Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Công tác bảo quản, phục chế hiện vật giấy của Bảo tàng Ninh Bình

22/10/2019

Trong các hoạt động của bảo tàng, hiện vật giữ vai trò trọng tâm, tạo tiền đề, cơ sở vật chất ban đầu cho toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ khác. Không có hiện vật thì không có hoạt động bảo tàng theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, trong khi được lưu giữ, các hiện vật đều chịu sự tác động của môi trường tự nhiên và xã hội như ánh nắng, nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, vật phá hoại…đặc biệt là các hiện vật giấy bởi đó là chất liệu dễ bị “tổn thương” nhất theo thời gian. Do đó, các hiện vật này cần phải được bảo quản, giữ gìn cẩn thận.

Bảo quản hiện vật nói chung, bảo quản hiện vật giấy nói riêng bao gồm: Tổ chức kho bảo quản; Bảo quản phòng ngừa; Bảo quản trị liệu; Tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ bảo quản. Nhiệm vụ này được lãnh đạo Bảo tàng Ninh Bình phân công cho phòng Sưu tầm – Kiểm kê thực hiện. Cho đến nay, kho cơ sở của bảo tàng đang lưu giữ 4.428 hiện vật giấy. Những hiện vật này đã được cán bộ phòng Sưu tầm – Kiểm kê tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ, tổ chức kho bảo quản và sắp xếp ngăn nắp trong các tủ chống ẩm với nhiệt độ thích hợp, đảm bảo điều kiện tốt nhất để hiện vật không bị tác động bởi môi trường.

Cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Ninh Bình đang tác nghiệp trong công tác bảo quản, phục hồi hiện vật giấy

Trong số những hiện vật giấy được lưu giữ tại bảo tàng, có những hiện vật giấy niên đại hàng trăm năm như những sắc phong thời Tây Sơn, thời Nguyễn, những giấy tờ hành chính thời Pháp thuộc… Trải qua thời gian, những hiện vật này khi được sưu tầm về bảo tàng đến nay đã ở trong tình trạng rách nát hoặc ố vàng cần phải có chế độ chăm sóc, bảo quản đặc biệt, đồng thời phục chế để chúng trở lại gần nhất với tình trạng ban đầu.

Năm 2019, thực hiện kế hoạch công tác năm, phòng Sưu tầm – Kiểm kê tiến hành đợt rà soát và phục chế các hiện vật giấy ở tình trạng xuống cấp trầm trọng. Phòng đã chọn ra 230 hiện vật với 498 tờ để tiến hành phục chế. Từ ngày 17 – 28/6/2019, các cán bộ phòng Sưu tầm – kiểm kê đã thực hiện công tác bảo quản và  phục chế số lượng hiện vật giấy nêu trên. Đây là những hiện vật chủ yếu từ thời Nguyễn hoặc thời Pháp thuộc, trong đó, hiện vật giấy có niên đại sớm nhất là sắc phong cho tri huyện Đinh Huy Đạo xã Ngọc Động, huyện Gia Viễn từ năm Quang Trung thứ 3 (1790). Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật có giá trị như sắc phong thờ thần Vệ đại tướng quân xã Đô Quan, huyện Vọng Danh (nay thuộc Ý Yên, Nam Định) từ năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793); Sắc phong thờ Bố Cái Đại Vương xã Thanh Quyết, huyện Gia Viễn năm Minh Mệnh thứ 5 (1824); Bút tích của cụ Vũ Phạm Khải; Hồ sơ vụ án Tạ Uyên và hơn 100 tờ cung dưới thời Pháp thuộc…

Công việc được tiến hành nghiêm túc và tỉ mỉ với nguyên tắc đưa hiện vật về gần nhất với trạng thái ban đầu và gìn giữ các hiện vật trong tình trạng càng ổn định càng tốt. Các hiện vật sau khi được lấy ra từ kho bảo quản đã được cán bộ bảo tàng bồi một lớp giấy dó mỏng vừa phải, có màu gần giống màu của hiện vật vào những chỗ bị rách. Sau một thời gian, khi hiện vật đã khô và những chỗ rách được bồi, cán bộ bảo quản hiện vật trong túi zip và đặt vào tủ chống ẩm, sắp xếp theo thứ tự số kiểm kê và số phân loại.

Công tác bảo quản và phục chế những hiện vật giấy này là việc làm quan trọng và cần thiết, góp phần kéo dài tuổi thọ của hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và đảm bảo các hiện vật sẽ được trao truyền cho thế hệ tương lai trong tình trạng tốt và an toàn.

Lê Thị Vân Trang