Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình
22/10/2019Sinh thời, Bác Hồ rất bận với công việc chung, nhưng Bác cũng rất chăm lo đến đời sống thường nhật của nhân dân. Bác tổ chức các chuyến đi về các địa phương để làm việc và thăm hỏi cán bộ, nhân dân các tỉnh. Cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình được vinh dự đón năm lần Bác về thăm và làm việc.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin được tóm tắt những lần Bác về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình; thống kê những địa điểm Bác đã đến thăm. Những hoạt động ghi nhớ, tưởng niệm và tri ân của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình với vị lãnh tụ kính yêu: Hồ Chí Minh.
1. Lần thứ nhất:
- Ngày 13.01.1946, nhân dân thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn được vinh dự đón Bác về thăm. Nói chuyện với đồng bào Công giáo, Bác đã căn dặn: "Đức Chúa đã hy sinh vì nhân loại. Người đã vì đồng bào mà hy sinh, chiến đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì tự do của dân tộc, độc lập của đất nước".
Trên đường từ Phát Diệm về thị xã Ninh Bình, Bác đã dừng lại thăm lớp huấn luyện của thanh niên ở đình thôn Thượng, xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh (Nay thuộc thành phố Ninh Bình), Bác đã dạy thanh niên: "Các cháu phải cố gắng tăng gia sản xuất, biết tiết kiệm vì nước ta còn nghèo, còn phải chống giặc ngoại xâm..."
Buổi chiều, gần một vạn cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình tập trung tại khu vườn UBND tỉnh (Khu vực Thành ủy Ninh Bình hiện nay) đón Bác. Khi Bác xuất hiện, tiếng reo hô vang dậy: "Hồ Chủ tịch muôn năm". Bác giơ tay chào mọi người và ra hiệu im lặng. Bác nói, Bác rất sung sướng cảm động được đồng bào tiếp đón, Bác nói với đồng bào về nhiệm vụ trước mắt của nân dân ta là phải ra sức nêu cao tinh thần đoàn kết "Tương thân tương ái" để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thực hiện kháng chiến và kiến quốc. Sau buổi mít tinh, Bác tiếp các thân hào, nhân sỹ yêu nước của tỉnh tại phòng họp gác hai trụ sở UBND tỉnh. Bác kêu gọi các vị hãy giúp sức vào công việc chống đói, động viên con cháu đắp đê ngăn nước lụt, bảo đảm sản xuất. Bác cũng căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh cố gắng lãnh đạo nhân dân củng cố chính quyền thật vững mạnh tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.
2. Lần thứ hai:
- Ngày 10.02.1947, Bộ Canh Nông chủ trì Hội nghị Điền chủ tại nhà ông Quách Đình Hy ở làng Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Lúc đó ông Quách Đình Hy giữ chức Chủ tịch UBKCHC xã Lạng Phong. Bác Hồ cùng các đồng chí trong Chính phủ đã về dự, gồm có các đồng chí sau:
1. Ngô Tấn Nhơn: Bộ trưởng Bộ Canh Nông,
2. Cù Huy Cận: Thứ trưởng Bộ Canh Nông,
3. Nguyễn Văn Tạo: Bộ trưởng Bộ Lao Động,
Hội nghị có mặt của Giám mục Lê Hữu Từ - Giám mục Phát Diệm và các đồng chí các ty trong tỉnh Ninh Bình cùng các điền chủ các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn các hạt Yên Khánh, Yên Mô cũng về dự. Hội nghị đã nhất trí bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Hội nghị.
Nội dung hội nghị: Hội nghị đã phân tích đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng ta và khẳng định đường lối đó rất đúng đắn và phù hợp với tình hình lịch sử. Hội nghị giải thích tính chất của đường lối đó là: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Vấn đề tản cư, di cư của nhân dân vùng địch hậu ra vùng tự do là đường lối chung của Đảng, kêu gọi các điền chủ hãy nhận về các đồn điền giúp họ công ăn, việc làm. Hội nghị đã nhất trí thông qua, các điên chủ đã tình nguyện nhận đồng bào tản cư về các đôn điền của mình.
Bác đã phát biểu: "Đồng bào tản cư, di cư đã vì lòng yêu nước, không chịu theo giặc tiêu thổ kháng chiến, hy sinh nhà cửa, tài sản quê hương, sơ tán về hậu phương để tiếp tục kháng chiến, chống giặc xâm lược. Đồng bào ở địa phương có nhiệm vụ ân cần tiếp đón, chăm sóc giúp đỡ bà con nhanh chóng có nơi ăn, ở, sản xuất..."
Bác đã thăm Tu viện Châu Sơn, gặp Giám mục Lê Hữu Từ và cùng trao đổi, giải quyết một số vấn đề về mâu thuẫn của đồng bào giáo và lương ở Bùi Chu và Phát Diệm.
3. Lần thứ ba:
Ngày 15.03.1959, Bác về kiểm tra chống hạn ở Ninh Bình và xuống xã Khánh Cư, Yên Khánh thăm cánh đồng Chằm. Tại xã Khánh Cư, khi ở cánh đồng về Bác ghé thăm một nông dân ở trại 4. Bác định xuống cầu ao rửa chân, nhưng nhân dân địa phương sợ Bác trượt ngã nên chủ nhà đã dùng chiếc gáo dừa có cán dài múc nước ở chum ra cho Bác rửa. Trước khi tạm biệt đồng bào, Bác trao cho đồng chí lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc huy hiệu của Người để tặng thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.
Tên đường từ xã Khánh Cư về thị xã Ninh Bình, Bác đã xuống tát nước cùng với bà con nông dân xã Ninh Sơn tại chân núi Cánh Diều, xã Ninh Sơn, huyện Hoa Lư (nay thuộc Thành phố Ninh Bình).
Tại hội trường Tám Mái thị xã Ninh Bình, hơn hai nghìn cán bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình vinh dự đón Bác thăm và nói chuyện. Bác đã căn dặn cán bộ, nhân dân: "Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất, chúng ta cần phải thắng thiên tai".
4. Lần thứ tư:
Ngày 18.10.1959, Bác về dự Hội nghị sản xuất Đông xuân tỉnh Ninh Bình tại hội trường Nhà máy Xay Ninh Bình với hơn 1.300 đại biểu. Trong bài nói chuyện, Bác tóm tắt các biện pháp kỹ thuật chủ yếu thành sáu câu văn vần:
"Nước phải đủ, phân phải nhiều
Cầy sâu, giống tốt cấy đều dảnh hơn
Trừ sâu, diệt chuột chớ quên
Cải tiến nông cụ là nền nhà nông
Ruộng nương quản lý gia công
Tám điều đầy đủ thóc bông đầy bồ".
Bác căn dặn cán bộ phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về hai con đường làm ăn cá thể và tập thể. Bác động viên cán bộ, nhân dân Ninh Bình đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, chăm lo xây dựng phát triển Đảng và đoàn thanh niên thật vững chắc. Bác tỏ ý tin tưởng vụ đông xuân 1959-1960 ở Ninh Bình sẽ giành thắng lợi.
5. Lần thứ năm:
Ngày 20.07.1960, Bác về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình. Bác đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo tại phòng làm việc của ban Giám đốc (Phòng này bây giờ nằm trong khuôn viên Bảo tàng Tam Điệp). Sau đó Bác được các đồng chí ở nông trường đưa đi tham quan các đội sản xuất, nhà ăn, nhà trẻ, khu chăn nuôi lợn, bò... Đến đâu, Bác cũng vui vẻ hỏi chuyện anh em công nhân và căn dặn phải tích cực sản xuất xây dựng nông trường ngày càng giàu mạnh. Trong khi trò chuyện với anh chị em công nhân, Bác nghe thấy câu trả lời: "Nông trường là của Nhà nước", Bác nói: "Đó là nông trường của các cô, các chú, các cô, các chú là người làm chủ nông trường". Trước khi lên xe trở về Hà Nội, Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo nông trường: "Các chú cùng công nhân cố gắng làm việc thật tốt để xây dựng nông trường Đồng Giao trở thành một nông trường giàu có, làm ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, đời sống của công nhân được cải thiện nâng cao là Bác vui, Bác mừng...".
Một số công trình tưởng niệm và tri ân Bác ở Ninh Bình:
1. Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tại Khánh Cư:
Ngày 15/3/1959, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh chống hạn cứu lúa. Để tưởng niệm và ghi nhớ sự kiện trọng đại này, năm 1997, chính quyền và nhân dân trong xã đã xây dựng đền thờ Bác và các anh hùng liệt sỹ trong xã đã chiến đấu, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đền được xây dựng ở khu trung tâm xã (gần trụ sở UBND xã), trên khu đất thoáng đãng và rộng rãi. Khuôn viên của đền nằm trọn trên một hồ nước rộng 6.800m2 (nhân dân vẫn thường gọi là Ao cá Bác Hồ). Trông xa đền như đóa sen lớn nổi lên giữa một hồ sen rộng, bát ngát hương. Kiến trúc đền bằng vật liệu bền vững: Bê tông thép làm kiểu hai tầng tám mái. Một chiếc cầu cong nối dường vào với đền. Diện tích đền 40m2, chia thành ba gian. Gian giữa thờ Bác Hồ có tượng đúc bằng đồng cao 80Cm, nặng 114 kg. Tượng Bác được đặt kính cẩn trên một tòa sen. Hai gian bên có hai tấm bia đá ghi danh 172 anh hùng liệt sỹ của xã đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ, ngày 27/7/1997, chính quyền và nhân dân xã Khánh Cư long trọng tổ chức Lễ khánh thành đền thờ Bác và các anh hùng liết sỹ.
Đền thờ Bác tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh
2. Đền thờ Bác Hồ tại Khánh Phú:
Năm 2000, chính quyền và nhân dân xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh long trọng khánh thành đền thờ Bác Hồ. Đền được xây dựng ngay sát đường Quốc lộ 10, trên khu đất rộng hơn 1.800m2. thuộc địa phận thôn Phú Tân. Cổng vào được xây dựng theo lối cuốn thư với các trụ biểu cao vút. Tiếp đến là khoảng sân rộng lát gạch. Đền được kiến trúc kiểu chữ nhị (二) theo lối kiến trúc truyền thống. Tòa bái đường rộng 80m2, chia thành 5 gian, 2 chái, là nơi tiếp khách và sắm sửa lễ vật trước khi dâng cúng. Tòa hậu cung rộng hơn 40m2, chia thành 3 gian. Gian giữa có ban thờ Bác Hồ, hai gian bên có hai ban thờ, ban phía trái thờ đồng chí Lê Duẩn, ban phía phải để trống(!). Trên ban thờ gian giữa có tượng Bác Hồ chế tác từ vật liệu đồng. Tượng Bác ở tư thế ngồi trân ghế, chân chữ ngũ, tay phải đăth nơi đầu gối, tay trái cầm cuốn sách, mắt nhìn thẳng, mặc bộ quần áo đại cán (loại áo có 4 túi), chân đi dép cao su. Toàn bộ kiến trúc đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền thống với hệ thống cột, kèo, xà... làm bằng gỗ, mái lợp ngói nam (ngói vảy).
Đền thờ Bác tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh
Tượng thờ Bác tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh
2. Khu di tích lưu niệm Bác Hồ tại Lạng Phong:
Thể theo nguyện vọng của nhân dân, sự chỉ đạo và cho phép của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, huyện Nho Quan đã tiến hành xây dựng và tôn tạo Khu lưu niệm Bác Hồ ngay trên mảnh đất trước kia là khu đất nhà ông Quách Đình Hy-Nơi tổ chức Hội nghị Điền chủ năm 1947.
Khu lưu niệm được xây dựng ngay chính trên khu đất thuộc trước kia gia đình ông Quách Đình Hy-nơi tổ chức hội nghị Điền chủ năm 1947. Khu lưu niệm tọa lạc tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, hướng tây nam, ngay sát Thị trấn Nho Quan. Diện tích Khu lưu niệm rộng khoảng hơn bốn nghìn mét vuông. Xung quanh có tường bao bọc bảo vệ, hướng bắc giáp đường, phía trước là hồ Sào Thượng quanh năm ngập nước, ba phía giáp các khu đất cư dân. Ngoài cùng là cổng vào được thiết kế kiểu nghi môn (có ba cửa ra vào, một cửa chính và hai cửa ngách hai bên), lộng tàn hai tầng mái. Qua khoảng sân có nhiều bồn hoa, cây cảnh là đến là một hồ nước rộng hình chữ nhật. Một khoảng sân lát gạch thất rộng là tới nhà bia tưởng niệm. Toàn bộ Khu lưu niệm được làm theo kiểu giật cấp, từ thấp đến cao dần. Nhà bia được thiết kế kiểu lộng tàn, cổ đẳng hai tầng tám mái, thông phong. Hệ thống cột gỗ gồm 4 cột cái và 8 cột quân. Mái lầu lợp ngói nam. Chính giữa lầu có bia đá. Chiều rộng bia: 1285cm, chiều cao (tính cả phền đế): 2120 cm, khắc chìm dòng chữ: “Nơi đây, ngày mùng 10 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về chủ trì Hội nghị Điền chủ, nhằm phát động điền chủ giúp đỡ đồng bào tản cư, ủng hộ phong trào "Toàn quốc kháng chiến". Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình”.
Đền thờ Bác tại xã Lạng Phong, thị trấn Nho Quan
Việc xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ tại Lạng Phong, Nho Quan thể hiện tinh thần tri ân với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", với tính giáo dục nhân văn sâu sắc rất có ý nghĩa giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ. Khu lưu niệm nằm ở khu đất thoáng, rộng lại thuận lợi giao thông thủy, bộ điều kiện thuân lợi cho việc tham quan, chiêm bái và thắp hương tưởng niệm.
Ngày 19/05/2012, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành Khu lưu niệm.
3. Một số tượng đài:
3.1. Tượng Bác Hồ tại Bảo tàng Ninh Bình:
Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1996, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ khánh thành và an vị tượng Bác Hồ tại Bảo tàng Ninh Bình. Tượng Bác được chế tác từ đá xanh nguyên khối, tư thế đứng, mặt nhìn thẳng về phía trước; mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi). Tay phải Bác ở tư thế co vuông ngang trước ngực, bàn tay cầm bao kính; tay trái để xuôi, bàn tay cầm mũ cứng, để ốp sát vào thân. Tượng Bác được tạc bán thân, phía dưới có khối đá cách điệu. Phía trước khối đá ở vị trí ngang chân Bác có khắc dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969" bằng chữ in hoa. Bên phải của khối đá khắc dòng chữ: Nguyễn Phú Cường, thi công Phạm Ngọc Hoàn 1996" bằng chữ in thường.
Tượng cao: 291cm, bề ngang: 102cm, bề dày: 103cm. Tượng được đặt trang trọng trên một khối bê tông hình hộp vuông (145x145x46), mặt ốp đá màu đen.
3.2. Tượng Bác tại Bảo tàng Tam Điệp:
Ngày 20/7/1960, Bác Hồ về thăm và làm việc với cán bộ, công nhân nông trường Đồng Giao, thị xã Tam Điệp. Để tưởng niệm và ghi nhớ sự kiện trọng đại này, năm 1985, nông trường Đồng Giao đã xây dựng Khu lưu niệm Bác. Trong Khu lưu niệm, có tượng Bác. Tượng Bác được chế tác từ nguyên liệu bê tông cốt thép, ngoài phủ nhũ màu đồng. Tượng được mô phỏng tư thế Bác đang ngồi, chân vuông chữ ngũ, ngồi trên bệ. Tay phải Bác để nơi đùi, co ngang ngực, bàn tay cầm gậy trúc; tay trái đặt lên cánh tay phải, bàn tay cầm điếu thuộc lá. Tượng Bác mặc áo sơ mi, bên ngoài khoác hờ chiếc áo đại cán (loại áo có 4 túi) trên vai.
Mắt Bác sáng, nhìn thẳng về phía trước. Chân Bác đi đôi dép cao su. Bên cạnh, phía phải có chồng sách bốn cuốn. Phía dưới tượng có trang trí cánh sen cách điệu xung quanh, tạo thành đài sen phủ kín đế tượng. Bệ làm kiểu giật hai cấp. Chính giữa bệ cấp thứ hai kể từ dưới lên có nhấn chìm dòng chữ màu vàng theo kiểu lối chữ in hoa: "Kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nông trường 20/7/1960". Năm 1985, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Nông trường Đồng Giao (25/12/1955-25/12/1985), Nông trường đã xây dựng khu tưởng niệm Bác và an vị pho tượng Bác ngay tại vị trí Bác đã đến thăm và làm việc với cán bộ, công nhân Nông trường. Năm 2010, Bảo tàng Tam Điệp được xây dựng trên cơ sở của Khu lưu niệm Bác của Nông trường Đồng Giao.
Tượng cao: 310Cm, bề ngang: 90Cm. Tượng được đặt trang trọng trên một đài sen phủ nhũ màu vàng, bên dưới là khối bê tông hình hộp, mặt ốp đá màu xám.
3.4. Tượng Bác ở UBND huyện Yên Mô: Tượng Bác được chế tác từ vật liệu đồng, đặt trang trọng trên bệ bê tông ốp đá xanh. Tượng Bác ở tư thế đứng, mắt nhìn thẳng, tay phải giơ lên cao, tư thế đang chào; tay trái khuỳnh ra phía sau, bàn tay cầm cuốn sách, mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi), quần âu, chân đi dép cao su. Bốn mặt bệ trang trí bông sen cách điệu, chính giữa mặt bệ phía trước có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969".
Tượng Bác được đặt trang trọng ở khoảng sân rộng, cạnh trụ sở UBND huyện Yên Mô, phía trước Nhà Văn hóa huyện.
3.5. Tượng Bác ở UBND xã Yên Thái, huyện Yên Mô: Tượng Bác được chế tác từ vật liệu đá xanh nguyên khối, đặt trang trọng trên bệ bê tông ốp đá xanh. Tượng Bác ở tư thế đứng, mắt nhìn thẳng, tay phải giơ lên cao, tư thế đang chào; tay trái buông xuôi, mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi), quần âu, chân đi dép cao su. Chính giữa bệ có dòng chữ: " Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969". Tượng Bác được đặt trang trọng ở khoảng sân rộng, phía trước trụ sở UBND xã Yên Thái, huyện Yên Mô.
Trên đây là một số di tích kiến trúc thờ Bác và một số tượng đài tiêu biểu. Ngoài ra, tại một số di tích kiến trúc cổ, nhân dân địa phương cũng lập bàn thờ Bác; các hội trường của các trường học, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công sở Nhà nước, tượng Bác được đặt ở vị trí trang trọng, thành kính nhất.
4. Tấm lòng người cựu binh đối với Bác kính yêu: Sinh năm 1930 trên mảnh đất đồng chiêm trũng Gia Phú, Gia Viễn, 17 tuổi cụ Đinh Văn Thân đã gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ được theo học lớp quản lý ngành y tế và công tác tại Khu bộ Liên khu Bốn. Sau chuyển về công tác tại Trung đoàn 9, sư đoàn 304. Năm 1956, cụ Thân chuyển ngành về công tác tại Phòng Y tế huyện Gia Viễn với cương vị là Trưởng phòng. Năm 1981, cụ được Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí tại quê nhà. Về địa phương, cụ Thân vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như: Trưởng trạm Y tế xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ... Với những thành tích trong kháng chiến cụ Thân được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Kỷ niệm Kháng chiến (chỉ tặng cho cưu binh trong kháng chiến chống Pháp xâm lược), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...
Năm 1958, trong buổi tham quan triển lãm Tiểu thủ công nghiệp tại phố Yết Kiêu, Hà Nội, làn đầu tiên trong đời cụ được gặp Bác. Năm 1959, tại Nhà máy Xay, thị xã Ninh Bình, cụ được gặp Bác lần thứ hai trong dịp Bác về chỉ đạo nghị sản xuất đông - xuân do tỉnh Ninh Bình tổ chức. Năm 1962, trong thành phần tham quan mô hình trồng bông điển hình của tỉnh Thanh Hóa tại xã Yên Trường, huyện Yên Định, cụ Thân lại vinh dự gặp Bác. Từ đó, trong cụ trào dâng sự ngưỡng mộ, sự tôn kính tột cùng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và muốn thực hiện một việc gì đó để thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn kính đó. Ngay từ sau khi nghỉ chế độ hưu trí, cụ Thân đã bắt tay vào việc nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn những tấm ảnh quý giá về Bác. Cụ đã đi rất nhiều nơi như: Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), thành phố Hồ Chí Minh... sưu tầm các hình ảnh về Bác bằng nhiều hình thức như: mua, chụp lại, cắt từ các trang báo, tạp chí.
Sau hơn hai mươi năm dày công nghiên cứu sưu tầm, cụ Thân đã biên soạn gần hai nghìn tấm ảnh về Bác Hồ thành hai cuốn album. Tất cả các tấm ảnh đều có chú thích. Điều đặc biệt là cụ Thân đã sắp xếp các tấm ảnh theo những chủ đề như: Các lãnh tụ của Quốc tế cộng sản, các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, quê hương và tuổi thơ của Bác, Bác tìm đường cứu nước, Bác về nước, Bác với Cách mạng tháng Tám 1945, Bác với quân đội nhân dân, Bác với Công an nhân dân, Bác với giai cấp Nông dân, Bác với tầng lớp trí thức...
Cụ Đinh Văn Thân và cuốn album ảnh quý giá
Với nghĩa cử: "Gìn giữ cho muôn đời sau", cụ Thân đã tặng Bảo tàng Ninh Bình hai cuốn album quý với mong muốn sẽ có nhiều người hơn nữa được chiêm ngưỡng hình ảnh Bác. Thông qua những hình ảnh của Bác qua các giai đoạn lịch sử giúp cho khách tham quan nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp và cuộc đời của Bác, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước củng cố đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn". Việc nghiên cứu, sưu tầm những hình ảnh quý về Bác kính yêu của cụ Đinh Văn Thân cũng chính là tấm lòng và tình cảm của nhân dân Ninh Bình với vị lãnh tụ kính yêu: Hồ Chí Minh.
Bài viết khác
- NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
- Cần chính xác trong cách hiểu về di sản văn hóa phi vật thể
- Những giá trị nổi bật của Bảo vật quốc gia – Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh ở Bảo tàng Ninh Bình
- DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG “NGHỀ CÓI KIM SƠN”
- NINH BÌNH CÓ THÊM 02 DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA