Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại tại Ninh Bình

08/12/2021

Sáng 7/12, tại khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Temple Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại. Hội thảo được tổ chức tại 2 điểm cầu là tỉnh Ninh Bình và Đại học Temple Hoa Kỳ.

Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại tại Ninh Bình

Quang cảnh hội thảo.

Dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội thảo. 

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các Viện, Học viện, các tổ chức Hội, một số trường đại học, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân trong các CLB hát Xẩm... 

Dự tại điểm cầu Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội (Trường Đại học Temple Hoa Kỳ) có GS KimBerly, Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội; GS. Ngô Thanh Nhàn, Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội, thành viên Ban Tổ chức Hội thảo. Các học giả, các nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ thuật truyền thống ở các quốc gia: Hoa Kỳ, Australia, Columbia cùng theo dõi qua phòng họp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định, Ninh Bình là mảnh đất linh thiêng, đầy huyền tích, huyền sử, với bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm - nơi xưa kia là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam - nơi có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản thế giới với các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên.   

hội thảo

Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.

  

Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, các loại hình nghệ thuật đã được người dân Ninh Bình sáng tạo và phát triển từ rất sớm, với các làn điệu nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm... Nghệ thuật hát Xẩm đã có thời gian phát triển rộng ở vùng nông thôn châu thổ sông Hồng với nhiều phong cách khác nhau, mang đậm dấu ấn riêng của các vùng văn hóa như Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... 

Riêng tại vùng đất Ninh Bình - nơi nổi danh với nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu, với tiếng hát xuyên hai thế kỷ - hiện đang lưu giữ khoảng 20 làn điệu Hát Xẩm, trong đó có 8 làn điệu chính, biểu hiện các cung bậc, cảm xúc của con người, các sắc thái, chiều cạnh vui, buồn của đời sống xã hội.

Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm một cách bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022". 

Đề án có lộ trình thực hiện khoa học, quy mô, bài bản, phù hợp với thực tiễn và huy động được mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện. Hội thảo thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại lần này là một trong những nội dung quan trọng của đề án nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, từ đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hữu hiệu nghệ thuật này trong đời sống đương đại.

Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại tại Ninh Bình là dịp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật và các chuyên ngành khác có liên quan của Việt Nam và các quốc gia thảo luận, trao đổi những vấn đề khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo hát Xẩm trong đời sống đương đại.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân Việt Nam và quốc tế. Đã có gần chục bài trình bày, báo cáo, với gần 20 ý kiến thảo luận trực tiếp và trực tuyến, tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc, làm rõ các nhóm vấn đề quan trọng về nghệ thuật hát Xẩm. 

Trong đó tập trung vào 6 chủ đề trọng tâm, như nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Xẩm; Những đặc trưng và giá trị của nghệ thuật hát Xẩm; Sự tiếp nhận ảnh hưởng của các thể loại âm nhạc dân gian khác vào hát Xẩm và ngược lại; Những nghiên cứu, ứng dụng hát Xẩm trong giai đoạn hiện nay; Phân tích hiện trạng và nguyên nhân dẫn đến mai một nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống đương đại và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm.

Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, đáp ứng mục tiêu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi, đi đến nhận thức sâu sắc cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu lên những khó khăn, thách thức mà loại hình nghệ thuật này đang phải đối mặt, như môi trường diễn xướng dân gian truyền thống đang dần bị thu hẹp, đội ngũ nghệ nhân ngày càng thưa vắng, thị hiếu của công chúng có sự thay đổi… Qua đó, các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp mang tính gợi mở, định hướng thiết thực, như củng cố đội ngũ nghệ nhân, nghệ sỹ hát Xẩm; đa dạng hóa hình thức truyền dạy; thành lập kho lưu trữ tập trung và số hóa các bài hát Xẩm cổ; gắn kết hát Xẩm với phát triển du lịch...

Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại là diễn đàn học thuật để các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân trình bày, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, từ đó tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. 

Những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Bình, là cơ sở để tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, lan tỏa đến đông đảo nhân dân trong nước và trên thế giới. Thông qua kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, làm cơ sở trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng tới đề xuất cho Di sản một danh hiệu mang tầm quốc tế.

Hạnh Chi - Minh Quang