Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

23/12/2019

Thực hiện Nghị quyết lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa, XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 về nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở, Nghị quyết đã đề ra 07 nhiệm vụ và 05 giải pháp, giao UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, công tác phổ biến quán triệt thực hiện Nghị quyết 04-NQ/BCSĐ được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở và gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị Quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy Ninh Bình về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.

Trong năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của văn hóa, của việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị Quyết 04-NQ/BCSĐ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai.

Công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung như: nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn tỉnh; các tiêu chí, tiêu chuẩn trong xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa; các quy định thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các quy định trong hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường tự nhiên xanh - sạch – đẹp – an toàn, môi trường văn hóa lành mạnh; vận động nhân dân tham gia xây dựng các công trình văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu dân cư;  nêu gương người tốt việc tốt, mô hình tốt tại cộng đồng; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội có ảnh hưởng đến giá trị đạo đức, lối sống của gia đình, cộng đồng như lối sống thực dụng, vị kỷ, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, các biểu hiện hành vi lệch chuẩn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của đợn vị, địa phương: Sở Văn hóa và Thể thao, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình phối hợp thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bài viết, bài phỏng vấn tuyên truyền như: “Các vấn đề xã hội,” Đất và người Hoa Lư”, “Văn hóa và đời sống”, “Vui khỏe mối ngày”, “ Vì chất lượng cuộc sống”, chuyên mục “Vì sự phát triển bền vững – Xây dựng nếp văn hóa không có bạo lực gia đình, “Văn hóa văn nghệ”… Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang web, tạp chí, bản tin của Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thành phố cũng đã đưa nhiều tin, bài…, bắt kịp xu hướng tiếp nhận thông tin đa chiều, đa kênh của nhân dân và cán bộ. 8/8 huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn truyền thông về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở qua hệ thống truyền thanh 3 cấp và lồng ghép trong hoạt động của các đoàn thể chính trị tại cơ sở.

 

Thành phố Ninh Bình hôm nay (Nguồn Internet)

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với trọng tâm là triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên, tạo môi trường thuận lợi cho việc gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa tốt đẹp của quê hương. Hạn chế, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan văn hóa” đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến từng thành viên gia đình làm thay đổi hành vi, đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân,  năm 2019 có 88,97% gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” được triển khai rộng khắp, đã huy động được nội lực trong cộng đồng, nhân dân thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa. Kết quả: đến hết 2019 có 101/118 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”; 11/24 phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” và ước có 89,24% khu dân cư văn hóa. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay, toàn tỉnh ước đạt 77,51% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa.

Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai nhằm bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đến nay, số hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh là 1.679/1.679, đạt 100%. 

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phô trương, hình thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 6179/6185 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh (chiếm 99,9%), xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm cưới “6 không” trên địa bàn toàn tỉnh; có 4838/4838 đám tang thực hiện nếp sống văn minh (chiếm 99,41%). Nhìn chung việc tang lễ ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước của cơ sở và quy định của pháp luật. Công tác quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ nghĩa trang nhân dân được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm. Công tác quản lí lễ hội được quan tâm, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh, huyện như: Trung tâm văn hóa tỉnh; Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Bảo tàng; Thư Viện; Rạp chiếu phim; Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh và các huyện, thành phố; Trung tâm Văn hóa và Thể thao các huyện, thành phố…tiếp tục được tu sửa, chỉnh trang đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao cấp thôn được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” huy động sức mạnh toàn dân xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, đến nay, toàn tỉnh 141/145 xã có Nhà văn hóa đạt 97,2%, 145 Khu thể thao cấp xã; có 1.597 nhà Văn hóa dùng cho 1633 thôn/xóm/phố, nâng tỉ lệ số thôn/xóm/phố có nhà văn hóa đạt 97,3%; có 1.185/1.679 thôn, phố có khu thể thao đạt 70,58%. Trong đó, toàn tỉnh có 145 sân thể thao cơ bản, 670 sân cầu lông, 450 sân bóng đá, 70 sân quần vợt. Trong năm 2019 đã xây dựng mới 50 sân Bóng chuyền hơi.

Có thể nói rằng, việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao cấp thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống, là nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng ở khu dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn kết cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, rèn luyện nâng cao sức khỏe của đông đảo người dân.

 

Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2019 (nguồn Internet)

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Toàn tỉnh có 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa… Cùng với hoạt động văn hóa, văn nghệ, Nhà văn hóa, Khu thể thao là nơi thu hút người dân tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 29,7%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25,8%; có trên 650 câu lạc bộ TDTT cơ sở.

Việc tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân được phát triển sâu rộng. Năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì tổ chức thực hiện: 703 buổi chiếu phim phục vụ 151.290 lượt người xem, trong đó có 533 buổi chiếu phim lưu động phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào công giáo, các cơ quan, đơn vị chính sách; thực hiện luân chuyển 296.617 lượt sách báo; Bổ sung 5.997 bản sách mới, đưa xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện và thực hiện 30 buổi phục vụ học sinh, giáo viên và nhân dân tại địa phương; tổ chức 07 cuộc triển lãm ảnh, 03 cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền; tổ chức liên hoan ca khúc cách mạng tỉnh Ninh Bình năm 2019, mở 03 lớp hát chèo, hát văn, hát xẩm cho cơ sở, tổ chức liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh; tập luyện và biểu diễn 14 chương trình văn nghệ quần chúng và 129 buổi buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân; hướng dẫn 19 đơn vị tổ chức các hội diễn, hội thi, giao lưu văn nghệ; đón tiếp 338.878 lượt khách tham quan Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư và 17.170 khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

 

Hội thi Văn nghệ - Thể thao các xã nông thôn mới tỉnh Ninh Bình lần I (Nguồn Intetnet)

Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh từ trong gia đình, họ tộc đến cộng đồng góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong văn hóa, ứng xử, các cấp ngành, địa phương chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, dòng họ, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán góp phần gìn giữ những chuẩn mực giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua đó, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, các thành viên trong gia đình có ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống lành mạnh, cần kiệm trung thực, nhân nghĩa, có tinh thần tương thân, tương ái, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Giáo dục nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng. Tạo chuyển biến tích cực trong nếp sống văn hóa, ứng xử, trong giao tiếp trong cộng đồng.

Các cấp ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lí vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh, phòng dịch, an toàn thực phẩm tại cộng đồng. Thu gom, xử lí rác thải tập trung theo quy định, hạn chế tối đa việc xả rác bừa bãi, tập kết rác đúng giờ. Tuyên truyền, vận động hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường. Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình trồng cây xanh, xây dựng mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng, sáng - xanh - sạch - đẹp, như: mô hình “Sạch nhà - Đẹp đường - Xanh đồng ruộng” làm điểm tại huyện Hoa Lư; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình; mô hình “Vườn mẫu” tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh; Mô hình “Đường hoa phụ nữ”…Tất cả tạo nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các địa bàn dân cư.

Hội LHPN tỉnh tặng xô rác có nắp đậy cho các gia đình tham gia mô hình "Nhà sạch vườn đẹp" (Nguồn Internet)

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, có sự tham gia và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm từ cơ sở. Công an tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nâng cao nhận thức về âm mưu “Diễn biến hòa bình” và tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân tham gia quản lí giáo dục đối tượng trên địa bàn; thực hiện nghiêm Luật Quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các quy định của Nhà nước về quản lí sử dụng pháo, đèn trời, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Toàn tỉnh hiện có 35 mô hình phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc. Năm 2019, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện 10 mô hình phong trào đang phát huy tác dụng để phát huy thế trận an ninh trật tự vững chắc ngay từ cơ sở. Đội ngũ Công an cấp xã, bảo vệ thôn/xóm/phố, an ninh cơ sở, dân quân tự vệ thực hiện tuần tra khép kín địa bàn đảm bảo ANTT, đặc biệt là dịp lễ, tết, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Công an tỉnh đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ tại 145 xã/phường/thị trấn, 1684 khu dân cư và 35 trường học, 34 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ: có 126/145 đạt loại khá (đạt 86,9%); 19/145 đơn vị đạt loại trung bình (13,1%); loại yếu: không.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, đã đảm bảo được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở cơ sở. Tạo sự gắn kết trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể nói rằng, sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân nói chung và xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở nói riêng. Kết quả đó đã tạo ra nguồn lực tinh thần to lớn, thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân.

Vũ Thị Lý

Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình