Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Lễ hội Hoa Lư năm 2019

22/10/2019

Từ ngày 13-15/4/2019 (tức ngày mùng 9 đến ngày 11/3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2019. Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc …Lễ hội gồm 2 phần

Phần lễ gồm 11 nghi thức: Lễ mở cửa đền; Lễ dâng hương; Lễ rước nước; Nghi thức Thượng Long; Lễ mộc dục; Lễ tiến phẩm; Lễ rước kiệu; Tế cửu khúc, Tế lễ cổ truyền của các đoàn tế nam quan, nữ quan, đồng quan; Lễ cầu Quốc thái dân an và lễ hội hoa đăng; Lễ tạ.

Phần hội tổ chức thành 6 nhóm nội dung: Khai mạc lễ hội; Các hoạt động văn hóa văn nghệ; Hội trại thanh niên; Các trò chơi dân gian; Các hoạt động thể thao; Các hoạt động thi trưng bày, triển lãm quảng bá du lịch, thương mại với tổng số 20 nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, hiện đại và các trò chơi dân gian như: múa rối nước, múa trống, biểu diễn cồng chiêng, chọi gà, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ, kéo co, thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi cắm hoa, thi nấu cơm nhanh, thi chèo thuyền khéo, thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày hiện vật về Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, quảng bá du lịch, các hoạt động thể thao giao lưu bóng chuyền, giải vật dân tộc… Đặc biệt, nét mới trong lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã phục dựng lại một số nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian đã bị thất truyền như: Lễ tế cửu khúc và Thi kéo chữ “Thái Bình." Việc phục dựng lại các hoạt động này được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Đây cũng là cơ hội giúp cho thế hệ trẻ hiểu được lịch sử cũng như khát vọng hòa bình, quốc gia thịnh vượng, ấm no đã có từ thời ông cha xưa, để thế hệ con cháu đời sau cần phát huy và giữ gìn.

Lễ hội là dịp để tri ân công đức với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc. Ngày 10/3 năm 968, trên vùng đất Trường Yên, Hoa Lư lịch sử, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, chọn Hoa Lư làm kinh đô, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Sự kiện này được coi là sự nối tiếp quốc thống các vua Hùng dựng nước. Tiếp tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành và triều đại nhà Lê đã cùng với quân và dân cả nước phá Tống bình Chiêm xây dựng nước Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh.

Hoạt cảnh về hai vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn và cố đô Hoa Lư.

Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển với 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý. Kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, lưu dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng, sáng mãi với tên tuổi của 3 con người, ba cuộc đời kiệt suất Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, để đến năm 1010, tại mảnh đất này, Vua Lý Thái Tổ đã tuyên chiếu rời đô về Đại La, Thăng Long, Hà Nội ngày nay, tạo vận hội mới cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hằng năm, là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo tồn lưu giữ được những giá trị văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tạo tiền đề cho những bước phát triển rực rỡ của đất nước hôm nay.

Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới./.

 

 

 

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI HOA LƯ NĂM 2019

Lễ hội Hoa Lư 2019 được tổ chức trong 03 ngày, từ 13/4/2019 đến ngày 15/4/2019 (tức ngày 9 đến ngày 11/3 âm lịch). Riêng Lễ cầu Quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng được thực hiện vào tối ngày 10/4/2019 (tức ngày 6/3 âm lịch) và Lễ mở cửa đền thực hiện sáng ngày 12/4/2019 (tức ngày 8/3 âm lịch).

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, các hoạt động của lễ hội, bao gồm:

I. Phần Lễ

1. Lễ mở cửa đền:

- Thời gian: 8h00' ngày 12/4/2019 (tức ngày 08/3 âm lịch).

- Địa điểm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ.

2. Lễ Rước nước:

- Thời gian: Từ 5h30’ - 8h00’ ngày 13/4/2019 (tức ngày 09/3 âm lịch).

- Địa điểm lấy nước: Giữa sông Hoàng Long (cửa Đại Hoàng xưa)

Vào lúc 8h00”, khi đoàn rước nước về sân Lễ hội tập kết dự lễ Thượng Long. Sau khi dự lễ Thượng Long xong, Đoàn rước nước, kiệu nước, kiệu quả và 03 kiệu của xã Ninh Giang về tập kết tại sân rồng đền Vua Đinh để làm lễ rước nước vào đền; các kiệu hoa quả, kiệu võng và 02 kiệu xã Ninh Xuân tập kết tại sân rồng Đền Vua Lê để làm lễ rước hoa vào.

3. Nghi thức Thượng Long:

-Thời gian: Tiếp nối khi Đoàn rước nước về đến sân Lễ hội.

- Địa điểm: Sân Lễ hội.

4. Lễ dâng hương

- Thời gian: 7h30’, ngày 13/4/2019 (tức ngày 09/3 âm lịch)

- Địa điểm: Sân rồng đền thờ Vua Đinh - Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ.

5. Lễ Mộc dục

- Thời gian: 8h30’- 9h30’, ngày 13/4/2019 (tức ngày 09/3 âm lịch) (thực hiện sau khi lễ Thượng Long hoàn tất).

- Địa điểm: Nội cung đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng - Vua Lê Đại Hành.

6. Lễ rước kiệu

- Thời gian: 9h00’, ngày 13/4/2019 (tức ngày 09/3 âm lịch)

- Địa điểm: Sân Rồng 2 đền thờ Vua Đinh, Vua Lê.

7. Lễ Tiến phẩm

- Thời gian: 9h30’- 10h30’, ngày 13/4/2019 (tức ngày 09/3 âm lịch).

- Địa điểm: Nội cung đền thờ Vua Đinh - Vua Lê.

8. Tế lễ cổ truyền

- Thời gian: Từ 14h00’ ngày 13/4/2019; Từ 7h30’đến 17h00’ các ngày 14, 15/4/2019 (ngày 9,10,11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Sân rồng Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành.

9. Tế Cửu khúc nam nữ

- Thời gian: 20h00’, các ngày 13, 14/4/2019 (tức ngày 09, 10 tháng 3 âm lịch).

- Địa điểm: Sân Rồng đền thờ Vua Đinh.

10. Lễ tạ

- Thời gian: 17h00' ngày 15/4/2019 ( tức ngày 11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ.

II. Phần Hội

1. Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2019

-Thời gian: 20h00’ ngày 13/4/2019 (ngày mùng 9 tháng 03 âm lịch).

- Địa điểm: Sân Lễ hội, Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư.

2. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Bao gồm: Giao lưu nghệ thuật quần chúng; Hội trại Thanh niên; Chiếu phim; Biểu diễn vở chèo: Người con của Vạn Thắng Vương; Rối nước; Biểu diễn múa trống và cồng chiêng; Biểu diễn trống nhảy... được tổ chức trong các ngày diễn ra lễ hội

- Thời gian: Ngày 13, 14, 15/4/2019 (ngày 09, 10, 11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Tại sân Lễ hội Hoa Lư.

3. Các trò chơi dân gian

Bao gồm: Tổ tôm điếm; Thi Cờ người; Thi Chọi gà

- Thời gian: Ngày 13, 14, 15/4/2019 (ngày 09, 10, 11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Tại sân Lễ hội Hoa Lư.

4. Các hoạt động thể thao

Bao gồm: Giao lưu Bóng chuyền; Giải Vật dân tộc tỉnh Ninh Bình 2019

- Thời gian: Ngày 13, 14, 15/4/2019 (ngày 09, 10, 11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Sới vật khu vực Lễ hội.

5. Các hoạt động thi, trưng bày, triển lãm, quảng bá

Bao gồm: Thi và trưng bày Mâm ngũ quả tiến vua; Thi kéo chữ “Thái Bình”; Thi Thư phá; Thi Chèo thuyền khéo; Trưng bày hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”; Trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công, truyền thống và đặc sản tiêu biểu của tỉnh; Hoạt động quảng bá du lịch.

- Thời gian: Ngày 13, 14, 15/4/2019 (ngày 09, 10, 11/3 âm lịch).

- Địa điểm: Tại sân Lễ hội Hoa Lư.

Hương Thu