Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Kết quả trọng tâm của ngành văn hóa - thể thao sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”

20/07/2020

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 46-CT/TW), trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành và các đoàn thể tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường đấu tranh chống các các sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, các tệ nạn xã hội và các âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa của các thế lực thù địch trong và ngoài nước một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Sự nghiệp văn hóa có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy.

    Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội và những ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sở đã chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu như: Lồng ghép thông qua các hoạt động chuyên môn, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, trưng bày triển lãm, thể dục thể thao…; tuyên truyền, phổ biến cho đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng... thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phổ biến cho các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao nắm bắt được nội dung các quy định của pháp luật liên quan đến ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của mình; tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của Sở. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành cần coi trọng công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội, cảnh giác với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

    Các đơn vị thuộc Sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về công tác đấu tranh chống các sản phẩm văn hóa độc hại. Trong 10 năm qua, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh đã tổ chức 5.190 buổi chiếu phim lưu động miễn phí phục vụ nhân dân các xã, phường, thị trấn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào trước, trong và sau mỗi buổi chiếu phim. Trong giai đoạn 2010 - 2020, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 1.053.753 lượt sách báo cho các thư viện cơ sở, thư viện trường học, thư viện trại giam, trường giáo dưỡng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhà hát Chèo Ninh Bình đã tổ chức nhiều chương trình ca múa nhạc đặc sắc phục vụ nhân dân và phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh; dàn dựng được nhiều tiểu phẩm, vở diễn tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các vấn đề về xây dựng nông thôn mới; phê phán thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức trưng bày tuyên truyền tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày lưu động các tài liệu, hiện vật được sưu tầm phản ánh về lịch sử văn hóa, vùng đất và con người Ninh Bình qua các thời kỳ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thông qua các hoạt động của ngành văn hóa và thể thao đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, nhận thức rõ tác hại của các sản phẩm văn hoá phẩm độc hại, ngăn chặn, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.

Thư viện tỉnh tổ chức xe sách lưu động tới các trường học. Ảnh: Thư viện tỉnh

Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại thông qua các buổi chiếu phim lưu động. Ảnh: Trung tâm PHP và Chiều bóng

Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa cho các em học sinh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

    Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và gia đình, trong đó tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo chuyên ngành tới cán bộ, công chức Sở, cán bộ làm công tác văn hóa cấp huyện, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức trong công tác quản lý, kiểm tra xử lý các sai phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao; tạo sự nhận thức đúng đắn trong việc kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình, đặc biệt là bài trừ và tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại.

Lớp bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và gia đình

    Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội; xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Phong trào tập trung đẩy mạnh phát triển về chất lượng của các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa được từ nông thôn tới thành thị… Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến từng thành viên gia đình làm thay đổi hành vi, lối sống, đạo đức, nhân cách của mỗi cá nhân; khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh... Đến cuối năm 2019 có 256.593/288.390 (đạt 88,97%) hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 1.521/1.679 (đạt 90,59%) làng, phố văn hóa; 818/1.058 (đạt 77,32%) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Toàn tỉnh có 118/118 xã đăng ký và 101/118 (đạt 85,59%) xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có 12/24 (đạt 50,00%) phường, thị trấn được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị.

    Cùng với các giải pháp thúc đẩy nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư củng cố xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa nâng cao đời sống tinh thần. Năm 2010, toàn tỉnh có 74/146 (đạt 50,68%) Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 986/1669 (đạt 59,08%) Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn. Đến hết năm 2019, con số này tăng lên đáng kể, có 142/143 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa (đạt 99%), có 145 Khu thể thao được sử dụng cho 135/145 xã, phường, thị trấn (đạt 93,1%); có 1.597 Nhà Văn hóa dùng cho 1.633/1.679 thôn, xóm, phố (đạt 97,3%); có 1.222/1.679 thôn, xóm, phố có Khu thể thao (đạt 72,8%). Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và chú trọng vào việc tổ chức hoạt động để phát huy được công năng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã góp phần thay đổi đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao cấp thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng ở khu dân cư, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn kết cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, rèn luyện nâng cao sức khỏe của đông đảo người dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người.

    Các lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân. Nghi lễ của lễ hội trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không tính bạo lực, phản cảm; phù hợp với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Hàng năm, UBND các huyện, thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức triển khai về công tác quản lí và tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; các hành vi mê tín dị đoan; các hoạt động cờ bạc trá hình, các hành vi nâng ép giá dịch vụ, ép khách mua hàng, chụp ảnh, lưu hành văn hóa phẩm trái phép… góp phần chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.

    Trong những năm qua, việc cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, tiếp nhận quảng cáo, biểu diễn cho các tổ chức, cá nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) thực hiện đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2010 đến nay, Sở đã tổ chức thẩm định, cấp phép hoạt động cho 321 cơ sở kinh doanh karaoke; 01 vũ trường, 794 văn bản cho phép quảng cáo, 207 giấy phép và văn bản cho phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật… Cùng với việc thẩm định, cấp phép các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật, Sở luôn quan tâm, chú trọng kiểm duyệt chặt chẽ nội dung các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các cuộc trưng bày, triển lãm… phục vụ các nhiệm vụ chính trị - văn hóa của đất nước và của tỉnh, không để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

    Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa: Trong những năm qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực ngành quản lý, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh và chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Thường xuyên phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, ngăn chặn xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, các vụ việc xảy ra được phát hiện và xử lý kịp thời, thủ tục xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng hành vi vi phạm; hậu quả do hành vi vi phạm gây ra được khắc phục kịp thời, góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự trong lĩnh vực văn hóa. Nhìn chung, các dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa công cộng chấp hành khá tốt các quy định của nhà nước, các đơn vị hoạt động kinh doanh karaoke hầu hết đều sử dụng các đĩa nhạc có tem, nhãn kiểm soát. Từ năm 2010-2019, Tranh tra Sở phối hợp với đội kiểm tra liên ngành về hoạt hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng tỉnh (gọi tắt là 814) tiến hành kiểm tra 87 cuộc, xử phạt với số tiền là 215.149.000đ, tịch thu 1.384 băng đĩa không tem nhãn để tiêu hủy theo quy định.

    Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như sau:

    Một là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với việc thực hiện các nội
dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XI
về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

    Hai là, triển khai lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm văn hoá độc hại thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên.

    Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc tẩy chay, phát giác và thông báo tới cơ quan chức năng để kịp thời loại bỏ các sản phẩm văn hoá độc hại, bảo vệ các giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

    Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hoá, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống, kiểm tra và xử lý các sản phẩm văn hoá độc hại./.

 

Phòng quản lý văn hóa