Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Công tác tu chỉnh, phục hồi hiện vật giấy ở Bảo tàng Ninh Bình

17/06/2021

Trong các hoạt động của bảo tàng, hiện vật giữ vai trò trọng tâm, tạo tiền đề, cơ sở vật chất ban đầu cho toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ nghiên cứu, sưu tầm,  trưng bày, tuyên truyền, kiểm kê, bảo quản. Tuy nhiên, các hiện vật đều chịu sự tác động của môi trường tự nhiên và xã hội như ánh nắng, nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, vật phá hoại… đặc biệt là các hiện vật giấy bởi đó là chất liệu dễ bị “tổn thương” nhất theo thời gian. Do đó, các hiện vật này cần phải được bảo quản cẩn thận.

Bảo quản hiện vật là gìn giữ hiện vật nguyên vẹn, giữ được toàn bộ đặc điểm, tính chất của hiện vật. Bảo quản hiện vật gồm 2 loại: bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu. Hiện nay, kho cơ sở của bảo tàng đang lưu giữ 4.830 hiện vật giấy. Lãnh đạo Bảo tàng Ninh Bình xác định loại hiện vật này cần có chế độ bảo quản phòng ngừa đặc biệt.  Cán bộ phòng Sưu tầm – Kiểm kê đã tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ, tổ chức kho bảo quản và sắp xếp ngăn nắp hiện vật giấy trong các tủ chống ẩm với nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, đảm bảo điều kiện tốt nhất để hiện vật không bị tác động bởi môi trường và các sinh vật gây hại.

Cán bộ Bảo tàng Ninh Bình đang thực hiện công tác tu chỉnh, phục hồi hiện vật giấy

Trong số những hiện vật giấy được lưu giữ tại bảo tàng, có những hiện vật có niên đại hàng trăm năm như sắc phong thời Tây Sơn, thời Nguyễn, giấy tờ hành chính thời Pháp thuộc, tài liệu chính trị thời chống Pháp… Một số hiện vật đã ở trong tình trạng rách nát hoặc ố vàng cần phải tiến hành bảo quản trị liệu, tu chỉnh, phục hồi để chúng trở lại gần nhất với tình trạng ban đầu.

Năm 2019, Bảo tàng Ninh Bình lần đầu tiên đưa việc tu chỉnh, phục hồi hiện vật giấy vào kế hoạch công tác năm. Từ đó đến nay, các cán bộ phòng Sưu tầm – Kiểm kê đã tiến hành rà soát các hiện vật giấy ở tình trạng xuống cấp trầm trọng và tiến hành phục hồi, tu chỉnh những hiện vật đó. Công việc được tiến hành nghiêm túc và tỉ mỉ với nguyên tắc đưa hiện vật về gần nhất với trạng thái ban đầu và gìn giữ các hiện vật trong tình trạng ổn định nhất có thể. Các hiện vật sau khi được lấy ra từ kho bảo quản đã được cán bộ bảo tàng bồi một lớp giấy dó mỏng vào chỗ bị rách. Sau đó, hiện vật được chụp ảnh lại, bảo quản trong túi zip không axit và đặt vào tủ chống ẩm, sắp xếp theo thứ tự số kiểm kê và số phân loại.

Cho đến nay, hơn 700 hiện vật đã được phục hồi, tu chỉnh. Có những hiện vật có niên đại sớm như sắc phong cho tri huyện Đinh Huy Đạo xã Ngọc Động, huyện Gia Viễn năm Quang Trung thứ 3 (1790);  sắc phong thờ thần Vệ đại tướng quân xã Đô Quan, huyện Vọng Danh (nay thuộc Ý Yên, Nam Định) năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793); Sắc phong thờ Bố Cái Đại Vương xã Thanh Quyết, huyện Gia Viễn năm Minh Mệnh thứ 5 (1824)… Ngoài ra còn một số hiện vật có giá trị như  bút tích của cụ Vũ Phạm Khải; Hồ sơ vụ án Tạ Uyên; Tiền tài chính năm 1946; Thư của giám mục Lê Hữu Từ (1949)… Đây là những hiện vật gốc rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa.

           

Hiện vật sau khi được tu chỉnh, phục hồi

  Công tác bảo quản, phục hồi, tu chỉnh những hiện vật giấy này là việc làm quan trọng và cần thiết, góp phần kéo dài tuổi thọ của hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và đảm bảo các hiện vật sẽ được trao truyền cho thế hệ tương lai trong tình trạng nguyên vẹn nhất.

 

Lê Thị Vân Trang

Bảo tàng tỉnh