Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh: tích cực ứng dụng CNTT trong huấn luyện, đào tạo

31/08/2021

Trong thời đại công nghệ 4.0, vấn đề ứng dụng CNTT trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước luôn được đặc biệt quan tâm và là một trong những mấu chốt nâng cao hiệu suất công việc. Thời gian qua vấn đề này luôn được quan tâm và thực hiện một cách có hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: thời gian qua thực hiện sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên về nội dung xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Trung tâm đã tiến hành việc việc tuyên truyền nội dung này tới các cán bộ, nhân viên cơ quan, đồng thời khuyến khích các cán bộ, nhân viên cơ quan thực hiện ứng dụng CNTT trong các hoạt động, với mục tiêu nâng cao hiệu suất công việc. Hiện tất cả các công văn, văn bản đi và đến đều được trung tâm xử lý trên môi trường mạng, các văn bản, báo cáo của Trung tâm gửi Sở văn hóa và Thể thao đều thực hiện bằng hình thức chữ ký điện tử. Ngoài ra hoạt động huấn luyện, đào tạo tại các bộ môn cũng được các huấn luyện viên áp dụng công nghệ thông tin triệt để. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng bộ môn Bóng chuyền cho biết: “đối với bộ môn bóng chuyền việc quản lý các vận viên từ khi tạm tuyển cho tới khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp tham gia đội tuyển Quốc gia thì tất cả các thông tin về vận động viên từ nhân thân, các chỉ số về chiều cao, cân nặng, các tham số về kỹ thuật, thể lực hay kể cả những khen thưởng, kỷ luật...mỗi vận động viên đều được bộ môn lưu trữ và được thường xuyên cập nhật hàng tháng, hàng quý, năm. Các huấn luyện sẽ lấy đó làm các căn cứ lên giáo án huấn luyện, hay đưa ra các yêu cầu riêng về dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lịch tập luyện, tập huấn...cho từng vận động viên, nhóm vận động viên hay toàn đội.

 Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm chia sẻ thêm: Trung tâm khuyến khích các bộ môn áp dụng công nghệ thông tin trong công tác huấn luyện, căn cứ đặc thù từng bộ môn, trình độ đội ngũ huấn luyện viên và yêu cầu công việc mà mức độ áp dụng công nghệ thông tin khác nhau. Chẳng hạn có những bộ môn như Cờ vua, Cử tạ...các huấn luyện viên giỏi ngoại ngữ, thạo công nghệ thông tin nên có thể lên mạng tìm kiếm thông tin hoặc đọc các tài liệu nước ngoài, tham khảo các giáo án huấn luyện mới nhất, phù hợp nhất để đào tạo cho các vận động viên.

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ môn Cờ vua từng áp dụng các bài tập huấn luyện online. Tuy nhiên có những môn như vật dân tộc, võ, bắn cung, điền kinh...yếu tố thực hành cao nên các giáo án trên mạng chỉ mang tính tham khảo, việc áp dụng công nghệ thông tin chủ yếu ở góc độ quản lý dữ liệu cá nhân các vận động viên, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu ở góc độ tính toán các chỉ số kỹ thuật, các thiết bị kỹ thuật phụ trợ trong quá trình tập luyện và thi đấu... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc ở các phòng, ban của Trung tâm ở các mức độ khác nhau nhưng một điều không thể phủ nhận là nhờ việc ứng dụng này mà hiệu suất công việc được nâng lên, hiệu quả trong công tác huấn luyện, đào tạo, tổ chức thi đấu...ngày càng được cải thiện theo hướng hiệu quả, hiện đại và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên quá trình ứng dụng CNTT trong thể thao cũng tạo ra những áp lực nhất định. Đối với các cán bộ, viên chức, huấn luyện viên đó là yêu cầu phải học tập, ngày càng thành thạo các kiến thức về công nghệ thông tin. Đối với vận động viên đó là việc làm quen với cách thức, phương pháp huấn luyện mới, hiện đại, trong đó huấn luyện viên không nhất thiết phải có mặt, “cầm tay chỉ việc”, thị phạm trực tiếp mà có thể tương tác qua trung gian là môi trường mạng. Đối với các cấp quản lý của Trung tâm là nhu cầu phải có một kế hoạch, chiến lược đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất có thể đáp ứng được việc tập huấn, huấn luyện từ xa...

Có thể lấy một ví dụ cụ thể để chứng minh cho hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác huấn luyện: Đội bóng chuyền nữ Doveco Ninh Bình đang tập huấn dài hạn tại Vĩnh Long từ nay cho tới cuối năm 2021 nhằm chuẩn bị cho vòng II giải bóng chuyền vô địch Quốc gia. Do điều kiện địch bệnh nhiều tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách, đội bóng nữ Ninh Bình cũng thực hiện nghiêm việc “cấm trại luyện quân”. Chỉ có hai huấn luyện viên được cử theo đội bóng, trong khi huấn luyện viên trưởng Thái Thanh Tùng vẫn kẹt lại Ninh Bình. Tuy nhiên kế hoạch tập luyện của các nữ tuyển thủ vẫn đảm bảo do ban huấn luyện vẫn thường xuyên trao đổi công việc qua hình thức trực tuyến, các bài tập của toàn đội được quay video và huấn luyện viên trưởng theo dõi trực tiếp. Các yêu cầu về khối lượng, kỹ thuật, chiến thuật...vẫn được thực hiện theo chỉ đạo từ xa của ông Thái Thanh Tùng. Do vậy dù việc huấn luyện gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh song nhờ có công nghệ thông tin hoạt động huấn luyện vẫn được duy trì, đảm bảo. Đây là một trong nhiều ví dụ về tính hiệu quả và tiện lợi trong việc áp dụng thành tựu CNTT trong công tác huấn luyện tại Trung tâm. Các nhiệm vụ khác như: công tác tổ chức thi đấu, quản sinh, bảo vệ an ninh trật tự, lên lịch tập luyện, hoạt động khai thác cơ sở vật chất phục vụ TDTT... cũng được Trung tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện.

 Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm: việc áp dụng thành tựu CNTT trong các hoạt động của Trung tâm có ý nghĩa quan trọng vì đó cũng chính sự hưởng ứng thiết thực của Trung tâm đối với Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 9-3-2021 của UBND tỉnh Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2021.

  Phương Nam