Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Sưu tập Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình

03/07/2020

    Với địa hình tự nhiên nhiều đồi núi, hang động, lại có cả đồng bằng ven biển, ven sông, Ninh Bình là mảnh đất có bề dày lịch sử, là nơi xuất hiện dấu tích của loài người từ rất sớm. Không những thế, vị trí địa lý giáp Thanh Hóa – nơi được coi là trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, Ninh Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để cư dân Đông Sơn sinh sống và phát triển.

    Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Bảo tàng Ninh Bình đã sưu tầm được nhiều hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Để phát huy giá trị của hiện vật, giới thiệu sâu rộng hơn nữa về văn hóa Đông Sơn, phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và đặc biệt là đáp ứng công tác trưng bày, tuyên truyền phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành xây dựng Bộ sưu tập hiện vật Đồ đồng Đông Sơn.

    Bộ sưu tập Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình gồm 127 hiện vật với 5 loại hình gồm: Nhạc cụ, vũ khí, công cụ sản xuất, đồ trang sức, dụng cụ sinh hoạt.

    * Nhạc cụ: Nhạc cụ gồm 5 hiện vật với 2 loại là trống và chuông, tiêu biểu là trống thôn Mống được phát hiện năm 1969 tại thôn Mống, xã Yên Quang, huyện Nho Quan. Trống thôn Mống thuộc loại C, kiểu H1 theo cách phân loại của Heger.

Trống thôn Mống

    * Vũ khí: Hiện vật thuộc loại hình vũ khí bằng đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình có 35 hiện vật, gồm nhiều loại: dao găm, bao dao găm, mũi lao, mũi giáo, mũi tên, mũi mác, ốp tay.

Mũi tên đồng

Dao găm bằng đồng

    * Công cụ sản xuất: Công cụ sản xuất gồm 39 hiện vật với các loại hình: rìu, cuốc, thuổng, lưỡi hái, trong đó phổ biến là rìu với 3 loại rìu lưỡi xéo, rìu gót vuông và rìu lưỡi cân.

Rìu lưỡi xéo

Rìu gót vuông

Rìu lưỡi cân

    * Đồ trang sức: Hiện nay Bảo tàng Ninh Bình lưu giữ 29 hiện vật đều thuộc loại hình vòng trong trang sức đồng trong văn hóa Đông Sơn. Vòng được chia làm 3 loại dựa theo mặt cắt dọc.

Vòng kiểu 1

Vòng kiểu 2

Vòng kiểu 3

    * Dụng cụ sinh hoạt: Gồm 17 hiện vật với các loại hình: thạp, muôi, nồi, ang, nắp lư trầm, trong đó thạp chiếm số lượng nhiều nhất, tới 13 hiện vật.

Nồi (bình)

Muôi

Nắp lư trầm (nắp đèn)

    Bộ sưu tập Đồ đồng Đông Sơn có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học tại Bảo tàng Ninh Bình. Đồ đồng Đông Sơn phản ánh đời sống vật chất, tinh thần và xã hội của cư dân Việt cổ, đồng thời cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về kỹ thuật đúc đồng, luyện kim cũng như nghệ thuật trang trí của người Đông Sơn.

    Những hiện vật đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng, chứng tỏ Ninh Bình không chỉ là nơi xuất hiện dấu tích của loài người từ sớm mà còn là nơi có lịch sử phát triển liên tục từ những nền văn hóa đầu tiên của loài người (Hòa Bình) đến nền văn hóa đặc trưng của người Việt cổ (Đông Sơn). Dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn trên đất Ninh Bình càng cho thấy nơi đây là một mảnh đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi “đất lành” để cho các thế hệ mai hậu viết tiếp những trang sử hào hùng mà cha ông để lại.

    Thông qua sưu tập này có thể thấy một phần lịch sử Ninh Bình từ thời kỳ kim khí cùng với dòng chảy của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ trên miền Bắc Việt Nam. Việc nghiên cứu, trưng bày sưu tập Đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Ninh Bình là việc làm cần thiết, không chỉ giúp nhân dân hiểu được lịch sử, văn hóa của thời xa xưa mà còn góp phần chứng minh một nền văn hóa bản địa đã từng tồn tại ở Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.  

 

                                                    Lê Thị Vân Trang

Bảo tàng tỉnh