Địa danh vùng đất Ninh Bình mười thế kỷ đầu Công nguyên qua tư liệu thư tịch Đại Việt và Trung Hoa
26/04/2021Sách sử và sách địa lý thời phong kiến Đại Việt và Trung Hoa ít viết riêng biệt về vùng đất Ninh Bình với tư cách là một vùng đất đặc thù. Thường các ghi chép chỉ tập trung vào giai đoạn hình thành và tồn tại của nhà Đinh (968-980) và Tiền Lê (981-1009), khi vùng đất Hoa Lư là kinh đô của nhà nước Đại Việt/Đại Cồ Việt.
1. Thư tịch Đại Việt
Nguồn thư tịch Đaiị Việt có ghi chép về vùng đất Ninh Bình nói riêng và động Hoa Lư nói chung thường có trong các sách An Nam chí lược, Việt sử lược, Dư địa chí và Đại Việt sử ký toàn thư…
1.1. Sách An Nam chí lược do Lê Tắc soạn năm 1335 khi đang ở Trung Quốc, được coi là bộ sử cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay. Về thể lệ, sách này mô phỏng cách viết địa phương chí của Trung Quốc, bao gồm 20 quyển, hiện phổ biến bản 19 quyển nhưng nội dung tương đồng với bộ 20 quyển. Nội dung bao gồm địa lý và lịch sử, chế độ và thơ văn vùng Bắc bộ Việt Nam. Đây là bộ tài liệu cơ bản đối với việc nghiên cứu lịch sử từ thời Trần trở về trước; nghiên cứu lịch sử quan hệ Đại Việt và Trung Quốc; nghiên cứu lịch sử địa lý Việt Nam cổ đại. Sách này từng đã có bản dịch tiếng Pháp năm 1896 và bản dịch Việt văn của nhà xuất bản Đại học Huế năm 1961 đã sử dụng ba bản được lưu giữ tại Nhật, Trung Quốc và Anh để hiệu đính, cuối sách có in nguyên văn chữ Hán, sau đó được tái bản năm 2000. Sách An Nam chí lược lưu truyền ở Trung Quốc và được đưa vào trong bộ Tứ khố toàn thư, được Trung Hoa thư cục xuất bản bản dịch và chú thích Trung văn năm 2000.
Sách An Nam chí lược chép về Hoa Lư, Ninh Bình và Đinh Bộ Lĩnh trong mối tương quan về vai trò vị thế của nhà Đinh và Tiền Lê khi lập đô ở Hoa Lư. Đó là nơi Đinh Công Trứ (một bộ tướng của Dương Đình Nghệ) đã sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, người gây dựng nhà Đinh vào cuối thời Ngũ Đại thập quốc (907-960) sang đầu thời Bắc Tống (960-1127).
史部 載記類
卷一:長安府本華閭峒丁部領所生地五季末丁氏立國於此歸化江路接西南界宣化江路接特麻道(第1-2a页)
卷二:宋太祖開寶八年制封交帥丁部領部領生鳶阯之邦勵拱辰之節世為右族能保遐方志慕華風常思内附九州混一五嶺廓清遂達梯航乃輸(第2-13b页)
卷十一:宋初丁部領簒呉太……濬使人止璵曰海賊為亂道路不通璵果不行昌濬卒弟昌文立昌文卒其佐吳處玶峰州刺史矯知䕶寧州刺史楊暉牙将杜景碩等争立既而丁部領平之遂有其地
丁氏世家:丁部領交州華閭洞人父公著為廷藝牙将五代末廷藝廵交州以公著權驩州刺史初呉權矯殺公羡而部領父子歸呉氏因遣公著還(第11-6a页)
卷十四:趙氏遣使漢髙帝時南越趙佗使其内史潘中尉髙御史平軰上書謝罪皆不返佗乃僣號子孫仍之元鼎中南越為内地署官府任歴朝弗變(五代亂變/交阯丁部領即據/其地)
宋初丁部領遣貢太祖封部領為交阯郡王宋開寳年丁璉襲父位遣鄭琇王紹祚江巨瑝貢金帛犀象(第14-9a页)
1.2. Sách Việt sử lược là bộ sách tương đối sớm viết về lịch sử Việt Nam theo thể biên niên. Đến nay vẫn chưa rõ tác giả là ai, nhưng căn cứ theo mục Phụ Trần triều kỷ niên ở cuối sách có đoạn viết đến “đương kim hoàng thượng, niên hiệu Xương Phù năm thứ nhất, nhằm năm đinh tỵ” các nhà nghiên cứu cho rằng sách này được hoàn thành vào năm thứ nhất niên hiệu Xương Phù đời vua Trần Phế Đế, tức năm 1377. Bộ sách gồm ba quyển, quyển thượng viết từ thời huyền sử cho đến khi triều Tiền Lê bị diệt vong (980-1009), quyển trung và hạ đều viết về thời Lý (1009-1225) rất tường tận, cuối sách còn có phần phụ lục ghi lại niên hiệu các triều vua Trần. Theo nghiên cứu, sách này vốn có tên là Đại Việt sử lược, là phần tóm tắt của bộ Đại Việt sử ký. Đến thời Lê Sơ hoàn thành sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã sử dụng nội dung có trong Đại Việt sử ký. Chính bởi vậy, chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng nhất định giữa Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Sách Việt sử lược vốn đã thất truyền ở Việt Nam, nhưng được lưu truyền ở Trung Quốc và được đưa vào trong bộ Tứ khố toàn thư. Ngoài ra, sách này còn được đưa vào trong các bộ sách Thủ Sơn Các tùng thư, Hoàng triều phiên thuộc dư địa tùng thư, Tùng thư tập thành. Học giả người Nhật Bản là Phiến Thương Nhưỡng khảo đính thành Sách dẫn Đại Việt sử lược. Ở Việt Nam, sách này cũng đã được Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú thích Việt văn từ năm 1960, đến nay đã tái bản nhiều lần.
Sách Việt sử lược cũng chép về họ Đinh dựng nghiệp ở vùng Hoa Lư với các nội dung tương tự sách An Nam chí lược về địa danh thân thế, sự nghiệp của nhà Đinh ở Hoa Lư.
卷上: 南晉諱昌文呉王權之第二子也以漢乾祐三年廢楊平王而自立稱南晉至周太祖廣順元年遣使迎其兄昌岌與之更相為政岌稱天䇿時有華閭洞人丁部領負谿山險固不修臣職二王欲討之部領懼遣其子璉入貢璉至二王責其不庭執璉而往征之踰月不克王……(第1-21b页)
丁紀:先王諸部領姓丁氏華閭洞人少孤與母媪五人居山神祠側門外有山荷叢葉上蝸跡成天子字王為兒時與羣童牧牛於山野皆推為衆兒長以君(第1-23b页)
宋太祖開寳元年稱皇帝於華閭洞起宫殿制朝儀置百官立社稷尊號曰大勝(第1-24a页)
卷中:二年正月改元順天元年初王以華閭城湫隘乃遷都大羅城初遷時泊舟城下黄龍見於御舶因號昇龍改(第2-3b页)華閭為長安府北江曰天德江古法曰天德府昇龍京内起朝元殿左置集賢殿右置講武殿左啓飛龍門(第2-3b页)
1.3. Sách An Nam chí do Cao Hùng Trưng biên soạn vào thế kỷ 13-14, nội dung chủ yếu miêu tả về cương vực và núi sông, cung điện và thành trì, chùa tháp và đền miếu, phong tục và tập quán, con người và thơ văn, thổ sản và cống vật… của Việt Nam. Sách này chép riêng về Đinh Bộ Lĩnh trong quyển III mục Nhân vật chí. Nội dung về thân thế sự nghiệp của cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn tại kinh đô Hoa Lư và vùng đất Ninh Bình.
1.4. Sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi soạn thành đầu thế kỷ 15, là một bộ địa phương chí, nội dung chủ yếu khảo cứu cương vực, núi sông và địa danh các vùng thuộc Bắc bộ. Sách này có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu đối sánh địa danh in khắc trên gạch thời Lý-Trần-Hồ. Dư địa chí đã được Phan Huy Tiếp dịch và Hà Văn Tấn hiệu đính và chú thích địa danh từ năm 1960, đến nay đã tái bản nhiều lần. Theo ghi chép của Nguyễn Trãi thì, nhà Đinh đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà Lý gọi nước là Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long. Nhà Trần đến nhà Lê quốc hiệu vẫn theo như nhà Lý, mà cũng đóng đô ở Thăng Long. Nguyễn Trãi còn cho biết thêm, Hoa Lư đến thời Lý là châu Đại Hoàng thuộc phủ Trường Yên, đến thời Lê đổi làm phủ Trường Yên. Thăng Long ngày xưa là thành Đại La. Khi nhà Lý rời đô ra đấy có rồng vàng hiện lên ở phía tây thành ấy, nhân thế đổi tên làm Thăng Long...
1.5. Sách Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn viết theo thể biên niên. Có thể nói, đây là một bộ chính sử cơ bản và quan trọng nhất cung cấp những tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam cổ đại. Quá trình hình thành bộ sách này khá dài, từ Lê Văn Hưu phụng chiếu khởi thảo thời Trần Thái Tông (1225-1258) đến thời Trần Thánh Tông (1272) thì hoàn thành với tên gọi Đại Việt sử ký gồm 30 quyển có nội dung chủ yếu là biên chép lịch sử từ khởi thủy đến đầu thế kỷ 13. Bộ sử biên niên này hiện đã thất truyền, chỉ được tham khảo và trích dẫn những lời bình của Lê Văn Hưu trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đến thế kỷ 15, vua Lê Nhân Tông (1442-1459) lệnh cho Phan Phu Tiên tiếp tục biên chép Đại Việt sử ký và bổ sung thêm lịch sử hai triều Trần-Hồ và Minh thuộc (1225-1427) với tên gọi Sử ký tục biên gồm 10 quyển. Vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), Lê Thánh Tông lệnh cho Ngô Sĩ Liên căn cứ theo hai bộ sách trên mà biên chép thành Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển chia làm hai phần: phần Ngoại kỷ có năm quyển ghi chép lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng trong truyền thuyết đến Đinh Bộ Lĩnh bình định mười hai xứ quân năm 967; phần Bản kỷ gồm chín quyển ghi chép từ thời Đinh Tiên Hoàng (968-979) đến Lê Thái Tổ (1428); ngoài ra còn có một quyển Lê Thái Tổ kỷ.
Năm 1665, Phạm Công Trứ phụng mệnh biên chép Đại Việt sử ký toàn thư, viết thêm năm quyển Bản kỷ thực lục biên chép từ thời Lê Thái Tông (1434) đến thời Lê Cung Hoàng và đầu triều Mạc (1532). Phạm Công Trứ còn biên chép ba quyển Bản kỷ tục biên chép từ thời Lê Trang Tông (1533) đến thời Lê Thần Tông (1662). Tổng cộng thành 23 quyển. Năm thứ 18 niên hiệu Chính Hòa (1697), Lê Hi soạn thêm một quyển Bản kỷ tục biên truy gia ghi chép thêm hai triều Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông (1662-1675). Bộ sách mà Lê Hi tập thành được gọi là bản cuối cùng của Đại Việt sử ký toàn thư.
Như vậy, Đại Việt sử ký toàn thư có tổng cộng 24 quyển, trong đó Ngoại kỷ toàn thư có năm quyển, Bản kỷ toàn thư có chín quyển, Bản kỷ thực lục có sáu quyển, Bản kỷ tục biên ba quyển, Bản kỷ tục biên truy gia một quyển. Đây là một bộ sách biên niên phỏng theo lối viết của Tư Mã Thiên, bên cạnh biên chép lịch sử còn có lời bình, nhưng không có kỷ, truyện, chí, biểu… như trong Sử ký. Trừ bản khắc in đầu tiên (1697), triều Tây Sơn (1778-1802) và triều Nguyễn (1802-1945) đều có bản khắc in mới. Ngoài ra, còn có bản in sắp chữ của Nhật Bản năm 1885 và bản do Trần Kinh Hòa biên tập và hiệu đính. Trong thế kỷ 20, bản dịch Việt văn của bộ sử này đã nhiều lần được xuất bản. Năm 1993, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam xuất bản bản dịch Việt văn và bản khắc in chữ Hán năm thứ 18 niên hiệu Chính Hòa (1697), đồng thời có sử dụng các bản chữ Hán khác nhau để đối chiếu, chú thích nên có giá trị sử dụng cao đối với các nhà nghiên cứu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có riêng một quyển 1 ở phần Bản kỷ toàn thư ghi chép về nhà Đinh và Tiền Lê (968-1009). Khi đánh bại 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh “rời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”. Theo đó, sách này có mô tả vùng đất Hoa Lư nói riêng và Ninh Bình nói chung trước khi nhà Đinh thành lập là một vùng “khe núi hiểm yếu”, còn nhiều rừng và hổ dữ nên thường “nuôi hổ dữ ở trong cũi” để trừng phạt kẻ phạm tội bằng cách cho hổ ăn thịt. Chính vì “Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương”, nên ngay sau khi đăng quang một năm, Lý Công Uẩn đã dời đô ra Thăng Long và đổi tên thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên.
2. Thư tịch Trung Hoa
2.1. Sách Nguyên sử do Tống Liêm soạn thời Minh
卷六十三:長安府,本華閭洞,丁部領所生之地。五代末,部領立國於此。歸化江路,地接雲南。宣化江路,地接特磨道。
卷六十三và卷二百九列傳第九十六:長安府本華閭洞丁部領所生之地五代末部領立國於此歸化江路地接雲南宣化江路地接特磨道沱江路地接金齒諒州路地(第63-45b页)
卷二百九:宋封丁部領為交趾郡王其子璉亦為王傳三世為李公藴所奪即封公藴為王李氏傳八世至昊旵陳日煚為昊旵壻遂有其國元憲……(第209-1b页)
元史巻二百九考證:安南國傅宋封丁部領為交趾郡王其子璉亦為王傅三世為李公藴所奪按宋史及文獻通考東都事畧諸書並載丁璉卒弟璿嗣其大校(第209-28a页)
2.2. Sách Việt kiệu thư do Lý Văn Phượng viết năm 1540 niên hiệu Gia Tĩnh thời Minh. Sách này có một số đoạn chép về vùng Hoa Lư và nhà Đinh.
Quyển 1: phần viết về Diên cách châu quân có viết rằng, Phủ Trường Yên vốn gọi là động Hoa Lư. Đây là nơi Đinh Bộ Lĩnh sinh. Cuối thời Ngũ Quý, họ Đinh lập nước ở đây [12b].
Quyển 7: khi viết về họ Đinh lập nước thời Ngũ Đại, tác giả mô tả tương đối kỹ về vùng Hoa Lư và dòng họ Đinh
Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, thuộc Giao Châu. Cha là Đinh Công Trứ, là nha tướng của Dương Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi tuần Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh theo về với họ Ngô. Ngô Quyền nhân sai Công Trứ lại giữ chức cũ. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối chứ cha. Kịp đến lúc Ngô Xương Văn chết, bộ hạ làm loạn. Bộ Lĩnh cùng con là Đinh Liễn 璉dẹp bình được, rồi trông coi công việc Giao Chỉ, xưng hiệu là Vạn Thắng vương, riêng phong cho Đinh Liễn làm Tiết độ sứ, được 10 năm thì Bộ Lĩnh chết.
Đinh Liễn lên nối. Năm 971, Tống sai đại tướng Phan Mỹ đi bình miền Lĩnh Nam. Đinh Liễn sợ, dâng biểu, sai sứ vào cống và xin nội phụ. Tống Thái Tổ chiếu phong Liễn làm Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ. Tháng 5 năm 975, Đinh Liễn sai đem vàng lụa, ngà voi, sừng tê, trà thơm vào cống. Ngày 7 tháng 8, nhà Tống chế phong cha Đinh Liễn là Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận vương, được hưởng thực phong 1.000 hộ. Tháng 12, nhà Tống sai Cao Bảo Tự làm quan cáo sứ sang tuyên chế phong. Năm 977, Đinh Liễn sai sứ sang cống mừng Tống Thái Tông lên ngôi. Năm 980, Đinh Liễn chết, em là Đinh Toàn lên thay.
Đinh Toàn còn bé, lên nối xưng là Tiết độ Hành quân Tư mã Quyền lĩnh quân phủ sự. Tháng 4 năm 980, sai Lư Tập sang sứ Giao Chỉ, Đại hiệu là Lê Hoàn chuyên quyền, đưa Đinh Toàn ra ở một phủ đệ riêng, lại bắt giam người tộc họ Đinh, tự lĩnh quyền cai trị dân chúng. Tống Thái Tông giận, khởi binh tiến đánh. Lê Hoàn giả làm Đinh Toàn dâng biểu. Tháng 11, Lê Hoàn sai sứ vào cống đồ vàng bạc, sừng tê, ngà voi các vật quí báu và nói rằng: “Tướng hiệu, quân sĩ kỳ lão trong nước xin cho Toàn làm Tiết độ sứ kế ngôi của cha anh”, chép rõ tình trạng trình lên. Bấy giờ nhà Tống đã khởi binh, biểu tâu vào không được trả lời. Mùa đông tháng 11, quân Tống tiến binh, đánh bại Giao Chỉ ở sông Bạch Đằng. Năm sau quân Tống gặp bất lợi, bèn đem quân về. Năm 982, Lê Hoàn lại giả làm Đinh Toàn sai sứ sang cống, vì cớ sợ Tống đưa quân sang đánh. Sau Đinh Toàn bị Lê Hoàn giết. (Họ Đinh truyền được 3 đời, cộng 17 năm). [4ab]
2.3. Sách Minh sử của Trương Đình Ngọc
明史--清--張廷玉
卷二十一 列傳第二百〇九 外國二:宋初,封丁部領為交阯郡王,三傳為大臣黎桓所篡。黎氏亦三傳為大臣李公蘊所篡。李氏八傳,無子,傳其壻陳日炬。元時,屢破。
卷三百二十一 列傳第二百九:安南古交阯地唐以前皆隸中國五代時始為土人曲承美竊據宋初封丁部領為交阯郡王三傳為大臣黎(第524-1a页)
2.4. Sách Khâm định cổ kim đồ thư tập thành, sách Phương dư vựng biên
Phần Biên duệ điển, quyển 94 viết giống như trong sách An Nam chí lược:
卷八十九:唐始分嶺南為東西二道,置節度立五管,安南隸焉。五代劉隱并其地,以為交阯節度使,其後管內大亂,有丁部領者定之,其子璉內附宋,封為交阯郡王,傳子璿,為黎桓所奪,淳化四年封桓為王,桓卒子龍鉞立,其弟龍廷殺鉞。
卷九十一:南上表內附。按《宋史·太祖本紀》不載。按《廣東通志》:宋乾德初,昌文死,吳處玶等爭立,管內大亂。有丁部領者平之,自稱大勝王,私署其子璉為節度使。聞南漢平,上表內附。開寶六年夏五月己巳,交州丁璉遣使貢方物。
卷九十二:宋封丁部領為交趾郡王,其子璉亦為王,傳三世為李公蘊所奪,即封公蘊為主。
卷九十三:宋初,始封丁部領為交趾郡王,三傳為大臣黎桓所篡。黎氏亦三傳為大臣李公蘊所篡
卷九十四:長安府本華閭洞,丁部領所生之地。五代末,部領立國于此。歸化江路 地接雲南。宣化江路地接特磨道。沱江路地。
Phần Chức phương điển, quyển 1395 viết
卷一三九五: 邕諸州。尋又開邕州以西諸蠻峒,置羈縻州數十,屬邕州。光化後,為楚馬氏所據。五代時,入於南漢。時交趾有丁部領者,自領交趾事,稱萬勝王。自是,交趾不通於中國矣。宋平南漢,分為廣南東路廣南西路,自廣、韶、南、梅。
2.5. Sách Thập quốc xuân thu, quyển 16 viết:
卷六十: 以得傳陛下者由盡殺羣弟也帝頷之由是璇興死上下咸怨而紀綱大壞夏四月賀乾徳節(後主誕/日也)驩州牙將丁部領領交阯事號大勝王初吴昌文卒其參佐吕處玶與峯州刺史喬知祐爭構亂丁部領率其子璉擊敗處玶遂為衆所推是歲帝……(第60-3a页)光圖死之郴州遂陷餘衆退保韶州帝憶邵廷琄言始以廷琄為招討使帥舟師出洸口以拒宋大寶八年春三月交阯亂丁部領死詔以子璉為交州節度使夏六月賜招討使邵廷琄自盡以忌功者誣其謀反也(時宋師退舎廷琄屯洸口治兵招徕亡(第60-5a页)
3. Địa danh vùng đất Ninh Bình mười thế kỷ đầu Công nguyên qua tư liệu thư tịch Đại Việt và Trung Hoa
Qua các nguồn tài liệu thư tịch, nhất là các nguồn tài liệu địa chí của Việt Nam và Trung Quốc, các nhà nghiên cứu địa lý học lịch sử đã có nhiều kết quả nghiên cứu đáng quan tâm về vùng đất Ninh Bình thời kỳ mười thế kỷ đầu Công nguyên. Trong số đó, đáng lưu ý nhất là các nghiên cứu địa danh học lịch sử của học giả Đào Duy Anh.
Thời thuộc Nam Việt, 179-111 trước Công nguyên: Sau khi thôn tính và sát nhập nước Âu Lạc vào nước Nam Việt, nhà Triệu chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, ranh giới giữa hai quận này là đèo Tam Điệp (còn gọi là đèo Cửu Chân). Quận Cửu Chân gồm phần đất từ phía nam đèo Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình đến phía bắc đèo Hoành Sơn (Đèo Ngang) của tỉnh Hà Tĩnh, tương đương với vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi đó, vùng đất Ninh Bình thuộc vùng cực nam của quận Giao Chỉ.
Thời thuộc Hán, 111TCN-203: vùng đất Ninh Bình thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Năm 111 TCN, nhà Tây Hán thôn tính và sát nhập nước Nam Việt (bao gồm cả phần đất Bắc bộ, bắc Trung bộ và trung Trung bộ Việt Nam) vào Tây Hán. Năm 106 TCN, nhà Tây Hán đặt bộ Giao Chỉ gồm chín quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố (khu vực hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, thuộc miền đông nam Trung Quốc), Châu Nhai, Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam, Trung Quốc) và ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (miền Bắc và miền Trung Việt Nam). Trị sở bộ Giao Chỉ thời thuộc Hán đặt tại thành Long Biên thuộc quận Giao Chỉ là quận lớn nhất của bộ Giao Chỉ.
Quận Giao Chỉ gồm 10 huyện Long Biên, Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu và Chu Diên. Trị sở quận Giao Chỉ thời thuộc Hán đặt tại thành Long Biên. Lúc này, một phần vùng đất Ninh Bình thuộc huyện Câu Lậu, ở dải đất hai bên bờ vùng cửa sông Đáy, tương đương với địa phận các huyện Yên Khánh, Yên Mô tỉnh Ninh Bình, huyện Ý Yên và một phần huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định ngày nay.
Quận Cửu Chân gồm bảy huyện Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Biên, Vô Công, Dư Phát và Đô Bàng, tương đương với địa phận quận Cửu Chân thời thuộc Triệu. Trị sở quận Cửu Chân thời thuộc Hán đặt tại thành Tư Phố huyện Tư Phố, tương đương khu vực hữu ngạn sông Mã, khoảng từ làng Dương Xá (làng Giàng) xã Thiệu Dương huyện Thiệu Hóa đến phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa ngày nay. Lúc này, một phần vùng đất Ninh Bình thuộc huyện Vô Công, tương đương với địa phận hai huyện Gia Viễn và Nho Quan tỉnh Ninh Bình ngày nay.
Thời thuộc Ngô, Tấn và Nam Bắc Triều, 203-581: Năm 226, nhà Ngô chia Giao Châu thành Quảng Châu và Giao Châu. Năm 271, nhà Ngô lại chia quận Cửu Chân thành hai quận Cửu Chân và Cửu Đức. Quận Cửu Chân còn lại gồm sáu huyện Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Thường Lạc và Phù Lạc, tương đương địa phận tỉnh Thanh Hóa và hai huyện Gia Viễn, Nho Quan tỉnh Ninh Bình ngày nay. Còn vùng đất hai huyện Yên Khánh và Yên Mô vẫn thuộc huyện Câu Lậu quận Giao Chỉ như thời Hán. Thời thuộc Tấn và Nam Bắc Triều quận huyện vẫn cơ bản như thời thuộc Ngô, vùng đất Ninh Bình vẫn thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân.
Thời thuộc Tùy-Đường, 581-907: Nhà Đường đặt An Nam Đô hộ phủ quản lý toàn bộ vùng đất thuộc nhà Đường quản lý ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Đô hộ phủ là cơ quan hành chính cai trị bằng bạo lực quân sự tại các khu vực thuộc quốc của nhà Đường. Để kiểm soát các thuộc quốc và vùng ngoại vi, nhà Đường đặt 6 đô hộ phủ là An Bắc, An Đông, An Nam, An Tây, Bắc Đình và Thiền Vu. Cấp hành chính này ở khu vực nước ta là An Nam đô hộ phủ, nguyên là quận Giao Chỉ thời thuộc Tùy.
Khu vực nước ta thời thuộc Đường được tổ chức thành bốn cấp hành chính là Đô hộ phủ, Châu, Huyện và Hương/Xã, phần lớn do quan lại người Trung Quốc trực tiếp nắm giữ. Đô hộ phủ trải qua nhiều tên gọi khác nhau tùy từng thời kỳ, như Giao Châu đại tổng quản phủ (618-622), Giao Châu Đô hộ phủ (622-679), An Nam Đô hộ phủ (679-757, 766-862, 862-866), Trấn Nam Đô hộ phủ (757-766), Tĩnh hải quân tiết trấn (866-905)... Phạm vi không gian hành chính của An Nam đô hộ phủ bao gồm toàn bộ miền Bắc Việt Nam kéo dài đến Đèo Ngang (Quảng Bình), gồm 12 châu với 59 huyện. trong đó vùng đất Ninh Bình ngày nay thuộc Trường Châu gồm bốn huyện Đồng Thái, Kỳ Thường, Trường Sơn và Văn Dương
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn
Trường Đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài viết khác
- NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA