Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Nhiều môn thể thao truyền thống của người Mường Nho Quan được duy trì và phát triển

22/10/2019

Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, với dân số khoảng 15 vạn, trong đó người Mường chiếm 17%. Đồng bào Mường ở Nho Quan sinh sống thành làng bản, tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác xen kẽ ở các xã: Quảng Lạc, Văn Phương, Yên Quang, Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Sơn...

Thi bắn nỏ tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Nho Quan

    Do đặc điểm địa lý, người Mường sống xen kẽ với đồng bào Kinh nên ít nhiều chịu sự giao thoa, ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán và nét văn hóa của nhau. Tuy nhiên, nhiều trò chơi, môn thể thao truyền thống của người Mường Nho Quan hiện vẫn được lưu giữ và phát huy, khẳng định nét văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn huyện Nho Quan.

    Tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2019, nhiều môn thể thao tiêu biểu của người Mường như bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Mường thi đấu và đồng bào dân tộc Kinh dự xem, cổ vũ. Trong đó, một số môn thể thao thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ như ném còn, đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co...

    Ném còn là trò chơi được lưu giữ lâu đời trong đồng bào dân tộc Mường Nho Quan. Hàng năm, mỗi dịp Xuân về, đồng bào dân tộc Mường ở các xã lại tổ chức tục ném còn. Trước đây, trò chơi này không chỉ là một hoạt động vui chơi ngày xuân mang tính cộng đồng, mà thông qua trò chơi này còn là dịp để trai gái tìm hiểu giao lưu với nhau. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống của người Mường gắn với nền nông nghiệp lúa nước.

    Khi chơi, bên ném, bên bắt những quả còn lên xuống nhịp nhàng, lặp đi lặp lại mà không chán, hòa chung tiếng hò reo cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Người ném quả còn bay cao và nếu khéo léo ném quả còn qua vòng tròn - vòng tượng trưng cho mặt trời sẽ mang đi rủi ro của năm cũ. Bên cạnh tính văn hóa, trò chơi tung còn cũng có tính thể thao, rèn luyện cho người chơi sự tinh tế, khéo léo, duyên dáng.

    Trò chơi bắn nỏ là môn thể thao truyền thống tiêu biểu, thể hiện sức mạnh và tinh thần thượng võ của đồng bào dân tộc Mường. Việc sử dụng nỏ để săn bắt giờ không còn phù hợp, nhưng như để nhắc lại truyền thống đấu tranh sinh tồn của tổ tiên, nên vào những dịp lễ hội Xuân, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc thi bắn nỏ lại được tổ chức để tưởng nhớ cội nguồn dân tộc.

     Bắn nỏ là môn thể thao đặc biệt, bởi tên, nỏ, dây cung đều phải tự chế tạo theo kinh nghiệm mỗi người do dụng cụ tập luyện và thi đấu không bán sẵn trên thị trường. Để có dụng cụ tập và thi đấu, các vận động viên phải bỏ ra hàng tháng để tìm gỗ làm nỏ, cây gai làm dây cung và chỉnh sửa từ nỏ thô thành nỏ dùng bắn trong thi đấu sao cho chính xác. Việc vót tên cũng phải thật tỉ mỉ trong từng đường dao. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Vận động viên bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là môn đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và sức mạnh. Tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, môn bắn nỏ thu hút khá đông người dân dự xem và cổ vũ.

    Trò chơi đi cà kheo là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt, kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Để làm chủ được đôi cà kheo cũng đòi hỏi một khoảng thời gian tập luyện, dài hay ngắn tùy theo sự khéo léo của mỗi người. Các cuộc thi và trò chơi đi cà kheo thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi.

    Có thể nói, với ý thức giữ gìn nét văn hóa riêng của dân tộc mình và sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích của các cấp, các ngành, nhiều trò chơi, bộ môn thể thao truyền thống của người Mường Nho Quan hiện đã được phục hồi, lưu giữ và phát triển. Hiện nay, trong các lễ hội Mường, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc còn tổ chức các trò chơi, các cuộc thi thể thao vừa kết hợp giữa hiện đại và cổ truyền, giữa người Mường và người Kinh, như: Thi đánh bóng chuyền, bóng đá, kéo co...; thi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống; thi nấu ăn các món ăn ẩm thực Mường; thi hội trại giữa các địa phương... đã nói lên sự đa dạng và hấp dẫn của nét văn hóa Mường trong đời sống hiện nay.

 

Trích nguồn Báo Ninh Bình