Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Trưng bày chuyên đề: “Kỷ vật chiến trường” tại Bảo tàng Ninh Bình.

22/10/2019

Hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019) và kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2019); được sự nhất trí của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Kỷ vật chiến trường” tại Bảo tàng Ninh Bình.

    Tới dự khai mạc có đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh; đồng chí Ngô Trọng Cảnh – Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh; đồng chí Đinh Duy Điệp – Chủ tịch Bạn liên lạc Chiến sý Cách mạng bị bắt và tù đày tỉnh Ninh Bình ; Đồng chí Lê Văn Hiến – Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng); các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình; lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình; các đồng chí là hội viện các chi hội Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Ninh Bình; các đồng chí phóng viên các đài, báo trung ương và tỉnh Ninh Bình.

Các đồng chí lãnh đạo tham gia cắt băng khai mạc trưng bày

Trong những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, các Chi Hội Cựu chiến binh huyện, thành phố; sưu tầm  được 2.018 kỷ vật từ các đồng chí cựu chiến binh. Những kỷ vật đó đã trở thành “vật chứng” lịch sử về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là những “vật chứng” đầy thuyết phục, minh chứng sự đóng góp công - sức của những người con Ninh Bình với công cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh.

Nội dung trưng bày được bố cục thành 4 phần gồm: Nhóm kỉ vật do Quân đội trang bị cho bộ đội; Nhóm kỉ vật đồ dùng cá nhân của người lính; Nhóm kỉ vật là các chiến lợi phẩm; Tặng thưởng.

+ Nhóm kỷ vật do Quân đội trang bị cho bộ đội: (quân trang, quân dụng, vũ khí, khí tài)   

Quân trang, quân dụng bao gồm quân phục, các vật dụng và những đồ dùng cá nhân cần thiết do Quân đội Nhân dân Việt Nam trang bị, cấp phát cho bộ đội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các kỷ vật (như: quần, áo, ba lô, giầy, dép, chăn, màn, võng, ca, bi đông, xoong, nồi...), gắn liền với cuộc sống chiến đấu, sau khi xuất ngũ được các cựu chiến binh trân trọng gìn giữ làm kỷ niệm về những tháng năm quân ngũ với nhiều câu chuyện cảm động.

- Nhóm quần áo: Gồm các bộ trang phục do quân đội trang bị cho bồ đội khi lên đường nhập ngũ

          - Nhóm kỷ vật là: mũ, dầy, thắt lưng, ruột tượng. Các kỷ vật thuộc nhóm này cũng phong phú, đa dạng, có mũ sỹ quan, mũ của chiến sỹ, mũ cứng, mũ mềm, dầy da, dầy vải, dây lưng, ruột tượng.

          - Nhóm kỷ vật là chăn, màn, võng, tăng ...

          Vũ khí là những thiết bị và vật được chế tạo để sát thương mục tiêu sống, mục tiêu khác hoặc để phát tín hiệu do Quân đội nhân dân Việt Nam trang bị cho lực lượng vũ trang, quân đội. Vũ khí có nhiều loại: vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng, vũ khí hạng nặng. Nhóm hiện vật vũ khí trưng bày bao gồm: dao, cuốc, giáo, bàn chông, các loại vỏ đạn cối, đạn pháo, bom, mìn...

Khí tài là những dụng cụ, thiết bị, máy móc dùng trong quân thu thập thông tin cần thiết để điều khiển phương tiện chiến đấu. Khí tài được sử dụng độc lập hoặc ghép với phương tiện khác thành tổ hợp hệ thống khí tài. Nhóm hiện vật khí tài trưng bày gồm: la bàn, máy đánh chữ, máy điện thoại...

+ Nhóm kỷ vật đồ dùng cá nhân của người lính

          Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với lòng yêu nước và tinh thần anh dũng, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường nhập ngũ, bảo vệ quê hương, đất nước. Trên những chặng đường hành quân ra trận của người lính luôn có một nỗi nhớ thương để lại phía sau, đó là quê hương, làng xóm, nơi có những người mẹ, người vợ, người chị, người em… ngóng chờ. Những bức thư gửi về từ chiến trường hay từ hậu phương gửi ra tiền tuyến luôn đầy ắp yêu thương và tin tưởng về ngày đoàn tụ, non sông thống nhất. Một số thư, nhật ký, sổ tay trưng bày do cựu chiến binh trao tặng bảo tàng Ninh Bình.

Cuộc sống tuy thiếu thốn, gian khổ nhưng với trí sáng tạo và bàn tay khéo léo, người lính đã sử dụng các nguyên vật liệu tại chiến trường để tạo ra những đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, thậm chí còn gửi về làm quà cho người thân. Các kỷ vật trưng bày bao gồm: ca, lược, lọ tăm, khay, lọ hoa… được các cựu chiến binh và gia đình trân trọng, gìn giữ làm kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Bên cạnh kỷ vật của người lính, trưng bày còn giới thiệu những kỷ vật của gia đình, người thân dành cho người lính như một chiếc khăn tay thêu hình cánh chim hòa bình... của người thương tặng chiến sỹ trước khi đi chiến đấu.

+ Nhóm kỷ vật là các chiến lợi phẩm

          Sau các trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng, bộ đội ta thu được nhiều chiến lợi phẩm như: vũ khí, khí tài, đồ dùng, trang thiết bị...của địch được các chiến sỹ sử dụng trực tiếp trong đời sống, chiến đấu. Khi xuất ngũ trở về, các cựu chiến binh coi đó là những vật thể hiện niềm tin chiến thắng trước kẻ thù xâm lược.

Các chiến lợi phẩm trưng bày bao gồm: máy bộ đàm, máy đánh chữ, ống nhòm, bật lửa, đèn pin, tông đơ, dao cạo râu, cà mèn...

          + Tặng thưởng:

          Các kỷ vật là phần thưởng của cấp trên trao tặng tại chiến trường, tuy bình dị, có thể là chiếc huy hiệu, là cuốn sổ lưu niệm... nhưng khắc sâu trong đó là kỷ niệm về một thời gian khổ, hào hùng, là niềm vinh dự, tự hào của người lính. Vì thế, đối với các cựu chiến binh họ luôn trân trọng, gìn giữ như một món quà vô giá.

Thông qua tài liệu, hình ảnh và hiện vật trưng bày, chuyên đề “Kỷ vật chiến trường” giới thiệu cho đông đảo công chúng hiểu biết về cuộc chiến tranh gian khổ và sự hy sinh mất mát của các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân; những đóng góp của nhân dân Ninh Bình trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Qua đó giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tôn vinh và tri ân các thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc, khơi gợi lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm, tiếp bước truyền thống cha ông trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Kỷ vật chiến trường”  là những câu chuyện cảm động gửi tới những người đang sống và thế hệ mai sau niềm tự hào và lòng biết ơn đối với những con người đã sống, chiến đấu và hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Kỷ vật chiến trường” là những câu chuyện cảm động gửi tới những người đang sống và thế hệ mai sau niềm tự hào và lòng biết ơn đối với những con người đã sống, chiến đấu và hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Theo kế hoạch, trưng bày chuyên đề “Kỷ vật chiến trường” sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 24/7/2019 đến ngày 10/8/2019.

Nguyễn Xuân Khang