả thần dân, từng được phong tặng qua các triều đại. Ngày mồng 4 tháng 12 niên hiệu Minh Mệnh 5 (1824) vua Nguyễn tặng thêm mỹ t là Sùng huân Hậu trạch Hồng hy Thượng đẳng thần, chuẩn cho xã Phúc Lai (Sơn Lai) huyện Phụng Hóa phụng thờ như cũ.

Ngoài Tản Viên Tam vị đình làng Sưa còn thờ thành hoàng làng là Lang Cun và Lang Nuôi - là những người chiêu dân lập ấp, hình thành lên làng Sưa như bây giờ. Lang Cun được thờ trong đình là người thuộc dòng họ quý tộc người Mường, có uy thế và quyền lực lớn tại địa phương, là người đầu tiên đưa dân đến khai phá đất đai. Sau khi mất hiển linh, dân tưởng nhớ công ơn, được thờ phụng tôn là thành hoàng. Mặc dù hiện nay ở làng Sưa không có người Mường sinh sống nhưng người dân nơi đây tưởng nhớ và thờ phụng ông là thành hoàng bảo trợ cho dân làng. Trải qua các triều đại đều có sắc phong, hiện đình Sưa còn lưu được đạo sắc vào đời vua Thành Thái 16 (1904), thần Lang Cun được gia phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần. Còn Lang Nuôi hiện chưa rõ sự tích, theo tương truyền trong nhân dân thì đây là người con nuôi của Lang Cun, cùng Lang Cun đến khai sơn, mở đất, lập làng ở đây.

Việc bố trí thờ phụng trong đình làng Sưa rất giống với bố trí thờ phụng của người Mường ở Hòa Bình, Phú Thọ và quanh khu vực quanh núi Tản Viên, thậm chí giống như những ngôi đình của người Mường di cư vào Tây Nguyên (xem thêm: Lê Quốc Khánh (2018), Đình Mường Hòa Bình trên đất Tây Nguyên, http://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/van-hoa/778, đăng ngày 30/05/2018). Ở Hòa Bình có 82 di tích đình thì đã có 37 đình thờ Tản Viên Sơn Thánh. Trong đình người Mường gọi là Thánh Đản/Tản/thần núi/vua Pa ví - vị thần linh tối cao của người Mường ở vị trí trung tâm. Gian trái thờ thành hoàng là quan lang mà mọi người Mường đều hiểu là những tổ tiên xưa của dòng họ “lang” quý tộc, cha truyền con nối trị vì ở địa phương). Đi sâu hơn một tí nữa, ta thấy các tổ tiên ấy được mọi người Mường gán cho công lao từng đưa người đến và bỏ của ra để khai phá đất đai, lập nên “mường”, nên “quêl”.  Gian phải thờ các đào đầm, các đào ruộng, tức là những người bình dân xưa kia đã theo “lang” đến địa phương và trực tiếp bỏ sức ra khai phá đất đai.

Có thể thấy tín ngưỡng thờ thành hoàng làng là tín ngưỡng phổ biến ở Việt Nam, lần đầu biết đến vào năm 822 tại thành Đại La được ghi chép trong Việt điện u linh. Thành hoàng là vị thần bảo trợ chung cho dân làng. Theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bình, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Các vị thành hoàng làng phổ biến bao gồm:

  • Thần Núi: Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh…
  • Thần Sông: Lạc Long Quân, Linh Lang, Đông Hải Đại Vương, Tam Giang Đại Thán, Tô Lịch Giang thần, Thủy Bá Đại vương…
  • Thần Đất: Hậu Thổ Phu nhân, thần Bản Cảnh
  • Nhân Thần: Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Minh Không, Trần Hưng Đạo …

Ngoài những vị thần kể trên thì thành hoàng làng còn là những vị thần có công lao đối với dân bản địa, được nhân dân tôn vinh và thờ phụng để tưởng nhớ công ơn. Thành hoàng làng được phân ra thành 3 hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần Hạ đẳng thần.

Không chỉ ở người Việt, tục thờ thành hoàng làng cũng rất phổ biến trong đời sống tâm linh của người Mường, người Tày, người Thổ … So sánh ta thấy tục thờ thành hoàng của người Mường khá tương đồng với người Việt cả về cách thức thờ tự và những vị thần chung. Ngoài Đức Thánh Tản Viên – người Mường gọi là Thánh Đản là vị thần núi tối linh được thờ khắp vùng người Mường, thì các thần thành hoàng của người Mường ở từng nơi cụ thể đều có những lý lịch hết sức phong phú và đa dạng, có thể là một hay nhiều vị thần được thờ tại quán, miếu hay đình.

  Trong tâm thức dân gian của cư dân Việt - Mường xưa, đặc biệt ở vùng núi Tản (Ba Vì), thì Tản Viên là một vị thần núi ngự trị và cai quản núi Tản - ngọn núi chúa, cao ngất đến tận mây xanh, ngọn núi rủ bóng xuống sông Đà và cả vùng đất xứ Đoài rộng lớn, dân gian còn lưu truyền câu ca dao Nhất cao là núi Tản Viên/ Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên tuần Vường. Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực bán sơn địa phía Bắc và vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đậm đặc nhất là vùng xứ Đoài (mà vùng lõi là huyện Ba Vì, có 300 di tích, thì trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên, nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố). Ngài không chỉ là vị Thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn đ­ược nhân dân suy tôn là Đệ Nhất Phúc Thần, Th­ượng đẳng tối linh thần và là vị Anh hùng dân tộc, anh hùng khai điền trị thủy, anh hùng khai sáng văn hoá của dân tộc ta từ thủa dựng nước.

Bên cạnh đình làng Sưa thì đình làng Bái (thôn Bái, xã Sơn Lai) cũng thờ Tản Viên Sơn tam vị (Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên) Uy Dũng đại vương là thành hoàng làng. Hiện nay, tại đình còn lưu giữ được 04 đạo sắc phong thời Nguyễn ban tặng mỹ tự cho Tản Viên Sơn Tam Vị và sắc cho thôn Bái, xã Phúc Lai, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình theo trước mà thờ phụng. Đình làng Chàng (Sơn Lai) thờ Quý Minh Đại Vương và Nhồi Hoa Công chúa – công chúa nước Lào, cho thấy mối quan hệ giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi phía Tây vẫn luôn phát triển. Theo Gia phả của các dòng họ ở làng Chàng thì làng Chàng được hình thành và phát triển bởi bốn dòng họ: họ Nguyễn, họ Lâm, họ Tạ, họ Đinh.

Khảo cứu di tích cho thấy tín ngưỡng thờ thần Tản Viên phổ biến nhất trong vùng, ở những vùng bán sơn địa thì mật độ thờ phụng dày hơn. Ở đây Tản Viên Sơn Thánh/Tam vị Thánh Tản là những vị thần linh chủ đạo. Cụ thể các vị thần này được thờ ở các đình, đền, miếu như đền Bim, đình Chi Phong, xã Trường Yên (11/25 sắc phong còn lưu giữ phong tặng cho Tản Viên Sơn tam vị; 12/25 sắc phong dành cho Quý Minh đại tôn thần); tại xã Gia Sinh (thờ Cao Sơn ở chùa Bái Đính; thờ Quý Minh ở làng Sinh Dược; thờ Cao Sơn, Quý Minh ở đền Núi Thờ…; đình Phù Long (Gia Vân), đình Giá Thượng, đình và đền Bích Thượng (Gia Hòa); đình Đoan Bình (Gia Phú), chùa Linh Viên (Gia Hưng), đình Liên Huy (Gia Thịnh), đình Sơn Cao, chùa Công Luận, đền Mỹ Quế (Gia Tường); đình Kim Đôi, đền Kiều (Gia Lâm), đình Yên Chỉ, đình làng Giáng (Thượng Hòa), đình làng Giáy (Sơn Thành), miếu thờ Tản Viên, Cao Sơn (Cúc Phương), đình Phú Nhiêu, đình làng Cổ Định, đền Đế Hạ (Đức Long); đình Hương Thịnh (Phú Lộc); đình Vệ Đình (Thạch Bình); đền Vô Hốt, đình Hiền Quang, đình Cẩm Địa (Lạc Vân); đình Thanh Mai (Thanh Lạc); miếu Làng Ao (Kỳ Phú)…

Trong Tam Vị Thánh Tản ở vùng ngã ba sông Bôi, thì Quý Minh và Cao Sơn là hai trong bốn vị thần của Hoa Lư tứ trấn. Theo thần phả các đền thờ vùng Nho Quan thì thần Cao Sơn là Lạc tướng Vũ Lâm (trấn giữ vùng núi phía Tây Ninh Bình ngày nay), vâng lệnh vua Hùng đi tuần từ vùng núi Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, tìm ra một loại cây thân có bột dùng làm bánh thay gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang (búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân trong vùng, bảo vệ nhân dân khỏi các thế lực phá hoại, được nhân dân trong vùng nhớ ơn lập đền thờ. Đây là vị thần được thờ ở nhiều nơi, trong các vùng Ba Vì (Sơn Tây), sông Tích Giang và vùng Mường cổ. Đây cũng là vị thần được thờ ở đình Kim Liên (Hà Nội) cũng là trấn Nam của Thăng Long tứ trấn. Đền thờ chính của thần Cao Sơn ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở Nho Quan. Ở Ninh Bình có rất nhiều di tích thờ thần, như đền Sơn Thần (Gia Thủy), đền Cao Sơn (khu chùa Bái Đình), miếu Cao Sơn (Kỳ Phú), đến Quèn Thờ (Đông Sơn, Tam Điệp), đền Núi Cúc (Sơn Hà) …

Bên cạnh Cao Sơn thì Quý Minh là vị thần trấn giữ phía nam kinh đô Hoa Lư, phân bố dày đặc ở vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư. Nhiều di tích thờ thần Quý Minh, như: đền Bim, đình làng Chi Phong (Trường Yên), đền Hạ, đình làng Chàng (Sơn Lai), đình Vân Trung (Thượng Hòa), đền Nội Lâm (Ninh Hải), đình Trung làng Sinh Dược (Gia Sinh)….Theo truyền thuyết dân gian ở Hoa Lư, Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18), Ông là một "thượng đẳng thần", được nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp vùng Ninh Bình thờ phụng. Đền chính thờ Quý Minh đại vương được vua Đinh cho xây dựng tại thành Nam (Tràng An).

Không chỉ có sự tương đồng về tín ngưỡng thờ Tản Viên Tam Vị, mà ở vùng ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa còn hiện diện nhiều dấu ấn cư dân, văn hóa Việt - Mường. Tại thôn Mộc Hoàn (xã Gia Sinh) có một ngôi chùa là Thanh Hương Tự (chùa Mộc Hoàn) vốn trước là miếu thờ thần, thờ Mẫu tên là Bạch Hoa Công Chúa. Theo bà Giang Thị Tuyết – sái (người trông coi) chùa Mộc Hoàn cho biết lai lịch của Mẫu vốn là con nhà lang, rất xinh đẹp, thông minh là thứ phi của vua Lý Thái Tông. Bà bị gian thần hãm hại, mất năm 21 tuổi. Sau khi mất bà rất hiển linh, thường trừng phạt những kẻ phạm danh bà. Đến thế kỉ 18, một gia đình họ Phạm (ở nơi khác) đưa tượng Phật về đây thờ để bà trầm tính hơn. Hiện ngôi chùa mới được xây dựng lại trên nền miếu cũ, gian giữa thờ Phật, gian phải thờ Đức Ông, bên trái thờ Bà Chúa. Hàng năm, vào ngày 15/11 âm lịch giỗ Bà Chúa trong chùa với lễ mặn, xôi, thịt, gà… Ngoài ra, tại đền Mộc Hoàn (xã Sơn Lai) hiện đã xuống cấp, bài trí đơn giản, thờ phụng Quảng Triết Đại Vương, vốn là một vị quan lang Mường và hai cô con gái là Cúc Hoa công chúa và Ngọc Dong công chúa. Đình thôn Xát (Sơn Lai) thờ thành hoàng làng là Đinh Công Á cũng là một quý tộc nhà lang họ Đinh – một họ lang quý tộc lớn trong vùng.

Cùng với làng Sưa, làng Bái thì làng Ngọc Mỹ (tên nôm là làng Me) cũng thờ những vị quan lang. Theo bài vị hiện thờ tại di tích cùng bản kê thần tích, thần sắc thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai do Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO – Pháp) thực hiện năm 1938, hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thì đình Lược thờ hai vị thần là: Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương và Chăn Vương Công chúa. Vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương hiện không rõ sự tích. Theo tài liệu bản kê thần tích, thần sắc thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai của Viện Viễn Đông Bác cổ (sđd), phần ghi thôn Đông Thịnh (cùng xã Phúc Lai xưa, nay thuộc xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), thì thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương là vị dương thần, thời Đinh, cùng thời với vua Đinh Tiên Hoàng (có thể là người Mường theo vua Đinh lập quốc). Hiện nay tại phủ còn lưu giữ được bản sao đạo sắc phong ngày 25 tháng 11 niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), sắc cho thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thờ phụng vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương, phong thêm mỹ tự cho thần là Dực bảo Trung hưng Linh phù.

Còn vị thần Chăn Vương Công chúa - theo tài liệu bản kê thần tích, thần sắc thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai của Viện Viễn Đông Bác cổ (sđd), có ghi ngoài thôn Lược, thần còn được phụng thờ ở thôn Ngọc Mỹ (tên nôm là thôn Me) cùng xã Phúc Lai. Tại di tích đình Ngọc Mỹ (xã Sơn Lai) thờ Huyền Chăn Linh Chúa, rất có thể đây chính là Chăn vương Công chúa trong sắc phong. Lý lịch di tích đình Ngọc Mỹ cho biết: Thần vốn tên là Đinh Thị Huyền Chân (Huyền Chăn), là con gái của ông Đinh Ngọc Quang, một vị hào trưởng trong vùng. Bà là người có nhan sắc, khéo léo nữ công, tinh thông võ nghệ, lại có tấm lòng nhân hậu nức tiếng trong vùng. Sau khi được vua Lê Hiển Tông chọn làm cung nữ, bà đã cùng cha xuất tiền bạc dựng đình, chùa, xây trường học, mời thầy về dạy cho con em trong vùng, làm cho cả một vùng trở nên trù phú. Khi mất, nhớ ơn bà, nhân dân lập miếu thờ, triều đình ban sắc phong là Trinh Uyển Huyền Chân Linh Chúa. Hiện nay, di tích đình làng Lược còn lưu giữ được bản sao 2 đạo sắc phong thời Nguyễn ban tặng cho thần là Chăn Vương công chúa, phong thêm mỹ tự cho thần là Dực bảo Trung hưng Linh phù.

Hiện nay ở Sơn Lai và Gia Sinh còn rất nhiều dấu về vùng cư trú của cư dân Việt - Mường. Người dân ở làng Mộc Hoàn (Gia Sinh) cho biết ở đây có nhiều địa danh Mường, như: chợ Mường – hiện còn nền móng mà người dân vẫn nhớ (hiện nay thuộc sở hữu đất của người dân trong làng); đồi Mường – trước kia trên đỉnh đồi bằng phẳng người Mường đặt một bệ đá thờ. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là Đồi Mường, dân gian truyền tụng sắn Đồi Mường là ngon nhất vùng. Tại làng Me (thôn Ngọc Mỹ) có 3 chi họ Đinh tự nhận mình là dòng dõi vua Đinh, dòng dõi của quan lang. Họ Đinh ở Gia Thủy (Nho Quan) cũng nhận mình là dòng dõi vua Đinh Tiên Hoàng và có nguồn gốc từ những quý tộc nhà lang Mường. Theo truyền thuyết vùng Sơn Lai trước đó là nơi vua là nơi vua Đinh tập trận trận cùng trẻ mục đồng, sau đó là hành đô trước khi chuyển kinh đô ra Hoa Lư. Sách Ninh Bình địa chí khảo biên của Nguyễn Tử Mẫn có chép “Núi Mã Can ở địa phận thôn Phúc Lai (xã Sơn Lai ngày nay), thôn Đông Thịnh (trước đây thuộc địa phận xã Sơn Lai, nay thuộc xã Quỳnh Lưu) cách 19 dặm về phía nam huyện Phụng Hóa, còn tên nữa là núi Vua Đinh. Truyền rằng Đinh Tiên Hoàng thời còn trẻ đem mục đồng đến diễn tập trận ở  đây, người đời sau lấy đất ấy lập miếu thờ”. Hiện nay ở đây còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về hành đô thời Đinh Bộ Lĩnh, như Đồi Thờ - nơi vua Đinh lập đàn tế trời; Hóc Lược, Thung Chùa – là nơi núi cao, lũng sâu nơi vua Đinh cho quân lính tập trận; Núi Đầu Quân – nơi tuyển binh mới của Vua; Núi Rếch – nơi tướng lĩnh vua Đinh đặt loa kêu binh lính luyện tập; Hang Treo – nơi để lương thực của triều đình mà không sợ hỏng; Thung Lầu – nơi vua Đinh ở; nơi doanh trại vua Đinh ở đây có 4 cửa canh phòng cẩn mật là Thượng, Ngọc, Bình, Thịnh sau này trở thành  khu dân cư: cửa Thượng – làng Thượng Lược (làng Lược); của Ngọc – sau này là làng Ngọc Mỹ (làng Me); cửa Bình – thôn Yên Bình (làng Xát); cửa Thịnh – thôn Đông Thịnh (xã Quỳnh Lưu sau này). Ở đây các di tích đó đều thờ Đinh Tiên Hoàng. Tại đình thôn Xát thờ Đinh Tiên Hoàng và thành hoàng làng Đinh Công Á là một minh chứng cho thấy sự hiện diện của khối cư dân Việt – Mường nơi đây trước khi phân tách một cách rõ nét, mặc dù nơi đây hiện tại không có sự hiện diện của cộng đồng người Mường. Khảo sát vùng đồng bằng bên kia sông Bôi ở xã Gia Tiến, Gia Thắng chúng tôi ít thấy có những tư liệu về tín ngưỡng cổ hay dấu ấn văn hóa Việt – Mường, mà nhiều dấu tích văn hóa từ sau thời Tiền Lê, liên quan đến Đức Thánh Nguyễn – Nguyễn Minh Không. Có thể đoán định vùng đất này ban đầu vùng trũng, lụt, mà cư dân Việt – Mường cư trú ở vùng bán sơn địa như tại Sơn Lai, Gia Sinh, Trường Yên, sau đó quá trình biển rút, cư dân Việt - Mường di chuyển xuống vùng đồng, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình Hán hóa, trở thành cộng đồng người Kinh.

Với những liệu điền dã thu thập được ở vùng ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư cùng với những tư liệu liên ngành chúng tôi nhận thấy rằng có sự gần gũi, tương đồng về nguồn gốc dân cư và văn hóa giữa người Việt nơi đây và vùng người Mường kế cận. Hai tộc người này ở vùng Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư hiệnh nay đều có nguồn gốc từ khối cư dân cổ Việt - Mường trên địa bàn từ thời Tiền – Sơ sử kéo dài đến thế kỉ X sau công nguyên. Từ rất sớm, cư dân cổ Việt Mường đã tụ cư ở đây. Khối dân cư cổ đó ban đầu phân bố ở vùng đồi, bán sơn địa, bao gồm các khu vực phía tây nam huyện Nho Quan, thị xã Tam Điệp, phía tây huyện Gia Viễn, phía tây nam huyện Hoa Lư, Yên Mô. Khu vực này có độ cao trung bình từ 90-120m, có nơi cao trên 200m. Sau đó họ tiến dần về phía đồng bằng, ven biển. Trong khoảng 10 thế kỉ đầu công nguyên, cư dân trong vùng đã dần bị phân hóa, một bộ phận cư dân vùng cư trú ở vùng đồng bằng trũng, xung quanh các trị sở thời Bắc Thuộc, dần dần chịu sự Hán hóa hình thành cộng đồng người Việt (dấu vết Hán hóa là những ngôi mộ gạch có niên đại thế kỉ I-II sau công nguyên). Bên cạnh đó, khối cư dân cư trú ở vùng bán sơn địa và vùng núi phía Tây, còn giữ nhiều những dấu vết của văn hóa Việt - Mường cổ (động, sách, thung, quèn, bái, nội….). Sau đó, một bộ phận cư dân tiến sâu về miền núi phía tây, trở thành người Mường. Quá trình phân tách này diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, đến hết thế kỉ 10 và có thể còn sau hơn nữa. Thế kỷ XV, vùng đất Ninh Bình gọi là phủ Thiên Quan gồm 3 huyện Phụng Hóa, Yên Hóa và Lạc Thổ. Huyện Phụng Hóa (mà vùng đất ven sông Bôi đến kinh thành Hoa Lư nằm trong huyện này) vẫn chịu sự cai trị của quý tộc Mường, nhất là hai dòng họ bản địa Đinh, Quách. Theo Đại Nam thống nhất chí có ghi “Đời Lê Quang Thuận (1460-1469) tách ra đặt làm huyện lệ vào phủ Thiên Quan, họ Quách, họ Đinh làm thổ tù nối đời quản trị”.

Nhóm nghiên cứu Sở Văn hóa – Thể thao, Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện