Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MIẾU QUAN NGHÈ xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

15/11/2019

Nằm về phía bắc của Ngã ba sông, nơi cửa sông Hoàng Long gặp sông Đáy, Miếu Quan Nghè là di tích lịch sử lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa quan trọng của vùng đất, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách thập phương.

    Miếu Quan Nghè là một ngôi miếu cổ thuộc làng Gián Khẩu, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

    Miếu Quan Nghè thờ tiến sỹ Đinh Thúc Thông, người làng Gián Khẩu, làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Theo tài liệu Đại Việt lịch triều Đăng Khoa Lục và Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919): Đinh Thúc Thông sinh năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3, triều vua Lê Thái Tông (1442), hiện chưa rõ năm mất. Xuất thân gia cảnh nghèo khổ nên từ nhỏ đã phải đi làm thuê cho một gia đình giàu có ở làng Vũ Lăng (thuộc tổng Bình Lăng), huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Thừa Tuyên Sơn Nam (nay thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Đây chính là quê hương thứ 2 của ông. Là người thông minh, ham học nên Đinh Thúc Thông được chủ nhà và thầy đồ tạo điều kiện dạy học cùng với trẻ nhỏ trong nhà.

    Khoa thi Hội năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), Đinh Thúc Thông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), khi mới 22 tuổi, được ghi tên trên bảng vàng. Năm Hồng Đức thứ 15(1484), vua Lê Thánh Tông cho khắc ghi tên những nhà khoa mục xuất sắc lên bia đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tiến sỹ Đinh Thúc Thông được ghi danh cùng Đệ nhất giáp Tiến sỹ là Lương Thế Vinh (Trạng nguyên); Đệ nhị danh là Nguyễn Đức Trinh (Bảng nhãn); Đệ tam danh là Quách Đình Bảo (Thám hoa)

Bia đá ghi tên Tiến sỹ Đinh Thúc Thông tại văn Miếu Quốc Tử Giám

    Với học vị Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân, Đinh Thúc Thông được bổ nhiệm vào làm việc ở Hàn Lâm viện, chuyên phụng chỉ soạn đặt tờ chiếu thay vua. Trải qua các triều đại, những người đảm nhiệm chức vụ ở Hàn Lâm viện đều là nhà Nho nổi tiếng về văn học. Chức quan đầu tiên Đinh Thúc Thông đảm nhiệm sau khi đỗ Tiến sỹ là Hàn Lâm viện Hiệu lý, sau đó được tăng lên làm Hàn Lâm viện Trực học sỹ, là một chức quan cao trong Hàn lâm viện. Tuy làm phó cho Hàn lâm viện Chưởng viện học sỹ nhưng phẩm hàm ngang với Chưởng viện.

    Cuối năm 1470, nước Chiêm Thành ở phía nam nhiều lần đem quân xâm chiếm biên giới, vua Lê Thánh Tông đã thân chinh ra trận, Đinh Thúc Thông được cử làm Án sát sứ Nghệ An (vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) là vùng gần giáp giới Chiêm Thành. Đinh Thúc Thông đã làm tròn chức trách, góp phần vào thắng lợi của cuộc Nam tiến.

    Năm 1472, Nhà Lê mở khoa thi Hội, lấy đỗ tứ trường trúng cách 26 người, Đinh Thúc Thông và 3 vị văn thần (trong đó có Thám hoa Quách Đình Bảo, đỗ cùng khoa) được cử làm quan độc quyển, là chức quan đọc và chấm bài thi cho các sỹ tử.

    Theo sách Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục, Đinh Thúc Thông làm quan tới chức Thượng thư, là một trong 6 vị quan đứng đầu 6 bộ của triều đình thời vua Lê Thánh Tông.

    Ngoài việc lưu lại trong sử sách, Tiến sỹ Đinh Thúc Thông còn được lưu truyền trong nhân dân với tên ông Nghè, và những câu chuyện truyền  miệng như: Vào nửa sau thế kỷ XV làng Quán Vinh và làng Gián thuộc xã Quán Vinh, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, Thừa tuyên Sơn Nam. Sau này làng Quán Vinh thuộc xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư; làng Gián thuộc xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn. Làng Gián truyền rằng ông Đinh Thúc Thông nguồn gốc là người làng Gián, vì nhà nghèo phải về làng Quán Vinh làm con nuôi một gia đình, khi lên 9 tuổi cha nuôi mất, mẹ phải gửi ông lên Hà Đông làm con nuôi. Sau khi học hành, đỗ đạt làm quan ông vinh quy bái tổ, khi về làng, biết được Quan Nghè vốn là con nhà mõ nghèo nên các hào trưởng không tổ chức nghênh đón theo tục lệ, vì thế ông rất giận. Sau khi dâng hương cha mẹ và gia tiên ông rời đi, trước khi đi ông mang cối đá ra ném tại ngã ba sông và rằng: “bao giờ nổi lông chìm làng Gián mới nên học hành”.

    Làng Quán Vinh lại cho rằng họ Đinh là họ đầu tiên ở làng Quán Vinh, vì vậy ông gốc là làng Quán Vinh sau lên làng Gián làm con nuôi. Sau khi học hành, đỗ đạt làm quan vinh quy bái tổ, hào trưởng cho rằng ông mới đỗ đạt chưa lập công gì nên tiếp đón đạm bạc, ông buồn và giận vứt nghiên xuống ao nói thề rồi bỏ đi.

    Tuy nhiên đấy là những câu chuyện lưu truyền, còn đối với nhân dân làng Gián và làng Quán Vinh ông vẫn là một vị quan tài giỏi, sau khi qua đời, nhân dân đã lập miếu thờ ông, làng Gián có Miếu Quan Nghè, làng Quán Vinh có miếu Tiên Hiền.

Giếng cổ tại di tích

    Miếu Quan Nghè được xây dựng với lối kiến trúc kiểu chữ đinh gồm Tiền đường và Hậu cung, quay hướng đông nhìn ra sông Đáy. Đây là công trình mới được trùng tu tôn tạo lại sau thời gian dài bị mai một. Ngày 15/10 hàng năm, tại di tích, nhân dân vẫn tổ chức lễ hội tri ân Tiến sỹ Đinh Thúc Thông. Trong phần lễ có tổ chức tế nam quan, rước kiệu quanh làng; phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian.

    Miếu Quan Nghè được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012.

 

Phòng Quản Lý Di Sản