Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

CÁC DI TÍCH 10 THẾ KỶ ĐẦU CÔNG NGUYÊN THUỘC LƯU VỰC SÔNG BÔI, TỈNH NINH BÌNH

26/04/2021

1.Giới thiệu chung

    Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình chủ trì, từ ngày 05/8 đến 11/8, chúng tôi đã tiến hành khảo sát bước đầu các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở khu vực lưu vực sông Bôi, tỉnh Ninh Bình.

    Khu vực khảo sát bao gồm 6 xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (thuộc huyện Nho Quan), Gia Hưng, Liên Sơn (thuộc huyện Gia Viễn) (Hình 1). Lý do chúng tôi khoanh vùng khảo sát gồm 6 xã kể trên là bởi sau phát lộ quan trọng của khu mộ gạch tại xã Gia Thủy – nơi tồn tại dày đặc các truyền thuyết và di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và được cho là nơi ông sinh sống lúc thiếu thời -  các khảo sát điền dã di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên thuộc khu vực xã Gia Thủy đã cho thấy, nơi đây các di tích liên quan tới Đinh Bộ Lĩnh và nhà Đinh cũng như các di tích đầu Công nguyên tập trung với mật độ khá dày đặc. Đợt khảo sát này, chúng tôi muốn mở rộng địa bàn điều tra ra các xã xung quanh nằm trong lưu vực sông Bôi và bao quanh bởi các dãy núi sót tạo thành một thung lũng bán sơn địa khá rộng. Từ thung lũng này, dọc theo sông Bôi, chỉ khoảng 20km (khoảng 4h đi bộ) là tới Cố đô Hoa Lư. Chúng tôi cho rằng, đây rất có thể là một khu vực cư trú cổ có trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa cao và là tiền đề, “căn cứ” vững chắc để hình thành nên sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh và giúp ông phát triển sứ quân của mình, tiến xuống chiếm đóng vùng đồng bằng Hoa Lư thuộc lưu vực sông Hoàng Long và sông Đáy. Khu vực này địa hình  cao hơn so với Hoa Lư, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi và dễ dàng di chuyển với hệ thống sông ngòi dày đặc với dòng chảy chính là sông Bôi.

 

Hình 1: Bản đồ vị trí của 6 xã trong vùng khảo sát và Cố đô Hoa Lư

    Giới hạn thời gian 10 thế kỷ đầu Công nguyên là bởi chúng tôi muốn tìm hiểu sự phát triển của vùng đất này từ khi có sự cai trị, cư trú của cư dân thời thuộc Hán cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh giành được độc lập và lập ra nhà nước tự chủ Đại Cồ Việt. Phải chăng, trước khi tiến xuống vùng hạ nguồn sông Hoàng Long, sông Đáy – Hoa Lư, nơi gần đồng bằng và biển hơn thì khu vực lưu vực sông Bôi chính là nơi tập trung cư trú và sinh sống lâu đời của cư dân tiền Hoa Lư. Sự xuất lộ của các ngôi mộ gạch ở xã Gia Thủy, các di tích đầu Công nguyên dày đặc ở xã này, căn cứ Thung Lau ở xã Gia Hưng là những chỉ dẫn đáng kể để chúng tôi bắt đầu cuộc khảo sát mở rộng lần này. 

    Mục đích chính của đợt khảo sát này là lập danh sách các di tích có niên đại khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên trong khu vực khảo sát, thu thập những thông tin về tính chất, loại hình, hiện trạng và đặc biệt là vị trí địa lý, cảnh quan của di tích. Chúng tôi sẽ lập ra danh sách các di tích được khảo sát và bản đồ phân bố của các di tích, đồng thời có những phân tích bước đầu nhằm đưa ra định hướng cho những đợt nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo.

Kết quả khảo sát

    Mặc dù đây là đợt khảo sát thứ 2 (sau khảo sát đợt 1 tại xã Gia Thủy) về những di tích đầu Công nguyên ở khu vực này, nhưng do địa bàn khảo sát khá rộng (hơn 50km2) và chỉ tiến hành trong vài ngày, cùng với diễn biến phức tạp của đợt bùng phát thứ 2 của đại dịch Covid 19, những kết quả của đợt khảo sát mang tính chất bước đầu thu thập thông tin, khoanh vùng cho những đợt nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo.

Các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên

Các di tích mộ gạch đã phát lộ

 

Hình 2: Bản đồ phân bố các di tích mộ gạch đã phát lộ thuộc khu vực khảo sát

    Trong đợt khảo sát, ngoài 2 mộ gạch đã được khai quật ở sân trường Tiểu học xã Gia Thủy (xem Báo cáo khai quật Khảo cổ học), chúng tôi đã xác định được thêm 3 điểm có phát lộ mộ gạch như sau (Hình 2):

    Mộ gạch ở Đền Hạ (04 mộ) (xã Gia Lâm): Các mộ gạch này nằm trong khuôn viên vườn Đền Hạ, ngay sát vách bờ sông. Hiện chúng tôi xác định được có 4 mộ gạch đã được phát lộ. Sự phát lộ của mộ có thể do nạn đào trộm cổ vật và do sự sụt lở của bờ sông. Theo lời kể của người dân, trước đây đã từng có người đến đào các mộ này và đem các hiện vật trong mộ đi. Một số người dân trong làng trong quá trình canh tác nông nghiệp ở vườn Đền đã tìm thấy mâm và ang đồng. Chúng tôi đã tìm đến nhà người dân và chụp ảnh 1 hiện vật được cho là tìm thấy ở vườn Đền Hạ.

 

Hình 2: Mộ gạch phát lộ bên bờ sông ở Đền Hạ

 

Hình 3: Hiện vật được người dân tìm thấy khi canh tác tại vườn Đền Hạ

    Mộ gạch xóm Đồi Cò (03 mộ) (xã Gia Tường): Các mộ gạch được phát lộ hiện thuộc khu đất vườn nhà ông Toàn và ông Tú, xóm Đồi Cò. Theo lời của chủ hộ, trước đây khi canh tác, họ đã phát hiện thấy 1 mộ gạch. Ủy ban nhân dân xã Gia Tường đã tiến hành kiểm tra và xác định đấy là 1 ngôi mộ gạch. Sau đó mộ được lấp lại và được trồng cây phủ lên trên. Hiện nay, ở vị trí bên cạnh mộ gạch đã được phát lộ đó, trên nền đất vườn còn có 2 hố sụt sâu và lớn. Chúng tôi tiến hành kiểm tra và xác định đó là hố sụt của mộ gạch.

 

Hình 4: Hố sụt của mộ gạch 1 xóm Đồi Cò

 

Hình 5: Hố sụt của mộ gạch 2 xóm Đồi Cò

    Mộ gạch nhà bà Hễ (01 mộ) (xã Liên Sơn): Ngôi mộ gạch này hiện đã phát lộ 1 vỉa gạch dài trong vườn nhà bà Hễ. Mộ nằm bên sườn của Đồi Chùa, xã Liên Sơn. Trên sườn của quả đồi này, theo lời kể của người dân, chúng tôi còn ghi nhận thấy có 05 ngôi mộ khác trong vườn nhà bác Kiều (nay đã bị lấp đi) và có 01 ngôi mộ đã từng phát lộ khi làm đường, nay tại vị trí đó người dân lập 1 am miếu nhỏ để thờ.

 

Hình 6: Mộ gạch phát lộ trong vườn nhà bà Hễ

    1.  

    Các di tích tiền thế kỷ X qua đoán định bước đầu

 

Hình 7: Bản đồ phân bố các di tích tiền thế kỷ X trong vùng khảo sát

    Ngoài các mộ gạch đã phát lộ trên, chúng tôi còn ghi nhận dấu tích của một số di tích có nhiều khả năng là vị trí của các ngôi mộ gạch:

    Đồi Họ (xã Gia Sơn): Ngọn đồi này vốn gắn liền với sự tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh thuở thiếu thời cờ lau tập trận trên vùng đất này. Đồi nằm ngay đối diện với Đình Sào Long, nơi thờ một vị được cho là tướng lĩnh của Đinh Bộ Lĩnh. Theo lời kể của người dân, xung quanh ngôi Đình này có một số câu chuyện kể liên quan đến lợn vàng. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát khu vực Đồi Họ và đã tìm thấy 1 số mảnh gốm Hán và 1 chiếc rìu đá.

 

 

Hình 8: Một số mảnh gốm Hán và rìu đá được tìm thấy ở khu vực Đồi Họ

    Gò đất phía ngoài Thung Lau (xã Gia Hưng): Theo lời kể của thủ từ Thung Lau, chúng tôi đã tìm thấy 1 khu gò đất (hiện nay là khu mộ hiện đại) có dày đặc các mảnh vụn gốm Hán trên bề mặt. Theo lời người dân, trước đây ở khu vực này, khi khơi dòng con sông bên cạnh gò, người ta đã tìm thấy rất nhiều các bình, vò gốm.

 

Hình 9: Các mảnh gốm Hán tìm thấy trên bề mặt gò đất

 

Hình 10: Một số hiện vật được người dân tìm thấy khi khơi dòng con sông  ngay sát gò đất

    Ngoài ra, một số vị trí khác, thông qua phỏng vấn người dân và tổng hợp, phân tích thông tin, chúng tôi cho rằng rất có thể là vị trí của các mộ gạch.

    Đống mối trong vườn nhà anh Uyên (03) (xã Gia Sơn): Theo lời người dân kể lại, xung quanh các đống mối này tồn tại nhiều huyền tích liên quan tới tiền vàng. Anh Uyên kể lại trong quá trình canh tác có thấy một số viên gạch và một số mảnh gốm cổ. Phân tích địa hình chúng tôi thấy, vị trí phân bố của 3 đống mối này nằm trên một gò đất cao hơn khu vực xung quanh. Gò đất nằm ngay gần bờ sông mà một rộc nước. Có nhiều khả năng đây là vị trí của các mộ gạch.

    Am Sơn Dương, đền Chùa Nội (xã Liên Sơn), nhà bác Bình (xã Gia Tường) là những vị trí mà theo lời kể của người dân, có nhiều sự tích liên quan tới tiền vàng, lợn vàng. Người dân cũng kể lại đã từng thấy các vỉa gạch cổ trong quá trình tôn tạo các di tích này.

  1.  

    Các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh

 

Hình 11: Các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh

    Như có thể thấy trên bản đồ, các di tích có liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh chủ yếu tập trung ở hữu ngạn sông Bôi. Các di tích này tập trung dày đặc nhất là thuộc xã Gia Thủy, nơi được cho là quê mẹ của Đinh Bộ Lĩnh (xin xem thêm Báo cáo khảo sát xã Gia Thủy đợt 1). 

  1.  

    Các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên trong bối cảnh các di tích lịch sử nói chung

 

Hình 12: Vị trí các di tích lịch sử trên địa bàn 6 xã

    Như đã thấy trong hình trên, mật độ phân bố của các di tích lịch sử bao gồm các di tích 10 thế kỷ đầu công nguyên và các di tích muộn sau này trên địa bàn 6 xã thuộc khu vực khảo sát là khá dày đặc. Về mặt địa hình, chúng ta có thể thấy, các di tích chủ yếu phân bố ở khu vực các gò đất cao, cạnh các con sông,  nơi tập trung đông dân cư hiện đại sinh sống. Đây cũng là điều dễ hiểu trong lịch sử cư trú của vùng đất này nói riêng cũng như trong lịch sử nói chung, đó là, các cư dân cổ thường sinh sống trên các gò đất cao và gần các con sông. Địa hình cư trú này vừa thuận lợi cho việc tìm nguồn thức ăn, đi lại, vừa tránh được lũ lụt. Các khu cư trú cổ này về sau được cư dân hiện đại tiếp tục sinh sống.

    Ngoại trừ các di tích liên quan tới Đinh Bộ Lĩnh tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Gia Thủy, các di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên phân bố rải rác khắp trên địa bàn 6 xã. Các di tích này chủ yếu phân bố trên các gò đồi núi sót, cao ráo hơn so với mặt ruộng xung quanh, và gần kề sông, nơi có đông dân cư hiện đại cư trú.

    Nhận xét và khuyến nghị

    Từ 1 mộ gạch được phát lộ tại sân trường Tiểu học xã Gia Thủy, đoàn nghiên cứu đã tiến hành khai quật thêm 1 mộ gạch ngay bên cạnh mộ gạch đã phát lộ và mở rộng địa bàn nghiên cứu, khảo sát. Qua kết quả của đợt khảo sát vừa rồi, chúng ta có thể thấy, hướng nghiên cứu của đợt khảo sát này là hoàn toàn đúng đắn và có tính khả thi, đem lại kết quả tốt. Việc tồn tại ít nhất 2 mộ gạch có niên đại khoảng thế kỷ III sau Công nguyên ở địa bàn xã Gia Thủy và phát lộ thêm 3 khu vực có mộ gạch khác ở các xã lân cận, sự tồn tại của các dấu tích liên quan đến di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên, cùng với việc tồn tại dày đặc các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh ở khu vực này đã gợi mở các thông tin quan trọng về lịch sử vùng đất này.

     Thứ nhất, trước khi xuất hiện một nhân tài là Đinh Bộ Lĩnh cùng với việc thành lập và phát triển sứ quân, thống nhất đất nước và lập ra nhà nước độc lập Đại Cồ Việt, khu vực sinh sống ở Đinh Bộ Lĩnh đã là một vùng tụ cư có trình độ phát triển cao. Các mộ gạch lớn đã được khai quật và xuất lộ là mình chứng cho trình độ phát triển không chỉ về văn hóa, kinh tế mà còn cả về mặt chính trị. Khu vực này rất có thể đã từng là một trung tâm chính trị của nước ta thời Bắc thuộc. Điều này có thể lý giải cho sự hình thành và phát triển vượt bậc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc thành lập và phát triển kinh đô Hoa Lư sau này. Khu vực này chính là một tiền đề quan trọng về kinh tế, văn hóa và chính trị cho sự ra đời và phát triển của vương triều Đinh cũng như kinh đô Hoa Lư.

 

Hình 13: Khu vực kiến nghị khảo sát trong tương lai

    Những kết quả nghiên cứu gần đây của chúng tôi trên địa bàn cố đô Hoa Lư đã cho thấy đây là một kinh đô rộng lớn mà hai vòng thành Nội và thành Ngoại (tổng cộng 300ha) chỉ là vùng lõi. Vành đai của kinh đô này được hình thành bởi con sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vân và dãy núi Tràng An bao bọc một vùng rộng lớn (7.000ha) phía Đông và Đông Nam thành Nội và thành Ngoại. Đây là khu vực đồng bằng khá bằng phẳng nhưng trũng thấp. Những nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy, mật độ cư trú của cư dân Hoa Lư ở khu vực này khá thưa thớt. Sự ra đời vào phát triển của kinh đô Hoa Lư rộng lớn và trũng thấp như vậy chắc chắn phải được hậu thuẫn về nhân lực, lương thực và các nguồn lực khác của một khu vực cư trú rộng lớn và trù phú ở gần kề.

    Từ những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng, khu vực thung lũng thuộc lưu vực sông Bôi và sông Lạng phía Bắc của Hoa Lư rất có thể là tiền đề và hậu thuẫn cho kinh đô Hoa Lư. Khu vực này được bao bọc bởi các dãy núi ở phía Tây Bắc, phía Bắc và phía Nam. Thung lũng ở giữa các dãy núi này là một khu vực khá bằng phẳng, được bồi tụ bởi hệ thống dòng chảy chằng chịt mà hai dòng chảy chính là sông Bôi ở phía Đông và sông Lạng ở phía Tây của thung lũng. Khu vực này hiện nay là một vùng tụ cư hiện đại sầm uất và trù phú với thị trấn Nho Quan và những cánh đồng lúa phì nhiêu. Chúng tôi mong muốn những nghiên cứu tới đây nhằm tìm hiểu về giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung khảo sát khu vực thung lũng này (Hình 13) nhằm tìm ra những thông tin quan trọng trong lịch sử thời kỳ tiền Hoa Lư./.

 

Võ Thị Phương Thúy

(Viện Sử học)