Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại

08/12/2021

(ĐCSVN) – Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại" là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và các quốc gia thảo luận, trao đổi những vấn đề khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống đương đại.

Ngày 7/12, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Trung tâm Triết học - Văn hóa và Xã hội (Trường Đại học Temple Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại".

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với 2 điểm cầu tại Ninh Bình (Việt Nam) và Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Đai học Temple (Hoa Kỳ). Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực hát Xẩm và văn hóa dân gian.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - báu vật dân gian của nghệ thuật hát Xẩm. (Ảnh: cand.com.vn) 

Hát Xẩm là một trong những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo có bề dày lịch sử hàng trăm năm, tồn tại ban đầu ở vùng đồng bằng trung du châu thổ sông Hồng, sau đó phổ biến trên phạm vi cả nước, trong đó có Ninh Bình - một trong những cái nôi của hát Xẩm và là quê hương của Nghệ nhân tài danh Hà Thị Cầu. Nghệ thuật hát Xẩm ngày nay đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ, lưu truyền và phát triển, trở thành món ăn tinh thần không chỉ ở vùng nông thôn mà cả thành thị và những đô thị lớn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đặc trưng của nghệ thuật hát Xẩm được quy định chặt chẽ bởi các yếu tố là chủ thể văn hóa, môi trường diễn xướng, hình thức diễn xướng, hệ thống làn điệu, nhạc cụ, văn chương và nghệ thuật diễn xướng.

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại” là diễn đàn học thuật để các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân trình bày, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, từ đó tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân Việt Nam và quốc tế. Trong đó tập trung vào 6 chủ đề trọng tâm, như: Nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Xẩm; những đặc trưng và giá trị của nghệ thuật hát Xẩm; sự tiếp nhận ảnh hưởng của các thể loại âm nhạc dân gian khác vào hát Xẩm và ngược lại; những nghiên cứu, ứng dụng hát Xẩm trong giai đoạn hiện nay; phân tích hiện trạng và nguyên nhân dẫn đến mai một nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống đương đại và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm.

Các báo cáo tham luận làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi, đi đến nhận thức sâu sắc cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu lên những khó khăn, thách thức mà loại hình nghệ thuật này đang phải đối mặt, như môi trường diễn xướng dân gian truyền thống đang dần bị thu hẹp, đội ngũ nghệ nhân ngày càng thưa vắng, thị hiếu của công chúng có sự thay đổi… Qua đó, các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp mang tính gợi mở, định hướng thiết thực, như củng cố đội ngũ nghệ nhân, nghệ sỹ hát Xẩm; đa dạng hóa hình thức truyền dạy; thành lập kho lưu trữ tập trung và số hóa các bài hát Xẩm cổ; gắn kết hát Xẩm với phát triển du lịch...