Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Và một số giải pháp thực hiện bảo tồn di sản ở Ninh Bình

22/10/2019

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, địa hình đa dạng, gồm có đồng bằng, đồi núi, sông, biển, diện tích đất tự nhiên là 1.400km2. Dân số gần 1 triệu người, có hai dân tộc chiếm đa số là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Có 8 đơn vị hành chính cấp huyện.

Các nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ học cho thấy Ninh Bình đã có con người sinh sống từ rất sớm, và kéo dài đến ngày nay, cho thấy cách thích ứng của con người trước những biến đối lớn về khí hậu của thiên nhiên. Trên các vùng đất, các dân tộc đều có sự sáng tạo, kế thừa, giao thoa văn hóa. Trải qua thời gian, Ninh Bình lưu truyền nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Quá trình du nhập và phát triển sớm các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo cùng với những tín ngưỡng bản địa đã tạo cho Ninh Bình có mật độ di tích lịch sử văn hoá dày đặc. Hiện tại, Ninh Bình có trên 300 ngôi chùa, chưa kể những ngôi chùa nay chỉ còn dấu vết, chưa được phục dựng; có trên 200 ngôi đình, gần 400 đền, gần 100 phủ và rất nhiều nhà thờ họ, gần 200 nhà thờ Công giáo. Các loại hình di sản văn hoá phi vật thể phong phú và đa dạng, được bảo tồn, phát huy giá trị rộng rãi trong đời sống hiện nay.

Ninh Bình còn lưu giữ đậm nét dấu ấn kinh đô Hoa Lư, của Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam và người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, vị vua đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Dấu ấn kinh đô không chỉ tồn tại ở di tích thờ cúng, di tích khảo cổ học mà còn đậm nét trong các di sản văn hoá phi vật thể như Lễ hội, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, văn học, các loại hình nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian…

Bên cạnh đó, Ninh Bình lưu giữ nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, tạo nên nguồn tài nguyên quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có thể kể đến một số di sản văn hoá tiêu biểu, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển thịnh vượng ở Ninh Bình như: Quần thể Danh thắng Tràng An, được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới năm 2014 với 03 tiêu chí:  Tiêu chí (V) về văn hóa, Tiêu chí (VII) về vẻ đẹp thẩm mỹ, Tiêu chí (VIII) về địa chất-địa mạo. Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Hàng năm Tràng An, Ninh Bình đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó có trên 60 vạn lượt khách quốc tế đến tham quan, và được chọn là nơi để thực hiện các dự án văn hoá nghệ thuật quốc gia, quốc tế như tổ chức Lễ hội, các sự kiện tôn giáo quốc tế, làm phim trường, tổ chức các show truyền hình thực tế, trải nghiệm.v.v.; Núi Non Nước, nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy, được ví như bông hoa sen nở trên mặt nước, từ lâu đã trở thành biểu tượng của tỉnh Ninh Bình. Trên các vách đá còn lưu giữ gần 100 bài thơ, bản văn khắc, văn bia của các vị vua, các công hầu khanh tướng, các bậc tao nhân mặc khách của Việt Nam, các bản khắc trên vách núi có tuổi từ 100-1000 năm và được bảo tồn khá nguyên vẹn đến nay, là một trong những điểm tham quan đặc biệt ở thành phố Ninh Bình. Các điểm đến khác như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… cũng là những điểm đến quan trọng để Ninh Bình khai thác, phát triển du lịch.

Văn hoá phi vật thể ở Ninh Bình là tài nguyên trực tiếp có ý nghĩa quan trọng để khai thác phát triển du lịch, tạo nên sức hút đối với các điểm đến du lịch, là phương tiện để thực hiện giáo dục truyền thống, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, phát triển đời sống văn hoá tinh thần, tạo động lực để phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội ở Ninh Bình nói riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hàng năm Ninh Bình có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở các cộng đồng dân cư, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng, trong nước, quốc tế. Có những di sản phi vật thể có sức ảnh hưởng rộng rãi, được quảng bá giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới như: nghệ thuật hát xẩm, nghệ thuật hát chèo, nghề thêu truyền thống, nghề chạm khắc đá.v.v. Nếu các làng nghề truyền thống được đầu tư phát triển thành một mũi kinh tế riêng biệt, thì ở lĩnh vực nghệ thuật, các loại hình hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn, ngoài việc phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, đã và đang được Ninh Bình xây dựng thành một sản phẩm văn hoá phục vụ phát triển du lịch.

Những thuận lợi, khó khăn

Thuận lợi:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được triển khai đến cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, xác định rõ nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

- Công tác bảo tồn di sản được quan tâm chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở.

- Đã triển khai từng bước việc kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, thực hiện phân loại các loại hình di tích, di sản văn hóa phi vật thể, từ đó có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở danh mục kiểm kê, hàng năm Ninh Bình thực hiện xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ bảo vật, hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia làm cơ sở để bảo tồn những di sản có giá trị đồng thời nhận diện, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

- Hàng năm tỉnh bố trí nguồn vốn từ 2-6 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp di tích. Đồng thời huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân để thực hiện trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Khó khăn:

- Số lượng di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá lớn, mật độ phân bố khá dày đặc. Một số loại hình di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhiều di tích đã xây dựng từ lâu, có di tích trên 300 năm tuổi đến nay đã xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi những cuộc trùng tu lớn. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cho việc bảo vệ chống xuống cấp, kéo dài tuổi thọ của các di tích, ở nhiều nơi, đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn, không có điều kiện tham gia quyên góp để thực hiện các cuộc trùng tu có quy mô lớn. Nhiều địa phương, nhiều di tích còn có thái độ trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, vào các cơ quan cấp tỉnh, cho rằng di tích đã xếp hạng thì nhà nước phải lo tu bổ, tôn tạo.

- Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về Luật di sản văn hóa và ý nghĩa của việc bảo tồn di sản còn hạn chế dẫn đến một số di tích nhân dân tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo, không đáp ứng được các yêu cầu về bảo tồn các giá trị truyền thống. Một số nơi, nhất là ở những điểm di tích chưa xếp hạng, người dân trong làng, quanh khu vực có di tích tự quản lý, tổ chức hoạt động, chưa phát huy được các nguồn lực xã hội trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

- Việc bảo vệ di sản và khai thác giá trị phục vụ hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Một số địa phương đã triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan du lịch song lại chưa chú ý đến việc bảo tồn di sản, tạo sự ổn định, bền vững cho di sản nên đã xuất hiện tình trạng khai thác quá mức di sản, dẫn đến nguy cơ hủy hoại di sản.

Và một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị

- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. Chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, triển khai có hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO.

- Duy trì, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; Tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý di sản trong nước, quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu về bảo tồn di sản, chú trọng các biện pháp bảo tồn di sản sống, bảo tồn gắn với cộng đồng dân cư bản địa và hài hoà với mục tiêu phát triển kinh tế.

- Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình thực hiện khai thác di sản như một tài nguyên du lịch cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội) và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di sản.

- Đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể:

Thực hiện nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa có trên địa bàn, ý nghĩa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn trong đời sống văn hóa xã hội hiện tại và tương lai. Thực hiện tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ giá trị di sản mình đang nắm giữ, từ đó khơi thức tình yêu, niềm tự hào của mỗi người khi được sở hữu những giá trị di sản đó. Khi đã hiểu rõ giá trị di sản mình đang nắm giữ, người dân sẽ có ý thức tham gia đóng góp vào việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị đó.

Thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong quá trình xây dựng hồ sơ, làm các thủ tục xin phép các cơ quan chức năng để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu lãnh đạo xử lý kịp thời các đề xuất của nhân dân trong thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích.

- Phát huy lợi ích khi thực hiện gắn kết các di sản với hoạt động du lịch trên nguyên tắc: coi di sản văn hóa là tài nguyên du lịch thì phải bảo vệ, giữ gìn để di sản là tài nguyên bền vững, có giá trị sử dụng vĩnh viễn. Do vậy, cần sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận từ du lịch để bảo vệ di sản.

- Từ chỗ xác định Di sản văn hóa như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc bảo tồn di sản văn hóa phải tạo ra động lực cho phát triển xét dưới góc độ tác động tới việc hình thành nhân cách con người và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ trực tiếp cho phát triển, cần xác định mục tiêu bảo tồn di sản là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của đông đảo công chúng trong xã hội, từ đó đưa di sản văn hóa thực sự trở về với nhân dân và phục vụ nhu cầu của chính người dân bởi họ mới là chủ thể sáng tạo, bảo vệ, lưu truyền di sản đến các thế hệ sau./.

Phòng Quản lý Di sản văn hóa, 
Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình