Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở NINH BÌNH VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI HÀNH ĐÔ SƠN LAI

17/12/2020

Sau khi thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, định quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Nhà nước “Đại Cồ Việt” duy trì và phát triển trong vòng 86 năm (968 – 1054), trải qua 3 triều đại: Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009 - 1054). Các vấn đề liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt thu hút sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước, nghiên cứu ở hầu hết các lĩnh vực như: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, văn học - nghệ thuật, với nhiều hướng tiếp cận như: hướng nghiên cứu điền dã văn hoá, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu từ các tài liệu, thư tịch cổ… Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu sâu về giai đoạn hoàn thành thu phục 12 sứ quân, bắt tay vào công cuộc lập quốc. Nói như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong một cuộc Hội thảo“Khảo cổ học chỉ mới gãi vài trăm mét vuông đất Hoa Lư và chỉ mới phác họa được qua loa các lũy thành nội, ngoại. Cung điện thì mới thấy được một phần nền, mấy ai đã lần mò tới Động Hoa Lư, Thung Lau nơi thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận? và mối quan hệ Việt - Mường thuở ấy ra sao” thì các vấn đề về Nhà nước Đại Cồ Việt cần được khai thác, nghiên cứu sâu rộng hơn nữa.

Hành đô Sơn Lai có chung thực trạng như những hành cung, hành đô thời Lý – Trần, không rõ vị trí cụ thể, một phần do sự biến đổi của địa chất, địa mạo, của môi trường văn hoá, xã hội một phần do thay đổi địa danh, thất lạc tài liệu khiến việc nghiên cứu, tìm hiểu trở nên khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu lâu dài, nghiêm túc và có hệ thống, triển khai ở nhiều góc độ, đặc biệt là khảo cổ học, văn hóa học và dân tộc học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật lịch sử thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, trong đó đáng chú ý là các lễ hội và các truyền thuyết dân gian gắn với các địa danh ghi dấu lịch sử liên quan đến Đinh Tiên Hoàng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu dấu ấn Nhà nước Đại Cồ Việt lưu tồn trong các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) thuộc các loại hình Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian trên địa bàn xã Sơn Lai, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan), xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) và vùng lân cận, với mong muốn tìm hiểu sâu về quá trình hình thành, phát triển, lưu tồn các di sản văn hóa liên quan đến hành đô Sơn Lai, góp phần nhận diện về hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu Nhà nước Đại Cồ Việt.

Trước hết, bài viết sử dụng quan niệm về DSVHPVT được khái quát tại Luật DSVH năm 2001: DSVHPVT được hiểu là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.

Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã tiến hành kiểm kê tổng thể bước đầu di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả có 312 di sản được kiểm kê gồm đủ 7 loại hình (theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tri thức dân gian; Nghề thủ công, truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội; Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian.

Tổng hợp theo địa bàn có: Huyện Nho Quan: 50 di sản (7 loại hình); Huyện Gia Viễn: 72 di sản (6 loại hình); Huyện Hoa Lư: 23 di sản (7 loại hình); Thành phố Ninh Bình: 15 di sản (5 loại hình); Huyện Yên Khánh: 52 di sản (5 loại hình); Huyện Yên Mô: 45 di sản (5 loại hình); Huyện Kim Sơn: 43 di sản (5 loại hình); Thị xã Tam Điệp: 12 di sản (6 loại hình). Tổng hợp theo loại hình có: Nghệ thuật trình diễn dân gian: 91 (chiếm 29,17%); Tri thức dân gian: 24 (chiếm 7,69%); Nghề thủ công, truyền thống: 39 (chiếm 12,50%); Lễ hội truyền thống: 106 (chiếm 33,97%); Tập quán xã hội: 46 (chiếm 14,74%); Tiếng nói, chữ viết: 02 (chiếm 0,64%); Ngữ văn dân gian: 04 (chiếm 1,28%).

Với đặc điểm là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam, tỉnh Ninh Bình là nơi ken dày các dấu ấn văn hóa của giai đoạn lịch sử quan trọng này. Trải qua hơn 1000 năm, các dấu ấn vật chất còn lại khá mờ nhạt, cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu sâu rộng, quy mô hơn nữa, song với các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn lưu truyền trong cộng đồng dân cư nơi đây đã cho thấy một phần đời sống văn hóa kinh đô xưa cũng như dấu ấn và hành tung của các nhân vật lịch sử quan trọng thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt.

Các DSVHPVT liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt được kiểm kê trên địa bàn tỉnh có 49 lễ hội dân gian. Tập trung nhiều ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Khánh. Trên địa bàn xã Sơn Lai, xã Quỳnh Lưu, xã Gia Sinh có 27 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 24 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình lễ hội truyền thống (chiếm 89%), 1 di sản văn hóa thuộc loại hình tri thức dân gian – nghề trồng thuốc (chiếm 3,7%) và 02 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (chiếm 7,4%). Đa số các lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa, miếu, phủ. Mặc dù các lễ hội diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo đủ cả phần lễ và phần hội, có những lễ hội còn bao quát cả một vùng, với sự tham gia của nhiều thôn, làng, xã.

Các Lễ hội mang dấu ấn hành đô Sơn Lai gồm có: Lễ hội Đình và phủ thôn Xát (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan). Đây là nơi thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Thành hoàng bản thổ Đinh Công Á (còn gọi là cụ Huyện Á), phủ là nơi thờ Thủy Tinh Công chúa, Thiên Danh Công chúa, Thiên Tinh công chúa và Ngọc Thanh công chúa; Lễ hội truyền thống đình và chùa Ngọc Mỹ (thôn Me, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan), nơi thờ cúng và tưởng niệm Vua Đinh Tiên Hoàng, phối thờ ông Đinh Ngọc Đại Quang (hào trưởng thôn Me) và bà Đinh Thị Huyền Trân (con gái ông Đinh Ngọc Đại Quang); Lễ tế Thiên đền Đồi Thờ (thôn Đông Thịnh, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan). Đồi Thờ trước kia gọi là đồi Mục Long, Mã Can. Tương truyền, Đồi Thờ là nơi Trời ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho Đinh Bộ Lĩnh trước khi ngài làm lễ Tế Trời, xuất quân bình định loạn lạc, thu giang sơn về một mối. Năm 968, sau khi bình định thiên hạ, lên ngôi Hoàng đế, đức Vua tế Trời và xây dựng hành cung tại khu vực núi Mộc Hoàn – núi Mã Can để đắp thành, đào hào, xây dựng kinh đô Hoa Lư. Trong các lễ hội diễn ra tại di tích trên có các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian gắn với một số sự tích liên quan đến Vua Đinh như: cờ lau tập trận, kéo chữ thái bình, thi đấu vật, các tục hèm liên quan đến vật phẩm... cho thấy tầm ảnh hưởng của vua Đinh Tiên Hoàng đối với đời sống người dân khu vực này là rất lớn.

Đối với các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Vua Đinh ở khu vực nghiên cứu, cho thấy thái độ, ý thức trân trọng giữ gìn của cộng đồng dân cư ở đây, trải qua hàng ngàn năm họ vẫn thể hiện rõ vai trò là chủ nhân thực sự trong đời sống xã hội của chính mình. Nhân dân thờ phụng Vua Đinh vừa là tưởng nhớ, ghi nhận và tôn vinh công lao của ngài đối với đất nước, dân tộc, vừa mong sự bảo hộ, che chở của ngài về mặt tinh thần, là sợi dây kết dính vô hình tăng cường cố kết cộng đồng để cùng nhau phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT trên có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, và trong quá trình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vũ Thanh Lịch