Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

14/11/2019

Thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát huy truyền thống của quê hương Ninh Bình. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.

    Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thu hút mối quan tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Đó là phần việc không chỉ liên quan tới mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở mà còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tịch cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh, tiến bộ.

     Trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức phong phú, thông qua hoạt động chuyên môn của ngành Văn hóa và Thể thao, các đơn vị và địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa; những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; những mô hình điển hình tiên tiến,…Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được gắn với tuyên truyền “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở; đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là một tiêu chí để bình xét chấm điểm gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hàng năm và đưa vào nội dung tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào nội dung của các bản hương ước, quy ước. Đến nay toàn tỉnh có 1.679/1.679 hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

    Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bài viết…nêu gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay; phê phán những hành vi, biểu hiện tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan… Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang web, tạp chí, bản tin, trang fanpage, bảng điện tử tại trụ sở cơ quan, đơn vị đã đưa nhiều tin, bài, khẩu hiệu… về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bắt kịp xu hướng tiếp nhận thông tin đa chiều, đa kênh của cán bộ, nhân dân, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền được các huyện, thành phố quan tâm thực hiện, hàng nghìn tin bài tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp; tuyên truyền trực quan; các cuộc thi, hội diễn, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao; hoạt động giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ và sinh hoạt của các đoàn thể chính trị tại cơ sở đã góp phần tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

 

Đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh (nguồn Internet)

    Các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức, nhất là vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan đơn vị; tăng cường kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang. Qua đó, phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc chấp hành và vận động gia đình, người thân, nhân dân chấp hành các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực diễn ra trong xã hội.

Kết quả đạt được là cơ bản được thực hiện theo nếp sống văn minh. Cụ thể:

Về việc cưới, nhìn chung các đám cưới đều được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Các gia đình tổ chức lễ cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy ước, hương ước nơi cư trú, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương, sự tiến bộ chung của xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Các thủ tục trong việc cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; việc tổ chức ăn uống hạn chế, không kéo dài nhiều ngày, không lợi dụng đám cưới để trục lợi; tiệc trà thay tiệc mặn; không mời thuốc lá, hạn chế rượu bia. Tục lệ thách cưới về tiền mặt cũng như các vật chất khác đã giảm dần. Mô hình điểm cưới “6 không” đã được xây dựng, triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh: không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài (việc tổ chức ăn uống chỉ gói gọn trong gia đình, nội tộc); không hút thuốc lá và dùng thuốc lá tiếp đãi khách; không tổ chức đám cưới quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22h; không tổ chức hôn lễ quá 45 phút, không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia say; không vi phạm pháp luật an toàn giao thông trong quá trình đưa, đón dâu. Ở một số địa phương việc tổ chức cưới có một số nét mới như: tại nhiều xã, thị trấn đã bố trí được phòng đăng ký kết hôn có trang trí cờ, phông, khẩu hiệu và tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn trang trọng (huyện Yên Mô); chính quyền và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội ở cơ sở đứng lên cùng gia đình tổ chức lễ cưới tại trụ sở nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đảm bảo trang trọng vui tươi được nhân dân ủng hộ (huyện Hoa Lư, Yên Khánh); báo lễ tổ đường dòng họ, dâng hương tại các khu di tích, tượng đài, trồng cây xanh lưu niệm; ký cam kết với các nhà rạp và các đơn vị tổ chức sự kiện trong việc dựng rạp đúng theo quy định (thành phố Ninh Bình)...

 

Cô dâu, chú rể trồng cây lưu niệm tại nhà văn hóa thôn (nguồn Internet)

Về việc tang, việc tổ chức lễ tang trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn và các tổ chức ở thôn, xóm, phố. Các địa phương đã xây dựng được quy chế tang lễ, gắn với hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Nhìn chung việc tang lễ ở các địa phương đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với hương ước, quy ước của cơ sở và quy định của pháp luật. Các gia đình tang chủ đã thực hiện nghiêm thủ tục khai tử. Đa số các đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh, những biểu hiện mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu được hạn chế; khi tổ chức đưa tang không gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn nơi công cộng, đã chấm dứt việc rải tiền Việt Nam đồng, hạn chế việc rải tiền vàng mã trên đường đưa tang. Thực hiện việc tang đảm bảo vệ sinh và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các đám tang không để người chết quá 48 giờ, tỉ lệ các đám tang thực hiện điện táng, hỏa táng ngày càng nhiều (chiếm 23,79%). Việc cử hành tang lễ được tiến hành nghiêm trang, tổ chức phúng viếng ngắn gọn, đảm bảo trang trọng, hợp vệ sinh. Hạn chế việc tổ chức linh đình, ồn ào, không bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự công cộng. Hầu hết các đám hiếu thực hiện quy định về sử dụng nhạc tang hợp lý, phúng viếng trang trọng, thành kính. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở, Ban công tác mặt trận khu dân cư vận động các gia đình hiếu chủ hạn chế phúng viếng bằng vòng hoa, câu đối; khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển, sử dụng dịch vụ trợ táng, án táng phù hợp với điều kiện địa phương theo hướng văn minh, hợp vệ sinh. Việc sử dụng nhạc hiếu của đội bát âm tại gia đình tang chủ đảm bảo hợp lý, không treo loa trên cao, không mở nhạc hiếu quá to, quá giờ quy định. Nhiều nơi đã kế thừa và phát huy phong tục tốt đẹp của địa phương trong đám tang như: tự nguyện giúp đỡ gia đình tang chủ; không hút thuốc lá; không tổ chức ăn uống linh đình; tuần lễ tiết cho người quá cố chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc; tục cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết tang, cải táng diễn ra gọn nhẹ. Công tác quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ nghĩa trang nhân dân được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm. Đến nay, các xã, thị trấn có quy hoạch nghĩa trang nhân dân, công tác quy hoạch nghĩa trang của tỉnh đã cơ bản hoàn thành theo hướng bố trí xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt, riêng khu vực thành phố nghĩa trang có quy hoạch chung.

Tuy nhiên, trong thực hiện việc cưới, việc tang ở mỗi gia đình vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Ở nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn, không ít gia đình còn tổ chức việc cưới xin rất lãng phí, vụ lợi, ăn uống linh đình, tổ chức nhiều ngày. Ở nhiều nơi còn mời nhiều khách, dựng nhà bạt lấn chiếm đường giao thông, sử dụng loa đài âm thanh quá lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông,… Trong việc tang, vẫn còn tình trạng đốt nhiều đồ mã, rải tiền trên đường đưa tang. Một số nơi còn hiện tượng khóc thuê, xây lăng mộ phô trương, gây phản cảm… Một trong những nguyên nhân quan trọng của hạn chế nêu trên là do có nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, gây dư luận không tốt trong quần chúng.

Để tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, gắn với thực tiễn cuộc sống của người dân để nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình điểm, để mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.

Ba là, tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang lồng ghép vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bốn là, tăng cường hơn nữa vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó có việc cưới, việc tang. Thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Năm là, đầu tư xây dựng, sửa chữa, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để nhân rộng mô hình tổ chức đám cưới tại nơi sinh hoạt cộng đồng.

Sáu là, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phát hiện, phê phán đối với các hộ gia đình, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Có thể thây rằng, từ việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã góp phần từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, lãng phí... trong việc cưới, việc tang, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 28/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xây dựng xã hội ngày càng phát triển và văn minh.

 

Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình