Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình

22/10/2019

Sinh thời, Bác Hồ rất bận với công việc chung, nhưng Bác cũng rất chăm lo đến đời sống thường nhật của nhân dân. Bác tổ chức các chuyến đi về các địa phương để làm việc và thăm hỏi cán bộ, nhân dân các tỉnh

   Cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình được vinh dự năm lần đón Bác về thăm và làm việc. Trong khuôn khổ bài viết này, xin được tóm tắt những lần Bác về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình; thống kê những địa điểm Bác đã đến thăm. Những hoạt động ghi nhớ, tưởng niệm và tri ân của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình với vị lãnh tụ kính yêu: Hồ Chí Minh.

   1. Những lần Bác về thăm Ninh Bình:

   - Ngày 13.01.1946, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Trên đường về thị xã Ninh Bình, Bác đã dừng lại thăm lớp huấn luyện của thanh niên ở đình thôn Thượng, xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh Buổi chiều, Bác lại dự buổi mít tinh với gần một vạn cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình tập trung tại khu vườn UBND tỉnh. Sau buổi mít tinh, Bác tiếp các thân hào, nhân sỹ yêu nước của tỉnh tại phòng họp gác hai trụ sở UBND tỉnh. Người kêu gọi các vị hãy giúp sức vào công việc chống đói, động viên con cháu đắp đê ngăn nước lụt, bảo đảm sản xuất. Bác cũng căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh cố gắng lãnh đạo nhân dân củng cố chính quyền thật vững mạnh tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

   - Ngày 10.02.1947, Bộ Canh Nông chủ trì Hội nghị Điền chủ tại nhà ông Quách Đình Hy ở làng Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Bằng uy tín của mình, Bác kêu gọi các điền chủ, thương gia ủng hộ kháng chiến tiền, gạo và giúp đồng bào tản cư. Sau đó, Bác đã thăm Tu viện Châu Sơn, gặp Giám mục Lê Hữu Từ và cùng trao đổi, thỏa thuận một số vấn đề về những mâu thuẫn của đồng bào giáo, lương ở Bùi Chu và Phát Diệm.

   - Ngày 14. 03. 1959, Bác về kiểm tra chống hạn ở Ninh Bình và xuống xã Khánh Cư, Yên Khánh thăm cánh đồng Chằm. Trên đường về thị xã Ninh Bình, Bác đã xuống tát nước cùng với bà con nông dân xã Ninh Sơn tại chân núi Cánh Diều, xã Ninh Sơn, huyện Hoa Lư (nay thuộc Thành phố Ninh Bình).

   Tại hội trường Tám Mái thị xã Ninh Bình, hơn hai nghìn cán bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình vinh dự đón Bác thăm và nói chuyện. Bác đã căn dặn cán bộ, nhân dân: "Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất, chúng ta cần phải thắng thiên tai".

   - Ngày 18.10.1959, Bác về dự Hội nghị sản xuất Đông xuân tỉnh Ninh Bình tại hội trường Nhà máy Xay Ninh Bình với hơn 1.300 đại biểu. Bác căn dặn cán bộ phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về hai con đường làm ăn cá thể và tập thể. Bác động viên cán bộ, nhân dân Ninh Bình đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, chăm lo xây dựng phát triển Đảng và đoàn thanh niên thật vững chắc.

   - Ngày 20.07.1960, Bác về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình. Bác đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo tại phòng làm việc của ban Giám đốc  Sau đó Bác được các đồng chí ở nông trường đưa đi tham quan các đối sản xuất, nhà ăn, nhà trẻ, khu chăn nuôi lợn, bò... Đến đâu, Bác cũng vui vẻ hỏi chuyện anh em công nhân và căn dặn phải tích cực sản xuất xây dựng nông trường ngày càng giàu mạnh.

2. Một số công trình tưởng niệm và tri ân Bác:

   2.1. Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tại Khánh Cư:

   Đền được xây dựng ở khu trung tâm xã (gần trụ sở UBND xã), trên khu đất thoáng đãng và rộng rãi. Khuôn viên của đền nằm trọn trên một hồ nước rộng 6.800m2 (nhân dân vẫn thường gọi là Ao cá Bác Hồ). Trông xa đền như đóa sen lớn nổi lên giữa một hồ sen rộng, bát ngát hương. Kiến trúc đền bằng vật liệu bền vững: Bê tông thép, nhưng làm kiểu hai tầng tám mái. Một chiếc cầu cong nối dường vào với đền. Diện tích đền 40m2, chia thành ba gian. Gian giữa thờ Bác Hồ có tượng đúc bằng đồng cao 80Cm, nặng 114 kg. Tượng Bác được đặt kính cẩn trên một tòa sen. Hai gian bên có hai tấm bia đá ghi danh 172 anh hùng liệt sỹ của xã đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

   Nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ, ngày 27/7/1997, chính quyền và nhân dân xã Khánh Cư long trọng tổ chức Lễ khánh thành đền thờ.

   2.2. Đền thờ Bác Hồ tại Khánh Phú:

   Năm 2000, chính quyền và nhân dân xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh long trọng khánh thành đền thờ Bác Hồ. Đền được xây dựng ngay sát đường Quốc lộ 10, trên khu đất rộng hơn 1.800m2. thuộc địa phận thôn Phú Tân. Cổng vào được xây dựng theo lối cuốn thư với các trụ biểu cao vút. Tiếp đến là khoảng sân rộng lát gạch. Đền được kiến trúc kiểu chữ nhị () theo lối kiến trúc truyền thống. Tòa bái đường rộng 80m2, chia thành 5 gian, 2 chái, là nơi tiếp khách và sắm sửa lễ vật trước khi dâng cúng. Tòa hậu cung rộng hơn 40m2, chia thành 3 gian. Gian giữa có ban thờ Bác Hồ, hai gian bên có hai ban thờ, ban phía trái thờ đồng chí Lê Duẩn, ban phía phải để trống(!). Trên ban thờ gian giữa có tượng Bác Hồ chế tác từ vật liệu đồng. Tượng Bác ở tư thế ngồi trân ghế, chân chữ ngũ, tay phải đặt nơi đầu gối, tay trái cầm cuốn sách, mắt nhìn thẳng, mặc bộ quần áo đại cán (loại áo có 4 túi), chân đi dép cao su. Toàn bộ kiến trúc đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền thống với hệ thống cột, kèo, xà... làm bằng gỗ, mái lợp ngói nam (ngói vảy).

   2.3. Khu di tích lưu niệm Bác Hồ tại Lạng Phong:

   Khu lưu niệm được xây dựng ngay chính trên khu đất thuộc trước kia gia đình ông Quách Đình Hy-nơi tổ chức hội nghị Điền chủ năm 1947. Khu lưu niệm tọa lạc tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, hướng tây nam, ngay sát Thị trấn Nho Quan. Diện tích Khu lưu niệm rộng khoảng hơn bốn nghìn mét vuông. Xung quanh có tường bao bọc bảo vệ, hướng bắc giáp đường, phía trước là hồ Sào Thượng quanh năm ngập nước, ba phía giáp các khu đất cư dân. Ngoài cùng là cổng vào được thiết kế kiểu nghi môn (có ba cửa ra vào, một cửa chính và hai cửa ngách hai bên), lộng tàn hai tầng mái. Qua khoảng sân có nhiều bồn hoa, cây cảnh là đến là một hồ nước rộng hình chữ nhật. Một khoảng sân lát gạch thất rộng là tới nhà bia tưởng niệm. Toàn bộ Khu lưu niệm được làm theo kiểu giật cấp, từ thấp đến cao dần. Nhà bia được thiết kế kiểu lộng tàn, cổ đẳng hai tầng tám mái, thông phong. Hệ thống cột gỗ gồm 4 cột cái và 8 cột quân. Mái lầu lợp ngói nam. Chính giữa lầu có bia đá. Chiều rộng bia: 1285cm, chiều cao (tính cả phền đế): 2120 cm, khắc chìm dòng chữ: “Nơi đây, ngày mùng 10 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về chủ trì Hội nghị Điền chủ, nhằm phát động điền chủ giúp đỡ đồng bào tản cư, ủng hộ phong trào "Toàn quốc kháng chiến". Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình”.

   Ngày 19/05/2012, nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành Khu lưu niệm.

   2.4. Tượng Bác Hồ tại Bảo tàng Ninh Bình:

   Kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1996, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ khánh thành và an vị tượng Bác Hồ tại Bảo tàng Ninh Bình. Tượng Bác được chế tác từ đá xanh nguyên khối, tư thế đứng, mặt nhìn thẳng về phía trước; mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi).Tayphải Bác ở tư thế co vuông ngang trước ngực, bàn tay cầm bao kính; tay trái để xuôi, bàn tay cầm mũ cứng, để ốp sát vào thân. Tượng Bác được tạc bán thân, phía dưới có khối đá cách điệu. Phía trước khối đá ở vị trí ngang chân Bác có khắc dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969" bằng chữ in hoa. Tượng cao: 291cm, bề ngang: 102cm, bề dày: 103cm. Tượng được đặt trang trọng trên một khối bê tông hình hộp vuông, mặt ốp đá màu đen.

   2.5. Tượng Bác tại Bảo tàng Tam Điệp: Tượng Bác được chế tác từ nguyên liệu bê tông cốt thép, ngoài phủ nhũ màu đồng. Tượng được mô phỏng tư thế Bác đang ngồi, chân vuông chữ ngũ, ngồi trên bệ.Tayphải Bác để nơi đùi, co ngang ngực, bàn tay cầm gậy trúc; tay trái đặt lên cánh tay phải, bàn tay cầm điếu thuộc lá. Tượng Bác mặc áo sơ mi, bên ngoài khoác hờ chiếc áo đại cán (loại áo có 4 túi) trên vai. Mắt Bác sáng, nhìn thẳng về phía trước. Chân Bác đi đôi dép cao su. Bên cạnh, phía phải có chồng sách bốn cuốn. Phía dưới tượng có trang trí cánh sen cách điệu xung quanh, tạo thành đài sen phủ kín đế tượng. Bệ làm kiểu giật hai cấp. Chính giữa bệ cấp thứ hai kể từ dưới lên có nhấn chìm dòng chữ màu vàng theo kiểu lối chữ in hoa: "Kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nông trường 20/7/1960". Năm 1985, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Nông trường Đồng Giao (25/12/1955-25/12/1985), Nông trường đã xây dựng khu tưởng niệm Bác và an vị pho tượng Bác ngay tại vị trí Bác đã đến thăm và làm việc với cán bộ, công nhân Nông trường. Năm 2010, Bảo tàng Tam Điệp được xây dựng trên cơ sở của Khu lưu niệm Bác của Nông trường Đồng Giao.

   Tượng cao: 310Cm, bề ngang: 90Cm. Tượng được đặt trang trọng trên một đài sen phủ nhũ màu vàng, bên dưới là khối bê tông hình hộp, mặt ốp đá màu xám.

   2.6. Tượng Bác tại huyện ủy Yên Mô: Tượng Bác được chế tác từ vật liệu composite, ngoài phủ nhũ màu vàng, đặt trang trọng trên một đài sen, dưới là bệ bê tông ốp đá xanh. Bốn mặt bệ trang trí bông sen cách điệu, chính giữa mặt bệ phía trước có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969".

   Tượng Bác được đặt trang trọng ở phía trước tiền sảnh trụ sở Huyện ủy Yên Mô. Đây là công trình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác kính yêu (19/5/2000).

   2.7. Tượng Bác ở UBND huyện Yên Mô: Tượng Bác được chế tác từ vật liệu đồng, đặt trang trọng trên bệ bê tông ốp đá xanh. Tượng Bác ở tư thế đứng, mắt nhìn thẳng, tay phải giơ lên cao, tư thế đang chào; tay trái khuỳnh ra phía sau, bàn tay cầm cuốn sách, mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi), quần âu, chân đi dép cao su. Bốn mặt bệ trang trí bông sen cách điệu, chính giữa mặt bệ phía trước có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969".

   Tượng Bác được đặt trang trọng ở khoảng sân rộng, cạnh trụ sở UBND huyện Yên Mô, phía trước Nhà Văn hóa huyện.

   2.8. Tượng Bác ở UBND xã Yên Thái, huyện Yên Mô: Tượng Bác được chế tác từ vật liệu đá xanh nguyên khối, đặt trang trọng trên bệ bê tông ốp đá xanh. Tượng Bác ở tư thế đứng, mắt nhìn thẳng, tay phải giơ lên cao, tư thế đang chào; tay trái buông xuôi, mặc áo đại cán (loại áo có 4 túi), quần âu, chân đi dép cao su. Chính giữa bệ có dòng chữ: " Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969". Tượng Bác được đặt trang trọng ở khoảng sân rộng, phía trước trụ sở UBND xã yên Thái,  huyện Yên Mô.

   Trên đây là một số di tích kiến trúc thờ Bác và một số tượng đài tiêu biểu. Ngoài ra, tại một số di tích kiến trúc cổ, nhân dân địa phương cũng lập bàn thờ Bác; các hội trường của các trường học, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công sở Nhà nước, tượng Bác được đặt ở vị trí trang trọng, thành kính nhất.

                                                                   Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình