Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Trưng bày và trải nghiệm “Không gian Tết xưa” tại Bảo tàng Ninh Bình

17/01/2025
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

  Thực hiện Kế hoạch số 3227/KH-SVHTT ngày 25/12/2024 của Sở Văn hóa và Thể thao về  việc Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025) và mừng Xuân Ất Tỵ, năm 2025; ngày 16/01/2025, Bảo tàng Ninh Bình long trọng tổ chức trưng bày chuyên đề “Không gian Tết xưa”. Đây là hoạt động thường niên của Bảo tàng Ninh Bình nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Về dự khai mạc có đồng chí Bùi Mai Hoa–Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh  ủy; đồng chí Trần Việt Phương–Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng chí Vũ Thanh Lịch–Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Trương Đình Tưởng–Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Đức Long–Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Ninh Bình; các đồng chí đại diện phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở; các đồng chí Bảo tàng Quân đoàn XII, Bảo tàng Nam Định; Bảo tàng Hưng Yên, các đồng chí phóng viên, báo chí cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Thanh Bình và đông đảo quần chúng nhân dân.

Các đồng chí đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Đã từ rất lâu trong đời sống văn hóa của người Việt, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống, là thời khắc thiêng liêng giao thời giữa năm cũ và năm mới. Với những đặc trưng riêng, Tết Nguyên Đán Việt Nam chứa đựng  những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người  với con người, giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa Xuân–Hạ–Thu–Đông.

Đối với người dân đất Việt, Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ gia đình, sum vầy chào đón năm mới, mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục cổ truyền. Cũng chính vì thế, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thường tổ chức các hoạt động đón Tết đầy ý nghĩa nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp phong phú và văn minh trong ngày Tết cổ truyền, hướng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng những nét văn hóa Việt giàu bản sắc dân tộc.

Để tái hiện lại “Không gian Tết xưa", Bảo tàng Ninh Bình sắp xếp các gian hàng bày đồ Tết theo phong cách dân gian, từ ý tưởng “Tết từ nhà ra chợ”, với một phòng khách nhỏ ấm cúng, gần gũi với mâm ngũ quả thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên cùng mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc, gian chữ thư pháp, gian gói bánh chưng và một số không gian chợ Tết (gian bánh kẹo, gian hàng mã, gian hoa quả, gian nông sản, …)

Tham gia “ Không gian Tết xưa” tại Bảo tàng Ninh Bình, quý khách có thể xin chữ thư pháp ở gian ông đồ để cầu cho một năm mới suôn sẻ, vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thưởng thức những món mứt, bánh kẹo đặc trưng của Tết xưa, trải nghiệm gói bánh chưng, luộc bánh bên bếp than hồng, hòa mình vào không gian Tết xưa với những bức ảnh check-in độc đáo trong trang phục cổ truyền dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền, bịt mắt bắt vịt,…

Trải qua ngàn đời, Tết Việt vẫn giữ được những giá trị văn hóa riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đầy đủ nhất của cả dân tộc. Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền  chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và trân quý những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Từ đó, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.

Trưng bày mở cửa đón tiếp khách tham quan từ ngày 16 đến hết ngày 21/01/2025 (tức ngày 17 đến ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn).

Những hình ảnh trong buổi khai mạc “Không gian Tết xưa”.

Khách tham quan trải nghiệm không gian chợ Tết

 

Trưng bày mô phỏng gian phòng khách gia đình

Trải nghiêm  ông đồ cho chữ

Không gian trải nghiệm gói bánh chưng

 

Không gian trải nghiệm trò chơi dân gian (Bịt mặt bắt vịt, ô ăn quan)

 

 

Không gian trải nghiệm chế biến lương thực (Xay lúa, giã gạo)

Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Khang