Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Di sản tín ngưỡng-tâm linh thờ thần núi trong quần thể danh thắng Tràng An

22/10/2019

Tín ngưỡng-tâm linh là thành tố của văn hóa nó luôn được thẩm thấu, chắt lọc và nuôi dưỡng và đương nhiên nó là di sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Như đầu đề của bài viết này, xin đưa ra một vài lý giải về tín ngưỡng-tâm linh thờ Thần Núi với tư cách như một di sản của ông cha.

Cái Thiêng là một phát hiện lớn của loài người, với ý nghĩa nó là những giá trị thăng hoa của “cái phàm tục trần thế” và từ lâu được coi là tiêu chí quan trọng bậc nhất để nẩy sinh tín ngưỡng, tôn giáo[1]. Từ năm 1930 khi Einstein nói rằng: “ cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta trải nghiệm là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Người nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, người đó coi như đã chết, đã tắt ngọn lửa sống trong mình” (Thế giới như tôi nhìn thấy,1930). Einstein không dùng từ tâm linh, nhưng ông cảnh báo cho loài người cần phải biết giữ lấy cho mình “tính thiêng liêng”, “cái bí ẩn”, “cái siêu việt”. Đó là nhận định có tính tiên tri bởi vì trong thế giới hiện đại đầy lo âu và biến động hiện nay, con người dường như đã đánh mất “tính thiêng liêng” của chính mình, của đồng loại và của thế giới xung quanh.

 Tín ngưỡng-tâm linh là thành tố của văn hóa nó luôn được thẩm thấu, chắt lọc và nuôi dưỡng và đương nhiên nó là di sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Như đầu đề của bài viết này, xin đưa ra một vài lý giải về tín ngưỡng-tâm linh thờ Thần Núi với tư cách như một di sản của ông cha.

 Quần thể danh thắng Tràng An (QTDTTA), ở phía Nam đồng bằng Sông Hồng, có tổng diện tích khoảng 12.000ha, trên địa bàn 20 xã, phường thuộc tỉnh Ninh Bình. Từ lâu khu vực này đã được biết đến với vai trò kinh đô của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X, là hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII và là một nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng qua thơ ca.

 Theo thống kê sơ bộ ban đầu QTDTTA có trên 30 di tích thờ Thần Núi, gắn với những di tích này là những câu truyện dân gian, những lễ hội, phong tục, tập quán liên quan tới tín ngưỡng thờ vị thần này.

 Ngọn nguồn tín ngưỡng thờ thần núi ở nơi đây:

Trước hết nơi đây là không gian của núi, thung lũng gắn với những dòng sông thơ mộng

 QTDTTA là một khối núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, liền khoảnh và được bao bọc bởi bốn dòng sông (sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Chanh ở phía Đông, sông Hệ ở phía Nam và sông Bến Đang ở phía Tây) và bản thân trong lòng nó có sông Sào Khê, sông Đền Vối, sông Ngô Đồng uốn lượn mềm mại theo nét sơn văn. Khu vực này có đặc điểm địa chất đặc sắc, thể hiện rõ hơn bất kỳ nơi nào trên Trái Đất về các giai đoạn tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm. Với sự hiện diện của các đỉnh núi hình nón, hình chuông được liên kết với nhau bởi những sống núi sắc mảnh như những bức tường thành tạo nên các thung lũng khép kín đa dạng về hình dáng và chỉ được thông với nhau bởi các hang động, sông ngầm ở phần trung tâm, hình ảnh này đã được vua Trần Nhân Tông (TK XIII) phác họa trong bài thơ Chiều thu ở Vũ Lâm :

“Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,

Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.

Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,

Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa”

 Hay sự hiện hữu những thung lũng mở ở phần rìa của sơn khối đá vôi này với những tháp karst độc lập bên những cồn cát được bồi lên trong quá trình hình thành đồng bằng sông Hồng, danh nhân Cao Bá Quát (TK XIX) đã phác họa trong bài thơ Trên đường đi Ninh Bình:

“Sông tựa dải là cô gái đẹp,

Núi như chén ốc khách làng say.” 

Và hơn nữa hầu hết những khối karst này đều chịu sự tác động của một vài đợt biển tiến, khắc lên mình những ngấn sóng biển như khuông nhạc của trời đất, tất cả đã tạo nên một diện mạo riêng có cho Tràng An mà các nhà địa chất, địa mạo trên thế giới muốn bổ xung thêm vào sách giáo khoa về lịch sử địa chất và địa mạo của trái đất. Và cũng chính không gian thơ mộng và huyền bí này đã tạo nên một không gian thiêng thờ thần núi.

Một vùng núi đã được con người sử dụng từ lâu đời

Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện ở khu vực này gồm những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi. Sự phân bố của các di tích khảo cổ học ở đây là hết sức đa dạng, phong phú, có những nhóm di tích ở trên các hang động, mái đá ở độ cao từ 70m đến 145m so với mực nước biển, có những nhóm di tích ở dưới độ thấp 9m đến 10m và có những nhóm di tích trên cồn cát chỉ cao khoảng 4m đến 5m. Một số các di tích ở đây được khai quật, nghiên cứu, phân tích và so sánh bởi các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia khảo cổ học đến từ Nhật Bản và Anh Quốc. Kết quả nghiên cứu và phân tích đã cho chúng ta những thông tin thật thú vị. Có thể khẳng định rằng Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn nhất cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử. Kho tư liệu này cũng đã hé mở cho chúng ta biết về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào. Và tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên một câu truyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm trí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Sự xuất hiện một số di vật như mảnh gốm, rìu đá thời đại kim khí có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm một cách lẻ tẻ, rời rạc không ăn nhập, không cùng lớp văn hóa thời đại đồ đá trong các di tích khảo cổ học hang động và mái đá thuộc Quần thể danh thắng Tràng An như: Hang Núi Tướng; Hang Ốc; Mái đá Vàng; Mái đá Chợ; Hang Thung Bình; Hang Áng Nồi; Hang Mòi… đã báo hiệu sự kết thúc việc định cư của cư dân thời đại kim khí trong mái đá và hang động.

Sự xuất hiện những di tích, di vật xuất lộ trong phạm vi và vùng liền kề di sản QTDTTA là những minh chứng cụ thể cho nhận định loài người vẫn tiếp tục sử dụng nơi đây để định cư, sinh dưỡng. Cũng qua những tư liệu này cho chúng ta viết nên câu truyện về sự dịch chuyển nơi cư trú theo hướng biển thoái (Sau biển tiến Holocene giữa khoảng 4.000 năm cách ngày nay), từ cao xuống thấp, theo hướng từ không gian khép kín (thung lũng kín trong khu trung tâm khối đá vôi) ra không gian mở (thung lũng mở), ngoài rìa khối đá vôi Tràng An, những nhóm cư dân cư trú trong hang đá và mái đá ra cư trú ngoài trời, trên những cồn cát, bãi bồi ven biển. Để rồi xuất lộ những dấu ấn về nền văn minh Đông Sơn trong QTDTTA. Từ hàng loạt các di tích; di vật thời đại kim khí; các di tích, di vật thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt xuất hiện trong phạm vi và vùng liền kề với QTDTTA khẳng định vùng đất này luôn được loài người sử dụng làm nơi định cư. Ngay sau khi hình thành những bãi bồi do tích tụ bồi đắp của sông ở thời kỳ biển thoái khoảng 4.000 năm cách ngày nay cư dân cổ đã chiếm cứ, định cư, hướng khai thác nguồn lợi từ biển song vẫn khai thác nguồn lợi từ phía rừng núi, thung lũng Tràng An, họ cư trú ngoài trời, di chuyển, kiếm sống sâu vào vùng lõi của QTDTTA thông qua sông Sào Khê; sông Đền Vối; sông Ngô Đồng đều chảy theo hướng Tây Bắc -Đông Nam, trong lòng di sản. Họ kiếm sống và giao lưu về phía biển thông qua biển.

Và ở thế kỷ 10 ở thung lũng mở Hoa Lư được người dân nước Việt thêm một lẫn nữa tận dụng xây dựng kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa, làm tiền đề hun đúc nên nền Văn minh Đại Việt nở rộ ở Thăng Long- Hà Nội. Và đến thế kỷ 13 vua tôi nhà Trần lại chọn nơi đây xây dựng hành cung, củng cố lực lượng góp phần chiến thắng quân Nguyên Mông.

Trải qua hàng chục nghìn năm sống dựa vào sự tre trở của núi rừng, khai thác nguồn thức ăn từ núi rừng loài người ở đây đã chứng kiến nhiều biến đổi về tự nhiên, những hiện tượng lạ từ núi rừng đã gây nên sự ngạc nhiên, kinh ngạc chưa thể giải thích, tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được chắt lọc, được thiêng hóa và được thờ theo tín ngưỡng thờ vât tổ, thờ những gì gần gũi với họ, những gì nuôi sống họ mà ở đây trước hết là đá (đá làm công sản xuất ), là núi (không gian sinh dưỡng núi rừng ở đây là những thung lũng đá vôi). Hiện tượng thờ đá, xếp đá thành đôi dạng hòn trống-hòn mái chúng ta đã bắt gặp tại di tích khảo cổ học Mán Bạc, một di tích có tuổi cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Hiện tượng thờ đá còn hóa thân thành Phật, khi buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam (hiện tượng thờ Thạch quang Phật-Phật đá ở chùa Mơ, Nho Quan). Và đặc biệt trong buổi đầu dựng nước của dân tộc Việt hàng loạt những truyền thuyết về các vị thần núi hóa thân thành những vị tướng giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước, được thiêng hóa, thánh hóa như Tam vị đức thánh Tản Viên, Tam vị đức Hoàng Công; Tam vị Vãng Vị…Những cầu chuyện về thánh, về thần núi này được Hàn lâm Viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào niên hiệu Hồng Phúc thứ Nhất (1572) rồi được lan truyền sao chép thành các thần phả, thần tích, được cất giữ, lưu truyền trong các di tích thờ thần núi.

Khi nghiên cứu về vật liệu kiến trúc Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, cho thấy loại hình vật liệu đá tham gia vào các công trình kiến trúc là rất ít và có chăng chỉ là những công trình kiến trúc tôn giáo và những công trình Cự thạch (đá lớn) mang tính linh thiêng dành cho tín ngưỡng thờ cúng. Coi đá như vật thiêng, núi có thần là một niềm tin tiếp tục được lưu truyền và đôi khi cộng đồng còn có những qui định chặt chẽ cấm phá đá núi như nội dung bài cáo bạch (khoảng TK.XVI) khắc trên vách đá: 

“Phải chăng nơi đây không thuộc về ai mà muốn thay đổi sao cũng được

Việc lấy đá hay là bẩy đá?

Không nghe lời (cáo bạch) mà cứ làm

Lân bắt giải lên đình

Vậy bọn lêu lổng, phóng lãng các ngươi còn không lo mà bảo vệ trước.”

Bài văn bia thể hiện rõ nội dung là ngăn cấm việc phá đá thuộc dãy núi Hang Sung, nơi có đoạn tường thành nhân tạo thuộc khu thành Nội của Kinh đô Hoa Lư xưa. Như vậy có thể thấy đã từng có người lấy đá, phá núi phục vụ cho các mục đích khác nhau, gây tổn hại tới núi đá mà chính quyền, nhân dân nơi đây không đồng tình nên đã ra lời cáo bạch này nhằm ngăn chặn hành động đó.

Các triều đại sau, ở thời Hậu Lê (TK.XVIII); Thời Nguyễn (TK.XIX) thường có những sắc phong cho những vị thần núi được thờ tại các di tích với nội dung ghi nhớ công trạng, bảo hộ cho dân chúng được an bình, một sắc phong thời Hậu Lê có ghi: “Giúp nước xây dựng giang sơn tốt đẹp, khí thiêng sông núi chung đúc nên người giỏi, đuổi tai ương, trừ hoạn nạn, bảo hộ nhân dân được cõi thọ an toàn. Cảm thông với lòng thành của nhân dân, cầu sao được vậy, giúp dân xã hạnh phúc lâu dài. Đã sáng tỏ công ơn của bậc tướng hữu, nên phải ghi vào sử sách lòng tưởng nhớ biết ơn. Vì vậy tự vương tiến phong ngài ngôi vương vị được hưởng thờ tự nơi vương phủ chính đáng tôn nghiêm, lễ có thêm chật (cấp bậc) chuẩn phong chữ đẹp (hoặc tên đẹp) hai chữ khá phong thêm là chức Đô thống Quý minh Trạc linh Chương mỹ Đại vương”( sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44-1783) 

Theo cuốn tục lệ làng Quang Hiển (nay thuộc thôn Quang Hiển phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp) được lập vào ngày mồng 7 tháng 2 năm Tự Đức thứ 30 (1877) có ghi đến một số tục lệ trong đó có quy định rõ ngày được vào rừng khai thác lâm thổ sản (ngày mở cửa rừng), loài cây nào được cắt, con thú nào được bắt theo thời gian qui định rõ ràng. Cùng với đó là lễ Phát lát (mở cửa rừng) ở khu vực đền Trần đều cũng là sự tiếp nối ông cha ta cách chăm sóc, nuôi dưỡng tư tưởng kính trọng và bảo vệ rừng núi.

Việc trở lại với tính thiêng liêng, mà trong nhiều người được hiểu là tâm linh, không chỉ là mối bận tâm của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay, mà còn như Malreaux, nhà “tiên tri” của văn hóa hiện đại Pháp, đã từng dự báo cuối thế kỷ XX rằng: “thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả”. Trở lại với Lễ hội đền Trần ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, giỗ thánh Quý Minh Đại Vương (điểm trung tâm của khối núi đá vôi, khu hang động Tràng An); lễ hội Bái Đính, giỗ thánh Cao Sơn vào mồng 6 tháng giêng (trên Núi Đính, phía tây của khối núi đá vôi)…và nhiều di tích có tín ngưỡng thờ thần núi khác là trở lại với di sản niềm tin đã được thiêng hóa, được truyền tụng giúp cho thế hệ hôm nay có thêm niềm tin giữa con người với con người, niềm tin giữa cộng đồng với chính quyền địa phương để cùng nhau tiếp nối truyền thống của cha ông bảo vệ môi trường sống núi rừng, phát triển nền kinh tế du lịch dựa trên nền cảnh thiên nhiên đẹp gắn kết với nền văn hóa tâm linh bền vững, là di sản của hôm nay truyền lại cho những thế hệ sau.

                                                                                                                                                                                                                 Nguyễn Cao Tấn