Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

ĐỀN THÁNH TÔ VÀ NÚI KIẾM LĨNH

22/10/2019

Đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh, tọa lạc tại thôn Xuân Lai, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, là một trong những ngôi đền cổ trên đất Ninh Bình, gắn liền với địa danh núi Cắm Gươm, là một di tích gắn với cố đô Hoa Lư xưa.

     Đền có tên gọi là đền Thánh Tô vì nơi đây thờ Tô Hiến Thành, ngoài ra đền còn có tên là đền Kiếm Lĩnh vì vị trí tọa lạc tại núi Kiếm Lĩnh, tên nôm là núi Cắm Gươm, vì núi giống như một thanh gươm chống thẳng lên trời và gắn liền với truyền thuyết chú (Đinh Thúc Dự) lạy cháu (Đinh Bộ Lĩnh). Đền còn phối thờ Nguyễn Minh Không, nên còn có tên gọi khác là đền Thánh Nhị vì hai làng Điềm Giang, Điềm Xá xưa là một, đền Thánh Nguyễn thờ Nguyễn Minh Không gọi là đền Thánh Cả và phối thờ Tô Hiến Thành, đền Thánh Tô thờ Tô Hiến Thành gọi là đền Thánh Nhị và phối thờ Nguyễn Minh Không.

 

Mặt trước đền thờ Tô Hiến Thành

     Đền phụng thờ Tô Hiến Thành, là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý . Ông đã có sự gắn bó mật thiết với vùng đất Ninh Bình như cấp tiền và xin miễn sưu dịch cho dân Đàm Xá và tương truyền được phong thực ấp ở phủ Tràng An (Trường Yên). Tương truyền, cha Tô Hiến Thành là Tô Trung tuổi già mà chưa có con, khi làm quan ở phủ Tràng An nghe nói ở làng Đàm Xá có ngôi chùa Viên Quang Tự do quốc sư Nguyễn Minh Không lập rất linh ứng, bèn cùng vợ chuẩn bị hương, lễ đến cầu khẩn về việc muộn con, liền linh ứng, sinh được con trai là Tô Hiến Thành.

Cảnh quan núi Kiếm Lĩnh và đền thờ Tô Hiến Thành

     Ông được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Tô, được thờ phụng tập trung ở huyện Gia Viễn, mà cụ thể là bờ tả ngạn sông Hoàng Long, nơi tiếp giáp giữa sông Hoàng Long và sông Đáy. Ngoài đền Thánh Nguyễn ở xã Gia Thắng và đền thánh Tô ở xã Gia Tiến, còn có 1 cụm kiến trúc đình, đền thờ Tô Hiến Thánh ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn. Đó là đền Vân Thị, đình Trùng, đình Thượng, thôn Tuỳ Hối, xã Gia Tân, trong đó, đền Thánh Tô ở núi Kiếm Lĩnh được xem là nơi thờ tự chính.

 

Vọng lâu đền thờ Tô Hiến Thành với đôi linh vật Nghê cổ

      Đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh ở tách biệt khu dân cư, được bao bọc quanh 4 phía là ruộng lúa, đầm sen. Cửa đền trông ra hướng nam, nơi có con sông Hoàng Long trải dài uốn khúc, tựa lưng vào núi Kiếm Lĩnh làm hậu chẩm. Đền được xây dựng trên mảnh đất có hình con voi nằm, giếng đền là mắt voi, đường vào đền là ngà voi, đền ở trên lưng voi, đuôi vắt lên phía bắc. Xa xa, bên kia sông Hoàng Long, núi hang Cá có hình như con long mã chầu về, núi Nghoẻ ở bên tây sông hoàng Long có hình con hổ phục, hài hòa về cảnh quan, đăng đối về phong thủy.

 

Đền thờ Đức Thánh Tô nhìn từ Vọng lâu

     Về cơ bản, qua nhiều lần trùng tu, đền còn giữ được kiến trúc gốc thời Nguyễn, mặt bằng tổng thể kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm 3 toà: Tiền đường, trung đường, hậu cung. Trước lối vào đền là “Vọng lâu” được xây bằng gạch thành 2 tầng theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Tiền đường có kiến trúc vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ. Hệ thống mái được nâng đỡ bởi 4 hàng cột gỗ lim, tròn (24 cột). Trên các đầu bẩy chạm nổi long hoá lá cách điệu. Hai vì đầu hồi phía đông, tây kèo mê trang trí đường triện. Trung đường có kiến trúc vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ, có ngưỡng cửa đục bằng đá tảng. Hậu cung có kiến trúc vì kèo đơn giản. Nhìn chung bố cục toàn cảnh của di tích với những hình khối kiến trúc tuy không đồ sộ những đảm bảo sự hài hoà trong tầm vóc từng bộ phận công trình, giữa kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên.

Không gian u tịch thâm nghiêm đền Đức Thánh Tô

     Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như các tấm bia đá thời Tây Sơn và Nguyễn, các chân tảng, bậc thềm đá thời Tây Sơn, các bản sắc phong cổ, nhang án, bát hương đá… rất có giá trị lịch sử và văn hóa.

     Tại đền, hàng năm vẫn duy trì các lễ hội tuần tiết, nhân dân địa phương tổ chức 1 năm 2 kỳ đại lễ lớn: ngày 10/3 ngày sinh và ngày 6/12 ngày hoá của ngài. Mỗi kỳ đại lễ diễn ra trong 3 ngày. Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức thánh Tô Hiến Thành.

Rồng đá tại đền Đức Thánh Tô

     Di tích đền thánh Tô và khu vực núi Kiếm Lĩnh được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 2004. Là một đền cổ kính được bảo tồn nghiêm ngặt, tọa lạc tại ngọn núi lịch sử hùng vĩ, toát lên vẻ u tịch thâm nghiêm, bên cạnh đó, vị trí toạ lạc của đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh cũng rất thuận tiện cho các nhà nghiên cứu, khách du lịch thăm viếng. Di tích nằm trong cùng hoạt động ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh, cách Đại Hữu quê hương của vua Đinh khoảng 5km, cách động Hoa Lư căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh khoảng 12km về phía đông nam, cách cố đô Hoa Lư 2km về phía tây bắc, sự gần kề này sẽ tạo thành một cụm di tích có sức hấp dẫn lớn với du khách thập phương.