Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

BÀN VỀ ỨNG XỬ GIỮA CÁC MỐI QUAN HỆ CƠ BẢN TRONG GIA ĐÌNH

19/11/2019

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người. Sự tồn tại và phát triển của gia đình cho đến ngày nay chính là do các mối quan hệ, ứng xử và tương tác giữa các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt là mối quan hệ cơ bản của các thành viên trong gia đình, bao gồm: Vợ chồng; cha mẹ, ông bà và con, cháu; anh, chị, em. Mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa các thành viên là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Sau đây, chúng ta cùng bàn về cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình để có được một gia đình đầm ấm, sum vầy, hạnh phúc.

1. Ứng xử trong quan hệ vợ chồng

Trong gia đình, ứng xử giữa vợ và chồng là mối quan hệ cơ bản nhất giúp cho gia đình phát triển bền vững và hạnh phúc.

- Luôn nhớ rằng cả hai vợ chồng ai cũng là người quan trọng, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

- Hãy phá bỏ “CÁI TÔI” vì thực ra cái đó không quan trọng – hạnh phúc gia đình mới quan trọng.

- Người chồng cần tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng công việc gia đình với vợ nhiều hơn, tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, học tập, phát triển kinh tế, quan hệ gia đình, xã hội,… nhằm giải tỏa cho nhau những áp lực về tâm lý..

- Hãy chia sẻ việc nhà cùng nhau

- Hãy nói lời yêu thương, biểu lộ tình cảm theo cách riêng của mình vì những câu nói, lời động viên là cách thể hiện tình cảm tốt nhất.

- Không nói lời nói cay nghiệt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tạo sự tổn thương cho bạn đời và mất mát tình cảm, đôi khi khó nhìn mặt nhau. 

- Hãy tôn trọng cá tính của nhau vì vợ chồng là một đôi nhưng là hai cá thể, có khi rất tâm đầu ý hợp nhưng có khi có những khác biệt về vốn sống, sở thích.

- Hãy chủ động giải quyết mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhất, không để mâu thuẫn tích tụ lâu ngày. Hãy giải quyết mâu thuẫn của ngày hôm nay trước khi lên gường ngủ theo nguyên tắc hòa thuận, yêu thương, tôn trọng vì sự phát triển bền vững của gia đình.

- Hãy nói lời chân thành xin lỗi và đừng bao giờ lặp lại lỗi lầm đó.

- Hãy mở rộng tấm lòng và sẵn sàng tha thứ trên nguyên tắc hiểu và thương yêu nhau.

2. Ứng xử trong quan hệ cha mẹ - con

Trong suy nghĩ của người Việt, con cái là tài sản vô giá. Do đó, quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất thiêng liêng, bao hàm mối quan hệ sinh thành, dưỡng dục, là sự nối tiếp giữa hai thế hệ “Cha truyền, con nối”.

- Hãy tôn trọng con cái như một cá nhân có đầy đủ nhân phẩm và trách nhiệm.

- Hãy áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực thay vì đánh đập, đòn roi.

- Hãy là “người bạn lớn” của con để chia sẻ tâm tư và hướng dẫn con giải quyết những khó khăn thách thức trong đời sống.

- Hãy là gương cho con về ý chí rèn luyện, tu dưỡng để mình là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con.

- Hãy lắng nghe và cho phép con tham gia phát biểu, hỏi về những vấn đề liên quan đến bản thân và việc chung của gia đình.

- Hãy đối xử công bằng, không thiên vị, suy bì giữa các con. (con này hơn con kia và ngược lại)

- Hãy học cách kiềm chế trước những lỗi lầm của con.

- Nếu bố mẹ ứng xử chưa phù hợp, hãy tìm thời điểm thích hợp nói lời giải thích và xin lỗi.

Bố mẹ và con cái “hợp lực” để tạo ra sự đồng thuận, vui vẻ để tránh những xung đột, sự khác biệt trong quan điểm giữa hai thế hệ (Nguồn: Internet)

 

Cha mẹ không nên:

- Xúc phạm đến nhân phẩm, thân thể con (chửi rủa, nhục mạ, trừng phạt thân thể,…).

- Xâm phạm đến những vấn đề riêng tư của con cái, nhất là khi các con còn ở tuổi vị thành niên.

- Áp đặt, độc đoán; ngăn cấm các mối quan hệ xã hội của con mà không giải thích.

- Nói một đằng làm một nẻo, “Tiền hậu bất nhất”.

- Bỏ bê con cái: xao lãng, bỏ rơi, không nói chuyện, không dành thời gian cho con,

- Phân xử bất công bằng trong đối xử giữa các con

- Chiều chuộng quá mức, làm ngơ cho lỗi lầm của con.

3. Ứng xử trong quan hệ con cái – cha mẹ

Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục con cái. Con được nhận nuôi dù không sinh nhưng cha mẹ có công lao dưỡng dục. Không phân biệt con dâu, con rể,  vì vậy, làm con phải biết bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, thể hiện lòng hiếu kính chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Tùy theo tuổi nhỏ hay đã trưởng thành mà có những ứng xử cho phù hợp.

- Phải kính trọng bố mẹ thể hiện bằng việc làm, lời nói, cách đối xử…

- Phải chăm chỉ học tập và lao động phù hợp với lứa tuổi, giúp đỡ cha mẹ những công việc phù hợp.

- Phải thường xuyên thăm viếng, nói chuyện, hỏi han. Báo cho cha mẹ biết những việc vui mừng trong gia đình. Nếu ở xa nên gọi điện thoại thường xuyên

- Nên hỏi ý kiến cha mẹ trong những việc lớn, coi trọng ý kiến của cha mẹ. Mời cha mẹ chủ trì những việc quan trọng, thay mặt gia đình tiếp xúc với ông bà, họ hàng giúp cha mẹ chăm lo hương khói tổ tiên.

- Nên chăm sóc đời sống vật chất (tùy theo điều kiện), tinh thần khi cha mẹ tuổi cao.

- Nên chia sẻ, gánh vác công việc của đôi bên gia đình (nội, ngoại).

4. Ứng xử trong quan hệ ông bà - cháu

Quan hệ ông bà – cháu là mối quan hệ có tính chất tiếp nối của quan hệ cha mẹ - con. Bên cạnh sự thương yêu, kỳ vọng, những khác biệt về tuổi tác, quan niệm sống, đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi tạo nên giữa thế hệ ông bà với thế hệ cháu có những khác biệt nhất định. Điều kiện ngày nay, do xu hướng gia đình hạt nhân hóa, tốc độ di cư nhanh nên điều kiện ở gần, chăm sóc có phần suy giảm. Tuy nhiên, con cháu phải:

- Hiếu, kính đối với ông, bà thông qua lời nói lễ phép. Tùy điều kiện kinh tế có thể biếu quà, biếu tiền.

- Thường xuyên thăm hỏi, động viên và chia sẻ tâm tình vì người già thường có cảm giác cô đơn.

- Tham gia các sự kiện của gia đình, dòng tộc để ông bà thầy sự quan tâm của con cháu với người cao tuổi.

Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền (Nguồn: Internet)

5. Ứng xử trong quan hệ anh, chị, em

Ngày nay, mô hình gia đình đã thu nhỏ lại. Gia đình có ít anh chị em ruột hơn. Dù là mối quan hệ huyết thống hay được nhận nuôi, anh chị em trong gia đình, họ hàng đều cần được giáo dục cách ứng xử đoàn kết, thân ái. Anh chị em cần phải:

- Hòa thuận, thương yêu, chia sẻ trách nhiệm chung của gia đình như nuôi dưỡng ông bà, cha  mẹ, việc họ hàng, thân tộc.

- Tôn trọng đối với anh, chị, bao dung đối với các em, giữ gìn sự bình đẳng

- Tương hỗ với nhau, hướng dẫn nhau trong học tập, chia sẻ việc nhà theo khả năng (khi còn nhỏ), hỗ trợ nhau lúc khó khăn, đồng cảm chia sẻ nỗi đau thương, động viên tinh thần để gia đình cùng phát triển.

Ứng xử trong gia đình là hoạt động quan trọng góp phần thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng giáo dục và xã hội hóa con người. Thông qua hoạt động ứng xử, giao tiếp các thành viên gia đình, giữa gia đình và ngoài xã hội tạo nên nét văn hóa mang màu sắc của từng gia đình riêng và cũng qua đó tạo nên văn hóa cộng đồng, dân tộc. Ứng xử của các thành viên trong gia đình với các thành viên hay với các mối quan hệ khác ngoài xã hội là hình ảnh phản chiếu tấm gương gia phong của từng gia đình. Văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình Việt Nam ngày nay là sự kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp nhận các giá trị mới như bình đẳng, dân chủ phù hợp sự phát triển của thời đại./.

Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình