Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

TIÊU CHÍ ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH: TÔN TRỌNG – BÌNH ĐẲNG – YÊU THƯƠNG – CHIA SẺ

19/11/2019

Gia đình là mái ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại cùng quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng làm cho cấu trúc gia đình Việt Nam có sự vận động, đổi thay. Gia đình Việt Nam đương đại xuất hiện nhiều vấn đề như hiện tượng ly hôn, ly thân, kết hôn với người nước ngoài…Các biểu hiện tiêu cực trong gia đình gia tăng, trong đó phải kể đến bạo lực gia đình ngày càng diễn biến phức tạp, liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo trong khi mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình cũng có nhiều vấn đề cần được lưu tâm, nghiên cứu… Những yếu tố này đều gây ảnh hưởng tới tương lai của gia đình Việt Nam - nơi hình thành, nuôi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Những giá trị lớn lao mà gia đình truyền lại đó là cách ứng xử tôn trọng – bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Cũng nhờ báu vật ứng xử này mà gia đình có được tình yêu truyền đời, đầy tình thương bao la, lòng vị tha nhân ái, đức hi sinh cao cả, khả năng duy trì nòi giống mãnh liệt và sức lao động sáng tạo bền bỉ diệu kỳ.

(Nguồn: Internet)

Trong gia đình, việc các thành viên biết tôn trọng nhau đó là yếu tố ứng xử đầu tiên. Ngay từ khi yêu nhau, trong quá trình cảm hóa và chinh phục trước cả lúc hôn nhân, cặp nam nữ đã biết thể hiện  và cần có sự tôn trọng lẫn nhau rồi. Sự tôn trọng ấy thể hiện thái độ trân trọng, tin tưởng trọn vẹn ở người bạn đời của mình. Sự tôn trọng trong tình yêu ấy đã đưa đến tình chồng vợ và một gia đình mới ra đời trong sự tôn trọng nhau của đôi bên gia đình hai họ. Nếu trong tình yêu ban đầu có sự tôn trọng, thì khi thành vợ chồng, khi có con cái và chung sống với ông bà cha mẹ nữa thì sự tôn trọng ở mỗi người sẽ phải nhân lên gấp nhiều lần.

Tôn trọng là một đức tính quý giá, không thể ngay một lúc mà có được. Nó được hình thành từ trong tính cách và thái độ ứng xử biết mình biết người. Người biết tôn trọng trong gia đình phải là người tự tin và tự tin nhưng không sa vào tự cao tự đại và để thiếu đi lòng tự trọng cần thiết. Giữ gìn tự trọng trong ứng xử gia đình là tối cần thiết để duy trì từ ngọn lửa hạnh phúc, mãi ấm áp tỏa sáng.

Gia đình là tế bào xã hội đồng thời lại là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong gia đình phải có tôn ti trật tự theo huyết thống gia tộc, theo thứ tự tuổi tác và theo trình độ vốn sống, sự hiểu biết để tôn trọng nhau cho đúng vai đúng vế, cho hợp lẽ phải.

Tiêu chí ứng xử tôn trọng trong gia đình ở rất nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc thể hiện đậm nét qua phong tục, tập quán. Sự tôn trọng về tuổi tác là kính già – yêu trẻ. Đi hỏi già về hỏi trẻ. Người già là cây cao bóng cả được mọi người tôn kính, được tin yêu, được nghe lời, được chăm sóc tốt nhất từ miếng ăn đến giấc ngủ và sự dưỡng lão cần thiết, tốt nhất trong gia đình. Ngược lại trong gia đình những thành viên ít tuổi cũng nhận được nhiều hơn sự tôn trọng khi được chăm sóc dạy dỗ, nâng niu chiều chuộng đúng mức để khôn lớn trưởng thành.

Trong gia đình, sự tôn trọng nghề nghiệp, sở thích đam mê, học vấn, những hạn chế về sự hiểu biết của nhau cũng cần được tôn trọng đúng mức. Xúc phạm người thân trong gia đình là lỗi lầm khó có thể tha thứ vì nó đi ngược lại sự tôn trọng cần thiết trong đời sống hôn nhân, sự động chạm khơi gợi vào nỗi đau, lòng trắc ẩn, sự bất hạnh, khuyết tật hay yếu đuối đều rất bất lợi cho người thân. Có không ít người đem sự yếu kém của quê quán, dòng họ, gia đình người thân ra để rỉa rói khi giận dữ, hoặc cười cợt khi bông đùa là rất phản cảm. Vô tình họ đã làm tổn thương, hạ nhục người thân trong gia đình mình.

Bình đẳng là tiêu chí cần thiết đảm bảo cho gia đình hạnh phúc. Gia đình từ hai tới nhiều thành viên có từ 1 đến 3 thế hệ. Có gia đình tới 4 thế hệ chung sống gọi là tứ đại đồng đường. Trong điều kiện đó các thành viên gia đình chung sống bình đẳng sẽ tạo cho tổ ấm hạnh phúc, sự hòa đồng thoải mái. Mọi người được bình đẳng sẽ là động lực để phát huy vai trò cá nhân tham gia vào tổ chức cuộc sống gia đình tốt nhất có thể.

Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, là dĩ hòa vi quý, là quá trớn, lạm dụng không phân biệt người trên kẻ dưới, người già người trẻ, người yếu người khỏe, người sống tốt với người có sai lầm khuyết điểm. Bình đẳng được hiểu và vận dụng là sự cân bằng tương ứng giữa quyền lợi nghĩa vụ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình. Người gánh vác công việc làm tròn bổn phận của mình được phân công, người được chăm sóc hưởng đầy đủ những điều kiện mình được ưu đãi.

Ý kiến của một người được nhiều người lắng nghe, quan tâm đáp ứng. Công việc chung của gia đình mọi người cùng tham gia. Cách giải quyết các tình huống đối với các thành viên gia đình mang tính dân chủ, công khai, công bằng hợp lý, không thiên lệch, không để xảy ra ghen tị, suy bì, kèn cựa, mắc mớ. Người có lỗi biết nhận lỗi để sửa chữa. Người trong nhà có lòng vị tha, không chấp nhận thành kiến, phân biệt đối xử.

Trong gia đình ngày nay hiện tượng trọng nam khinh nữ đã ngày một hạn chế. Sự tôn trọng giới tính, bình đẳng giới đang trở nên phổ biến. Người phụ nữ được bình đẳng, được phát huy mọi sở thích khả năng để làm chủ gia đình và gánh vác công việc xã hội.Ngày nay, phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, họ thực sự được bình đẳng khi vừa lao động gia đình vừa tham gia vào lao động xã hội và nuôi dạy, tạo dựng nhân cách con cái. Vị thế phụ nữ gia đình được đánh giá cao ngang hàng với nam giới đó là bước tiến lớn của bình đẳng giới, bình đẳng trong gia đình.

Yêu thương là tiêu chí ứng xử số 1 trong quan hệ gia đình. Gia đình hình thành từ xuất phát điểm ban đầu là tình yêu. Khi đã nên duyên vợ chồng và sinh con thì tình thương trở thành báu vật của gia đình. Tình yêu thương là sự hòa hợp giữa cảm tính và lý tính, giữa cho đi và nhận lại, giữa trách nhiệm với thụ hưởng, giữa sự thiếu vắng với bù đắp để có được không gian hạnh phúc. Tình yêu thương là chất men say, chất kết dính diệu kỳ của mỗi gia đình. Nó trở thành thiêng liêng cao cả không gì có thể sánh bằng, không gì có thể đánh đổi. Đó là báu vật của hạnh phúc mà gia đình nào cũng sẵn có, không cần phải vay mượn. Là cội nguồn cho sức mạnh tình cảm sâu nặng và lòng thủy chung bền chặt keo sơn gắn bó mật thiết ở môi trường gia đình.

Cần xây dựng và phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình (Nguồn Internet)

Tình yêu thương gia đình đọng lại ở những cử chỉ thân ái, chăm sóc, chở che, cảm hóa, cảm mến nhau không ngừng nghỉ. Cho dù những lo toan gánh vác và trắc trở họ vẫn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương đã làm cho thành viên gia đình biết cảm thông, nhường nhịn, bỏ qua cho nhau những khiếm khuyết, thậm chí cả lầm lỗi mềm yếu và sẵn sàng hi sinh cho nhau đảm bảo để gia đình được hạnh phúc trọn vẹn.

Tình yêu thương gia đình còn bộc lộ ở khả năng tạo dựng không gian sống hạnh phúc. Đó là nơi chốn đầm ấm bình yên để sớm tối đi về, để vững vàng thủy chung và không bị sa ngã, lạc lối trước bao cám dỗ ngoài đời. Đó cũng là sự kiên trì cảm hóa, cảm mến nhau, khám phá chinh phục nhau bền bỉ khi luôn giữ trong tim ngọn lửa ấm và hình bóng của nhau. Tự nguyện dâng hiến, tự nguyện yêu thương, tự nguyện thỏa mãn nhu cầu của nhau như một lẽ tự nhiên của tạo hóa của đất trời ban tặng cho nhau.

Cuộc sống gia đình cần lắm sự chia sẻ, cảm thông động viên khích lệ. Chia sẻ ở đây dành cho cặp vợ chồng tâm tình, tâm tư và thông tin cho nhau những vấn đề đặt ra trong cuộc sống lứa đôi và mối quan hệ với những người xung quanh. Cũng có thể là những chia sẻ của mẹ cha với con cái hoặc con cái với cha mẹ về những điều cần phải bày tỏ trong mối quan hệ gia đình và xã hội liên quan. Với các gia đình sống chung nhiều thế hệ, việc sẻ chia giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, chắt và ngược lại cũng rất cần có để hiểu biết lẫn nhau giải tỏa những điêu chưa thông hiểu, tạo ra sự cảm thông đồng điệu.

Chia sẻ là bức thông điệp yêu thương bày tỏ nỗi niềm đó là thông báo cần thiết hoặc tiếp nhận những thông tin cần thiết để người thân hiểu rõ, hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề vướng mắc, những trăn trở băn khoăn, những gì cần giúp đỡ, hợp tác, giải tỏa, giải quyết tháo gỡ bức xúc trì trệ, ách tắc. Chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn thiếu thốn, những hẫng hụt về tình cảm về vật chất cũng trở nên cần thiết với các thành viên trong gia đình.

Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, đóng cửa tâm hồn, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc, hiện tượng này cha ông ta đã có câu thành ngữ rất chí lý: “Đồng sàng dị mộng”. Người trong một nhà nằm chung một giường nhưng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm lại rẽ về hai phía, lại xa cách một cách khủng khiếp. Cái hố sâu ngăn cách tình cảm ấy không dễ gì san lấp, xóa nhòa được. Chỉ có sự sẻ chia mới thoát ra khỏi cảnh đồng sàng dị mộng.

Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.

Tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc. Giữ bền sợi dây tình cảm, giữ mãi nguồn năng lượng hạnh phúc đó là nhờ có những tiêu chí ứng xử tôn trọng, bình đẳng yêu thương và chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa “yêu thương, tôn trọng, bình đẳng và chia sẻ” trong mỗi gia đình để gia đình thực sự là mái ấm, là nơi luôn “vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim trở về” bên những ngọn nến lung linh mang tên “Mái ấm gia đình”./.

 

Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình