CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH NĂM 2019
13/12/2019Thực hiện kế hoạch công tác năm 2019 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, căn cứ đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, phòng Quản lý Di sản Văn hóa đã phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát và lập hồ sơ xếp hạng đối với 10 di tích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó huyện Kim Sơn: 01 di tích, huyện Yên Mô: 02 di tích, thành phố Ninh Bình: 01 di tích, huyện Nho Quan: 06 di tích. Ngày 27/11/2019, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với 10 di tích.
1. Đình Sơn Cao: thôn Sơn Cao, xã Gia Tường, huyện Nho Quan
Theo tài liệu thần tích, thần sắc lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các thôn trong xã Bất Một xưa (trong đó có thôn Sơn Cao) thờ cúng các vị thần: Tam vị Tản Viên Sơn đại vương, Cao Minh đại vương, Tam giang Bạch Hạc, Quốc mẫu Phương Dung công chúa, Quốc nữ Hoa nương Công chúa. Theo bài cúng lưu tại di tích, vị thần được thờ tại đình Sơn Cao là Tam vị Tản Viên Sơn Đại vương và thần Cao Minh Đại vương. Đình kiến trúc kiểu chữ “Nhất” gồm 5 gian, đặc biệt di tích là công trình tín ngưỡng hiếm có còn lưu giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê và Nguyễn trên địa bàn huyện Nho Quan.
2. Đình Lược: thôn Lược, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan
Di tích là nơi thờ cúng Nam quốc đô đài Trấn Bắc Đại Vương, là vị dương thần cùng thời vua Đinh Tiên Hoàng; Chăn Vương Công chúa Đinh Thị Huyền Chân, cung nữ thời vua Lê Hiển Tông. Di tích kiến trúc kiểu chữ “Nhất” gồm 3 gian, về tổng thể di tích vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, các cấu kiện kiến trúc kết nối cân đối, hài hòa trong từng bố cục công trình.
3. Đình làng Côi Trì: xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Không gian của di tích có 2 nguyên đơn, đình và miếu. Nhân vật thờ tại đình gồm: Thần Câu Mang, Bát vị hậu thần; Miếu thờ Tam vị Thánh Tản (Tản Viên Sơn thánh, Cao Sơn đại vương, Quý Minh đại vương).
Đình được kiến trúc kiểu chữ “Nhị”, Tiền bái 5 gian, Hậu cung 3 gian. Miếu kiểu chữ “Nhất”, phong cách kiến trúc và các mảng chạm khắc thời Nguyễn. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều bia đá cùng đồ thờ tự bằng đồng, sứ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa.
4. Đình và Phủ thôn Xát: xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Đình là nơi thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Thành hoàng bản thổ Đinh Công Á (còn gọi là cụ Huyện Á), phủ là nơi thờ Thủy Tinh Công chúa, Thiên Danh Công chúa, Thiên Tinh công chúa và Ngọc Thanh công chúa.
Đình thôn Xát được xây dựng theo kiến trúc chữ “Nhất”, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc. Phủ được xây dựng theo lối kiến trúc “tiền đao hậu đốc”, gồm 2 gian. Phủ thôn Xát là công trình kiến trúc còn giữ được nét cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Đặc biệt di tích còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn.
5. Đình làng Cẩm Địa: xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh (tản viên sơn tam vị), Đương cảnh thành hoàng Uy Ninh tôn thần, Thần Cao Minh Linh Ứng.
Đình có kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, tại di tích còn lưu giữ được 04 đạo sắc phong thời Nguyễn và nhiều đồ thờ tự cổ như Long ngai, bài vị, bát hương, câu đối.
6. Đình làng Bái: xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Di tích thờ Đương cảnh thành hoàng Uy Dũng Đại Vương, Tản Viên sơn tam vị (Tản Viên Sơn Thánh)
Đình làng Bái có kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, 3 gian 2 dĩ, tại di tích còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn.
7. Nhà thờ họ Bùi Phúc: xóm 12, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn
Di tích là nơi thờ tự và tưởng niệm cụ Bùi Chí Thanh, người Xuân Trường, Nam Định ngày nay, là Thủy tổ họ Bùi Đại tộc. Cụ là tướng thời Vua Lê Thánh Tông, làm quan tại phủ Thiên Trường, Nam Định. Thế kỷ XIX con cháu cụ hưởng ứng lời kêu gọi của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ về Kim Sơn mở đất, lập nên dòng họ Bùi Phúc tại Ninh Bình, con cháu mang theo vị hiệu tổ tiên về thờ phụng ở vùng đất này. Di tích là minh chứng cho tục di dân, di thần của người Việt. Tại di tích còn lưu giữ 01 đạo sắc phong thời Nguyễn.
8. Chùa Mý: thôn Tân Thành, xã Văn Phú, huyện Nho Quan
Chùa Mý là công trình kiến trúc Phật giáo thờ Phật. Tại chùa hiện nay còn lưu giữ hệ thống tượng Phật khá phong phú, trong đó có 7 pho tượng cổ: 3 pho tượng Tam Thế, tượng Đức Ông, tượng Đức Thánh Hiền, tượng Thánh Tăng, tượng Thổ địa. Di tích được xây dựng vào thời Hậu Lê, trải qua thời gian, hiện nay chùa Mý có kiến trúc kiểu chữ “Nhị”, gồm 3 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc.
9. Đền Trên: thôn Đông Thượng, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình.
Đền Trên là nơi thờ Thượng tướng Trần Khát Chân, Đệ nhất phu nhân và Đệ nhị phu nhân, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quan Văn, Quan Võ.
Di tích có kiến trúc kiểu chữ “Công”, Tiền đường 3 gian 2 chái, 2 gian ống muống, 3 gian Hậu cung. Tại di tích còn lưu giữ được các hiện vật minh chứng cho sự tồn tại của di tích như: bia đá, thần tích, long ngai, bài vị, tượng thờ…
10. Đền Muỗm Quảng Hạ: xã Yên Thắng, huyện Yên Mô.
Theo truyền ngôn thì di tích có trước năm 1470, là nơi thờ Tam vị Ngọ Đại vương: Đệ nhất Ngọ Vị Chính trực Tôn thần, Đệ Nhị Ngọ Vị Trung chính Tôn thần, Đệ Tam Ngọ Vị Linh thông Tôn thần, là những vị tướng thời vua Hùng Vương thứ 18. Ngoài ra di tích còn thờ vọng các cửa họ thuộc giáp Đông và giáp Tây của thôn.
Đền Muỗm Quảng Hạ được xây dựng theo kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian Trung đường, 1 gian Hậu cung cuốn vòm, tường hồi bít đốc.
Tại di tích còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật quý như: 16 sắc phong của các triều vua Hậu Lê và Nguyễn, long ngai, bài vị, giá chiêng, giá trống, bát bửu và các đồ thờ tự bằng đồng, sứ là bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa.
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Bài viết khác
- NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA