Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

HIỆU QUẢ PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

22/10/2019

 Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.  

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Trung ương khởi xướng và phát động từ năm 2000 với 5 nội dung và 7 phong trào cụ thể. Những nội dung cơ bản của Phong trào là: Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; Thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường văn hóa; Xây dựng và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao; Xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh. Các phong trào, cuộc vận động cụ thể của Phong trào lớn này là: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Lao động, học tập sáng tạo và xây dựng người tốt việc tốt. Để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện Phong trào này, Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở được thành lập, với các thành viên gồm các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, trong đó, Ngành Văn hóa và Thể thao, Mặt trận Tổ quốc và Liên đoàn lao động là thành viên thường trực của Ban Chỉ đạo. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện và kết quả thu được của Phong trào và căn cứ vào nhiệm vụ được phân công phụ trách, hướng dẫn thực hiện hai tiêu chí: Tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa và Tiêu chí số 16 về Văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Văn hóa và Thể thao xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đó là yếu tố quan trọng đảm bảo để các địa phương hoàn thành 2 tiêu chí về Văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức thực hiện Phong trào gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp người dân nông thôn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Công tác Phong trào gắn với xây dựng, thực hiện hai tiêu chí 06 và 16 về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới của Sở Văn hóa và Thể thao trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả.

Thứ nhất: Trong tổ chức thực hiện Tiêu chí số 16 về Văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phương châm nâng cao chất lượng xét công nhận các danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

 Về phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tieu chí xây dựng gia đình văn hóa, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và vận động người dân tham gia thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ; cùng với đó tổ chức các hội thi, tọa đàm nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), thực hiện triển khai và nhân rộng Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình... từ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, đời sống kinh tế ổn định, có bước phát triển. Hàng năm, số lượng gia đình đăng ký thực hiện và được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa ở khu vực nông thôn được nâng lên. Tăng từ 167.022/208.170 (80,23%) vào năm 2013 lên 188.663/222.712 (84,71%) năm 2015, đạt 199.976/230.327 (86,82%) vào năm 2018.

Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Phong trào đã được người dân tích cực tham gia thực hiện huy động được nội lực trong cộng đồng, tạo diện mạo  mới trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các xã nông thôn mới. Năm 2011, có 935/1.370 (68,25%) khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, tăng lên 982/1.350 (72,74%) năm 2015 và đạt 1.222/1.355 (90,18%) năm 2018; có 90/118 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 76,27% năm 2018.

Thứ hai: Trong tổ chức thực hiện Tiêu chí số 06 về Cơ sở vật chất văn hóa, nhiệm vụ trọng tâm được Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thành phố xác định là tập trung chỉ đạo củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở bao gồm cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy và hoạt động đảm bảo đạt chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dân đẩy mạnh  phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, nâng cao thể chấ và đời sống tinh thần cho nhân dân. Từ sự chỉ đạo tập trung đó, với sự vào cuộc tổ chức thực hiện quyết liệt của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, của các tổ chức, doanh nghiệp đã hiến đất, đóng góp ngày công, tiền, các trang thiết bị, do đó, hệ thống thiết chế văn hóa ở thôn, làng tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm 2018, có 103/118 xã có Nhà Văn hóa (đạt 87,29%), có 97/118 xã có Khu Thể thao (đạt 82,2%); có 1.209/1.325 thôn có Nhà Văn hóa (đạt 91, 25%), có 962/1.325 thôn có Khu thể thao (đạt 72.6%). Để phát huy công năng, nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt nhà văn hóa các thôn, Sở Văn hóa và Thể thao tập trung chỉ đạo, biên soạn tài liệu hướng dẫn về tổ chức và hoạt động, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa xã, các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao của địa phương; tham gia giới thiệu các chuyên đề về xây dựng, tổ chức hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức. Các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện củng cố kiện toàn bộ máy, cán bộ, thành lập và tổ chức các loại hình đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, đồng thời hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã ngày càng phát huy hiệu quả, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của địa phương phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, trên 600 Câu lạc bộ TDTT. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 29,3%; Tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25,5%.

  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: việc tổ chức đánh giá, bình xét công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” tại một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng; Thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, cấp thôn ở một số địa phương chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất và hoạt động theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới Sở Văn hóa và Thể thao xác định để nâng cao hơn nữa chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể của Phong trào.

Hai là: Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Phát huy trách nhiệm và hiệu quả hoạt động và phối hợp hoạt động của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách, hướng dẫn thực hiện các nội dung của phong trào. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai tổ chức phong trào. Tổ chức xét công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình.

Ba là: Làm tốt công tác thu đua khen thưởng. Kịp thời biểu dương khen thưởng cán nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào. Coi trọng bồi dưỡng các nhân tố mới, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

Bốn là: Đẩy mạnh công tác xã hội, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất văn hóa, bổ sung trang thiết bị nhằm chuẩn hóa tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Năm là: Tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở, trong đó tập trung củng cố, phát triển các đội, nhóm văn nghệ, các câu lạc bộ thể dục, thể thao ở địa bàn dân cư; tăng cường tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, các giải thể thao, tăng cường đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”