Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại di chỉ Mái đá Thung Lau

23/06/2022

Sáng ngày 17 tháng 6 năm 2022, tại di chỉ khảo cổ học Mái đá Thung Lau (tổ 16, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di chỉ khảo cổ học Mái đá Thung Lau. Dự hội nghị có Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối – Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; đồng chí Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Tam Điệp; các đồng chí lãnh đạo địa phương; các đồng chí Lãnh đạo phòng Quản lý Di sản văn hóa của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình và các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình; Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã chỉ đạo Bảo tàng Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật Mái đá Thung Lau, thuộc tổ 16, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp. Cuộc khai quật được tiến hành trên diện tích 4m2 và thu được hàng trăm hiện vật có giá trị.

Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn thay mặt đoàn khai quật đã thông báo một số kết quả ban đầu trong quá trình khai quật. Hố khai quật được mở ở vị trí gần trung tâm của mái đá. Qua 13 lớp đào (mỗi lớp 10 cm) với độ sâu 1,5m, đã phát hiện số lượng hiện vật lớn và đa dạng về loại hình. Gồm: Gốm tiền sử xuất hiện ở 5 lớp đầu, vỏ nhuyễn thể (chủ yếu là ốc suối), xương răng động vật (phần lớn là thú gặm nhấm, thú ăn thịt cỡ nhỏ) xuất hiện ở hầu hết các lớp cho đến tận lớp 12, là tàn tích của quá trình khai thác tự nhiên phục vụ nhu cầu ăn uống của con người. Đặc biệt trong di chỉ còn phát lộ 1 bộ mai của loài giải (rùa nước ngọt mai mềm) khá lớn ở độ sâu khoảng 70 - 80cm từ bề mặt.

Công cụ bằng đá (đại đa số là đá vôi) cũng được phát hiện với số lượng rất lớn (khoảng 700 hiện vật) là minh chứng rõ nét cho sự xuất hiện của con người tại di chỉ và đồng thời cũng phản ánh sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đá cuội ở khu vực này trong bối cảnh chung của vùng Ninh Bình trước đây.

Xương mai rùa mai mềm (giải) phát hiện ở lớp 7 hố khai quật

Khách mời thảo luận về những hiện vật được khai quật tại di chỉ

Mái đá Thung Lau là một di tích khảo cổ học tiền sử tại tỉnh tại Ninh Bình với địa tầng ổn định cùng với các công cụ đá và xương răng động vật, do đó việc tiếp tục nghiên cứu, khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị di tích là việc làm cần phải được quan tâm./.

Lê Thị Vân Trang – Nguyễn Xuân Khang