Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Kết quả thực hiện nếp sống văn minh lễ hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

23/12/2019

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 225 lễ hội, các lễ hội diễn ra tập trung trong thời gian từ đầu tháng 01 đến hết tháng 03 âm lịch (155 lễ hội). Hầu hết các lễ hội có quy mô nhỏ, thời gian tổ chức lễ hội ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày), phần nghi lễ và các hoạt động hội gọn nhẹ, số người tham dự ít, chủ yếu là nhân dân trong địa bàn xã có di tích và lễ hội. Địa phương có nhiều lễ hội nhất là huyện Yên Mô (61 lễ hội), lễ hội tiểu biểu thu hút nhiều lượt khách tham quan, chiêm bái là Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Chùa Bái Đính, Lễ hội Tràng An, .... 100% các lễ hội được tổ chức đều làm thủ tục thông báo tổ chức lễ hội đến cấp có thẩm quyền. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 được tổ chức trang trọng, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng linh thiêng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.

Nghi lễ rước nước trên sông Hoàng Long tại Lễ hội Hoa Lư

Có được những kết quả đó là nhờ công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quan tâm, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực và phối hợp đồng bộ trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác tuyên truyền về tổ chức lễ hội được thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố cùng với chính quyền địa phương cơ sở đã triển khai thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền: cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn, … qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội. Hướng dẫn Ban Tổ chức các lễ hội, Ban Quản lý các di tích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và lễ hội, không có lễ hội nào có hoạt động lễ, hội mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống các hoạt động lợi dụng lễ hội để trục lợi, vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn; tuyên truyền, phổ biến chủ trương về việc không để hoạt động ăn mày, ăn xin làm mất mỹ quan tại các lễ hội.

Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp đồng bộ trong công tác tổ chức lễ hội, tiêu biểu như:

Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai các phương án đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh trật tự” đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chữa cháy tại các di tích và lễ hội 2019, trong đó trọng tâm là khu vực chùa Bái Đính, khu vực Quần thể danh thắng Tràng An; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình tổ tự quản dịch vụ kinh doanh, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện rà phá bom mìn, phòng chống, xử trí các tình huống liên quan đến sự cố hóa chất độc, phóng xạ, khủng bố, cháy nổ tại khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội lớn thu hút nhiều du khách chiêm bái.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện thu gom người tâm thần, lang thang cơ nhỡ, ăn xin, ăn mày tại các lễ hội và các khu, điểm du lịch, phân loại trả về địa phương quản lý hoặc đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh theo quy định, và vận động, tuyên truyền, ký cam kết không tái diễn.

Các ngành Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công thương chỉ đạo các đơn vị, địa phương và tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng … tại các địa bàn trọng điểm có đông du khách dự lễ hội và tham quan di tích, danh thắng.

Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Làm tốt công tác tham mưu với UBND cấp huyện chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản của đảng, nhà nước, Bộ VHTT&DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội ở địa phương thực hiện đúng quy định về tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương, UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội, tiếp nhận nội dung đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện hoặc cấp xã, trong đó tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền chủ trương, chính sách, các quy định hiện hành về tổ chức lễ hội, tuyên truyền về nguồn gốc, giá trị nội dung và ý nghĩa của lễ hội và di tích; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bảo vệ di tích, danh thắng; kiểm tra việc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện các quy định về tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Trong năm, Thanh tra Sở phối hợp với phòng chuyên môn đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các điểm di tích và lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; các hành vi mê tín dị đoan; các hoạt động cờ bạc trá hình, các hành vi nâng ép giá dịch vụ, ép khách mua hàng, chụp ảnh, lưu hành văn hóa phẩm trái phép,…

Người dân nô nức đón chào lễ hội đền Nguyễn Công Trứ

Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh thu được nhiều kết quả đáng kể. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chủ động thực hiện thông báo tổ chức lễ hội tổ chức theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2018 và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức hoạt động lễ hội từ khâu chuẩn bị, đến việc hành lễ, tổ chức các hoạt động phần hội công phu, nghiêm túc. Nghi lễ của lễ hội trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại hầu hết các lễ hội, đều xây dựng nội quy hoạt động, quy chế phối hợp, chỉ đạo và có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Tại các di tích tổ chức lễ hội đã xây dựng, lắp đặt nội quy bảo vệ, các bảng, biển chỉ dẫn; quy định hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã; không tiếp nhận hiện vật và các đồ thờ tự không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc vào di tích, tổ chức di rời linh vật lạ ra khỏi di tích và khuôn viên lễ hội; quy định nghiêm việc rước kiệu, ngự kiệu và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng gây ùn tắc giao thông; góp phần phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Tại các lễ hội đã bố trí nơi bán hàng và dịch vụ bảo đảm thống nhất; xây dựng nội quy hoạt động, quy chế phối hợp để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; thành lập các tổ tự quản, vận động các thành viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và địa phương về đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; có thái độ lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng; bố trí, sắp xếp, quản lý bãi đỗ xe hợp lý; bổ sung thêm các thùng rác, các công trình vệ sinh công cộng phục vụ du khách; hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý rác thải kịp thời trước, trong và sau lễ hội. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, công đức có mệnh giá nhỏ đúng nơi quy định. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng lợi. Ban Quản lý di tích đã bố trí bàn ghi, đặt hòm công đức khoa học, tạo điều kiện thuận tiện cho khách hành lễ; bố trí lực lượng gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Hiện tượng cài, đặt tiền lên tay tượng, phật, rải tiền xuống giếng …, đã giảm đi rõ rệt.

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Thái Vi (Nguồn Internet)

Tuy nhiên tại một số lễ hội vẫn còn tồn tại tình trạng trong quá trình hành lễ, người dân để tiền giọt dầu tràn lan trên ban thờ, giắt tiền vào đồ lễ, vào chân, tay tượng…, trang phục không phù hợp, xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội. Hiện tượng ăn xin, ăn mày, lén lút hoạt động xóc thẻ, xem tướng số, đổi tiền lẻ vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số diểm du lịch, di tích, lễ hội. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội nhiều nội dung chưa thực sự hợp lý, chưa triệt để, còn đơn điệu, chưa phong phú về nội dung, hình thức.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội ngành Văn hóa và Thể thao cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã và công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và Ban quản lý các khu du lịch, BTC lễ hội trong tổ chức thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Chú trọng công tác quảng bá, thuyết minh tuyên truyền với nhiều hình thức về giá trị văn hoá của di tích, lễ hội và các nhân vật được thờ phụng qua đó nhằm giữ gìn bản sắc truyền thống, giữ được không gian tôn nghiêm nơi thờ tự.

Ba là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội của các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong tổ chức lễ hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các lễ hội và khu, điểm du lịch./.

 

Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình