Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Phát hiện tiền cổ ở Sơn Lai

27/08/2021

Tháng 7 năm 2021, nhân dân thôn Lược, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trong lúc san ủi đất vườn đồi đã phát hiện một hũ tiền đồng. Với ý thức gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, nhân dân đã báo cho chính quyền địa phương và trao toàn bộ số tiền đồng cổ (19 kg) cho Bảo tàng Ninh Bình. Do máy san ủi mặt bằng nên hũ sành vỡ thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, do là vùng đất đồi rão, thoát nước nên các đồng tiền không han gỉ nhiều, minh văn trên tiền còn khá rõ nét.

Sau khi thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ đã phát hiện thấy đây là một sưu tập tiền đồng cổ rất có giá trị với sự phong phú về các loại tiền (58 loại tiền), sự quý hiếm của một số loại tiền, với kỹ thuật đúc, trang trí hoa văn – minh văn đặc sắc. Về tiền do các triều địa phong kiến Việt Nam đúc và lưu hành có 10 loại đều thời Lê sơ, như Thuận Thiên nguyên bảo, Hồng Đức thông bảo, Quang Thuận thông bảo.... Đặc biệt có một (một đồng duy nhất) tiền Thiên Khánh thông bảo là loại do Lê Lợi cho đúc. Theo chính sử, năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, lấy khẩu hiệu là “Phản Minh phục Trần”. Năm 1426, Lê Lợi tìm trong dân gian một người trong họ Trần là Trần Cảo lập làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh, đúc tiền “Thiên Khánh thông bảo” (天慶通寶). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ban tiền mới đúc, tức tiền Thiên Khánh, thưởng cho những binh sỹ tham gia trong trận đánh thành Đông Quan”.

Bên cạnh những đồng tiền do các đời vua triều Hậu Lê cho đúc và lưu hành còn có sự góp mặt đông đảo của các đồng tiền do các triều đại Trung Quốc. Với tổng số 48 loại tiền của 9 triều vua, như:

+ Triều nhà Đường: Khai Nguyên thông bảo, Càn Nguyên trọng bảo...

+ Triều nhà Tống

- Bắc Tống: Tống Nguyên thông bảo, Thái Bình thông bảo, Cảnh Đức thông bảo, Tường Phù thông bảo, Thiên Thánh nguyên bảo, Hoàng Tống thông bảo…

- Nam TốngThiệu Hy thông bảo, Khánh Nguyên thông bảo, Gia Thái thông bảo, Gia Định thông bảo…

+ Triều nhà Nguyên: Chí Đại thông bảo…

+ Triều nhà Tây Hạ: Quan Định nguyên bảo…

+ Triều nhà Minh: Hồng Vũ thông bảo, Đại Trung thông bảo, Vĩnh Lạc thông bảo...

+ Đặc biệt triều Đại Thanh chỉ có hai đồng tiền mà lại là đồng tiền của triều vua cuối cùng: Phổ Nghi Hoàng đế. Tuy nhiên hai đồng tiền này có giá trị mỹ thuật đặc sắc; một đồng là tiền lưu thông buôn bán “Tuyên Thông thông bảo” (宣統通寶), lưng lại trang trí đôi rồng chầu linh vật; một đồng là “tiền chơi”, mặt có 4 chữ “Cát Tường Như Ý” (吉祥如意), lưng có đôi rồng – phượng đang vờn nhau.

 

Cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Ninh Bình phân loại tiền cổ Sơn Lai

 

Tiền “Thuận Thiên nguyên bảo” đồng tiền đầu tiên của triều Hậu Lê.

 

Tiền “Hồng Đức thông bảo” do vua Lê Thánh Tông, triều Hậu Lê cho đúc và lưu hành.

 

Tiền “Thuần Hóa nguyên bảo” do vua Tống Thái Tông – Trung Quốc  cho đúc và lưu hành, năm 990.

Lưng tiền “cát Tường Như Ý” (Tiền chơi)do triều Thanh – Trung Quốc đúc và lưu hành, năm 1912.

 

* Một số nhận xét ban đầu:

- Đây là sưu tập tiền đồng cổ rất có giá trị với niên đại gần 13 thế kỷ (621-1912). Sau khi cơ quan chức năng thực hiện các công tác chuyên môn, nghiệp vụ với 19 kg, thu được hàng nghìn đồng tiền cổ. Các đồng tiền tuy nằm sâu dưới lòng đất hàng trăm năm nhưng còn tương đối tốt, nhiều đồng chữ đúc trên mặt tương đối rõ. Tuy nhiên, có một số đồng các chữ Hán đã bị mòn, mờ không nhận dạng được. Đa số các đồng tiền chỉ đúc chữ một mặt, tuy nhiên cũng có một số đồng lưng có chữ Hán hoặc hoa văn.

- Sưu tập gồm những đồng tiền do triều đại Hậu Lê (Lê sơ) đúc và lưu hành. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tiền của các triều đại Trung Quốc đúc và lưu hành như: nhà Đường, Nam Tống, Bắc Tống, Kim, Nguyên, Minh, Thanh… Như vậy có thể khẳng định, bên cạnh việc cho đúc và lưu hành nhưng đồng tiền riêng của triều đại mình, vì những lý do khách quan, các triều đại phong kiến ở nước ta vẫn cho lưu hành những đồng tiền của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Với sưu tập đa dạng về các loại tiền, đây có thể là sưu tập của một nhân vật giàu có và có địa vị xã hội cao sống ở đầu thế kỷ XX tại vùng quê Sơn Lai.

- Việc phát hiện sưu tập tiền đồng cổ ở Sơn Lai càng làm phong phú hơn về những giá trị tiềm ẩn trên mảnh đất Ninh Bình. Sự phát hiện sưu tập tiền cổ này giúp cho chúng ta có thêm cơ sở để nghiên cứu về Hành đô Sơn Lai – một hành đô tạm trú của của triều đình nhà Đinh trong quá trình xây dựng Kinh đô Hoa Lư.

Nguyễn Xuân Khang – Bảo tàng Ninh Bình