Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Những kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

03/08/2021

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giữ vị trí hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư. Đời sống văn hóa cơ sở được coi là nền tảng của văn hóa, tạo dựng sự gắn bó sâu sắc giữa văn hóa với đời sống xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là bước đi đầu tiên trong công cuộc củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, nâng cao những thành tựu văn hóa hiện có và từng bước xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh Ninh Bình (Nguồn Internet)

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được bắt đầu từ việc tạo dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp – an toàn cho nhân dân. Song song đó là quá trình hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao; phát triển phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng (thôn, ấp, bản), tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, công tác tuyên truyền cổ động, công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, hoạt động nghệ thuật quần chúng, công tác sưu tầm, khai thác và bảo vệ di sản văn hóa... Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng đồng nghĩa với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tạo dựng một lối sống văn minh, lịch sự, những phong tục, tập quán tốt đẹp, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với trào lưu văn hóa tiến bộ của nhân loại; để phát triển con người toàn diện cả về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.

Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với các thách thức như bước vào giai đoạn già hóa dân số; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên; dịch bệnh; biến đổi khí hậu và các vấn đề về an ninh phi truyền thống, Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phục vụ tích cực cho việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần phải: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, cấp uỷ Đảng và các cấp phải trực tiếp chỉ đạo, chính quyền các cấp là người tổ chức thực hiện, ngành Văn hóa và Thể thao tham mưu tổ chức thực hiện và có sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể; đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông; thực hiện đồng bộ giữa truyền thông về cơ chế, chính sách với tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho người dân hiểu, chia sẻ, tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống mới; dùng dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi cá nhân, phê phán cái xấu, cái ác, tuyên dương người tốt việc tốt và định hướng thông tin; hưởng ứng tích cực, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống, thụ hưởng các thành quả phát triển văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, thống nhất, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp; gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Trong những năm qua, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung và phong trào TDĐKXDĐSVH nói riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từng bước phát triển và trở thành phong trào rộng lớn, có sức lan toả và thu hút toàn xã hội tham gia; góp phần làm lành mạnh môi trường văn hoá ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hoá được tăng cường; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; khả năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về văn hóa, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn mới đã có sự chuyển biến tích cực. Vai trò của hệ thống chính trị trong việc xây dựng đời sống văn hóa được phát huy, các mục tiêu, chỉ tiêu văn hoá được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch thực hiện của chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở. Nhiều cơ chế chính sách phát triển văn hóa của tỉnh được ban hành và thực hiện có hiệu quả. Các ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đều vào cuộc, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến được triển khai rộng rãi trên mọi lĩnh vực, gắn với phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, đoàn thể; được nhân dân hưởng ứng, thi đua sôi nổi trở thành nét đẹp trong đời sống thường nhật, tạo ra những hạt nhân tích cực, tạo động lực tinh thần trong việc giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp đã tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục lan toả, cổ vũ mọi người tham gia phong trào thi đua yêu nước. Phong trào đã góp phần thúc đẩy xây dựng tư tưởng chính trị trong quần chúng nhân dân, tạo dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật truyền thống (Nguồn Internet)

Theo báo cáo của ngành Văn hóa và Thể thao, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có: 256.269/286.879 (đạt 89,33%) hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.525/1.679 (đạt 90,83%) làng, phố đạt danh hiệu văn hóa; có 838/1.076 (đạt 77,88%) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; có 119/119 xã đăng ký và 106/119 (đạt 89,08%) xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 09 xã hoàn thành tiêu chí văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu; có 04 huyện được xác nhận đạt tiêu chí Văn hóa nông thôn mới, 01 thành phố được xác nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn hóa nông thôn mới; có 13/24 (đạt 54,17%) phường, thị trấn được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% làng, thôn, xóm, bản đã xây dựng, tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước.

Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được hiện tốt trong cộng đồng. Ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện đi vào nề nếp. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội luôn được quan tâm triển khai thường xuyên trong cộng đồng, góp phần tạo nên môi trường xã hội an toàn và lành mạnh cho sự phát triển về mọi mặt.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ngày càng được hưởng ứng sâu rộng. Các tổ, đội văn nghệ đã khai thác, phát huy tốt công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; quan tâm, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống cũng từ đó được bảo tồn, phát triển. Tiêu biểu có các mô hình: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (xã Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa…  Các môn tập luyện và thi đấu thể thao của đồng bào dân tộc ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, hấp dẫn: Bóng chuyền, bóng chuyền hơi, bóng đá, võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay… 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai, nhân dân tích cực ủng hộ thực hiện đã góp phần gìn giữ văn hóa địa phương. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kế thừa, bảo tồn và phát huy, hình thành nhiều sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch. Tiêu biểu là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, đang trở thành điểm đến của đồng bào cả nước và du khách quốc tế; khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương như: nghệ thuật hát Chèo, hát Trầu văn, Hát mo Mường, Hát đúm, Hát ru....

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường (Nguồn Internet)

Thực tế cho thấy, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả bền vững.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là cội nguồn để hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạn vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao./.