Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng đầu năm 2022 triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”

09/08/2022

Sáng ngày 09/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là đề án 06).

Quang cảnh tại điểm cầu Ninh Bình

Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh; lãnh đạo các Sở: Giao Thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; thành viên Tổ giúp việc Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thành phố; các xã, phường thị trấn có Chủ tịch UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là đề án cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện đề án 06 để tổ chức các dịch vụ công phục vụ nhân dân thông qua môi trường số. Qua đó, chuyển từ thói quen thực hiện các dịch vụ công dùng giấy tờ, tới trụ sở cơ quan nhà nước, sang trạng thái giao dịch trên môi trường số, giải quyết các dịch vụ, thủ tục bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Cũng qua đó, góp phần cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Đề án là việc khó, chưa có tiền lệ; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người dân nên cần sự tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 04/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành và 14 địa phương. Kết quả làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin như thông tin Bảo hiểm xã hội của 27.216.286 công dân; 92.055.586 mũi tiêm phòng Covid-19 của công dân; thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.899.264 công dân…

Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận 6.159.738 hồ sơ và cấp 7.837 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ cho công dân. Đã triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực, điển hình như sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các Cơ sở y tế; triển khai thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD tại các quầy giao dịch của 05 Ngân hàng (BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank, Pvcombanky thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin của 20 bộ, ngành và 61/63 địa phương. Đến nay 11/20 bộ, ngành và 28/61 địa phương có hệ thống đáp ứng được các yêu cầu về an ninh an toàn khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn 33 địa phương chưa đảm bảo điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ bản 25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, trong đó Công an tỉnh chủ trì triển khai thực hiện 11 dịch vụ, các sở ngành: Tư pháp, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hôi tỉnh, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện 14 dịch vụ. Kết quả triển khai 11 dịch vụ công của Công an tỉnh, tính từ ngày 06/01/2022 đến ngày 14/7/2022 đã tiếp nhận, giải quyết 8.875 hồ sơ trong đó xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD 281 hồ sơ; cấp lại, đổi thẻ CCCD 226 hồ sơ; đăng ký thường trú 2.867 hồ sơ; đăng ký tạm trú 664 hồ sơ…..; Kết quả triển khai 14 dịch vụ công của các sở, ban, ngành đã tiếp nhận, giải quyết 35.715 hồ sơ, cụ thể đăng ký khai sinh cho 3.822 hồ sơ; đăng ký khai tử 1.924 hồ sơ; đăng ký kết hôn 1.459 hồ sơ…

Việc rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án. Tỉnh Ninh Bình đã triển khai quy trình làm sạch dữ liệu thông tin tiêm chủng theo văn bản hướng dẫn số 2622/BYT-CNTT ngày 04/5/2022 của Bộ Y tế. Đến nay, 100% các cơ sở tiêm chủng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. Đồng thời, đã phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ các nhóm tiện ích: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện Ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ phát triển công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Kết luận Hội nghị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực đồng hành, tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung. Một số hạn chế về thể chế, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn hạn chế, bất cập... Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, tồn tại và mong các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn vì "kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, nhiều nhiệm vụ đầu tư cần xem xét, quyết định sớm". "Việc triển khai chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng nhưng phức tạp, có hiệu quả lâu dài; có khó khăn, thách thức và cả lực cản, nhưng chúng ta cần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, phải đặt ra câu hỏi, đến cuối năm 2022 chúng ta sẽ đạt được cái gì, đến cuối năm 2023, 2024, 2025 thì đạt được những gì, có phục vụ tốt người dân, nâng cao năng lực quản lý của hệ thống chính trị nói chung và hệ thống chính quyền của chúng ta? Có phục vụ công tác bầu cử cho các cơ quan dân cử nhiệm kỳ tới được không?

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực. Thực hiện phương châm "Đúng, đủ, sạch, sống" trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, song phải thể hiện tính thuận lợi, công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp phải xác định triển khai chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện Đề án, tạo sự lan tỏa trong cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự vào cuộc ủng hộ của người dân; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, cơ sở dữ liệu nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: Thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều phối dữ liệu dân cư. Bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực và khai thác nguồn lực từ dữ liệu; tăng cường hợp tác quốc tế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng...

Khẳng định Đề án 06 là đề án của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, do Bộ Công an chủ trì làm nòng cốt, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, địa phương triển khai, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến; trước hết, quán triệt và vận động đến từng đảng viên, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang tại địa phương thực hiện và vận động người thân, gia đình hưởng ứng thực hiện, với phương châm "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".