Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

PHỤC HỒI TU CHỈNH HIỆN VẬT GIẤY NĂM 2022 TẠI BẢO TÀNG NINH BÌNH

25/08/2022

Bảo tàng Ninh Bình hiện có gần 40.000 hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, phản ánh toàn diện tiến trình lịch sử của Ninh Bình. Trong số đó, hiện vật giấy có số lượng khoảng 5.000 với các loại hình như sắc phong, tờ dụ, nhật ký, tem phiếu, bản đồ… Hiện vật giấy có độ bền cơ học thấp, dễ chịu ảnh hưởng bởi môi trường, độ ẩm, ánh sáng, côn trùng… Do đó, việc bảo quản hiện vật giấy cần có môi trường đặc biệt và đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn, kinh nghiệm.

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo quản hiện vật giấy, phòng Sưu tầm – Kiểm kê Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành phân loại, sắp xếp, bảo quản hiện vật chất liệu giấy theo từng mục và đặt trong tủ chống ẩm. Tuy nhiên, có những hiện vật chịu tác động nặng nề của môi trường và thời gian dẫn đến bị hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Những hiện vật này cần phải được phục hồi và tu chỉnh để đạt giá trị thẩm mỹ, giá trị khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.

Phục hồi tu chỉnh hiện vật giấy là công việc thường niên của Bảo tàng, được tiến hành từ năm 2019 đến nay và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, cán bộ kiểm kê đã rà soát, phân tích và lựa chọn 232 hiện vật giấy với 320 tờ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng để phục hồi, tu chỉnh, trong đó chủ yếu là sách, tài liệu chính trị viết tay, thư tay, tiền giấy, tranh cổ động… có niên đại đầu thế kỷ XX.

Tài liệu chính trị viết tay

Phòng Sưu tầm – Kiểm kê đã tiến hành công việc một cách thận trọng và tỉ mỉ, với nguyên tắc đưa hiện vật về gần nhất với hiện trạng ban đầu. Quá trình phục hồi, tu chỉnh trải qua các bước như sau:

- Phân loại hiện vật: Những hiện vật được phân loại theo mức độ xuống cấp. Mỗi mức độ hiện vật sẽ có biện pháp tu chỉnh, phục hồi riêng.

- Làm phẳng hiện vật: Đây là bước để xác định hình dạng chính xác nhất của hiện vật so với hiện trạng ban đầu.

- Chuẩn bị nguyên vật liệu: Nguyên vật liệu bao gồm chất kết dính và giấy bồi. Chất kết dính được pha chế theo tỉ lệ thích hợp, đảm bộ độ bền và độ kết dính. Giấy bồi là loại giấy dó đặc biệt có độ dai, bền đạt chuẩn và có màu sắc gần giống nhất với màu của hiện vật. Tùy theo kích cỡ hiện vật và mức độ hư hại của hiện vật để chuẩn bị nguyên vật liệu thích hợp.

- Bồi hiện vật: Cán bộ tiến hành dán giấy dó vào những chỗ bị rách, hư hỏng với nguyên tắc đưa hiện vật về gần nhất với hiện trạng ban đầu và giữ ổn định nhất có thể.

- Làm khô hiện vật: Hiện vật được sấy với nhiệt độ thích hợp đảm bảo không bị giòn, rách.

- Làm đẹp và sắp xếp hiện vật: Hiện vật sau khi đã sấy khô được tu chỉnh lần cuối và sắp xếp trong túi zip không axit và đựng trong cặp hồ sơ có ghi rõ số kiểm kê và phân loại rồi đưa vào tủ chống ẩm với nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.

Bảo quản hiện vật theo số kiểm kê, phân loại

Công tác phục hồi tu chỉnh hiện vật giấy là công việc yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ, khoa học nhằm đảm bảo hiện vật có tính thẩm mỹ cao và kéo dài tuổi thọ hiện vật. Để việc phục hồi, tu chỉnh nói riêng, bảo quản hiện vật nói chung đạt được hiệu quả cao và đúng quy trình, trong thời gian tới cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí một cách đồng bộ và khoa học để đảm bảo kéo dài tuổi thọ hiện vật, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của du khách trong và ngoài tỉnh.

Lê Thị Vân Trang